Chương trình “PIONEER - Kết nối tấm lòng 2017″ - Đưa sản phẩm sinh viên NCKH đến gần hơn với trẻ tự kỷ
14/05/2017 13:13
Với mục tiêu đưa các sản phẩm Nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên đến gần hơn với các em nhỏ tự kỷ, đồng thời giúp đỡ nâng cao trang thiết bị học tập, vui chơi cho các em, Câu lạc bộ Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Pioneer (trực thuộc LCĐ khoa Điện tử Viễn thông, trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN) đã lên kế hoạch thực hiện dự án “KẾT NỐI TẤM LÒNG 2017” trong vòng 20 ngày (từ 21/4/2017 đến 10/5/2017). Đây là dự án sinh viên tự thiết kế, thi công các sản phẩm phục vụ học tập, vui chơi cho trẻ em tự kỷ tại trường chuyên biệt Tương Lai Đà Nẵng.
Tuy là lần đầu tiên dự án thiện nguyện được tổ chức nhưng đã thu hút được hơn 20 bạn sinh viên đăng kí tham gia. Sự nhiệt tình, đam mê cùng tấm lòng yêu thương trẻ em của các bạn đã góp phần hoàn thiện các sản phẩm theo kế hoạch đặt ra.
Ngay từ đầu, BCN CLB đã định hình ý tưởng sản phẩm dựa theo trình bày về khó khăn của các em từ thầy cô trong trường chuyên biệt. Sau khi các bạn đã đăng kí tham gia, CLB tiến hành chia nhóm, xây dựng kế hoạch chi tiết từng sản phẩm và thi công một cách nhanh nhất.
Ngày 10/5/2017, sau khi hoàn thiện sản phẩm, kiểm tra kĩ càng mọi thứ, mọi người cùng nhau đóng gói và di chuyển từ CLB xuống cơ sở 1 của trường chuyên biệt Tương Lai tại 22 Trần Bình Trọng, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng.
Chụp ảnh cùng thầy Vũ Vân Thanh – chủ nhiệm CLB trước khi xuất phát
Đặt chân đến trường chuyên biệt, các bạn đã chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 lắp đặt sản phẩm, đấu nối lại đường dây điện đảm bảo an toàn. Nhóm 2 vui chơi, giao lưu cùng các em nhỏ tự kỷ.
Các bạn đang lắp đặt sản phẩm
Như được trở lại tuổi thơ khi vui chơi cùng các em
Sản phẩm “Thiết bị giúp tập trung sự chú ý của trẻ” là một hộp đèn led có thể thay đổi màu sắc, có các hiệu ứng vui mắt, thu hút sự chú ý. Trẻ nhỏ tự kỷ có hứng thú rất cao đối với màu sắc.
Thiết bị giúp tập trung sự chú ý
“Thiết bị hỗ trợ trẻ tự kỷ ghi nhớ” gồm các nút nhấn dễ thương có thể phát sáng theo thứ tự, trẻ phải ghi nhớ thứ tự sáng và bấm theo các nút đó. Thiết bị có độ khó nâng cao dần, có âm thanh khi trẻ nhấn đúng và sai. Đặc biệt, thiết bị còn có chế độ chơi nhạc, mỗi nút là một nốt nhạc, trẻ có thể tạo ra các bản nhạc vui theo ý thích. Với chức năng trên, CLB hi vọng thiết bị sẽ nâng cao khả năng ghi nhớ và tính sáng tạo của trẻ.
Thiết bị hỗ trợ trẻ ghi nhớ
“Thiết bị giúp trẻ tự kỷ nhận biết” hình ảnh gồm một máy tính mini, một màn hình LCD và các nút nhấn. Trẻ sẽ lựa chọn trong 6 hình ảnh bên cạnh 1 hình ảnh giống với hình ảnh ở trung tâm màn hình bằng cách nhấn nút tương ứng. Đối với các hình ảnh động vật, lúc trẻ chọn đúng thiết bị sẽ phát ra tiếng kêu của con vật đó. Đây là thiết bị trực quan, dễ chơi, thu hút nhiều trẻ và được thầy cô đánh giá rất cao.
Thiết bị giúp trẻ tự kỷ nhận biết hình ảnh
Sau khi hoàn thành lắp đặt, các bạn sinh viên đã hướng dẫn các em chơi thử lần đầu. Hầu hết các em đều rất thích thú đối với các sản phẩm của CLB.
Các em có thể tự chơi sau một thời gian hướng dẫn
Chụp ảnh lưu niệm cùng thầy giáo tại trường
Tuy sản phẩm vẫn còn thiếu sót, chưa hoàn thiện nhưng các CLB sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất. CLB Pioneer tiếp tục lắng nghe các khó khăn của các em để có thể cải tiến sản phẩm cũ, thiết kế các sản phẩm mới trạo tặng cho trường chuyên biệt Tương Lai, nâng cao chất lượng học tập, vui chơi của các em nhỏ.
CLB Pioneer hi vọng dự án “Kết nối tấm lòng” sẽ là một mô hình đại diện cho hướng đi khác trong hoạt động sinh viên tình nguyện ở trường Bách khoa. Chúng tôi mong muốn các CLB, đội, nhóm nói riêng và tất cả các sinh viên kỹ thuật Bách khoa nói chung có thể áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào đời sống, phát huy tuổi trẻ năng động, sáng tạo, góp ích cho xã hội.
CLB SV NCKH PIONEER