Sân chơi hấp dẫn dành cho sinh viên đam mê thiết kế, chế tạo ROBOT 2024 lần thứ 4 với chủ đề ETE-SUMONew

24/07/2024 16:40

Vượt qua 15 đội thi, đội TECH WARRIORS (với các thành viên: Lê Công Trường - lớp 23DT4; (nhóm trưởng); Nguyễn Thanh Long - lớp 23DT3, Lê Xuân Đoàn - lớp 23CDT3) đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi ETE - SUMO ROBOT 2024, do Liên chi đoàn Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tổ chức. Đội TECH WARRIORS là đạt giải nhất cuộc thi ETE-Autorace 2023, bạn Lê Công Trường vinh dự được đại điện cho sinh viên Trường Đại học Bách khoa tham dự Cuộc thi Robot dò đường thông minh Quốc tế tại Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 8 năm nay.

Vòng chung kết cuộc thi đã chính thức diễn ra vào ngày 21/7/2024. Đây là lần thứ 4 Liên chi đoàn Khoa Điện tử - Viễn thông phối hợp cùng với Câu lạc bộ (CLB) sinh viên Nghiên cứu khoa học Pioneer đăng cai tổ chức cuộc thi, tiếp nối thành công, tiếng vang của cuộc thi sáng tao Robot từ các năm trước.


Đội TECH WARRIORS đón nhận khen thưởng giải Nhất từ  TS. Đào Duy Tuấn - Giảng viên, Bí thư Liên Chi Đoàn Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng

Năm nay, Công ty TNHH FPT Miền Trung tiếp tục đồng hành cùng với Khoa Điện tử - Viễn thông. Cuộc thi Thiết kế chế tạo Robot ETE-SUMO ROBOT 2024 hướng đến mục tiêu bao trùm là khơi dậy niềm đam mê khoa học, phát huy ý chí sáng tạo của các bạn sinh viên, Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Các thành viên của 15 đội là những gương mặt ưu tú, đam mê sáng tạo, sinh viên đã có mặt ở cuộc thi.

Bạn Lê Công Trường, team Tech Warrior (đội vô địch ETE - SUMO Robot 2024) cho hay: “Cuộc thi Thiết kế chế tạo robot ETE-SUMO ROBOT 2024 rất ý nghĩa, bổ ích cho sinh viên chúng em. Qua mỗi cuộc thi, sinh viên tụi em tích luỹ được một lượng kiến thức và kinh nghiệm cho mình. Team em cũng gặp một số khó khăn đó là do hạn chế về kinh phí nên chúng em phải đi mượn hoặc khi mua thì không mua được lính kiện tốt cho lắm. Trận bán kết, tụi em đã gặp vấn đề ở bánh xe (bị mòn bánh) và chấp nhận hòa ở hai lượt đầu. Trong 02 phút chuẩn bị giữa mỗi lượt, tụi em đã kịp thời thay và dành may mắn dành chiến thắng chung cuộc và bước vào trận chung kết tổng. Bài học sau cuộc thi của tụi em là nên chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi thi đấu. Tính ổn định của sản phẩm đặt lên hàng đầu”.


Các đội thi phải thiết kế những robot có khả năng đẩy và hất tung đối thủ ra khỏi bàn đấu

A group of people standing around a black circle with a robot

Description automatically generated
Sinh viên được thực hành từ phần mềm đến phần cứng, phát triển mạnh khả năng tư duy và sáng tạo, khả năng làm việc nhóm qua cuộc thi

Ban tổ chức (BTC) cuộc thi cho biết: "Chúng tôi lấy ý tưởng từ môn võ Sumo, môn võ có truyền thống lâu đời của người dân Nhật Bản. Trong trận đấu Sumo, hai lực sĩ sẽ thi đấu với nhau trong một vòng tròn, lực sĩ nào bị ngã trong vòng tròn trước, hoặc bị đẩy ra khỏi vòng tròn trước sẽ thua cuộc. Trong cuộc thi ETE-SUMO ROBOT 2024 các đội thi phải thiết kế những robot có khả năng đẩy và hất tung đối thủ ra khỏi bàn đấu. Trong lịch sử, môn võ Sumo tượng trưng cho sự cứng cỏi và dũng khí của người dân Nhật Bản. Cuộc thi Thiết kế chế tạo Robot ETE - SUMO ROBOT 2024 tái hiện tinh thần này qua những trận đấu căng thẳng và kịch tính giữa những Robot sáng tạo."


Qua cuộc thi, cơ hội tiếp cận STEM của sinh viên gen Z ngày càng rộng mở 
Trong ảnh: Team VHK đón nhận khen thưởng với thành tích về Nhì

Để thành công trọn vẹn, các đội thi phải đối mặt với không ít với những thách thức. Mỗi thành viên phải đào sâu kiến thức, không ngừng làm phong phú ý tưởng. Đây cũng chính là những kinh nghiệm được tích lũy sau cùng từ cuộc thi. Bên cạnh tinh thần hào hứng, vui tươi sẵn sàng góp mặt tại cuộc thi, mục tiêu cọ xát và giao lưu học hỏi lẫn nhau đều được các bạn sinh viên ý thức rất rõ. Thành công của cuộc thi đến từ nỗ lực không ngừng nghiên cứu, các đội thi đến từ Khoa Điện tử - Viễn thông đã vận dụng kiến thức đã học đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo và đã hoàn thiện một "Võ sĩ Sumo” mang theo tinh thần chiến đấu thép. Chính vì vậy, họ đã mang đến những trận đấu kịch liệt, những pha lội ngược dòng gay cấn, để lại những khoảnh khắc vô cùng ấn tượng cho cuộc thi.

Bạn Hoàng Bảo Long, Phó chủ nhiệm CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học Pioneer, Phó BTC cuộc thi ETE-SUMO ROBOT cho biết: “ETE – SUMO ROBOT là một sân chơi công nghệ dành cho các bạn trẻ. Tại cuộc thi, sinh viên được thực hành từ phần mềm đến phần cứng, phát triển mạnh khả năng tư duy và sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, rèn luyện nhiều kỹ năng mềm rất cần thiết cho sinh viên ngành Kỹ thuật máy tính và Điện tử - Viễn thông. Ngoài ra cuộc thi còn thúc đẩy tinh thần cũng như kiến thức cho các hoạt động Nghiên cứu khoa học trong Khoa Điện tử - Viễn thông”.

Thông qua cuộc thi Thiết kế chế tạo Robot ETE-SUMO, các bạn sinh viên đã học được cách vận dụng các kiến thức đã học như lắp ráp, thiết kế robot, sửa code và làm việc nhóm. Họ cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức về thiết kế và lập trình robot, từ đó rèn luyện khả năng chọn linh kiện phù hợp và khắc phục các lỗi phần cứng.

“Cuộc thi là một sân chơi bổ ích cho các bạn sinh viên học tập và trải nghiệm nhiều điều. Các khó khăn được em cùng các thành viên trong nhóm thảo luận và giải quyết, chúng em cũng đã tham khảo hỏi ý kiến các anh chị lớp trên. Qua cuộc thi em học được nhiều kỹ năng quan trọng như lập trình, thiết lế mạch in PCB, kỹ năng gia công và cắt ghép các chi tiết, kỹ năng làm việc nhóm và kinh nghiệm cho các cuộc thi khác”, bạn Trần Minh Khôi (Team Newbie Sumo), chia sẻ.

Còn theo bạn Trương Văn Vỹ (Team VHK): “Cuộc thi rất thú vị và đầy thách thức. Bầu không khí cuộc thi là sự cạnh tranh lành mạnh cùng sự cổ vũ nhiệt thành từ khán giả cũng khiến em và toàn đội phấn khích. Có một số khó khăn mà Team chúng em đã gặp phải bao gồm yêu cầu tối ưu hóa chiến thuật di chuyển của Robot, vấn đề về linh kiện và cảm biến dễ bị trục trặc trong quá trình thiết kế robot. Team chúng em đã dành nhiều thời gian để thử nghiệm và điều chỉnh lại chiến thuật di chuyển của Robot. Đồng thời, em đã làm việc chặt chẽ với các thành viên trong đội để cùng nhau phân tích và giải quyết các lỗi kỹ thuật phát sinh. Thay thế và cải tiến các linh kiện để đảm bảo hoạt động trơn tru và mượt mà nhất có thể. Sau cuộc thi, chúng em đã học được rất nhiều về kỹ thuật lập trình vi điều khiển, lập trình nhúng và điều khiển Robot, kỹ năng làm việc nhóm và cách giải quyết vấn đề dưới áp lực. Ngoài ra, em còn học hỏi được nhiều chiến thuật từ các đội thi khác, giúp em có thêm ý tưởng để cải tiến Robot của mình trong tương lai”.

KẾT QUẢ CHUNG CUỘC THI ETE-SUMO ROBOT 2024:
Giải nhất: Đội Tech Wariorrs với các thành viên: Lê Công Trường - 23DT4, Lê Xuân Đoàn - Lớp 23CDT3, Nguyễn Thanh Long - Lớp 23DT3.

Giải nhì: Đội VHK với các thành viên: Hoàng Gia Kiệt - Lớp 22DT1, Trần Văn Hạnh - Lớp  22DT4, Trương Văn Vỹ - Lớp 22DT5, Tôn Nữ Minh Trang - Lớp 22DT2, Nguyễn Thị Bích Thơm - Lớp 22DT2

Giải ba: Đội Buildozer với các thành viên: Đặng Đức Chính - Lớp 21KTMT2, Nguyễn Ngọc Đức - Lớp 21KTMT, Phan Ngọc Duy Khang - Lớp 21DCLC3, Nguyễn Ngọc Hiệu - Lớp 21DCLC3

Giải khuyến khích: Đội Newbie Sumo với các thành viên: Vũ Ngọc Quý - Lớp 23DT4, Trần Thanh Vũ - Lớp 22DT5, Lê Hữu Bảo Thuận - Lớp 21CĐT2, Trương Tử Anh - Lớp 21DTCLC1, Trần Minh Khôi - Lớp 23DT4.

“Trong quá trình chuẩn bị cuộc thi Thiết kế chế tạo Robot ETE-SUMO ROBOT 2024, chúng tôi đã tham khảo luật thi đấu của nước ngoài, xem kỹ các trận đấu của họ. Sau đó tổng quát lại, chỉnh sửa cho phù hợp với cuộc thi cấp độ Khoa. Cũng nhờ tương tác giữa BTC với các đội thi đấu diễn ra thường xuyên nên những nội dung nào trong Luật thi đấu còn gây tranh luận, không phù hợp thì BTC đều lắng nghe, tiếp thu và điều chỉnh.

Bộ phận chịu trách nhiệm ở vai trò tổ chức cũng phải “bắt nhịp”, hiểu các đội chơi, như chủ động thông báo sớm nội dung, chuẩn bị danh sách trọng tài chính và trọng tài VAR, phân công làm sân thi đấu, design backdrop, thẻ sự kiện, giấy khen,… Chúng tôi rất chú trọng đến khâu truyền thông cuộc thi (viết content, design poster,…).

Tại mùa thi đấu năm nay, BTC do yêu cầu về kích thước của Robot không nặng quá 1,5kg nên các đội thi phải thiết kế, chế tạo sao cho xe có trọng tâm, độ bám tốt. Từ đó, đòi hỏi các đội thi phải có sự đầu tư chế tạo robot rất kỹ lưỡng.


Thành viên Ban tổ chức cuộc thi ETE-SUMO ROBOT 2024 đã rất vất vả để cuộc thi diễn ra trọn vẹn, thành công tốt đẹp

Bên cạnh lập trình, quá trình thiết kế, chế tạo một Robot võ sĩ, các bạn phải thể hiện nhiều kỹ năng khác, kể cả biết quản lý dự án, làm việc nhóm một các trơn tru. Các bạn phải phân công nhân lực hợp lý, biết quản lý tiến độ. Chúng tôi đánh giá tổng quan rằng các đội đều khá mạnh, xe (Robot) có đầu tư, chiến thuật rõ ràng, có chất lượng… Cũng có nhiều khó khăn. Các đội bỏ giải ở vòng loại bỏ khá nhiều, khiến BTC đã rất lúng túng khi phải xếp lại trận đấu. Tổ trọng tài rất am hiểu và trách nhiệm, nhưng do lần đầu làm nhiệm vụ, chưa kinh nghiệm nhiều, nên có những lúc còn ngập ngừng, chưa dứt khoát với quyết định”, Trưởng ban Trọng tài  ETE-SUMO ROBOT 2024, bạn Lê Duy Hoàng bày tỏ.


Cuộc thi đã gắn kết tình đoàn kết trong sinh viên cùng lớp, cùng Khoa, giúp các bạn vận dụng tốt kiến thức lý thuyết vào thực hành

“Cuộc thi Thiết kế chế tạo Robot ETE-SUMO ROBOT đã diễn ra thành công tốt đẹp. BTC của cuộc thi đã thiết kế các thử thách hấp dẫn để khơi dậy sự sáng tạo và khao khát chinh phục của sinh viên. Những thử thách này đã mang lại yêu cầu cạnh tranh cao theo thực lực để đi đến chiến thắng. Tại cuộc thi, sinh viên được thực hành từ phần mềm đến phần cứng, phát triển mạnh khả năng tư duy và sáng tạo, khả năng làm việc nhóm, rèn luyện nhiều kỹ năng mềm rất cần thiết cho sinh viên ngành Kỹ thuật máy tính và Điện tử - Viễn thông”, TS. Đào Duy Tuấn - Giảng viên, Bí thư Liên Chi Đoàn Khoa Điện tử - Viễn thông, cho biết thêm.

Bên cạnh đó, cuộc thi Thiết kế chế tạo Robot ETE-SUMO ROBOT 2024 đã lan tỏa đam mê công nghệ mạnh mẽ trong sinh viên và hứa hẹn sẽ tiếp tục mang lại những cơ hội phát triển mới cho các bạn trẻ yêu công nghệ. Năm 2024, Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đào tạo chuyên ngành Vi Điện tử - Thiết kế vi mạch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Chuyên ngành này tập trung cung cấp cho sinh viên các kiến thức nền tảng và chuyên sâu về thiết kế vi mạch bán dẫn. Những cuộc thi thiết kế như thế này sẽ giúp lan tỏa niềm đam mê học hòi, nghiên cứu của sinh viên với các ngành học kỹ thuật, thiết kế vi mạch.

Xem thêm tại: https://dsa.org.vn/cuoc-thi-ete-sumo-dau-truong-moi-cua-san-choi-robot-2024-cua-khoa-dien-tu-vien-thong-dai-hoc-bach-khoa-dai-hoc-da-nang/

Nguồn: Khoa Điện tử – Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng