Hội trại sáng tác văn hóa nghệ thuật kiến trúc sư Việt Nam tại Đà Nẵng 2019

08/04/2019 14:25

Từ ngày 25/03-30/03/2019, Hội KTS Việt Nam, Hội KTS Đà Nẵng phối hợp với Khoa Kiến trúc, Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Khoa Kiến trúc, Đại học Duy Tân tổ chức chương trình Hội trại sáng tác 2019 tại thành phố Đà Nẵng. Hội trại sáng tác năm nay với chủ đề “Sự cộng sinh giữa kiến trúc đương đại và kiến trúc di sản tại các đô thị ở Việt Nam”, chương trình gồm các hoạt động hội thảo, trại sáng tác và tham quan các danh lam thắng cảnh địa phương như Hội An, làng mộc Kim Bồng, thành Điện Hải,...

Ở Việt Nam, cứ mỗi ngày trôi qua, bên cạnh những thông tin tích cực từ truyền thông về việc các di tích được công nhận thì cũng có rất nhiều công trình kiến trúc di sản đã và đang bị đập phá, lấn chiếm để xây dựng các công trình mới hoặc bị xuống cấp không được quan tâm trùng tu, sửa chữa,…. Ngay cả chính quyền địa phương và các KTS cũng đang rất lúng túng trước việc làm sao để có thể vẫn giữ được các công trình cũ mà vẫn làm nó hài hòa và cộng sinh với các công trình kiến trúc mới cũng như đô thị và người dân Việt Nam ngày nay. Theo KTS. Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích Việt Nam “Quan trọng nhất là phải có những thay đổi về nhận thức, tức là phải nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm chung đối với đối tượng là di tích. Việc bảo tồn - trùng tu phải là một sự chung tay của cả một cộng đồng. Chúng ta cần bắt đầu từ một cái nhìn rộng như thế”.  

Hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức Hội trại sáng tác với chủ đề “Sự cộng sinh giữa kiến trúc đương đại và kiến trúc di sản tại các đô thị ở Việt Nam”. Các giảng viên Khoa Kiến trúc, Đại học Bách khoa Đà Nẵng tham gia Hội trại sáng tác đã có cơ hội nghe các báo chuyên đề của các chuyên gia trong và ngoài nước, tham quan hiện trạng, trao đổi tọa đàm, thảo luận các vấn đề lý luận và thực tiễn xung quanh chủ đề này với các Kiến trúc sư khác đến từ mọi miền của Việt Nam.

Một trong các trường hợp nghiên cứu lần này là thành phố trẻ Đà Nẵng đang phát triển rất nhanh và nóng, đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp giữa phát triển và bảo tồn quỹ di sản kiến trúc, thiên nhiên. Trường hợp thứ hai là đô thị cổ Hội An, với quỹ di sản kiến trúc đô thị phong phú, nhưng đối mặt với những thách thức từ việc thương mại hóa và phát triển mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch – dịch vụ bùng nổ trong thời gian gần đây. Mỗi trường hợp nghiên cứu sẽ cung cấp cho Hội trại sáng tác những bài học bổ ích và khá điển hình, giúp các KTS, nhất là các KTS trẻ có thêm nhiều cách tiếp cận mới đa dạng trong công tác bảo tồn – phát triển hiệu quả các di sản thiên nhiên và kiến trúc đô thị.

Tại Hội trại, Khoa Kiến trúc có sự tham gia của TS. Nguyễn Hồng Ngọc, TS. Nguyễn Anh Tuấn, ThS. Đỗ Hoàng Rong Ly, ThS. Đặng Ngọc Thảo Linh, KTS. Lê Hà Ngọc Hân, và đã có nhiều đóng góp quan trọng tích cực vào thành công chung của chương trình.

Sau 2 ngày tổ chức tham quan, tiếp cận và tìm hiểu một số vấn đề ở các khu vực nói trên, các nhóm đã lựa chọn đề tài và đã đưa ra rất nhiều phương án bảo tồn cho các khu vực di sản của cả Hội An và Đà Nẵng, đặc biệt là ở khu vực làng Mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà và thành Điện Hải được chú trọng hơn cả. Yếu tố thiết kế đô thị và định hướng phát triển bền vững ở khu vực di sản hiện nay chưa được đảm bảo. Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm về việc gìn giữ, bảo tồn di tích của người dân cũng cần được nâng cao hơn nữa. 

Sau hơn 5 ngày, Hội trại đã thành công tốt đẹp với các sản phẩm có chất lượng tốt, được Hội đồng đánh giá cao. Các nhóm làm báo cáo và trình bày các phương án trước Ban Tổ Chức và các nhóm còn lại để cùng tranh luận và thống nhất những vấn đề đã được giải quyết thoả đáng cũng như những điều còn tồn đọng. Các phương án sau đó sẽ được tổng hợp  và nộp cho Ban Tổ Chức để biên tập làm Kỷ yếu Khoa học.

Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa, ĐHĐN