"Dạy học qua dự án" đòi hỏi "làm chặt" đảm bảo chất lượng

22/04/2018 05:14

Để triển khai phương pháp Dạy học theo dự án, Chương trình đào tạo sẽ được thiết kế lại theo hướng tách lý thuyết ra và xây dựng dự án dưới dạng liên môn chứ không đơn môn như hiện nay.

Sáng nay, (20/4), Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo Xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao và phương pháp Dạy học qua dự án.

Từ năm học 2018 – 2019, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng sẽ triển khai Dạy học theo dự án cho các chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến cho khóa tuyển sinh 2018.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Dạy học theo dự án – PBL đã được triển khai trên thế giới, ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển. Ở Việt Nam, cũng đã có một số trường áp dụng mô hình này, trường ĐH Bách khoa cũng có triển khai nhưng gần như chỉ áp dụng cho một môn học chứ chưa triển khai liên môn. Chúng ta cũng đang dạy theo từng môn riêng lẻ, chỉ đến cuối khóa, khi SV làm đồ án tốt nghiệp thì các em mới có cơ hội tổng hợp các kiến thức, kỹ năng đã học.

Với mục tiêu tăng cường năng lực tự học, tự nghiên cứu, tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm và thuyết trình, từ năm học 2018 – 2019, các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến của trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng sẽ được triển khai theo mô hình PBL. Trong mỗi học kỳ, các SV sẽ được học lý thuyết cơ bản nhất trong các môn học với thời lượng giảm nhiều so với trước đây.

Sau đó, SV sẽ được giao các dự án hoặc các bài tập lớn liên môn. Để thực hiện các nội dung này, SV sẽ phải tự đọc thêm, học thêm các kiến thức chuyên sâu và kiến thức liên quan của các môn học trong học kỳ dưới sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên và trợ giảng của nhà trường”

Chương trình đào tạo sẽ được Trường Đại học Bách khoa thiết kế lại với thời gian đào tạo rút xuống còn 4 năm so với 5 năm như hiện nay, số tín chỉ là 120 tín chỉ theo định hướng ABET; giảm thời lượng lý thuyết, tăng thực hành, thí nghiệm. Riêng tiếng Anh, SV sẽ được tăng cường học trong năm thứ nhất để đáp ứng chuẩn đầu ra B2 và để đọc các tài liệu tham khảo chuyên ngành.

Về phía giảng viên, với PBL, giảng viên buộc phải thay đổi phương pháp so với cách giảng dạy truyền thống như trước đây: nhận diện các tình huống để đem lại sự thành công cho dự án; Cấu trúc các vấn đề thành những hoạt động học tập; hợp tác cùng đồng nghiệp để phát triển các dự án liên môn; quản lý quá trình học tập và hỗ trợ người học tự đánh giá; tích hợp và khai thác công nghệ số một cách hợp lý; phát triển các phương pháp đánh giá thực tế.

Với PBL, số giờ dạy lý thuyết của giảng viên sẽ giảm đáng kể, trường ĐH Bách khoa chủ trương đẩy mạnh đội ngũ trợ giảng và đào tạo E-learning. Để SV có cái nhìn tổng quan, mỗi một môn, giảng viên sẽ phải đưa bài giảng đầy đủ lên hệ thống E-learning.

Để triển khai PBL, trường ĐH Bách khoa xác định sẽ phải triển khai mạnh mẽ công tác đảm bảo chất lượng bởi “hướng dẫn project không thể “na ná”như hướng dẫn đồ án tốt nghiệp được bởi nó thiên về thực hành” – PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho biết.

Hà Nguyên