DHBK

Những câu hỏi lớn trong tổ chức đào tạo Kiến trúc sư

05/03/2019 10:52

Vào năm 1998, trong bài viết “Đào tạo Kiến trúc sư (KTS) đang lâm vào khủng hoảng” [1], KTS Nguyễn Văn Tất đã chỉ ra 4 khủng hoảng lớn sau:

a- Khủng hoảng thừa: “Các chương trình đào tạo hiện nay quá đa hệ, dù đã kéo dài 5 năm rưỡi vẫn không có chỗ cho sự tỉ mẩn của các giáo trình đào tạo KTS sáng tác”. Hiện nay, khủng hoảng thừa còn cả ở số lượng, đào tạo nhiều, nhưng không biết xã hội cần gì và cần bao nhiêu;

b- Khủng hoảng thiếu: “Vì không có mục tiêu đào tạo khác hệ đào tạo duy nhất hiện có, nên hàng loạt nhu cầu rất bức xúc, rất thực tế của xã hội hiện tại bị trống chỗ”;

c- Khủng hoảng về cơ cấu: “KTS sáng tác, KTS quản lý và khai triển, trung cấp kỹ thuật, họa viên chuyên nghiệp nên có số lượng phân bố theo hình kim tự tháp. Chúng ta thì đang có một kim tự tháp ngược”;

d- Khủng hoảng chuyên ngành: “KTS đang ra trường, họ không đủ độ chín về một mặt nào đó mà họ sở trường: Ý tưởng sáng tạo, lý luận sáng tác, kỹ thuật kiến trúc, điều phối viên kiến trúc, (ngày nay còn có thêm chuyên gia mô phỏng hiệu năng) …, trong khi lại biết sơ sài về quá nhiều thứ”.

Đến nay, hơn 19 năm sau tiếng chuông báo động ấy, phát biểu của KTS Nguyễn Văn Tất dường như vẫn còn nguyên tính thời sự? Đào tạo KTS ở nước ta đang trải qua một giai đoạn bùng nổ nhanh chóng với gần 30 cơ sở đào tạo KTS hiện nay. KTS ra trường nhiều đến mức khó thống kê chính xác, chất lượng đầu ra thì không ai đo đếm kiểm soát, phó mặc cho xã hội sàng lọc hoặc đào tạo lại. Trước thách thức đó, việc tổ chức đào tạo KTS cần được rà soát lại. Ở đây, tôi muốn bàn luận và chia sẻ các vấn đề mấu chốt thông qua khảo sát kinh nghiệm từ nhiều cơ sở đào tạo. Theo chúng tôi, để có được một chương trình và hệ thống tổ chức đào tạo hoàn chỉnh, cơ sở đào tạo KTS cần giải quyết thấu đáo các vấn đề cốt lõi sau đây:

1. Triết lý đào tạo – tầm nhìn và sứ mệnh của trường là gì?

Triết lý đào tạo

Ẩn sau mỗi trường, mỗi giáo viên là một tập hợp các niềm tin – một thứ triết lý của đào tạo – ảnh hưởng đến việc sinh viên (SV) được dạy cái gì và dạy như thế nào. Triết lý đào tạo trả lời câu hỏi về mục đích giáo dục, vai trò của giáo viên, những gì cần được giảng dạy và bằng phương pháp nào. Nhiều trường đào tạo kiến trúc ở nước ta chưa quan tâm đến điều này, chưa thấy được vai trò kim chỉ nam cho hành động của triết lý đào tạo. Ví dụ, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng với triết lý giáo dục: “Tư duy, sáng tạo, nuôi dưỡng lòng nhân ái” – Hướng đến mục tiêu đào tạo ra những con người trí tuệ, bản lĩnh, có khả năng tư duy độc lập, biết sáng tạo những cái mới có ích, biết phê phán, phản biện và có một tấm lòng nhân ái, biết sống có trách nhiệm với Tổ quốc.

Tầm nhìn và sứ mạng

Tầm nhìn của một cơ sở giáo dục gợi ra một định hướng cho tương lai, một khát vọng của một trường, một ngành về những điều muốn đạt tới. Tầm nhìn là một hình ảnh, một bức tranh sinh động về tầm vóc của trường hay ngành đào tạo trong tương lai. Tầm nhìn là thông điệp ngắn gọn và xuyên suốt định hướng hoạt động đường dài của trường, khoa. Thông qua tầm nhìn, trường và khoa đào tạo sẽ định hướng được việc cần làm và không cần làm.

Sứ mạng của một trường, khoa với vai trò đào tạo là khái niệm dùng để chỉ mục đích, lý do và ý nghĩa của sự ra đời và tồn tại của nó. Một bản tuyên bố sứ mạng tốt phải được xây dựng trên cơ sở định hướng người học, cho thấy ý nghĩa, lợi ích của sản phẩm, dịch vụ và hoạt động của trường (hay khoa) đối với họ.

Xin được giới thiệu tầm nhìn và sứ mạng của Trường Kiến trúc thuộc Đại học bang Montana, Hoa Kỳ để bạn đọc tham khảo:

– Tầm nhìn: Nhận thức được kiến trúc là nhu cầu cơ bản của con người, chúng tôi cố gắng đóng vai trò thiết yếu và sáng tạo trong việc nâng cao điều kiện sống cho con người.
– Sứ mạng: Trường Kiến trúc Montana đào tạo những SV biết gắn kết một cách nghiêm túc với xã hội và môi trường tự nhiên bằng cách thấm nhuần các nguyên lý cơ bản của thiết kế, truyền cảm hứng cho tinh thần khám phá và thử nghiệm sáng tạo trong việc định hình môi trường xây dựng.

2. Xây dựng Mục tiêu và Chuẩn đầu ra của chương trình tương thích yêu cầu?

Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình phải bao gồm 3 nhóm Kiến thức – kỹ năng (ngoài chuyên môn) – thái độ, và có biện pháp kiểm tra đánh giá mức độ đạt chuẩn của người học. Chuẩn đầu ra của KTS có thể nhiều, nhưng cần thỏa mãn tối thiểu 7 tiêu chí của UIA – UNESCO và thỏa thuận Canberra (Canberra Accord) 2008 gồm:

– Áp dụng các kiến thức đã thu nhận được vào việc thiết kế, vận hành và cải thiện các hệ thống, các tiến trình và môi trường (kiến thức chuyên môn);
– Hình thành và giải quyết các vấn đề kiến trúc tổng hợp, phức tạp (kiến thức chuyên môn);
– Hiểu rõ và giải quyết được các tác động về môi trường, kinh tế và xã hội của công trình kiến trúc (kiến thức chuyên môn);
– Có thể trao đổi có hiệu quả với khách hàng, cộng đồng (kỹ năng giao tiếp);
– Khuyến khích quá trình học tập suốt đời và phát triển nghề nghiệp sau khi ra trường (kỹ năng tự trang bị kiến thức);
– Hoạt động phù hợp với các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của KTS (thái độ);
– Ủng hộ và phát triển tốt hơn môi trường dành cho con người trong xã hội đương đại (thái độ).

3. Xây dựng mô hình đào tạo

Đào tạo KTS cần có một mô hình phù hợp với mục tiêu đào tạo. Cơ sở đào tạo cần xác định việc đào tạo được tổ chức theo xưởng, theo lớp, hay theo nhóm; cách tiếp cận lấy người thầy hay người học làm trung tâm; áp dụng các mô hình giáo dục mới (CDIO chẳng hạn); đào tạo chuyên ngành tương ứng với KTS sáng tác, KTS quản lý và khai triển, trung cấp kỹ thuật, họa viên chuyên nghiệp…; đào tạo thông thường hay đào tạo tinh hoa… Chúng tôi xin giới thiệu một mô hình đào tạo mà một trường trong nước đang theo đuổi: “Chương trình đào tạo chuẩn quốc tế; Phương pháp giảng dạy chú trọng tư duy và thực hành; Môi trường học tập và thực hành hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ; Liên kết chuyên gia và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc”.

4. Quy trình xây dựng và cải tiến liên tục chương trình đào tạo

Việc xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo nhằm đáp ứng các chuẩn chương trình đào tạo quốc tế, đáp ứng chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế (ví dụ: ABET, AUN-QA…). Nếu tốt hơn, chương trình có thể hướng đến việc kiểm định bởi 8 tổ chức kiểm định công nhận đào tạo KTS của thế giới (gồm CAA – Australia, CACB – Canada, COMAEA – Mexico, KAAB – Hàn Quốc, NAAB – Mỹ, NBAA – Trung Quốc, RAIA – Australia, RIBA – Anh) bắt đầu áp dụng đối với sinh viên nhập học từ tháng 01/2010. Việc kiểm định phải được thực hiện định kỳ nhằm đảm bảo duy trì chất lượng chương trình đào tạo theo thời gian. Trong một bài viết [2], nhóm tác giả nhận định trong thời gian tới cần “Đưa hệ thống đào tạo kiến trúc của các trường đạt chuẩn theo sự công nhận và kiểm định của quốc tế nhưng đồng thời vẫn phát huy được sắc thái đặc trưng mà mỗi cơ sở đào tạo đã và đang tạo dựng”.

5. Tuyển chọn Đầu vào ngành kiến trúc

Không có một quy chuẩn nào về hình thức tuyển chọn đầu vào cho ngành Kiến trúc. Hầu hết các cơ sở ở Việt Nam tuyển thí sinh qua thi vẽ mỹ thuật và kết quả học tập các môn tự nhiên hoặc xã hội. Thực tế cho thấy qua bài vẽ mỹ thuật (thiên về kỹ thuật thể hiện), chúng ta khó đánh giá một cách toàn diện 2 tố chất cơ bản của người học và làm kiến trúc: Sáng tạo – tư duy logic. Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã thực hiện phân tích mối tương qua kết quả các môn thi đầu vào và kết quả học tập cuối khóa của sinh viên Kiến trúc khoá 2010-2015. Kết quả cho thấy, môn thi Toán rồi đến môn Lý có tương quan với kết quả đầu ra, và kết quả này có ý nghĩa thống kê (P ≈ 0.00). Riêng môn Vẽ mỹ thuật thì hoàn toàn không có mối liên hệ nào (P > 0.05) (Xem hình). Có tới 63% SV tốt nghiệp loại khá giỏi có điểm thi Vẽ đầu vào ở mức thấp (6 trở xuống). Điều này đặt ra một câu hỏi liệu có cần thi Vẽ mỹ thuật, khi SV Kiến trúc cần giỏi môn Tự nhiên và giàu tư duy sáng tạo.

 Mối quan hệ điểm đầu vào và học lực đầu ra của sinh viên Kiến trúc

Hiện nay đã xuất hiện những cách làm khác, như Đại học FPT chẳng hạn: Họ tuyển qua thi Trắc nghiệm Toán, Tư duy logic và Khả năng sáng tạo. Điểm khác trong tuyển sinh ngành Kiến trúc tại Đại học FPT là thí sinh không thi môn năng khiếu (môn Vẽ), mà được đánh giá khả năng tư duy hình ảnh theo đề thi riêng. Tham khảo các trường Kiến trúc quốc tế, chúng tôi nhận thấy hình thức vô cùng đa dạng. Đại học Liège chỉ thi Toán và xét hồ sơ; Đại học Bauhaus Weimar thi Toán, Lý, ngôn ngữ, văn học Đức và năng khiếu; Đại học Tokyo thi Toán, Lý, Vẽ, Lý thuyết Kiến trúc; Đại học INSA Strassbourg thi Toán, Lý, Văn, Vẽ và phỏng vấn; các trường Hoa Kỳ chủ yếu là xét hồ sơ và học bạ…

6. Quy mô đào tạo

Quy mô đào tạo được xác định căn cứ trên nhu cầu thị trường lao động, khả năng đáp ứng của cơ sở đào tạo. Khi học lý thuyết, số giảng viên tính trên đầu sinh viên khoảng 1/25 thì có thể chấp nhận được trong điều kiện nước ta. Nhưng khi học đồ án, đối với ngành đặc thù như Kiến trúc cần giới hạn số SV/ một giảng viên ở khoảng 8 đến 10 em – Đó là mức độ mà quan hệ tương tác giữa giáo viên với SV còn hiệu lực trong quá trình làm việc tại xưởng. Nếu áp dụng mô hình đào tạo theo xưởng, ví dụ một trường có 40 giảng viên ngành Kiến trúc thì chỉ nên có tổng cộng không quá 400 sinh viên các khóa. Trên thực tế nước ta, điều này thường không được đảm bảo, đặc biệt tại các trường lớn.

7. Tổ chức giảng dạy đồ án Kiến trúc

Trong vấn đề này cần trả lời hàng loạt câu hỏi: Số đồ án kiến trúc trong một học kỳ? Thời gian thực hiện một đồ án? Số giờ đồ án trong một tuần? Tỷ lệ giảng viên/SV khi làm đồ án? Đồ án thực hiện ở đâu? Làm đồ án theo nhóm hay đơn lẻ từng em? Đánh giá đồ án như thế nào? Đồ án Tốt nghiệp thực hiện ra sao? Theo kết quả khảo sát từ 11 trường đào tạo KTS (chủ yếu ở nước ngoài) [3], chúng tôi cho rằng có thể tham khảo những con số sau: Mỗi học kỳ chính một đồ án; 8 đến 10 SV/nhóm – giảng viên (xưởng); mỗi đồ án trung bình kéo dài từ 12 đến 14 tuần; mỗi tuần SV tự làm việc tại xưởng khoảng 8h và gặp giáo viên thông đồ án khoảng 2 giờ; đồ án thường làm theo nhóm (trừ đồ án nhỏ); cần đánh giá đồ án suốt một quá trình (nhiều cột điểm) trong đó cột điểm bảo vệ đồ án là quan trọng nhất. Nhiều trường ở nước ta vẫn làm 2 đồ án trong 1 học kỳ gây quá tải và không đủ kỹ càng.

Hiện nay, tỷ lệ khối Đồ án Kiến trúc và khối kiến thức Lý thuyết ở trường Đại học Xây dựng (nổi tiếng là nhiều đồ án:15 đồ án – kể cả ĐATN) là 24% – 76%. Đại học Kiến trúc Hà Nội: Đồ án 30%, lý thuyết 70%. Một số trường phía Bắc như Đại học Mở, Phương Đông cũng vậy. Mô hình đào tạo này khá giống mô hình của Trung Quốc (tham khảo chương trình đào tạo của trường ĐH Đồng Tế, Thượng Hải). Ở các trường phía Nam, tỷ lệ đồ án trong chương trình thấp hơn. Trường Kiến trúc TP. HCM có đồ án: 19%, lý thuyết: 81%; tham khảo Đại học Washington theo tỷ lệ 20% : 80% [4]. Trường Kiến trúc TP HCM chỉ có 7 đồ án, Bách khoa Đà Nẵng 8 đồ án, các Đại học Liege, Laval, Toulouse, Strasbourg, Bauhaus Weimar, Tokyo… chỉ có 4 đến 5 đồ án trong suốt 5 năm.

 Bảo vệ đồ án ở trường Kiến trúc Yale, Hoa Kỳ

8. Cơ sở vật chất cho đào tạo kiến trúc

Để đào tạo KTS, ngoài các điều kiện thông thường của một trường Đại học (lớp học, thư viện, KTX…) cơ sở đào tạo cần có tối thiểu các xưởng (studio), xưởng mô hình, xưởng điêu khắc, xưởng vẽ mỹ thuật, phòng máy tính. Ngoài ra, tùy theo điều kiện và định hướng đào tạo có thể trang bị thêm studio chụp ảnh, cơ sở in ấn, phòng thí nghiệm chuyên ngành kiến trúc (ống khí động, mô phỏng truyền nhiệt, bức xạ mặt trời, bầu trời nhân tạo, phòng vang, phòng câm…), đó chưa kể các phòng thí nghiệm các chuyên ngành liên quan như xây dựng, môi trường.

 Bầu trời nhân tạo – nghiên cứu và giảng dạy chiếu sáng tự nhiên trong kiến trúc

9. Đội ngũ cán bộ giảng dạy

Đội ngũ cán bộ giảng dạy là một vấn đề then chốt trong đào tạo KTS, như phát biểu của một KTS gạo cội: “Đào tạo KTS thế hệ mới: Trách nhiệm trước tiên ở người thầy”. Đội ngũ thầy cô giáo phải có sự cân bằng giữa các thế hệ, các bậc trình độ, mức độ lành nghề. Cán bộ dạy lý thuyết nên có học vị cao (tiến sĩ trở lên), nghiên cứu sâu. Cán bộ hướng dẫn đồ án, thực hành thì cần người có nhiều kinh nghiệm hành nghề, thậm chí có thể mời KTS đang hành nghề từ doanh nghiệp bên ngoài. KTS hành nghề bên ngoài tham gia giảng dạy cũng cần trang bị kỹ năng sư phạm và am hiểu môi trường sư phạm trong đào tạo KTS, để tránh hạn chế khả năng bay bổng, sáng tạo của SV.

10. Thời gian đào tạo

Hầu hết các trường đào tạo kiến trúc ở Châu Âu và Mỹ đều chọn đào tạo theo kiểu 3+2 hoặc 4+2; có nghĩa là 3 đến 4 năm học để lấy bằng Cử nhân và học thêm 2 năm lấy bằng Thạc sỹ. Xu hướng chung là rút ngắn thời gian đào tạo và trang bị kỹ năng tự học tập suốt đời cho người học. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và tốn kém tài chính và tối ưu nguồn lực xã hội. Ở nước ta cũng như Trung Quốc hầu hết vẫn là mô hình 5+2 (do đặc thù của hệ thống chính trị). Trong điều kiện Việt Nam theo chúng tôi mô hình 4+2 có thể vận dụng được trong đào tạo KTS. Hiện, trường Bách khoa Đà Nẵng đang áp dụng mô hình 4,5 + 2 (thực tế là 4,5 +1,5; tương đương với các trường nước ngoài, nhưng vẫn thỏa mãn yêu cầu chương trình khung của Bộ).

Ngoài 10 vấn đề nói trên, theo chúng tôi còn một số vấn đề khác, nhưng không lớn như: Hệ thống các học phần lý thuyết bổ trợ kiến thức chuyên môn gồm có những gì? Tổ chức thực tập như thế nào? Tổ chức hoạt động ngoại khóa (tham quan dự án mẫu, seminar, workshop, trao đổi SV quốc tế, SV NCKH, các cuộc thi tài trong nước và quốc tế) như thế nào?… Những vấn đề này các cơ sở đào tạo cần chủ động xây dựng trên cơ sở định hướng chiến lược, tầm nhìn và sứ mạng đặt ra cho chuyên ngành Kiến trúc tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

[1] N.V. Tất (1998), Đào tạo KTS đang lâm vào khủng hoảng. Ashui. Hà Nội, Việt Nam
[2] N.T. Thành, T.Q. Thái (2012), Những vấn đề trong đào tạo kiến trúc trên thế giới. Tạp chí kiến trúc. Việt Nam
[3] Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (2012), Kỷ yếu Hội thảo “Đổi mới đào tạo đồ án kiến trúc”, Trường ĐH Xây dựng, Hà Nội
[4] Trường Đại học Kiến trúc TP HCM (2016), Kỷ yếu Hội thảo “Đào tạo Kiến trúc & các ngành Thiết kế, Xây dựng trong xu hướng toàn cầu hóa”, TP. HCM.

TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn
Khoa Kiến trúc, trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 8/2017)