DHBK

Con đường tìm tòi không gian tạo hình của Le Corbusier

10/01/2018 15:11

Trong những kiến trúc sư hơn ai hết Le Corbusier gắn bó cuộc đời sáng tác của mình với hội hoạ và điêu khắc. Nghệ thuật tạo hình đã giúp ông rất nhiều trong sáng tác kiến trúc và nghiên cứu tìm tòi các không gian kiến trúc.

lecorbusier (Copy) 

Suốt 40 năm làm kiến trúc, ngày nào Le Corbusier cũng vẽ vài tiếng đồng hồ. Ông có một xưởng vẽ ở 24 Nungesser – et – Coli ở Paris và say sưa sáng tác tranh sơn đầu. Nhiều tác phẩm hội hoạ của ông đã được cất giữ ở bảo tàng quốc gia về nghệ thuật hiện đại. Cũng ở bảo tàng này, năm 1953 đã tổ chức một cuộc trưng bày quan trọng toàn bộ tác phẩm của ông trong một phòng dành riêng. Ông có thói quen vẽ và ghi chép vào các cuốn sổ tay trong các cuộc đi tham quan thực địa hay du lịch. Trong 73 cuốn sổ tay được lưu lại có rất nhiều trang kí hoạ bút chì và mực tàu diễn đạt các nhận xét và cảm thụ của ông về thiên nhiên, về kiến trúc, con người và cuộc sống. Chính sự tiếp xúc và thực hành thường xuyên về hội hoạ khiến Le Corbusier luôn luôn có tư duy tạo hình trong sáng tác kiến trúc.

con-duong-tim-toi-khong-gian-tao-hinh-cua-le-corbusier-53e975dbd14a0 (Copy)

Cuối năm 1918 ông cùng với hoạ sĩ Amédée Ozenfant xuất bản một tài liệu nhan đề “Sau chủ nghĩa lập thể” nhân dịp hai ông tổ chức một triển lãm hội hoạ chung tại phòng tranh Thomas ở Paris. Các hoạ sĩ lập thể đã tìm cách biểu diễn không gia ba chiều trên mặt phẳng tranh bằng cách đặt nhiều hình chồng lên nhau, những hình này thường là những mặt khác nhau của chủ thể. Với thủ pháp này, hình ảnh chủ thể trở thành trong suốt, xuyên qua nó nhìn thấy nhiều mặt khác của chính nó. Như vậy bức tranh đã diễn đạt được nhiều mặt khác nhau của một vật như ta nhìn thấy nó dưới những góc độ khác nhau hay từ những tiêu điểm khác nhau, nhờ đó diễn đạt được không gian ba chiều và tính chất động vì đã từ bỏ cách nhìn vật thể một cách tĩnh tại từ một điểm duy nhất. Hội hoạ lập thể đã gợi ý cho các kiến trúc sư tìm được cách biểu hiện không gian kiến trúc mới mẻ có tính động bằng sự trong suốt, hơn nữa qua đó tạo được mối quan hệ giữa các không gian bên trong và bên ngoài một cách tự do. Hai yếu tố động và quan hệ trong ngoài này đã phủ định hệ thống bố cục không gian cổ truyền là tĩnh, là đối xứng qua các trục.

Thế là những ngôi nhà hộp kính ra đời. Với Le Corbusier đó là ngôi nhà của Ozenfant (1922 – Paris), ngôi nhà ở “Bừng sáng” (Immeuble Clarté – 1932 Thuỵ Sĩ), ngôi nhà Đội cận vệ ở Paris (1933). Các kiến trúc sư bậc thầy khác cũng có những đồ án tương tự như ngôi nhà của nhà máy Fagus, lồng cầu thang gian trưng bày của Hội Werbund ở Cologne, trường Bauhaus ở Dessau của Walter Gropius, phương án nhà chọc trời bằng kính có mặt bằng cong tự do của Mies van der Rohe v.v… Để biểu hiện tính trong suốt và mối quan hệ chan hoà giữa không gian trong và ngoài ở những công trình xây bằng gạch hay đá đặc thì Rohe đã dùng những bức tường thẳng trực giao nhau (nhiều khi không gặp nhau). Một gợi ý nữa của hội hoạ lập thể cho kiến trúc hiện đại là việc diễn đạt các vật thể phức tạp trong thiên nhiên bằng một số hình học rất hạn chế, những hình sơ cấp. Việc đơn giản hoá thực tế khách quan ấy làm tăng tính chất trừu tượng của bức tranh đồng thời gợi ý cho kiến trúc sư tìm cách diễn đạt các không gian của mình bằng các hình sơ cấp mà đơn giản nhất là các hộp vuông hay chữ nhật. Ba năm sau việc xuất bản tài liệu “Sau chủ nghĩa lập thể”. Le Corbusier công bố một loạt bài đăng trong tạp chí “Tinh thần mới” (Esprit Nouveau) do ông và Ozenfant với Paul Dermée thành lập. Loạt bài này gây nhiều tiếng vang và ông đã in lại năm 1923 trong tập “Hướng về một nền kiến trúc” (Vers une Architecture) với lời nói đầu có nhan đề “Kiến trúc, thẩm mĩ của kĩ sư”. Trong loạt bài báo này, Le Corbusier đã phân tích sâu về các hình trong hội hoạ hiện đại, về mối quan hệ giữa hoạt động nghệ thuật và sản xuất. Cũng năm đó (1923), Walter Gropius công bố “Tư tưởng và cấu trúc của Bauhaus” cũng đề cập mối quan hệ này và những tài liệu này đã làm cơ sở hình thành xu hướng “Tinh thần mới” mà sau này biểu hiện trong kiến trúc hiện đại bằng phong cách quốc tế.

52dd58b3e8e44e45120001da_le-corbusier-s-ronchamp-vandalized_a (Copy)

Nhà thờ ronchamp le corbusier

Cái tinh khiết và tính trừu tượng của các tranh theo kiểu ô cờ và các tư tưởng “Sau lập thể” đã đưa Le Corbusier đến chủ nghĩa Thuần tuý (Purisme) nhằm vượt qua cuộc khung hoảng của chủ nghĩa lập thể, tránh cho nó khỏi đi vào xu hướng trang trí đơn thuần. Các tranh của ông có khuôn khổ ngày càng lớn dần, ngày càng trừu tượng và gần với tranh tường. Hình vẽ giản dị sắp xếp theo nhịp điệu hài hoà với màu sắc đơn giản tạo nên ấn tượng nghiêm trang, khắc khổ. Về kiến trúc, ông sáng tác các công trình theo các hình sơ cấp đơn giản nhưng rất tinh khiết hướng tới phi vật chất hoá công trình kiến trúc: các mặt tường phẳng nhẵn, hình vuông hay chữ nhật, các dải cửa kính lớn trong suốt, các hàng cột thanh mảnh không có đế và đầu cột. Tính động trong các không gian của tranh lập thể đã dẫn đến tư tưởng sùng bái cái máy. Trước hết, ngôi nhà được tạo nên trong suốt đến mức tối đa để người quan sát có thể nhìn thấy nhiều khía cạnh của nó như vậy tạo nên tính động hoặc tạo nên hình dáng động một cách tượng trưng tiến đến đưa hẳn chuyển động cụ thể vào công trình như xu hướng giảng dạy của các trung tâm đào tạo kiến trúc sư và nghệ sĩ tạo hình hiện đại nổi tiếng những năm 1920 là Vkhutemas ở Liên Xô và Bauhaus ở nước Đức, được thể hiện trong các thể nghiệm của Rotchenko, Gabo. Moholy Nagy và điển hình nhất là phương án Đài kỷ niệm Quốc tế thứ III của Tatlin làm năm 1920 với ba phòng họp lớn treo lơ lửng và quay xung quanh trục của bản thân với các tốc độ khác nhau. Xu hướng này muốn thể hiện đặc trưng của thời đại mới là sự có mặt khắp nơi của cái máy, sự hoàn hảo về công năng của nó và sự hài hoà cao độ của hình thức bên ngoài và nội dung công năng. Cao điểm của tư tưởng này là câu nói nổi tiếng gây nhiều sự cố của Le Corbusier: “Nhà là cái máy để ở”.

Le Corbusier cũng dùng màu sắc như là một yếu tố để tạo không gian kiến trúc. Thật ra trong năm điểm của kiến trúc hiện đại do Le Corbusier tổng kết có hai điểm giúp ông tìm được lối thoát trong cuộc khủng hoảng của kiến trúc hiện đại là: mặt bằng tự do và mặt đứng tự do. Với hai cái “tự do” này, ông tìm ra cách tạo hình và biểu hiện không gian phong phú gợi cảm và đầy kịch tính. Chính trong thời gian này ông đã sáng tạo nên một yếu tố quan trọng là hệ thống “chắn nắng” thường biểu hiện thành một tường chắn nắng. Người ta có thể nói rằng hệ “chắn nắng” là điểm thứ sáu của kiến trúc hiện đại do Le Corbusier đúc kết đưa ra.

 Biên tập: Quỳnh Nga – Kienviet.net
(Tống hợp từ internet)