DHBK

CDIO – Sinh viên giàu trải nghiệm từ học tập chủ động

01/08/2018 14:31


Nhóm SV đa ngành, liên trường tham gia khóa học EPICS tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng

Chương trình giáo dục kỹ thuật dựa trên triết lý CDIO sẽ cho phép các kỹ sư tương lai trải nghiệm đầy đủ và sâu sắc các công việc chủ đạo mà họ phải thực hiện trong công việc tương lai sau này, từ việc lên ý tưởng (Conveive), thiết kế sản phẩm (Design), chế tạo (Implement) và vận hành sản phẩm (Operate).

Với hướng tiếp cận CDIO, ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn, người học còn được trang bị kỹ năng mềm làm việc nhóm, làm việc với cộng đồng, ý thức nghề nghiệp, ý thức xã hội và hơn nữa là tư duy sáng tạo, khả năng tự học, tự nghiên cứu và khởi nghiệp.

Sinh viên phát triển hiệu quả các phẩm chất

Khóa học EPICS - dự án kỹ thuật trong dịch vụ cộng đồng là một khóa học không tín chỉ (non – credit) tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thu hút 40 SV đến từ các khoa FAST, Điện, Cơ khí, Quản lý dự án, Môi trường, Kiến trúc và một số SV đến từ Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng.

EPICS là một khóa học qua dự án để phục vụ cộng đồng thực hiện bởi trường đại học Bang Arizona, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và công ty DOW Chemical tài trợ với 4 trường đại học tham gia trong cả nước: Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, Trường Đại học Bách khoa – TPHCM, Trường Đại học Lạc Hồng. Thông qua EPICS, hơn 200 SV đa ngành đã sử dụng các kỹ năng trong lĩnh vực kỹ thuật và ý tưởng sáng tạo để thiết kế và thực hiện các giải pháp cho các tổ chức từ thiện, trường học và tổ chức phi lợi nhuận trên toàn thế giới.

Ý tưởng Smart Mattress của nhóm SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã giành chiến thắng tại EPICS. Nhằm mục đích giảm bớt sự bất tiện của người cao tuổi và những người có vấn đề về thể chất như viêm xương khớp, phụ nữ sau sinh… khi họ đang ở trên giường, ý tưởng nệm thông minh đã ra đời sau khi các SV quan sát những bệnh nhân gặp vấn đề về di chuyển.

Những bệnh nhân này cần sự hỗ trợ của người khác để có thể cử động. Do đó, nệm thông minh với các tính năng di chuyển lên và xuống hoặc tự động bật lên làm thay đổi vị trí của cơ thể bệnh nhân một cách dễ dàng và giúp họ thoải mái hơn trong việc di chuyển.

EPICS đã mang đến cơ hội để SV được trải nghiệm các kỹ năng như một kỹ sư thực thụ. “Thông qua các dự án, SV học được cách làm việc nhóm, cách đưa ra ý tưởng, bảo vệ ý tưởng và sau đó trình bày ý tưởng để thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng. Họ cũng sẽ được rèn luyện về tinh thần doanh nhân, điều sẽ giúp ích cho họ rất nhiều khi làm việc ở thế giới thực sau này”, bà Alexandra Stinchfield, Phó Giám đốc Điều hành ASU, cho biết.

Phát triển khung chuẩn cải cách chương trình đào tạo

TS Nguyễn Linh Nam - Trưởng khoa Điện, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) đặt vấn đề: Với cách đào tạo hiện nay, nhà trường và các khoa đưa ra chương trình đào tạo rồi mới xác định chuẩn đầu ra, điều này khiến cho các đơn vị tuyển dụng lao động gặp khó khăn, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cho nên, thực tế ở Việt Nam trong thời gian qua là buộc các đơn vị tuyển dụng lao động phải đào tạo lại hoặc bổ sung kiến thức, kỹ năng sau tuyển dụng.

Trong khi đó, CDIO hướng tới mục tiêu phát triển giáo dục đại học với 12 tiêu chuẩn như thiết kế chương trình đào tạo từ căn bản đến nâng cao, không gian học tập, đánh giá chương trình học, giáo trình tích hợp hay phương pháp dạy và học chủ động…

CDIO được thiết kế trên cơ sở khảo sát kỹ yêu cầu thực tế xã hội mà nhà tuyển dụng lao động đòi hỏi, nên nó góp phần giảm chi phí và nguồn lực liên quan đến đào tạo. Về phía SV, họ sẽ được đào tạo bài bản, được phát triển về tri thức, kỹ năng và thái độ; giảng viên phải tuân theo các phương pháp giảng dạy tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học, do vậy sẽ góp phần tạo ra được một đội ngũ giảng viên chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế.

Mỗi chương trình đào tạo theo CDIO gồm ít nhất hai trải nghiệm thiết kế - triển khai, bao gồm một ở trình độ cơ bản và một ở trình độ nâng cao. SV vì vậy, có nhiều cơ hội trải nghiệm để hình thành và tích lũy kiến thức, kỹ năng chuyên môn cũng như các kỹ năng liên kết cá nhân khác...

PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết, các chương trình đào tạo (CTĐT) của nhà trường, đặc biệt là các CTĐT chất lượng cao đã và đang được đổi mới toàn diện và sâu sắc dựa trên phương pháp tiếp cận CDIO. Theo đó, với phương pháp giảng dạy học theo dự án PBL (Project-based Learning), bên cạnh khối kiến thức chuyên môn, SV còn được trang bị ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết như khả năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, ý tưởng sáng tạo…

Hà Nguyên
theo http://giaoducthoidai.vn