DHBK

Animation - Công cụ truyền thông thời đại mới

23/03/2023 11:27

Trong những năm gần đây, sự phát triển của khoa học công nghệ đã kéo theo sự phát triển của lĩnh vực truyền thông, tầm quan trọng của truyền thông ngày càng được chú trọng và trở nên phổ biến với nhiều loại hình khác nhau.

Cùng với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật hiện đại nói chung và của ngành đồ họa nói riêng, thông tin đã được thiết kế dưới rất nhiều các hình thức khác nhau, trong đó sử dụng Animation là một phương pháp có nhiều tiềm năng, hứa hẹn là một trong những công cụ truyền thông hiệu quả nhất trong thời đại mới. Animation được sử dụng trong thiết kế thông tin nhằm làm tăng tính trực quan sinh động, thu hút sự chú ý và nâng cao khả năng truyền thông cũng như giá trị thẩm mỹ, từ đó làm cho việc tiếp nhận thông tin trở nên hiệu quả và thú vị hơn rất nhiều. Trên thế giới, việc sử dụng Animation trong thiết kế thông tin đã được ứng dụng khá rộng rãi và mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc truyền đạt thông tin.

Truyền thông là gì?

Có nhiều cách để định nghĩa về truyền thông như sau:

  • Truyền thông là quá trình chia sẻ thông tin, là hình thức tương tác xã hội trong đó có ít nhất hai tác nhân tương tác lẫn nhau, nhằm chia sẻ các quy tắc và tín hiệu chung.
  • Truyền thông là những hoạt động truyền đạt hay lan truyền thông tin.
  • Truyền thông là hình thức truyền đạt, trao đổi thông tin giữa người với người. Người muốn truyền đạt thông tin sẽ áp dụng cách thích hợp để nhắm đến đối tượng cụ thể tiếp nhận thông tin.

Có thể thấy rằng, các định nghĩa, quan niệm khác nhau trên vẫn có những điểm chung cơ bản về truyền thông đó là: truyền là truyền đạt, thông là thông tin. Truyền thông được hiểu một cách đơn giản chính là quá trình truyền đạt thông tin nhằm tác động đến suy nghĩ, tư tưởng của đối tượng truyền thông mà chúng ta muốn hướng đến. Như vậy, từ các quan niệm trên, có thể đưa ra một khái niệm về truyền thông như sau: Truyền thông là quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, tư tưởng, tình cảm… liên tục giữa hai hoặc nhiều người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân/nhóm hay 1 cộng đồng xã hội.

Animation là gì?

Animation quá trình tạo ra ảo giác chuyển động từ nhiều hình ảnh tĩnh ghép lại với nhau thông qua việc sáng tác của người thiết kế bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau như vẽ tay, con rối, đất sét, máy tính,…

Theo Wikipedia, Animation (hay hoạt hình) là dạng video trong đó các hình ảnh được điều khiển để xuất hiện dưới dạng những khung hình chuyển động. Video Animation còn nhiều cách gọi khác như phim hoạt hình, hoạt hình máy tính,… Một dạng Video animation mà tất cả chúng ta đều từng tiếp xúc từ khi còn nhỏ, đó chính là các bộ phim hoạt hình.

Thực tế, sự chuyển động mà chúng ta thấy trong những video đó chỉ là “ảo ảnh thị giác”. Chúng được tạo thành từ nhiều bức vẽ khác nhau, nối tiếp xuất hiện trong cùng một khung hình, tạo cảm giác về những chuyển động liền mạch và ăn khớp.

Các thể loại Animation phổ biến

Animation 2D

Trong những thập kỷ gần đây, Animation 2D đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Nhờ sự can thiệp của ngành công nghiệp kỹ thuật digital đã giúp thể loại này đến gần hơn với nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

So với Animation truyền thông, Animation 2D có sự linh hoạt trong việc sản xuất nhờ công nghệ máy tính. Về bản chất, giữa Animation 2D và Animation truyền thống không khác nhau nhiều.

Animation 3D

Hiểu theo một cách đơn giản nhất thì 3D Animation được xem là một phiên bản cao cấp hơn so với Animation 2D khi tất cả các thiết kế đều được thực hiện trên máy tính trong không gian ba chiều, tạo nên nhân vật và các chi tiết xung quanh đều có hình khối với sự kết hợp hài hoà của hiệu ứng ánh sáng. Thể loại phim hoạt hình 3D đến khoảng 2 thập kỷ trở lại đây phát triển mạnh mẽ.

Motion Graphics

Về bản chất, motion graphics không phát triển từ nghệ thuật hoạt hình. Thể loại này được phát triển từ thiết kế đồ họa (graphic design) còn được gọi là Đồ họa chuyển động.

Motion Graphic là dạng video được tạo nên từ  những chuyển động (motion) của các yếu tố đồ họa (graphic). Các yếu tố đồ họa ở đây có thể bao gồm cả text, hình khối, vector,… được lồng ghép thêm yếu tố âm thanh. Chúng được thiết kế theo những concept nhất định tùy thuộc vào mục đích và môi trường sử dụng.

Stop motion

Stop Motion hay còn gọi là hoạt hình tĩnh vật, đó là một kỹ thuật làm phim mà trong đó các nhân vật được xây dựng được di chuyển từng bước nhỏ và chụp lại từng bước. Theo đó, dựa trên việc ghép các khung hình lại với nhau một cách liên tục để tạo cho người xem cảm giác giống như nhân vật đang thực sự chuyển động. Đây là một quá trình vô cùng kì công và tỉ mỉ.

Để tạo nên những thước phim Stop Motion, các nhân vật thường được các nhà làm phim tạo nên từ chất liệu đất sét hoặc silicon, hoặc đôi khi các đạo diễn còn dùng người thật để làm mẫu cho thể loại phim hoạt hình này.

Xu hướng truyền thông bằng animation video hiện nay

     Xu hướng truyền thông marketing bằng video gần đây đang bùng nổ tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là khi người tiêu dùng càng lúc càng thích xem hơn đọc. Theo ước tính, trong năm 2019, việc tiêu thụ các video content chiếm đến 80% lưu lượng sử dụng internet trên toàn thế giới. Có thể nói, việc sử dụng nội dung bằng video làm phương thức truyền tải thông tin trên internet vẫn sẽ còn thống trị trong một thời gian dài nữa.

     Tuy vậy, người tiêu dùng ngày càng trở nên khó tính hơn cả về nội dung lẫn thẩm mỹ của đối tượng mà họ tiếp nhận. Một người dùng mạng xã hội lướt newsfeed và xem các video trên Facebook sẽ cân nhắc và đưa ra quyết định có xem tiếp hay không trong vòng trên dưới 1 giây. Nếu video content không đủ gây hứng thú, họ sẽ bỏ qua ngay lập tức. Vậy nên, người làm thiết kế và truyền thông cần phải biết tạo ra sức hút ngay từ những giây video đầu tiên.

     Trong thời gian gần đây, thế giới cũng bắt đầu chứng kiến xu hướng video animation được sử dụng vào các dự án thương mại, truyền thông, quảng cáo. Lợi thế đặc biệt của video animation là sự mới mẻ, độc đáo, tạo nên sự nổi bật cho thị trường video marketing vốn đã rất cạnh tranh, chật chội.

Animation tạo ra sức hút bằng hình ảnh

Sử dụng video animation có thể nắm bắt sự chú ý của người xem ngay từ những giây phút đầu tiên qua những hình ảnh hoạt hình sống động, đẹp mắt, màu sắc ấn tượng. Nhân vật hoạt hình dễ thương, gần gũi với mọi người mọi lứa tuổi còn có khả năng truyền tải những câu chuyện, thông điệp một cách hiệu quả mà không hề nhàm chán.

Theo thống kê về video marketing của Smart Insights, 92% marketer cho rằng video là một phần quan trọng của chiến dịch truyền thông. Ở chiều ngược lại, ước chừng mỗi người sẽ dành 100 phút mỗi ngày cho các video online. Bởi vậy, sáng tạo những video hấp dẫn và thú vị chính là cánh cửa triển vọng để bạn tiếp cận khách hàng trong thời đại hiện nay.

Bên cạnh việc là một công cụ cực kì hiệu quả trong việc truyền tải thông tin bằng hình ảnh thị giác, video animation còn mang tới một điểm mạnh nữa mà các thể loại video khác không có được: khả năng đơn giản hóa vấn đề, làm rõ ý tưởng và truyền tải thông điệp nhanh chóng. Mọi ý tưởng, khái niệm, dù phức tạp, hóc búa đến đâu, thay vì giải thích dông dài, xong người xem vẫn không hiểu, thì việc thể hiện ra bằng hình ảnh animation là một giải pháp cực kì hiệu quả qua những video explainer, infographics giúp giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp.

     Ngoài ra, những lý do khiến Animation trở thành một trong những công cụ truyền thông phổ biến nhất hiện nay, đó là:

     Gây được sự chú ý của người xem

     Người dùng Internet có khoảng thời gian chú ý ngắn và sẽ chỉ dành nhiều thời gian cho một video hoặc một bài báo. Hình ảnh động khơi gợi cảm xúc cộng hưởng cho người xem. Nó khơi dậy các cuộc trò chuyện và khiến khán giả của bạn muốn theo dõi câu chuyện.

     Khả năng tùy biến cao

     Animation video mang đến những khái niệm sống động mà video truyền thống không thể. Hãy thử tưởng tượng rằng bạn có thể khiến nhân vật của mình nói tất cả những gì bạn muốn,làm bất kỳ thứ gì thậm chí bay hoặc du hành trong thời gian. Với sự trợ giúp của animation, ta có thể dễ dàng giúp người xem tiếp cận đến những khái niệm, không gian, thời gian, ý tưởng,.. thậm chí là phi thực tế.

     Chi phí sản xuất không quá đắt đỏ

     Chi phí cho một chiến dịch marketing thường không hề nhỏ, và sẽ là một sự phí phạm khi nguồn tài nguyên trong đó chỉ được sử dụng duy nhất một lần.

     Video animation hoàn toàn có thể khắc phục được nhược điểm đó. Nó có thể được điều chỉnh nhiều lần, nhằm phù hợp cho những hoạt động khác nhau. Cũng có thể nhanh chóng sửa chữa khi có những thay đổi về chiến lược, điều kiện khách quan,… Ưu điểm lớn nhất của animation là tiết kiệm tối đa nguồn lực so với các video sử dụng cảnh quay thực. Những chi phí có thể được giảm thiểu đó là: chi phí bối cảnh, trang phục, diễn viên, địa điểm, phương tiện di chuyển, thuê thiết bị,… Khi thực hiện video animation, một ekip giàu kinh nghiệm là yếu tố quan trọng nhất để hiện thực hóa ý tưởng.

Ứng dụng của Animation trong các lĩnh vực

Dưới đây là một số ứng dụng thực tế để minh chứng rằng: Animation hiện nay không chỉ đóng khung ở những thước phim hoạt hình hay game, mà còn xuất hiện ở nhiều lĩnh vực truyền thông khác nhau.

Animation trong Quảng cáo – Thương mại

Sử dụng animation trong quảng cáo là một loại hình thương mại giải trí, tức là sự kết hợp giữa các yếu tố mang tính thương mại và các yếu tố có tính giải trí, không hề phô trương và sáng tạo.

Nếu câu chuyện của bạn không thể truyền tải một cách trọn vẹn bằng các phương tiện truyền thông tĩnh như banner, poster,…, hoặc tính trực quan của hình ảnh là yếu tố cần thiết giúp lan tỏa thông điệp sản phẩm thì một video Animation sẽ trở thành lựa chọn phù hợp. Sau sự xuất hiện của Internet và những công nghệ liên quan, Animation dần khẳng định vị thế với tư cách là hình thức kể chuyện thương hiệu chính thống. Rất nhiều thương hiệu đang tận dụng nó để chia sẻ những câu chuyện thương hiệu của họ. Các mục tiêu khi sử dụng video Animation mà đa phần các doanh nghiệp đều hướng đến là: Tăng cường nhận diện thương hiệu, tăng tỉ lệ tiếp cận đến khách hàng, từ đó tăng doanh số.

Rất nhiều thương hiệu nổi tiếng lựa chọn video Animation cho chiến dịch truyền thông của mình

Trong lĩnh vực quảng cáo-thương mại thì còn phải kể đến thiết kế website, là một phần rất quan trọng trong việc tạo thương hiệu cho 1 doanh nghiệp. Ngày nay, animation đã giành được vị trí đặc biệt trong thiết kế giao diện các trang website và là một trong những công cụ quan trọng nhất để nâng cao sự tương tác giữa giao diện và người dùng. Hiệu ứng animation hiện nay đã bỏ xa những hình động thời ban đầu trên Internet, các trang web cầu kỳ với icon và nháy chuột lấp lánh. Hiệu ứng mới animation chỉ việc tạo ra trang web tương tác và đáp ứng cao để tăng khả năng thu hút cũng như giúp người dùng có những trải nghiệm thoải mái hơn. Có thể nói, Animation là một cách rất mạnh mẽ để làm cho sản phẩm trở nên đơn giản, rõ ràng và tập trung hơn vào người dùng, mang lại trải nghiệm tích cực.

Animation trong Giáo dục

     Sử dụng Animation trong giáo dục ngày càng trở nên phổ biến như là một xu hướng mới trong giáo dục. Animation giúp việc học trở nên sống động, giảm bớt việc học các khái niệm phức tạp và dễ dàng áp dụng cho hầu hết các môn học. Nó giúp cho các thầy cô giáo giải thích các khái niệm khác nhau dưới sự trợ giúp của các hình ảnh trực quan sinh động hoặc game, dù là dưới hình thức dạy trực tiếp hay online hay với bất cứ chủ đề nào được lựa chọn, phương pháp này cũng mang lại hiệu quả tương tác tốt hơn nhiều so với phương pháp truyền miệng và ghi chép truyền thống. Do đó, hẳn nhiên, đây là một cách tiếp cận học tập thú vị, thúc đẩy hiệu quả tiếp thu bài học, mang lại nhiều lợi ích cho các thầy cô giáo và học sinh/sinh viên.

Video Animation giảng dạy môn Toán cho trẻ em

 

Animation trong Y tế

Trong y học, việc học từ các mô phỏng 3D đã góp phần tạo điều kiện cho người dạy và người học tiếp cận gần hơn với kiến thức thực tế một cách trực quan, sống động. Trước khi đưa vào thực hành, người học có thể quan sát trên mô hình và xác định được các bộ phận cơ thể người, hình dạng như thế nào, cách tác động trên cơ quan sống ra sao,… Bên cạnh đó, công nghệ in 3D xuất hiện như “cuộc cách mạng” trong việc tạo ra các cơ quan, bào chế thuốc, sản xuất thiết bị y khoa,… hỗ trợ đắc lực cho ngành Y tế.

Animation trong Kiến trúc

     Tiến bộ công nghệ đã cách mạng hóa nhiều ngành công nghiệp và kiến trúc cũng không phải là ngoại lệ. Animation được sử dụng trong kiến trúc chủ yếu là quá trình chuyển động tạo nên kết xuất video mô phỏng quá trình thiết kế, hình thành cho các tòa nhà hoặc các không gian kiến trúc. Quá trình này bao gồm việc tạo mô hình 3D chi tiết của dự án, những hoạt ảnh này có thể bao gồm ngoại thất, nội thất và phong cảnh cũng như những thứ như nước, ô tô và con người. Chúng cũng có thể có âm thanh và hiệu ứng để tối đa hóa phần trình bày hình ảnh. Điều này làm cho việc mô phỏng về các công trình trở nên dễ hiểu hơn nhiều so với bản vẽ kỹ thuật hoặc ảnh tĩnh. Khán giả có thể xem nhiều không gian khác nhau cùng một lúc mà không cần phải cuộn qua album hoặc ngồi xem bản trình bày trình chiếu. Nó cũng cho phép người xem trải nghiệm giống với việc thực sự nhìn thấy không gian trực tiếp, mang lại cảm nhận thực tế và cái nhìn chính xác hơn về 1 công trình chưa hiện hữu hoặc chưa tiếp cận được.

            


Animation sử dụng trong Kiến trúc tuy đơn giản chỉ là những chuyển động, không có nội dung kịch bản rõ ràng, nhưng lại mang lại những giá trị vượt trội cho việc truyền thông, marketing trong kiến trúc mà ít có công cụ nào mang lại được. Có thể kể đến một số những lợi ích mà nó mang lại như sau:

-   Trình bày thiết kế một cách chi tiết nhất

     Có rất nhiều chi tiết nhỏ cấu thành nên thiết kế của một bản vẽ, và người KTS cần Animation hiển thị những chi tiết dù là nhỏ nhất, để thể hiện sự cẩn thận và tận tâm đến khách hàng của mình.

Đó cũng có thể là chi tiết làm cho một thiết kế nổi bật so với đối thủ cạnh tranh. Đây là lý do tại sao việc thể hiện ngay cả những chi tiết nhỏ nhất cho khách hàng lại quan trọng đến vậy. Với Animation, KTS có thể làm được điều này mà các công cụ khác không làm được.

-   Hình dung ý tưởng trước khi chúng cụ thể hóa

    

Kết xuất 3D Animation trong Kiến trúc giúp KTS trực quan hóa các ý tưởng trước khi chúng được thực hiện cụ thể. Thông qua nó có thể lựa chọn những phương án tốt nhất cho thiết kế, loại bỏ những ý tưởng không hiệu quả, thay đổi thiết kế khi cần thiết khi chưa có công trình thực tế.

  • Cung cấp trải nghiệm tương tác cho khách hàng

     Khi tạo ra kết xuất 3D Animation cho thiết kế kiến trúc của mình, KTS cho phép khách hàng của mình có những trải nghiệm tương tác thực tế ảo, họ sẽ có thể đi lang thang trong tòa nhà, rẽ vào các góc, đi qua các cánh cửa và cảm nhận thiết kế như thể họ đang thực sự ở đó.

     Khi khách hàng được trao khả năng này, họ có thể nhìn rõ bức tranh toàn cảnh, từ đó thể hiện quan điểm cá nhân để đóng góp cho bản thiết kế được hoàn thiện hơn.

     Sử dụng 3D Animation trong các chiến dịch truyền thông, quảng cáo là 1 phương án tối ưu mà các KTS cần làm để đứng vững trong sự cạnh tranh cao của ngành Kiến trúc hiện nay. Công cụ giao tiếp hiệu quả trong thời đại mới này sẽ giúp KTS thực sự nổi bật cùng với những bản video chất lượng, tỉ mỉ và đẹp mắt của mình.

     Kết luận

Có thể thấy rằng, khi xã hội phát triển cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin thì nhu cầu tiếp nhận thông tin của con người cũng trở nên khắt khe hơn. Cách thức truyền thông cũng theo đó mà đa dạng hơn rất nhiều để đáp ứng thị hiếu của người tiếp nhận. Lựa chọn cách thức truyền thông hiệu quả và phù hợp là một bài toán đặt ra cho các nhà thiết kế truyền thông hiện nay, và trước những lợi thế của mình, Animation đang dần trở nên vô cùng phổ biến và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau dưới nhiều cách thức khác nhau bằng sự sáng tạo không ngừng của các nhà thiết kế. Có thể nói rằng, Animation chính là công cụ truyền thông trong thời đại mới.

THS. VŨ PHAN MINH TRANG

Khoa Kiến trúc - Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng

 

     Lời cảm ơn: Bài báo hoặc báo cáo này được tài trợ bởi Trường Đại học Bách khoa - ĐHĐN với đề tài có mã số: T2022-02-40

Tài liệu tham khảo

  • https://idesign.vn/tag/animation/
  • https://mowe.studio/what-is-motion-graphics/
  • Luận văn thạc sĩ Mỹ thuật ứng dụng “ Thiết kế hoạt hình ứng dụng trong giảng dạy môn Mỹ thuật cho học sinh lớp 6 tại thành phố Hồ Chí Minh” Trương Tùng Chinh
  • Do Animated Disney Characters Portray and Promote the Beauty–Goodness Stereotype? - Doris Bazzini, Lisa Curtin, Serena Joslin, Shilpa Regan, Denise Martz