DHBK

Tọa đàm “Tọa đàm Thách thức và Đổi mới Chương trình đào tạo theo hướng Kiến trúc bền vững hướng tới cân bằng năng lượng”

02/10/2024 08:23

Sáng ngày 26/9/2024, khoa Kiến trúc trường Bách khoa Đà Nẵng đã phối hợp cùng đơn vị Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng tổ chức buổi tọa đàm “Tọa đàm Thách thức và Đổi mới Chương trình đào tạo theo hướng Kiến trúc bền vững hướng tới cân bằng năng lượng”. Tham dự và điều hành tọa đàm có PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng khoa Kiến trúc trường Bách khoa Đà Nẵng, bà Trần Thị Thu Phương – Đại diện Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng (EEN- Việt Nam), giáo sư Volkmar Bleicher trường HFT Stuttgart và đoàn nghiên cứu Đức, cùng hơn 30 tiến sĩ, thạc sĩ, giảng viên, kiến trúc sư, chuyên gia, nhà nghiên cứu về lĩnh vực kiến trúc ở Việt Nam.

Quang cảnh buổi tọa đàm

UniClimateHub - Công trình Cân bằng Năng lượng và Kiến trúc Bền vững: Trao đổi kinh nghiệm đào tạo là sự kiện gặp gỡ, trao đổi và làm việc với đại diện các trường đại học, các cơ sở đào tạo thiết kế về thách thức và đổi mới cần thiết trong đào tạo hướng đến xây dựng bền vững và cân bằng năng lượng.

Thiết kế bền vững và hiệu quả năng lượng đang phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, nội dung này vẫn chưa được lồng ghép một cách sâu rộng vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở đào tạo. Chính vì vậy, việc tích hợp các kiến thức lý thuyết và thực hành, đồng thời xây dựng phương pháp tiếp cận một cách toàn diện được coi là xu hướng tất yếu. Do đó, chương trình UniClimateHub tập trung vào các mục tiêu chính sau:

  1. Trao đổi chuyên môn về những thách thức và cơ hội trong việc đào tạo lĩnh vực kiến trúc bền vững tại Việt Nam, từ đó tìm các giải pháp đổi mới chương trình giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và sự phát triển không ngừng của ngành.
  2. Mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt với Cộng hòa Liên bang Đức, trong việc áp dụng những kinh nghiệm, xu hướng quốc tế vào chương trình đào tạo trong nước.

Phát biểu khai mạc, PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn và bà Trần Thị Thu Phương đã rất hào hứng và bày tỏ sự kỳ vọng vào những kết quả tích cực mà chương trình hợp tác sẽ mang lại. Cả hai nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực kiến trúc bền vững, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ hết mình để đảm bảo dự án thành công.

Mở đầu buổi trao đổi, Giáo sư VolkMar Bleicher đã có một bài trình bày chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về đào tạo Kiến trúc bền vững tại CHLB Đức, giới thiệu về chương trình đào tạo, nội dung đào tạo và các kết quả đào tạo Kiến trúc bền vững và Kỹ thuật khí hậu tại trường HFT Stuttgart và CHLB Đức.

GS Volkmar chia sẻ kinh nghiệm và mô hình đào tạo Kiến trúc bền vững ở Đức

Tiếp theo sau đó, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cũng trình bày những thách thức và khó khăn khi đưa nội dung thiết kế bền vững trong chương trình đào tạo kiến trúc, cụ thể là chương trình học rất nặng nhưng có đến 30% tín chỉ là môn học cơ sở, rất khó để đưa thêm nội dung. Tuy nhiên qua rất nhiều lần cải tiến, khoa Kiến trúc cũng đã đưa thêm được những tín chỉ định hướng tới kiến trúc bền vững, cùng với những hoạt động ngoại khóa với những trường đại học quốc tế. Ngoài ra ông cũng chỉ ra những khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất tại Việt Nam hiện nay cũng rất khó để đáp ứng.

Tiếp nối với buổi trao đổi, ông Lương Xuân Hiếu – Trưởng khoa Kiến trúc trường Đại học Duy Tân cũng bày tỏ quan điểm đồng ý với những khó khăn tương tự với khoa Kiến trúc Trường Đại học Bách Khoa, trong nhiều năm qua, khoa Kiến trúc trường Đại học Duy Tân cũng trải qua nhiều lần cải tiến và những đề xuất, cố gắng đưa những môn học thiết thực hơn về kiến trúc bền vững và thay đổi hình thức học thêm hiệu quả hơn.

Đại diện Công ty Tư vấn Kiến trúc Bình Long Vinh, ông Nguyễn Ngọc Vinh đã có những  chia sẻ thú vị về kinh nghiệm thực tế khi thiết kế nhà ở về vấn đề năng lượng. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng hiệu quả, bao gồm các giải pháp như tối ưu hóa ánh sáng tự nhiên và thông gió tự nhiên để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng nhân tạo. Ngoài ra, ông còn đề cập đến việc hấp thụ năng lượng mặt trời thông qua các hệ thống pin năng lượng mặt trời và các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.

Đại diện của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, PGS. TS Phạm Thị Hải Hà đã chia sẻ về việc áp dụng môn học kiểm soát năng lượng trong chương trình giảng dạy, trong đó sinh viên được học cách sử dụng phần mềm mô phỏng để phân tích và tối ưu hóa hiệu suất năng lượng trong các công trình. Bà cũng bày tỏ sự đáng tiếc khi môn học này chưa được tích hợp vào các đồ án thực hành, điều này khiến sinh viên chưa có cơ hội áp dụng kiến thức một cách thực tiễn. Bà cũng nhấn mạnh sự khác biệt giữa kỹ sư kiến trúc và kỹ sư năng lượng, đồng thời khẳng định rằng để cần phải đào tạo đúng hướng để đáp ứng được nhu cầu xã hội hiện nay.

Đại diện Công ty Kiến trúc Apen, Kiến trúc sư Võ Minh Huy đã chia sẻ về việc thiết kế kiến trúc xanh cho từng đơn vị nhà ở hiện nay ở Việt Nam đang có chi phí cao và chưa được phù hợp với kinh tế hiện nay. Vì vậy ông cho rằng cần tập trung vào quy hoạch cảnh quan đô thị, bao gồm việc sử dụng cây xanh, hồ nước và các không gian mở, để giúp cải thiện vi khí hậu trong các khu vực đô thị. Điều này không chỉ giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân đô thị.

ThS. Đinh Nam Đức, đại diện Trường Sư phạm Kỹ thuật, đã có một cách tiếp cận vấn đề mới hơn, ông đánh giá cao sự thuận lợi hiện có là sự việc kết nối và hợp tác giữa các đơn vị ở khu vực Đà Nẵng. Ông nhấn mạnh sự gần gũi và kết nối này tạo điều kiện thuận lợi cho các bên cùng tham gia chia sẻ kinh nghiệm, góp phần tạo ra những thay đổi lớn trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu. Ông cũng cho rằng sự hợp tác này không chỉ tạo ra một tiếng nói chung mà còn mở ra những sân chơi học thuật, sáng tạo cho sinh viên, giúp các em có cơ hội phát triển toàn diện hơn.

ThS. Nguyễn Quang Bảo, Phó trưởng Khoa Kiến trúc Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cũng đồng cảm với các khó khăn trong việc điều chỉnh chương trình Đào tạo. Trường Kiến trúc Đà Nẵng đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới nội dung đào tạo theo định hướng đào tạo Kiến trúc của Hoa Kỳ. Tuy nhiên nhà trường cũng có khó khăn về cơ sở vật chất, con người và cũng mong muốn được kết nối cùng các trường ở Đà Nẵng để hợp tác và phát triển.

Một số hình ảnh buổi tọa đàm

Kết thúc buổi tọa đàm, PGS TS Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ vui mừng vì sự thành công và đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong buổi trao đổi, bao gồm việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và thảo luận các giải pháp tiềm năng cho những vấn đề đặt ra. Ban tổ chức cũng chân thành cảm ơn sự tham gia nhiệt tình của các kiến trúc sư, chuyên gia và các đơn vị liên quan, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác để cùng nhau phát triển trong tương lai.

Sau chương trình tọa đàm, dưới sự điều phối cu3a ThS KTS Phan Ánh Nguyên, Giáo sư Volkmar cùng đoàn sinh viên Đức đã đến thăm, giảng bài và chia sẻ nội dung nghiên cứu với sinh viên lớp 12KT CLC của Khoa Kiến trúc. Chương trình đã diễn ra hào hứng và thành công tốt đẹp.

GS Volkmar cùng thầy cô và sinh viên trong lớp học 20KT CLC

Toàn cảnh chương trình

Tin và ảnh: Khoa Kiến trúc