DHBK

Khoa Kiến trúc có công bố khoa học trên tạp chí quốc tế về chủ đề bảo tồn và phát huy giá trị sử dụng của các công trình Kiến trúc thuộc địa

12/07/2020 00:02

Đà Nẵng là một trong ba thành phố lớn của Việt Nam sau Hà Nội và Hồ Chí Minh. Với nhiều lợi thế bao gồm cảng biển quốc tế, sân bay, bờ biển đẹp và môi trường đô thị sạch sẽ, Đà Nẵng đã luôn mang sẵn trong mình cơ sở hạ tầng và nguồn tài nguyên đáng kể để phục vụ cho việc phát triển du lịch văn hóa. Tuy nhiên, trong những năm tới, Đà Nẵng cần xem xét và có những phương án cụ thể đối với việc gìn giữ một số yếu tố về nguồn tài nguyên văn hóa như các công trình kiến trúc thuộc địa sẵn có, để lưu giữ những bản sắc của địa phương

Sau hơn một nữa thế kỷ thuộc địa, sự hiện diện của một vài công trình kiến trúc thuộc địa cũ còn lại trên mảnh đất Đà Nẵng ngày hôm nay đã nhắc cho chúng ta rằng kiến trúc Pháp tại Đà Nẵng là một bộ phận quan trọng góp phần tạo nên hình ảnh đô thị đặc trưng cho thành phố này.

Hình 1: bản đồ thành phố Đà Nẵng lập năm 1909 (nguồn: http://belleindochine.free.fr/images/Plan/1909/Tourane1909.JPG)

Dù rằng những công trình này từng được xem là biểu tượng cho sự thống trị, nhưng với các vết tích lịch sử của nó đã chứng tỏ một điều chắc chắn rằng: Đà Nẵng cũng đã trải qua một thời kỳ hào hùng bất khuất để dành lại được độc lập và có được một nền tảng để phát triển hùng mạnh như ngày hôm nay.

Hiện nay, một câu hỏi được đặt ra là những giải pháp cụ thể đối với thể loại công trình thuộc địa cũ khi mà tốc độ đô thị hóa quá nhanh đang gây ra một sức ép rất lớn lên số phận của chúng.

Đứng trước bối cảnh đó, giảng viên Khoa Kiến trúc đã có một bài nghiên cứu và đánh giá 10 công trình kiến trúc thuộc địa tiêu biểu được xây dựng tại thành phố Đà Nẵng.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí “Culture and Local Governance” – một tạp chí quốc tế trong hệ thống xuất bản thuộc trường đại học Ottawa, Canada.

Minh Son Le, Linh Ngoc Thao Dang (2020) Preserving and Promoting Colonial Architecture: Heritage Conservation and the Challenge of Urban Development in Da Nang City

Có thể xem toàn bộ công trình nghiên cứu tại địa chỉ:

https://uottawa.scholarsportal.info/ottawa/index.php/clg-cgl/article/view/4755?fbclid=IwAR2x_Hq4MsN9ZzLdDow8z2umc0l71EoR-Z-iKIewDpHBWiN-sIIC38_vSBc

Mục đích của bài nghiên cứu này làm nổi bật vai trò về văn hóa – lịch sử và nghệ thuật của những công trình thuộc địa cũng như đưa ra được những giải pháp phù hợp để ứng xử với những công trình kiến trúc thuộc địa cũ, đóng góp cho sự phát triển đô thị Đà Nẵng trong giai đoạn mới này.

Những công trình kiến trúc thuộc địa cũ đã từng có nhiệm vụ đánh dấu sự thay đổi bộ mặt của đô thị Đà Nẵng cổ xưa, tạo ra một thể loại không gian mới và các chức năng mới. Và Đà Nẵng đã rất may mắn còn tồn tại một số lượng các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp. Để thành phố phát triển một cách bền vững, có bản sắc thì chính quyền không nên xem nhẹ việc giữ gìn và phát huy giá trị các di sản này.

Những công trình nghiên cứu được lựa chọn dựa trên những tiêu chí: khả năng tồn tại trước những thăng trầm của lịch sử; hiện nay các công trình này đều tồn tại trong một không gian đô thị hoàn toàn khác, không đồng nhất; trong ngữ cảnh đặc biệt, các công trình này đóng vai trò kết nối người dân bản địa với người nước ngoài.

Tin và bài: Khoa Kiến trúc