DHBK

Giảng viên Khoa Kiến trúc đóng góp ý kiến phản biện trong Quy hoạch xây dựng cảng Liên Chiểu

13/01/2019 06:50

        Báo Đất Việt có bài đăng "Đà Nẵng muốn làm cảng Liên Chiểu: Cần thận trọng" viết về các ý kiến phản biện của TS Lê Minh Sơn - trưởng Bộ môn kiến trúc (ĐH Bách Khoa - ĐH Đà Nẵng)  trong Quy hoạch xây dựng cảng Liên Chiểu. Khoa Kiến trúc xin giới thiệu toàn bộ nội dung bài báo như sau:

        Bỏ dễ, chọn khó

        TS Lê Minh Sơn - trưởng Bộ môn kiến trúc (ĐH Bách Khoa - ĐH Đà Nẵng) cho rằng, Đà Nẵng là một thành phố cảng vì thế, việc xây dựng thêm cảng mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, du lịch địa phương là cần thiết.

                                                Cảng Tiên Sa có vị trí quan trọng đối với an ninh quốc phòng. Ảnh min họa

        Tuy nhiên, lựa chọn vị trí xây dựng cảng như thế nào? Làm sao để cảng phát huy được tối đa hiệu quả? thì Đà Nẵng phải tính toán, cân nhắc rất thận trọng.

        Là người từng nghiên cứu nhiều năm về quy hoạch kinh tế, xã hội của Đà Nẵng, TS Lê Minh Sơn chỉ ra nhiều vấn đề phải xem xét.

        Thứ nhất, về nguồn vốn xây dựng cảng dự kiến gần 33.000 tỷ. TS Lê Minh Sơn cho rằng, đây là số tiền rất lớn. Trong khi Đà Nẵng đã có cảng Tiên Sa vẫn đang hoạt động rất hiệu quả nhưng lại muốn xây thêm cảng mới thì phải tính toán rất thận trọng, nếu sử dụng không khéo dễ dẫn tới bị lãng phí, không hiệu quả.

        Cụ thể, về luận chứng của Đà Nẵng khi cho rằng, xây dựng cảng Liên Chiểu là vì tốc độ tăng trưởng tổng lượng hàng của cảng Đà Nẵng đang tăng nhanh. Dự báo sẽ đạt khoảng 10 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 30 triệu tấn vào năm 2030. Đà Nẵng lo ngại lượng hàng này sẽ vượt mức năng lực của khu bến Tiên Sa, Sơn Trà (thuộc cụm cảng Tiên Sa - Thọ Quang) sau năm 2020 là chưa đủ tin cậy.

        Cần phải có đánh giá cụ thể, khách quan, chính xác về lưu lượng tàu thuyền ra vào cảng cũng như lượng hàng hóa vận chuyển qua cảng để có phương án xử lý cho phù hợp.

        Tiếp đến là lấy lý do lượng hàng hóa vượt qua khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông kết nối cảng đi qua nội đô Đà Nẵng, gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tới môi trường, tác động tiêu cực đến môi trường du lịch và đời sống nhân dân, gây ra nhiều vụ tai nạn trên địa bàn là chưa thuyết phục.

        Nếu chỉ dựa vào việc kê khai một vài vụ tai nạn giao thông rồi nói rằng phải xây dựng cảng Liên Chiểu để thay thế cho cảng Tiên Sa là rất cảm tính. Để xây dựng một dự án, các cơ quan quản lý phải xây dựng các luận cứ, luận điểm rất rõ ràng, cụ thể bằng con số thì người dân mới tâm phụ, khẩu phục.

        Vấn đề thứ hai như đã nói ở trên, việc lựa chọn vị trí đặt cảng Tiên Sa là do khu vực này hội đủ các yếu tố thiên - thời - địa - lợi để phục vụ cho một cảng biển phát triển. Tuy nhiên, trái ngược với cảng Tiên Sa, khu vực lựa chọn xây dựng cảng Liên Chiểu lại không có được những điều kiện thuận lợi, phù hợp để xây dựng một cảng vận tải.

        Cái khó nhất hiện nay chính là việc xây dựng đê chắn sóng. Các nhà đầu tư cũng ngại nhất công đoạn này do đổ vốn xây dựng hệ thống đê chắn sóng tiềm ẩn rủi ro rất cao.

        "Vậy thì tại sao Đà Nẵng phải bỏ đi một cái dễ, lựa chọn cái khó hơn để làm?", TS Lê Minh Sơn đặt câu hỏi.

        Khó quản lý

        Về vấn đề thứ ba, TS Lê Minh Sơn chỉ rõ tầm quan trọng của cảng Tiên Sa đối với mục tiêu phát triển kinh tế cũng như tầm quan trọng về an ninh quốc phòng.

        Vị TS cho biết, cảng Tiên Sa thuộc bán đảo Sơn Trà, nằm trong Vịnh Đà Nẵng nên có vị trí vô cùng thuận lợi. Cảng Tiên Sa là cảng biển nước sâu mang tầm vóc là một cảng biển lớn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của thành phố Đà Nẵng trong nhiều năm qua.

        Hơn nữa, lựa chọn bán đảo Sơn Trà xây dựng cảng Tiên Sa là các chuyên gia đã tính toán để tận dụng được đầy đủ các lợi thế tự nhiên của bán đảo Sơn Trà như: là khu vực nước sâu, sóng êm, gió nhẹ, không phải làm đê chắn sóng, vì thế đã tiết kiệm được rất nhiều kinh phí.

        Không những là khu vực thuận lợi về vận tải biển, bán đảo Sơn Trà còn rất được coi trọng, đặc biệt về an ninh quốc phòng. Vì lẽ này mà Pháp, Bồ Đào Nha, Hà Lan... đều đánh giá cao vai trò, vị trí của cảng Tiên Sa.

        Tuy nhiên, theo chủ trương của Đà Nẵng là muốn xây dựng cảng Liên Chiểu để thay thế cảng Tiên Sa nhằm biến đổi công năng, biến cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, TS Lê Minh Sơn cảnh báo Đà Nẵng phải cân nhắc.

        "Ai cũng biết bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng có tiềm năng khai thác, phát triển du lịch rất lớn, được xem là miếng mồi ngon mà nhà đầu tư nào cũng muốn nhòm ngó tới.

        Nếu bây giờ Đà Nẵng muốn hoán đổi công năng của cảng này, biến cảng Tiên Sa từ một cảng vận thành trở thành cảng du lịch đơn thuần thì cũng có nghĩa là đang thương mại hóa khu vực bến cảng này.

        Cùng với đó, việc kiểm soát các hoạt động thương mại, quản lý yếu tố con người ra vào, sinh hoạt tại khu vực này sẽ rất khó khăn.

        Việc này đồng nghĩa với nhiều nguy cơ bất lợi đe dọa tới vấn đề an ninh, an toàn cho khu vực bán đảo Sơn Trà, đặc biệt là về vấn đề an ninh quốc phòng. Vì những yếu tố  trên, Đà Nẵng cần phải cân nhắc, xem xét thận trọng chủ trưởng xây dựng cảng Liên Chiểu để thay thế cho cảng Tiên Sa", TS Lê Minh Sơn nói rõ.

Tin và bài: Hoài An - Báo Đất Việt

https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/da-nang-muon-lam-cang-lien-chieu-can-than-trong-3366260/