Gần 200 đại biểu tham dự Hội thảo hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ thông tin
28/10/2024 13:42
Sáng ngày 26/10/2024, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã tổ chức Hội thảo “Nhà trường và Doanh nghiệp Công nghệ thông tin năm 2024” với chủ đề: "Định hướng đào tạo công nghệ thông tin trong kỷ nguyên AI". Hội thảo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp trong việc cung ứng nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong kỷ nguyên mới.
Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự hội thảo có gần 200 đại biểu từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ thông tin trên địa bàn TP. Đà Nẵng và cả nước, cùng các em sinh viên chuyên ngành Công nghệ thông tin.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Bách khoa -ĐHĐN được hình thành từ khá sớm, đến nay đã trở thành một ngành đào tạo có ưu thế mạnh của Nhà trường. Sinh viên khoa Công nghệ thông tin đạt rất nhiều thành tích xuất sắc trong các sân chơi lập trình ở trong nước và quốc tế như Cúp vô địch cuộc thi lập trình quốc tế ICPC 2023, Huy chương đồng ICPC Asia Jakarta 2023 và các giải thưởng cao của các lần ICPC Quốc gia và các cuộc thi lập trình khác,…
PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu
Tiền thân của Khoa là Nhóm Tính toán, trực thuộc Bộ môn Toán (Khoa Cơ bản) được thành lập 04 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (1979). Năm 2024, Khoa Công nghệ thông tin tròn 45 năm thành lập. Hiện nay, Khoa Công nghệ thông tin có các chương trình đào tạo gồm Công nghệ thông tin (CNTT) “Đặc thù - Hợp tác doanh nghiệp”; CNTT “Ngoại ngữ Nhật”; CNTT “Đặc thù - Hợp tác doanh nghiệp, chuyên ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo”. Ngành CNTT đã đạt chuẩn AUN-QA năm 2018, được thiết kế theo hướng hợp tác chặt chẽ hơn với doanh nghiệp, các chuyên gia doanh nghiệp cùng tham gia quá trình giảng dạy, hướng dẫn đồ án, thực tập. Năm 2023, cả 03 chương trình đào tạo ngành CNTT của trường đều đạt chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo quốc tế theo tiêu chuẩn ASIIN (viết tắt của Accreditation Agency for Study Programs in Engineering, Informatics, Natural Sciences and Mathematics), là tổ chức kiểm định uy tín (CHLB Đức) trong hệ thống của Hiệp hội kiểm định chất lượng đại học châu Âu (ENQA).
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo (CTĐT) Kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV) là Dự án hợp tác đào tạo giữa hai chính phủ Cộng hòa Pháp và CHXHCN Việt Nam, được triển khai tại Trường Đại học Bách khoa - ĐHĐN từ năm 1999 tuyển sinh chuyên ngành Sản xuất tự động (hợp tác với Trường ĐH Bách khoa Quốc gia Grenoble). Đến năm 2007 tiếp tục mở chuyên ngành Tin học công nghiệp (hợp tác với Trường ĐH Bách khoa Quốc gia Grenoble) và đến năm 2011 mở chuyên ngành Công nghệ phần mềm (hợp tác với Trường Bách khoa Marseille). Cả 03 CTĐT PFIEV đều đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng Châu Âu, theo đánh giá độc lập và công nhận của Ủy ban Bằng Kỹ sư Cộng hòa Pháp (CTI) và Mạng lưới kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo kỹ sư Châu Âu (ENAEE) từ lần kiểm định đầu tiên (năm 2004); liên tục được tái kiểm định, đến nay là lần thứ 4 (chu kỳ 05 năm/01 lần).
PGS.TS. Nguyễn Tấn Khôi - Trưởng khoa, Khoa CNTT trình này tham luận “Đào tạo CNTT, định hướng đào tạo AI & ATTT của Trường Đại học Bách khoa”
TS. Lê Quốc Huy Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Công nghệ tiên tiến, Khoa FAST trình bày về nội dung "Đào tạo nguồn nhân lực chip bán dẫn của Nhà trường"
Hội thảo “Nhà trường và Doanh nghiệp Công nghệ thông tin năm 2024” nhằm hướng tới các mục tiêu:
- Giới thiệu về mục tiêu, định hướng đào tạo ngành CNTT của Nhà trường;
- Định hướng ứng dụng công nghệ AI, An toàn thông tin, chip bán dẫn trong đào tạo tại Trường Đại học Bách khoa - ĐHĐN;
- Trao đổi, thảo luận về định hướng phát triển và hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp;
- Phát triển các mối quan hệ hợp tác giữa Doanh nghiệp và Nhà trường.
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các Khoa Công nghệ thông tin, Khoa Khoa học công nghệ và tiên tiến đã chia sẻ về mục tiêu, định hướng đào tạo ngành Công nghệ thông tin của Nhà trường giúp các doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về quy mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Nhà trường.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự đã được nghe nhiều tham luận có giá trị của các diễn giả đến từ doanh nghiệp, gồm: báo cáo của TS. Dương Hoài Giang Hà - Giám đốc Microsoft GTP InterEdu tại Việt Nam trình bày về các chiến lược hỗ trợ cho trường đại học, giới thiệu tài nguyên và sản phẩm AI của Microsoft cho người dùng, đồng thời cũng chia sẻ về cuộc thi Imagine Cup của Microsoft; báo cáo của TS. Nguyễn Đức Huy về ứng dụng AI trong chuyển đổi số; báo cáo của Ths. Trương Quốc Tuấn (Công ty Nova Square), phân tích về các xu hướng đào tạo công nghệ thông tin trên thế giới, các kỹ năng cần thiết để trở thành sinh viên toàn cầu, đề xuất các chiến lược hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp trong lĩnh vực Khoa học dữ liệu và AI.
Đại diện các doanh nghiệp trình bày tham luận về nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin trong kỷ nguyên AI
Trong phần thảo luận, nhiều lãnh đạo cũng đã góp ý thẳng thắn về yêu cầu đối với sinh viên ra trường về kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc cùng với khả năng ngoại ngữ. Các bạn sinh viên tham dự Hội thảo cũng bày tỏ mong muốn được tăng cường thời gian thực tập, tạo môi trường để sinh viên được học hỏi từ quy trình làm việc, sản xuất của doanh nghiệp. Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến có giá trị và đây là cơ sở để Nhà trường rà soát, đánh giá, cải tiến, cập nhật chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay của các doanh nghiệp.
Chụp ảnh lưu niệm
Tin, ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN