Khoa Kiến trúc nghiệm thu thành công đề tài Nghiên cứu hình thái không gian đô thị cho tuyến ven biển Võ Nguyên Giáp
05/07/2023 09:23
Lúc 9h30 ngày 22/06/2023, tại văn phòng Khoa Kiến trúc, trường Đại học Bách khoa tổ chức nghiệm thu đề tài Nghiên cứu Khoa học cấp cơ sở: “Nghiên cứu độ mở thị giác trong hình thái không gian đô thị thông qua phương pháp Space syntax cho tuyến ven biển Võ Nguyên Giáp thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.” Mã số: T2022-02-16 do ThS. KTS. Đỗ Hoàng Rong Ly chủ trì.
Hội đồng nghiệm thu do TS. KTS. Lê Minh Sơn làm chủ tịch cùng các Ủy viên đã đánh giá cao các kết quả cũng như sản phẩm của đề tài.
Đề tài cho rằng chất lượng môi trường sống trong đô thị cần được đánh giá đa mặt, quy hoạch cần nghiên cứu không gian và cần sử dụng các công cụ mang tính chặt chẽ dựa trên phân tích, bằng chứng, định tính hay định lượng vào thiết kế đô thị. Kết hợp phân tích nhận thức không gian trực quan và phân tích định lượng để thu thập thông tin, dữ liệu cho mục đích thiết kế và tái tạo đô thị. Điều này cho phép các nhà hoạch định chính sách hình dung quy hoạch và thiết kế không gian có ý thức và hiệu quả hơn trong sự phát triển bền vững của thành phố. Bên cạnh đánh giá định tính thông qua khảo sát, quan sát; đô thị cần được mô tả cách bố trí của bố cục, được phân tích các mối quan hệ giữa các đường phố và không gian thông qua phép đo định lượng. Đề tài tập trung nghiên cứu về độ mở không gian, tầm nhìn, hình thái đô thị. Nêu các khái niệm, thuật ngữ, lý luận khoa học liên quan; phân tích đánh giá các tài liệu liên quan đến phương pháp định lượng hình thái đô thị, Space syntax... Hệ thống hóa các vấn đề nghiên cứu, phân tích và đánh giá vấn đề còn tồn tại. Bên cạnh đo lường và xác định ranh giới, đặc điểm khu vực, đề tài đã đánh giá trực quan và thống kê thông qua SPSS. Mô hình hóa hình thái không gian đô thị tại các khu vực công cộng tuyến ven biển Võ Nguyên Giáp, cùng với thể hiện kết quả với tham số, đồ thị, bản đồ…
Vị trí, phạm vi ranh giới nghiên cứu. Nguồn: Chủ nhiệm đề tài
Mục tiêu đề tài là đánh giá khả năng tiếp cận đường bờ biển, độ mở thị giác bằng hai phương pháp: phương pháp định tính thông qua quan sát, khảo sát khu vực, đánh giá trực quan và phương pháp định lượng thông qua Space syntax. Đề tài đã phân tích cấu trúc và mối quan hệ không gian đô thị với các không gian công cộng trên tuyến ven biển Võ Nguyên Giáp. Từ đó đánh giá kết quả hai phương pháp này để có thể giúp cung cấp một cái nhìn toàn diện về mối quan hệ giữa không gian đô thị và những yếu tố tương tác xã hội, trải nghiệm người dùng tại không gian nghiên cứu.
Bảng chỉ số đánh giá KGCC 3 khu vực nghiên cứu theo Chương trình Định cư Con người của Liên Hợp Quốc UN-Habitat thông qua thống kê SPSS. Nguồn: Chủ nhiệm đề tài
Đề tài kiểm tra tính nhất quán của hai phương pháp định tính và định lượng khác nhau để đo lường chất lượng không gian đô thị. Trong phạm vi của nghiên cứu, phương pháp kỹ thuật số Space syntax- cú pháp không gian được đối sánh với các tiêu chí chính về tiếp cận, độ mở thị giác không gian trong đô thị và việc đánh giá dựa trên kết quả.
Giá trị kết nối, độ sâu, tích hợp của khu vực A,B,C với không gian đô thị. Nguồn: Chủ nhiệm đề tài
Sản phẩm đề tài là một báo cáo chi tiết với các cơ sở khoa học liên quan đến đánh giá tương tác của xã hội có mối liên quan đến các yếu tố trong thiết lập bản đồ Space syntax cấu trúc đô thị kết nối với các khu vực công cộng tuyến ven biển Võ Nguyên Giáp-Tp Đà Nẵng về mức độ tiếp cận, độ mở không gian. Sản phẩm của đề tài có thể được áp dụng cho các dự án liên quan về quy hoạch đô thị, kiến trúc thông qua xem xét mô hình, dự đoán và đánh giá thiết kế đô thị trong tương lai.
Ngoài ra sản phẩm cụ thể của đề tài bao gồm 1 Seminar cấp Khoa, 1 bài báo trong danh mục Hội đồng Giáo sư nhà nước và 1 đề tài NCKH của sinh viên được hướng dẫn bởi chủ nhiệm đề tài.
Tin và ảnh: Khoa Kiến trúc