Ra mắt Viện Công nghệ quốc tế đầu tiên tại Đà Nẵng

28/08/2017 17:29

Sáng ngày 25/8/2017, Viện Công nghệ quốc tế Đà Nẵng (DNIIT) - đơn vị nghiên cứu và quản lý đào tạo trực thuộc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã chính thức được ra mắt và đi vào hoạt động.


Từ trái qua, ông Claude Emmanuel Leroy - Điều phối viên dự án khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Đại học Pháp ngữ, GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐHĐN và PGS. Franck Sosthé - Giám đốc Viện Du lịch Ulysee, đại diện ĐH Nice Sophia Antipolis thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành, ra mắt Viện Công nghệ quốc tế Đà Nẵng

DNIIT được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu hợp tác khoa học, đào tạo sau đại học và chuyển giao công nghệ của ĐHĐN với các ĐH và tổ chức quốc tế có uy tín, dựa trên thỏa thuận hợp tác (được ký ngày 18/3/2017) giữa ba thành viên sáng lập là ĐHĐN, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (Agence Universitaire de la Francophonie - AUF) và ĐH Nice Sophia Antipolis - thành viên của Comue Université Côte d’Azur (UNS-UCA), Cộng hòa Pháp.

Không gian trao đổi khoa học kỹ thuật, công nghệ

Xét về mặt cơ cấu tổ chức, DNIIT đi vào hoạt động gồm 3 thành phần chính là: Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ MIRE (Maison de l’Invention et de la Recherche), Trung tâm quản lý đào tạo, thông tin khoa học công nghệ Nice CAMPUS và Trung tâm Kỹ thuật số Pháp ngữ CNFp (Campus Numérique Francophone partenaire).

GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐHĐN cho biết, Trung tâm MIRE tập trung phát triển hợp tác nghiên cứu thông qua các nhóm nghiên cứu phối hợp giữa ĐHĐN và ĐH Nice Sophia Antipolis; đồng thời phát triển hợp tác đào tạo thông qua trao đổi giảng viên và sinh viên ở tất cả các bậc từ đại học, thạc sĩ đến tiến sĩ. Đây cũng được xem là cơ sở hợp tác nghiên cứu sáng tạo, trao đổi thông tin khoa học và chuyển giao công nghệ.

Các chủ đề nghiên cứu chính của MIRE nói riêng và DNIIT nói chung đều tập trung hướng đến IoT (Internet of Things) và các ứng dụng liên quan. “IoT là một trong những nền tảng phát triển cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, hướng hợp tác nghiên cứu của chúng ta hết sức phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và phù hợp với tiềm lực khoa học sẵn có của 2 đại học” – GS.TS Trần Văn Nam nhấn mạnh.


GS.TS Trần Văn Nam phát biểu tại buổi lễ

Tuy chỉ mới đặt những bước nền tảng ban đầu, nhưng với sứ mệnh và quyết tâm của mình, DNIIT tin tưởng sẽ xây dựng và phát triển thành công mô hình một đơn vị nghiên cứu phát minh phụ trách hoạt động hợp tác nghiên cứu ứng dụng, sáng tạo, trao đổi thông tin khoa học và chuyển giao công nghệ; một đơn vị đào tạo và thông tin khoa học (Nice CAMPUS) phụ trách hoạt động hợp tác đào tạo, giảng dạy, truyền thông khoa học trong cộng đồng.

Là thành viên của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) từ năm 1995, ĐHĐN đã cùng với AUF thực hiện nhiều dự án hợp tác như: đào tạo chuyên ngành Pháp ngữ (bậc đại học), đào tạo tiến sĩ, dự án CAI-CNF từ năm 1998 và hiện nay là Trung tâm Kỹ thuật số Pháp ngữ - CNFp. Nằm trong mạng lưới các trung tâm thế hệ mới, CNFp vừa là nơi phục vụ nghiên cứu, đổi mới khoa học và giáo dục, vừa là nơi gặp gỡ giữa các đơn vị kinh tế và công nghiệp, với mục đích phát triển các dự án đổi mới đa phương.

“CNFp cũng là một mô hình mới của AUF để hỗ trợ phát triển hoạt động nghiên cứu và hợp tác quốc tế giữa các trường ĐH trong Cộng đồng Pháp ngữ. Vì vậy, sự ra mắt cùng lúc của Văn phòng Dự án MIRE, CNFp và DNIIT là vô cùng cần thiết và tạo tiền đề để chúng ta cùng tiến vào kỷ nguyên mới của nền Công nghiệp 4.0” – GS.TS Trần Văn Nam chia sẻ.

Phát biểu tại lễ ra mắt, PGS. Franck Sosthé - Giám đốc Viện Du lịch Ulysee, ĐH Nice Sophia Antipolis nhấn mạnh rằng, sự ra đời của DNIIT ngày hôm nay là thành quả của sự quyết tâm lớn của nhiều nhân tố Pháp và Việt Nam, hướng đến việc mang lại cho 2 ĐH những chuyên môn tương ứng gần nhau hơn và hình thành nên một lực lượng có được sự công nhận trên trường quốc tế. Đây đồng thời là một trung tâm vì sự đổi mới.


Các đại biểu tham quan Viện Công nghệ quốc tế

“Theo quan điểm của chúng tôi, hình thức hợp tác quốc tế mới này sẽ đẩy mạnh sự trao đổi giữa giảng viên với nhau, giữa giảng viên – người nghiên cứu và sinh viên ở mọi trình độ, từ các chuyên ngành khác nhau nhưng cùng chung một chương trình hoặc dự án”.

Còn theo ông Claude Emmanuel Leroy - Điều phối viên dự án khu vực châu Á - Thái Bình Dương, AUF, DNIIT đóng vai trò là một không gian gặp gỡ, trao đổi khoa học kỹ thuật và hỗ trợ các ý tưởng nghiên cứu, hợp tác, đào tạo, sáng tạo hướng đến các lĩnh vực ưu tiên như sức khỏe cộng đồng, hoặc các nguy cơ, rủi ro của môi trường.

Mô hình hợp tác quốc tế hiệu quả giúp giải quyết các thách thức của xã hội

Viện Công nghệ quốc tế DNIIT đi vào hoạt động nằm trong chiến lược phát triển của ĐHĐN với quyết tâm sẽ mở ra một chương mới trên chặng đường phát triển theo chiều sâu giữa ĐHĐN và ĐH Nice Sophia Antipolis. Trong đó, hai bên sẽ cùng công nhận các hoạt động chung về nghiên cứu và đào tạo. Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện mô hình “hợp tác ĐH không tường” đã được ươm mầm từ năm 2010 giữa ĐHĐN và ĐH Nice.

Với sứ mệnh thúc đẩy hợp tác quốc tế đa ngành trong nghiên cứu khoa học và đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên của ĐHĐN, DNIIT đi vào hoạt động nhằm phục vụ mục tiêu “đại học định hướng nghiên cứu” của ĐHĐN, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cho cả nước nói chung.


GS.TS Trần Văn Nam trao quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Viện trưởng Viện Công nghệ quốc tế cho TS. Nguyễn Thị Anh Thư (bên trái hình) và TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân (bên phải hình)

Theo GS.TS Trần Văn Nam: “Lễ ra mắt Văn phòng Dự án MIRE, CNFp và Viện Nghiên cứu Quốc tế DNIIT đánh dấu mối quan hệ hợp tác của chúng ta đã được nâng lên một tầm cao mới, thực chất hơn, hiệu quả hơn và góp phần phát triển thuận lợi hơn cho tất cả các đối tác tham gia.

Tôi cam kết, ĐH Đà Nẵng sẽ hỗ trợ tối đa, cả về nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính để Văn phòng Dự án MIRE, CNFp và DNIIT hoạt động hiệu quả trong thời gian đến. Tôi cũng mong muốn rằng, AUF và ĐH Nice sẽ tiếp tục hỗ trợ ĐHĐN trong các dự án này và những dự án khác trong tương lai”.

ĐHĐN đã có gần 30 năm là thành viên của AUF và gần 20 năm hợp tác với ĐH Nice Sophia Antipolis. Mối quan hệ hợp tác với cả 2 đối tác lớn này đã giúp cho ĐHĐN phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững trong suốt thời gian qua.

Ông Claude Emmanuel LEROY cho hay: “Sự ra đời của DNIIT có ý nghĩa hướng đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và sự hợp tác giữa các trường ĐH với nhau, cho phép các đối tác ĐH và nhiều nhân tố kinh tế xã hội nhận thấy các thách thức đặt ra trong thực tế phát triển không ngừng, đó là thách thức về phát triển xã hội và văn hóa trong sự đô thị hóa, phát triển tư pháp và kinh tế trong cộng đồng kinh tế ASEAN.

Những thách thức này đồng thời cũng đặt ra cho nhà trường nhiều cơ hội, nhà trường cần theo dõi và nắm bắt, để đưa ra các chương trình đào tạo theo nhu cầu kinh tế xã hội.

Ngoài vai trò truyền thống, trường ĐH có thể trở thành điều phối chính cho sự phát triển của toàn kinh tế xã hội. Điều này dẫn đến tiềm năng sáng tạo, đổi mới các giải pháp đề nghị để giải quyết các vấn đề, thách thức của xã hội”.


Ông Claude Emmanuel LEROY

Cũng nhân dịp này, Viện Công nghệ quốc tế DNIIT - ĐHĐN cùng với Trường ĐH Bách khoa - ĐHĐN và đại diện của Université Côte d’Azur đã ký một biên bản ghi nhớ với mong muốn thiết lập quan hệ hợp tác khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ, cùng nhau hợp tác mở chiến dịch “Smart Campus” nhằm triển khai các hoạt động nghiên cứu và sáng tạo để phát triển các dịch vụ tự động cho Trường ĐH Bách khoa dựa trên các công nghệ mới về đối tượng kết nối (Connected Objects) và trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence).

Được biết, để hỗ trợ các hoạt động hợp tác khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ giữa hai bên, đặc biệt là cho chiến dịch “Smart Campus”, Viện DNIIT đã tặng cho Trường ĐH Bách khoa 01 ăng-ten Lora, đồng thời hai bên sẽ phối hợp tổ chức các hội thảo về việc sử dụng hệ mạng Lora trong các ứng dụng "Đối tượng kết nối", cũng như tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu hợp tác giữa giảng viên và sinh viên của Nhà trường với các giảng viên trong nhóm TRT IOTIA.


Đại diện ĐH Đà Nẵng và Université Côte d’Azur ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác

Đại học Đà Nẵng – www.udn.vn