DHBK

Đại học được bình đẳng, ai có sức mạnh cứ cạnh tranh

31/12/2016 12:53
Trong hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình đào tạo theo chương trình tiên tiến (CTTT) hôm nay 30/12, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chương trình này đã có những đóng góp tích cực trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới tính bền vững của chương trình.

Bộ trưởng cho rằng, tới đây sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu của nền kinh tế, chọn ngành theo hướng tăng cường các ngành công nghệ mũi nhọn, bám sát cuộc cách mạng khoa học công nghệ, ưu tiên 8 lĩnh vực ngành nghề theo thỏa thuận trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Cũng theo ông Nhạ, trong năm 2017, phải rà soát đánh giá, quy hoạch mạng lưới, sắp xếp lại các trường đại học: “Thực ra số lượng trường của chúng ta không nhiều, số sinh viên/đầu dân không đông, nhưng cái yếu của chúng ta là trường không nhiều nhưng nhiều trường trong số không nhiều đó chất lượng kém, hữu sinh vô dưỡng. Tên hoành tráng lắm, có vị còn đặt tên Tây nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng thì vô cùng khó khăn”

“Bây giờ phải chuyển sang tự chủ. Riêng giáo dục đại học phải chuyển sang hướng dịch vụ. Đã dịch vụ là phải thị trường, thị trường là phải cạnh tranh”- Ông Nhạ khẳng định.

Thực ra số lượng trường của chúng ta không nhiều, số sinh viên/đầu dân không đông, nhưng cái yếu của chúng ta là trường không nhiều nhưng nhiều trường trong số không nhiều đó chất lượng kém, hữu sinh vô dưỡng.

Bộ trưởng Nhạ cho hay, tới đây, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ sở ĐH, cả công lập và ngoài công lập cạnh tranh bình đẳng, thay đổi theo hướng: cấp phát theo đặt hàng. Ai có sức mạnh thì cạnh tranh. Tất nhiên có lộ trình.


“Về nguyên tắc chúng ta phải bình đẳng, tránh trường hợp có trường tư thục có ngành rất tốt nhưng họ không được tiếp cận với hỗ trợ. Trong khi đó, có những  ngành, những trường công lập không nhất thiết phải hỗ trợ như vậy thì cứ bao cấp.  Như vậy không hiệu quả, không công bằng”- Bộ trưởng cho biết.

Vì vậy một trong những tiêu chí tới đây là phải đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động được dự báo. Đơn vị sử dụng lao động sẽ phản biện.  
Theo Bộ trưởng, sau khi quy hoạch các ngành, chuyên ngành, sẽ có dự án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, không phải CTTT, phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế. Đề án thứ 2 là rà soát quy hoạch để lựa chọn một số trường ĐH hoa tiêu.

Bà Nguyễn Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho hay, đề án đào tạo theo chương trình tiên tiến (CTTT) tại một số trường ĐH Việt Nam giai đoạn 2008-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008. Đến năm 2012, Đề án đã có 23 trường đại học triển khai thực hiện 35 chương trình đào tạo của 22 trường đại học trên thế giới.

Đến nay, cả Đề án đã tuyển được 13.270 sinh viên, trong đó có 69 sinh viên các dân tộc ít người. Đề án đã mời tổng cộng 1.833 lượt giảng viên nước ngoài đến giảng dạy, trong đó 1.389 giảng viên đến dạy các học phần thuộc CTTT và 444 giảng viên đến giảng chuyên đề.

Đến thời điểm hiện tại, các CTTT đã có 3.601 sinh viên tốt nghiệp, trong đó 255 sinh viên xuất sắc (7,1%), 1.307 sinh viên giỏi (34,3%) và 1.707 sinh viên khá (47,4%).

Trong số 2.561 sinh viên tốt nghiệp năm 2015 đã tìm được việc làm, có 539 sinh viên xin được học bổng đi học tiếp ở nước ngoài (449 học thạc sĩ, 90 nghiên cứu sinh); 274 sinh viên học trên đại học ở trong nước (241 học thạc sĩ, 33 nghiên cứu sinh); 123 làm giảng viên các trường đại học, cao đẳng; 104 làm việc trong các viện nghiên cứu; 269 làm việc trong các cơ cơ công lập khác; 660 làm việc trong các cơ quan liên doanh với nước ngoài; 592 làm trong các cơ quan tư nhân hoặc tự mở công ty riêng.