DHBK

Hội nghị “Nâng cao hiệu quả chống lũ các hồ chứa khu vực Miền Trung & Tây Nguyên”

03/12/2018 13:48

Sáng ngày 29/11, tại TP. Huế, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Bộ Công Thương, các chủ hồ chứa, các doanh nghiệp và địa phương tổ chức hội nghị “Nâng cao hiệu quả chống lũ các hồ chứa khu vực miền Trung và Tây Nguyên”.

Nội dung hội nghị bàn về những bấp cập, vướng mắc trong công tác vận hành liên hồ, xây dựng một chiến lược mới, đẩy mạnh liên kết hợp tác toàn diện. Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã báo cáo đánh giá về quá trình vận hành liên hồ chứa, những bất cập, tồn tại trong năm 2016, 2017 và những tháng đầu năm 2018; Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia báo cáo về công tác dự báo, cảnh báo phục vụ điều hành liên hồ; nhận định xu thế thời tiết và khả năng diễn biến bão, lũ các tháng còn lại của năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 khu vực miền Trung và Tây Nguyên; công tác phối hợp, chỉ đạo vận hành xả lũ hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn hạ du khu vực miền Trung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; các tham luận, bài học kinh nghiệm trong công tác vận hành xả lũ giữa chủ đập với các địa phương vùng hạ du Quảng Nam, Thừa Thiên Huế; công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng kiến thức, kỹ năng về công tác ứng phó bão, lũ…

Tại hội nghị, TS. Võ Ngọc Dương – Đại diện cho Trung tâm kỹ thuật tài nguyên nước, Phó khoa xây dựng Thủy Lợi – Thủy Điện, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng cũng đã có bài tham luận trong cách tiếp cận nghiên cứu giảm thiểu sự không chắc chắn  trong công tác dự báo lũ hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn. Đề cập đến đặc điểm tình hình lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn, những kết quả đạt được trong dự báo lũ năm 2017 & 2018, bài học kinh nghiệm và nêu ra giải pháp nâng cao độ tin cậy.

Năm 2017-2018, tổ tư vấn – Trung tâm nghiên cứu tài nguyên nước, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cũng đã phối hợp Văn phòng thường trực BCĐ TW về phòng chống thiên tai đề xuất nghiên cứu dự báo lũ trên lưu vực sông. Điển hình trong 2 trận lũ năm 2017 (22/11-26/11 và 02/12-08/12) đã cung cấp 26 bản tin dự báo lưu lượng (4 bản tin 1 ngày). Kế thừa những kết quả đạt được, trong mùa lũ năm 2018 (từ ngày 01/9) đến nay, tổ tư vấn cũng đã cũng cấp thêm 93 bản tin, giúp cho các chủ hồ, BCH PCTT tỉnh nhận biết tình hình thời tiết cực đoan để tiến hành công tác điều tiết hồ chứa tối ưu nhất.

Qua hội nghị, TS. Võ Ngọc Dương cũng đã nêu ra một số bất cập, đề xuất trong tính toán dự báo lũ hiện nay trên lưu vực sông Vu Gia  – Thu Bồn. Vấn đề về dữ liệu trong việc xây dựng điều kiện ban đầu là chưa đáp ứng yêu cầu, dữ liệu đo đạc còn nhiều hạn chế và chưa đủ độ tin cậy. Mạng lưới trạm quan trắc, đo đạc trên lưu vực cũng đang còn rất thưa. Theo quy định thì cứ 16 trạm/1000 km2, tuy nhiên trong thực tế hiện này thì khoảng 15 trạm/10.300 km2 và chủ yếu tập trung ở vùng hạ du đập, cùng đồng bằng còn vùng núi, vùng thượng lưu đập chủ yếu chưa lắp đặt. Một vấn đề tiếp đó là hiện nay chưa có báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dòng chảy bên các lưu vực nước bạn (Lào và Campuchia). Điều này đòi hỏi cần có sự hợp tác, phối hợp trong vận hành điều tiết xuyên quốc gia.

Đại diện lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp và các chủ hồ cũng đã kiến nghị với Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên nước trong việc tăng cường hợp tác lắp đặt xây dựng bổ sung các trạm quan trắc khí tượng; phát triển công nghệ mới trong dự báo, phương pháp tiếp cận; thuê các đơn vị tư vấn tính toán điều tiết lũ theo thời gian thực nhằm hỗ trợ cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh trong việc tham mưu ban hành hành lệnh vận hành điều tiết; chỉ đạo các chủ đập thủy điện phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục đầu tư xây dựng tháp báo lũ, trạm loa phát thanh phục vụ cho công tác thông tin, truyền tin vận hành, điều tiết trong mùa mưa lũ để nhân dân biết và chủ động theo dõi và ứng phó.