DHBK

Nghiệm thu và công bố đề tài KH&CN “Xây dựng mô hình đánh giá mức độ hài lòng của người sử dụng đối với công trình nhà ở”

18/12/2023 15:34

Sáng 07/12/2023, lúc 8h00 tại văn phòng khoa Kiến trúc, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã diễn ra báo cáo tổng kết nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Cơ sở với chủ đề “Xây dựng mô hình đánh giá mức độ hài lòng của người sử dụng đối với công trình nhà ở” do Ths. KTS. Trương Nguyễn Song Hạ làm chủ nhiệm đề tài. Hội đồng nghiệm thu do TS. KTS. Lê Minh Sơn làm chủ tịch và các phản biện, ủy viên hội đồng gồm có: TS. KTS. Lê Trương Di Hạ, Ths. KTS. Đỗ Hoàng Rong Ly, Ths. KTS. Phan Ánh Nguyên.

Đề tài được hội đồng đánh giá cao kết quả và các sản phẩm nghiên cứu với mục tiêu của đề tài là định lượng được sự hài lòng của người dân trong việc sinh sống tại nhà ở (mà cụ thể là nhà chia lô) tại khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng.
1. Nội dung nghiên cứu:

  • Chương 1: Mở đầu: Sự cần thiết của đề tài, mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu
  • Chương 2: Cơ sở khoa học để nghiên cứu, tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước
  • Chương 3: Nội dung nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu: Đề tài tiếp cận 2 phương pháp nghiên cứu là định tính và định lượng.
  • Mục đích của nghiên cứu định tính là khám phá mức độ hài lòng (MĐHL) của người sử dụng nhà phố thông qua việc khám phá các nhân tố ảnh hưởng đến MĐHL đó. Thông qua nghiên cứu định tính, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra sơ đồ 6 nhóm nhân tố ảnh hưởng đến MĐHL của người sử dụng nhà phố như sau:

                  Hình 1 Sơ đồ các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của người sử dụng

  •  Nghiên cứu định lượng nhằm kiểm tra giả thiết đặt ra có đúng hay không, đo lường mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố tác động nhằm xác định nhân tố nào quan trọng nhất. Thang đo các nhân tố tác động đến sự hài lòng dựa trên phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA). Nhóm nghiên cứu cũng thu thập dữ liệu của 170 người sử dụng nhà phố ở 2 quận Thanh Khê và Hải Châu cho mục đích phân tích.

HÌnh 2  Phương pháp nghiên cứu của đề tài

 

  • Chương 4 và 5: Kết quả và thảo luận

Thông qua việc phân tích nhân tố khám phá EFA bằng phần mềm SPSS 20.0 kết quả nghiên cứu đã cho thấy các yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự hài lòng của người dùng đối với nhà phố trong khu vực trung tâm thành phố Đà Nẵng (quận Thanh Khê và Hải Châu) được thể hiện qua mô hình sau:

Hình 3  hình và kết quả nghiên cứu

Với kết quả mô hình như vậy, nhóm nghiên cứu có kiến nghị và đề xuất các giải pháp đối với chính quyền và các đơn vị, cá nhân làm tư vấn thiết kế:

Đối với chính quyền cần ưu tiên các giải pháp sau:

  • Kiểm tra và giám sát điều kiện an toàn khi cấp phép xây dựng nhà ở đảm bảo an toàn (kết cấu, công tác phòng cháy chữa cháy… nhất là các căn hộ trong kiệt, hẻm.
  • Các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật tác động trực tiếp đến sinh hoạt của hộ dân cư (khả năng thoát nước tốt để tránh ngập và thấm cho công trình…)

Đối với các công ty, đơn vị, cá nhân thiết kế:

  • Bố trí công năng căn hộ tập trung vào khu vực phòng ngủ và phòng khách
  • Tổ chức không gian thông thoáng, ánh sáng tự nhiên và điều kiện môi trường một cách hợp lý
  • Đồng thời, tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn về từng vấn đề cụ thể để có giải pháp xây dựng nhà ở thuộc mô hình nhà lô phố đảm bảo tiện nghi tốt nhất

Hình 4 Hình ảnh buổi báo cáo nghiệm thu

 

Tin và ảnh: Khoa Kiến trúc