DHBK

Giới thiệu nghiên cứu mới của giảng viên Khoa Kiến trúc - Nghiên cứu bản sắc kiến trúc và đô thị Hà Nội từ năm 1873 đến 1902

16/10/2023 14:40

TS. Nguyễn Hồng Ngọc, giảng viên  Khoa Kiến trúc Trường Đại học Bách Khoa Đại học Đà Nẵng vừa xuất sắc công bố một nghiên cứu mới trên tạp chí Journal of Urban design của Nhà xuất bản Routledge. Đây là tạp chí ISI thuộc nhóm Q1 có mức độ ảnh hưởng rất cao trong lĩnh vực Đô thị học và Quy hoạch (theo Scimago). Bài báo có tiêu đề: Reconceptualizing urban identity: a study of Hanoi’s form and pattern languages from 1873 to 1902.

Trong bài báo mới của mình, TS. Nguyễn Hồng Ngọc, đã góp phần giải quyết một vấn đề quan trọng trong kiến trúc và đô thị: vấn đề bản sắc. Nhiệm vụ tìm hiểu bản sắc đô thị luôn gặp nhiều trở ngại bởi sự liên quan phức tạp giữa các vấn đề môi trường hình thể, cấu trúc xã hội và lịch sử. Hà Nội là một trường hợp nghiên cứu đáng chú ý do sự phát triển đô thị đặc biệt của mình trong giai đoạn từ năm 1873 đến 1902. Giai đoạn này chứng kiến sự kết hợp của truyền thống kiến trúc và đô thị Việt Nam và ảnh hưởng của phương pháp quy hoạch đô thị phương Tây. Vì lẽ đó thành phố đạt được một hình thức và bản sắc đô thị độc đáo. Trong các nghiên cứu đô thị, việc tìm ra một phương pháp chắc chắn để nghiên cứu sâu hơn về bản sắc đô thị vẫn còn là một nỗ lực chưa được giải quyết rốt ráo. Nghiên cứu của TS. Ngọc góp phần giải quyết khoảng trống học thuật này bằng cách sử dụng một cách tiếp cận sáng tạo về ngôn ngữ hình thức và ngôn ngữ kiểu mẫu, được bổ sung bởi chỉ số Coherent do tác giả phát triển, để giải mã bản sắc đô thị rất tinh tế của Hà Nội trong giai đoạn được nêu trên.

Đứng ở trung tâm của nghiên cứu này là việc vận dụng ngôn ngữ hình thức và ngôn ngữ kiểu mẫu dựa trên lý thuyết do Christopher Alexander phát triển. Sự tương tác qua lại của các ngôn ngữ này chứa đựng bản sắc đô thị, bởi nó đã vượt qua vấn đề thuần túy hình thể để đi sâu vào các động lực xã hội, chính trị và sinh thái.

Bên cạnh đó nghiên cứu này đã giới thiệu chỉ số Coherent như một phương pháp tiên phong. Đây chính là nỗ lực định lượng và giải thích các kiểu mẫu cốt lõi quan trọng trong việc hình thành bản sắc đô thị của Hà Nội. Bằng cách xem xét bản sắc đô thị thông qua lăng kính này, nghiên cứu đã loại bỏ các thông tin gây nhiễu để tìm ra được các tương tác phức tạp của các yếu tố xã hội và môi trường đã đóng góp vào hình thức đô thị độc đáo của Hà Nội.

Nghiên cứu kết luận rằng hình thức đô thị Hà Nội được đặc trưng bởi sự kết hợp hài hòa của nhiều loại tỷ lệ, sự kết nối rõ ràng giữa các thành phần đô thị, và sự nổi bật của các điểm nhấn mang theo các dấu ấn lịch sử, xã hội và chính trị của thành phố. Hình thức Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX thể hiện sự phụ thuộc lẫn nhau về nhu cầu xã hội và chính trị của dân cư đa dạng, mối quan hệ với môi trường tự nhiên, và uy tín, an ninh của thành phố cùng với giá trị biểu tượng của nó.

Hà Nội năm 1873 (trích từ bài báo của TS. Nguyễn Hồng Ngọc)

Tính chất phổ quát và khả năng thích ứng của phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu này cung cấp một khuôn khổ lý thuyết chắc chắn để khám phá bản sắc đô thị trong các bối cảnh khác nhau. Sự linh hoạt này mở ra con đường mới cho các nghiên cứu trong tương lai để có thể tinh chỉnh chỉ số Coherent và kiểm tra khả năng áp dụng của nó trên một phạm vi rộng lớn của các bối cảnh và quy mô thiết kế đô thị.

Khoa Kiến trúc chúc mừng thầy Nguyễn Hồng Ngọc và mong đợi những công bố chất lượng mới của thầy và nhóm nghiên cứu.

Tin và ảnh: Khoa Kiến trúc