DHBK

Mỹ học Kiến trúc dưới góc nhìn Deconstruction

15/08/2019 15:01

Deconstruction (hiện trong giới học thuật Việt Nam vẫn chưa thống nhất được dịch là hủy cấu trúc, giải cấu trúc, hủy kiến tạo hay giải kiến tạo) là một tư tưởng triết học cuối thế kỷ XX do triết gia Pháp Jacques Derrida (1930-2004) tạo ra, có ảnh hưởng rất lớn đến kiến trúc, âm nhạc, đồ họa đương đại, cụ thể là sự áp đảo của các công trình kiến trúc mang phong cách deconstructivism (giải cấu kiến trúc) với những đại diện tiêu biểu như Frank Gehry, Rem Koolhass, Daniel Libeskind, Zaha Hadid…

Deconstruction là gì? Không ai, kể cả Derrida, có thể trả lời trọn vẹn câu hỏi này, và triết gia tự thú thật là chưa bao giờ ông thỏa mãn về từ này. Với khả năng có hạn của mình, chúng tôi tiếp cận deconstruction trong kiến trúc bằng các từ khóa quan trọng của nó là parergon, pharmakon (đã được giới thiệu trong tạp chí Kiến trúc năm 2014), phallogocentrism, trace, supplement…

Phallogocentrism và kiến trúc tượng đài

Theo Derrida, lịch sử văn minh phương Tây được xây dựng trên nền tảng của Ngôn tâm luận (logocentrism) và Duy dương vật luận (phallocentrism). Ngôn tâm luận là sự nhấn mạnh vào vai trò của lời nói và hạ thấp vai trò của chữ viết, làm cho chữ viết trở thành biểu tượng của ngôn ngữ nói, là ký hiệu của ký hiệu, nghĩa là một cái gì thuộc thứ yếu. Còn duy dương vật luận là tư tưởng dựa trên nam tính (masculinist/phallic) và phụ hệ (patriarchal). Kết hợp logocentrism và phallocentrism lại với nhau, Derrida sáng tạo nên một từ mới: Phallogocentrism (ngôn dương vật luận). Nói chung, ngôn dương vật luận là tư tưởng về sự phân cấp và thiên lệch, ví dụ như: nói hơn viết, nam giới hơn nữ giới, hiện diện hơn vắng mặt, khối đặc hơn khoảng rỗng,…

Trong cấu trúc không gian đô thị, các điểm nhấn thường là những khối to có hình dáng gần giống với phallus, ví dụ cột Vendome và tháp Eiffel ở Paris, cột Alexander ở Saint Petersburg, tháp Swiss Re ở London, tháp Torre Agbar ở Barcelona… Khi các KTS thiết kế những công trình tạo điểm nhấn đô thị, họ lựa chọn những hình thể dạng phallus không hẳn họ muốn tôn vinh tính dục mà là cái hình thể như vậy thực sự gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ đến với công chúng. Phallus (dương vật, linga, fungus, penis) có một giá trị lâu đời và xuất hiện trong nhiều nền văn hóa (Ai Cập, Hy Lạp cổ đại, Nam Mỹ, Ấn Độ, Đông Nam Á, Bắc Âu, Balkan, Nhật Bản), nên từ trong vô thức của mỗi con người, hình thể đó mang tính chất quyền lực, siêu việt, chở che, hiên ngang, lạc thú, lôi kéo tập hợp, khẳng định chủ quyền.

Từ quan điểm ngôn dương vật luận của Derrida, các nhà nữ quyền luận (feminism) cho rằng lịch sử nhân loại được viết bởi nam giới và văn hoá nhân loại cũng được sáng tạo bởi nam giới: Nam giới không những chiếm ưu thế về phương diện kinh tế, chính trị, xã hội mà còn chiếm ưu thế cả trong ngôn ngữ. Và qua ngôn ngữ, nam giới thống trị cả khung tư duy và toàn bộ hệ quy chiếu cũng như các bảng giá trị của loài người (trong đó có cả tính chất của tượng đài). Từ đây, các triết gia giải kiến tạo và các nhà nữ quyền luận tiến hành lật đổ hệ thống tư duy của nam giới và bắt đầu sáng tạo thế giới của phái nữ. Họ đề cao nữ hơn nam, viết hơn nói, vắng mặt hơn hiện hữu, rỗng hơn đặc, không gian đô thị hơn hình khối công trình…

Giờ đây, điểm nhấn không gian đô thị và các tượng đài không nhất thiết phải là những hình khối mạnh mẽ hoành tráng vươn lên cao mà có thể là những khoảng trống, những đường hầm, những hố lõm trên mặt đất. Theo tư tưởng nữ quyền, đó là sự chuyển dịch từ tư duy nam tính sang nữ tính.

Đài tượng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington D.C. là một ví dụ. Công trình này được thiết kế bởi một nữ KTS, Maya Lin. Đó là một bức tường dài 57m, bằng đá hoa cương đen, hình chữ V, nằm dưới mặt đất, khắc tên hơn 58.000 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nước Mỹ không thể dựng một tượng đài cao ngất hoặc khoa trương cho một thất bại nặng nề và vô số nỗi đau của các gia đình Mỹ có con hi sinh ở Việt Nam. Đài tưởng niệm có kiến trúc rất đơn giản nhưng sâu lắng, đem lại cảm xúc buồn và sẻ chia cho mỗi người dân khi đến đây thăm viếng. Nó nhắc nhở mỗi người dân Mỹ về sự vô nghĩa và tàn khốc của cuộc chiến tranh xâm lược một dân tộc khác. Sự âm thầm, chia sẻ và bao dung, những tính cách của phái nữ, được thấy rõ ở tượng đài này, đồng thời tạo ra vẻ đẹp khác biệt của nó với tất cả các tượng đài khác trên thế giới.

Trace và ngữ cảnh kiến trúc

Trace (dấu vết, vết mờ) là một khái niệm được sinh ra từ sự trải nghiệm différance, là phần vắng mặt của sự hiện diện kí hiệu. Trong quá trình khai triển différance, một kí hiệu được dịch chuyển đi thì luôn để lại dấu vết.

Khác với quan điểm của Ferdinand de Saussure, Derrida cho rằng một cái biểu đạt không nhất thiết dẫn đến một cái được biểu đạt tương ứng mà luôn dẫn đến những cái biểu đạt khác, và chúng ta sẽ không bao giờ vươn tới được cái được biểu đạt cuối cùng mà bản thân nó lại không phải là một cái biểu đạt của một cái gì khác. Nói một cách khác, sau mỗi chữ là một (hay nhiều) chữ khác bị gạch bỏ, chúng trở thành những vết mờ của văn bản. Quá trình đọc thực chất là một quá trình truy tìm những vết mờ ấy.

Cũng như một tác phẩm văn học, vẻ đẹp của một công trình kiến trúc không thể chỉ được nhìn nhận bởi những gì gói gọn trong khoảng đất của nó với những chi tiết, hình khối hiển hiện trên nó như quan niệm truyền thống tới tận ngày hôm nay. Vẻ đẹp của một công trình phải được đặt trong ngữ cảnh các công trình xung quanh nó cũng như trong bối cảnh dòng chảy lịch sử, văn hóa, mỹ học, công nghệ. Liệu có thể có một công trình nào đó do KTS thiết kế hoàn toàn mới, chưa từng xuất hiện trong tự nhiên và trong lịch sử loài người? Chắc chắn là không. Bất cứ một công trình nào mọc lên đều được học hỏi, sao chép và chỉnh sửa từ thiên nhiên và từ các công trình đã có. Ví dụ như nhà hát Opera Sydney có hình khối phỏng theo những cánh buồm và vỏ sò, Khải hoàn môn Paris được sao chép từ Cổng Titus ở Roma, Kim tự tháp Louvre được học theo Kim tự tháp Giza…

Bảo tàng Louvre

Kim tự tháp kính Louvre là công trình được xây bằng kính và kim loại nằm ở giữa bảo tàng Louvre

Một công trình kiến trúc được gọi là đẹp chỉ khi nào nó nằm trong ngữ cảnh của thiên nhiên hoặc của đô thị (dù cho hình ảnh của nó có thể là hài hòa hoặc tương phản với xung quanh). Không có ngữ cảnh, vẻ đẹp kiến trúc chẳng có nghĩa lý gì. Nếu được đặt vào ngữ cảnh phù hợp, công trình sẽ làm cho tất cả cùng đẹp; nếu đặt sai thì tất cả bị rời rạc và kém hấp dẫn. Ngữ cảnh phù hợp ở đây chính là những vết mờ mà công trình kiến trúc tương tác với cảnh quan xung quanh để chúng ta cảm nhận thấy sự liên hệ một cách tự nhiên giữa chúng.

Một công trình hoàn toàn mới với những hình khối khác lạ hoặc một công trình được cải tạo bao gồm cả phần cũ và phần mới? Một đô thị được xây dựng hoàn toàn mới từ nền đất trống không hoặc một đô thị được phát triển qua hàng nghìn năm với nhiều tầng sâu văn hóa và kiến trúc? Cái nào đẹp hơn, thú vị hơn và đáng sống hơn? Câu trả lời của chúng tôi là vế sau. Bởi có càng nhiều dấu vết, càng nhiều tầng văn hóa lịch sử ở một công trình kiến trúc hay một đô thị thì cư dân càng có điều kiện để trải nghiệm, khám phá và yêu quý nơi mình sinh sống. Nhà đô thị học Jane Jacobs đã chống lại quan điểm san phẳng và xây mới hoàn toàn ở các đô thị phương Tây sau thế chiến thứ II, thay vào đó bà đề xuất tăng cường sự đa dạng về lịch sử kiến trúc trong đô thị, các công trình mới xen kẽ các công trình cũ. Vẻ đẹp của đô thị không hẳn là những công trình mới xây bóng loáng mà là sự giao thoa và “trò chuyện” giữa cái mới đó với cái cổ kính rêu phong đã tồn tại hàng trăm năm.

Caixa Forum (2007), do Herzog & de Meuron thiết kế, là một bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở Madrid được xây dựng trên nền một ga tàu điện cũ. Ở công trình này, những dấu vết được xuất hiện khi tương tác các cặp phạm trù mới/ cũ, cổ điển/ hiện đại, bản thân công trình/ cảnh quan xung quanh. Dấu vết phong cách cổ điển của ga tàu điện cũ và những công trình xung quanh lờ mờ xuất hiện ở phần thân công trình (tường gạch và những chi tiết cửa giả). Phần mái tuy làm bằng vật liệu mới và có cách điệu hình khối nhưng vẫn gợi ra hình ảnh của dạng mái Mansard. Dấu vết cũng xuất hiện ở mảng tường cây xanh của nhà bên cạnh tiếp giáp với công trình khi nó gợi lên hình ảnh khu vườn thực vật phía bên kia con đường. Công trình như là nơi trú ngụ của những dấu vết.

Caixa forum

Đài tượng niệm chiến tranh Việt Nam tại Washington D.C

Supplement và phần phụ trong kiến trúc

Supplement (phần phụ) là một khái niệm của triết gia Jean Jacques Rousseau, là một phần không trọng yếu thêm vào một thứ gì đó để nó hoàn thiện bản thân. Theo Derrida, lối suy nghĩ của phương Tây là kiểu “logic của phần phụ” mà trên thực tế là hai ý tưởng trái ngược nhau. Một mặt, phần phụ được phục vụ cho một cái tự cho mình là đã hoàn thiện và tự hoạt động, ví dụ như viết là phần phụ nói, Eva là phần phụ của Adam… Mặt khác, cái ý tưởng về một cái cần có phần phụ tức là nó không thể tự hoàn thiện bản thân. Nếu nó hoàn thiện mà không có phần phụ thì khi thêm phần phụ vào sẽ xuất hiện một cái còn hơn cả hoàn thiện, hơn cả tổng thể. Vì thế sẽ xuất hiện một lỗ thủng gọi là thiếu sót bẩm sinh (originary lack), và phần phụ có thể điền đầy cái lỗ thủng đó. Theo Kinh Thánh, Adam sống một mình ở thiên đàng, thiếu người giúp đỡ bầu bạn nên Chúa Trời mới tạo ra một người bạn cho Adam để cuộc sống anh ta hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, phần phụ Eva được tạo ra từ xương sườn của Adam, và vì thế Adam bị bất toàn (bị thiếu xương). Cái nghịch lý hoàn thiện/ phần phụ của loài người có từ khởi thủy, và con người không thể nào hóa giải được nó.

Như vậy, một mặt phần phụ thuộc về bên ngoài của một cái đã hoàn thiện, mặt khác nó lại thuộc về bên trong để cái đó hoàn thiện, tức nó đại diện cho một tính không xác định giữa bên ngoài và bên trong hệ thống. Nó vừa như phần phụ mà vừa như cái nổi trội, vừa là ngoài lề mà vừa là trung tâm thu hút sự chú ý.
Kim tự tháp kính giữa sân Napoleon trong quần thể kiến trúc bảo tàng Louvre do I.M.Pei thiết kế (1989) là một ví dụ. Nó là phần phụ, phần mở rộng của bảo tàng Louvre nhưng nó lại là một hạng mục quan trọng của bảo tàng (nơi đón tiếp và dịch vụ). Kiến trúc của Kim tự tháp khác biệt hoàn toàn với các hạng mục cũ của bảo tàng, một khối kính đơn giản trong suốt giữa một quần thể những chi tiết hoa văn kiến trúc cổ điển bằng đá và gạch. Nó là một sự khác biệt, là cái bên ngoài của một bố cục kiến trúc đã hoàn chỉnh và đồng nhất nhưng nó lại trở thành trung tâm mới của bố cục kiến trúc mới.

(Trích “ Tinh thần khai phóng của nghệ thuật” – Vũ Hiệp)

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2016)