Nghiên cứu sinh Phạm Quốc Cường bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp đơn vị chuyên môn, ngành Kỹ thuật Viễn thông
14/10/2024 10:56
Chiều ngày 12/10/2024, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã tổ chức đánh giá luận án Tiến sĩ cấp đơn vị chuyên môn cho Nghiên cứu sinh (NCS) Phạm Quốc Cường với đề tài: “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả truyền dẫn thông tin di động nhờ Machine Learning”, ngành Kỹ thuật Viễn thông. Đề tài được thực hiện bởi sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Nguyễn Lê Hùng và PGS.TS. Tăng Tấn Chiến.
Quang cảnh buổi bảo vệ luận án
Hội đồng đánh giá luận án Tiến sĩ cấp đơn vị chuyên môn gồm 07 thành viên:
1. PGS.TS Bùi Thị Minh Tú - Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN, Chủ tịch;
2. TS. Trần Thanh Trúc - Greenwich Việt Nam (Cơ sở Đà Nẵng), Trường Đại học FPT, Thành viên;
3. PGS.TS Hà Đắc Bình - Trường Đại học Duy Tân, Thành viên;
4. TS. Huỳnh Nguyễn Bảo Phương - Trường Đại học Quy Nhơn, Thành viên;
5. PGS.TS Nguyễn Văn Cường - Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN, Thành viên;
6. PGS.TS Phan Trần Đăng Khoa - Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN, Thành viên;
7. TS. Võ Duy Phúc - Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN, Thư ký.
Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học của NCS
Tại buổi bảo vệ, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS Phạm Quốc Cường. Trong quá trình học tập và nghiên cứu, NCS đã có 08 bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước; thực hiện 08 đề tài NCKH, sáng kiến cấp Tổng Công ty Viễn thông MobiFone và 01 đề tài NCKH cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các công bố của tác giả phù hợp với nội dung nghiên cứu của luận án. Tất cả các thành viên Hội đồng đánh giá cao năng lực nghiên cứu và những kết quả đạt được của NCS trong thời gian qua.
NCS trình bày luận án trước Hội đồng
Mục tiêu của luận án tập trung nghiên cứu thuật toán, phát triển mô hình mạng nơ-ron tuyến tính để dự báo hành vi một số node mạng trong thông tin di động với tập dữ liệu khảo sát để huấn luyện và kiểm thử mô hình được thu thập từ Hệ thống hỗ trợ vận hành (OSS) trong thực tế. Làm tiền đề cho việc định hướng nghiên cứu ứng dụng học máy vào công tác vận hành khai thác chủ động mạng lưới, góp phần chuyển đối số công tác quản lý vận hành mạng thông tin di động công nghiệp.
Bên cạnh đó, NCS cũng nghiên cứu đánh giá hiệu năng một vài mô hình học máy, trong việc dự báo số lượng thuê bao theo công nghệ di động với tập dữ liệu khảo sát, để huấn luyện và kiểm thử, được thu thập từ Hệ thống lưu trữ dữ liệu khai báo dịch vụ thuê bao (HLR) trong thực tế, nhằm cung cấp thêm một nguồn dữ liệu đầu vào nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển mạng lưới.
Nghiên cứu bài toán tối ưu tốc độ ASR trong truyền thông UAV - một trong những công nghệ then chốt của mạng thông tin di động 6G và sau 6G. Từ đó, nghiên cứu, đề xuất, thiết kế và thực thi mô hình mạng nơ-ron để nâng cao chất lượng định hướng chùm tia 3D beamforming từ trạm mặt đất đến UAV, mục tiêu để nâng cao chất lượng bảo mật trong truyền thông UAV. Mạng nơ-ron mà luận án đề xuất phải cho hiệu năng và cấu hình tối ưu so hơn với các phương pháp nâng cao chất lượng định hướng chùm tia 3D beamforming trong các bài báo khoa học đã công bố trước đây.
Luận án Tiến sĩ của NCS Phạm Quốc Cường đã mang đến nhiều đóng góp mới mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn, bao gồm:
- Nghiên cứu, xây dựng mạng nơ-ron tuyển tính LNN thực hiện phân tích và dự đoán hành vi của eNodeB gồm: E-UTRAN RACH Setup Attempts, RRC Setup Attempts và E-UTRAN Data Radio Bearer Attempts với tập dữ liệu thu thập từ Hệ thống hỗ trợ vận hành thực tế của nhà mạng với độ chính xác dự báo lên tới 94%.
- Nghiên cứu, xây dựng mô hình ARIMA thực hiện phân tích và dự đoán số lượng thuê bao 2G/3G/4G với tập dữ liệu từ hệ thống HLR/OSS thực tế của nhà mạng với độ chính xác dự báo lên tới 96%. Các kết quả thực nghiệm chứng minh mô hình ARIMA cho hiệu quả dự báo tốt hơn mô hình LNN đối với tập dữ liệu về thống kê số lượng thuê bao.
- Nghiên cứu, đề xuất, thiết kế mạng nơ-ron DAE để giải quyết bài toán nâng cao chất lượng 3D beamforming trong hệ thống truyền thông UAV có sự xuất hiện của cả UAV hợp pháp và UAV nghe lén, với điều kiện thông tin kênh truyền CSI không hoàn hảo được xét trong phạm vi nghiên cứu so với các mô hình kênh truyền có giả thiết CSI hoàn hảo như trước đây. Các kết quả mô phỏng chứng minh phương pháp DAENN vượt trội hơn so với các phương pháp trước đây là 3D DL và GEVD xét về khía cạnh tốc độ bảo mật trung bình (ASR), đặc biệt khi ảnh hưởng kênh truyền của thành phần LoS khắc nghiệt hơn trong điều kiện môi trường đô thị. Độ phức tạp về cấu trúc của mạng nơ-ron DAENN thấp hơn so với mạng nơ ron 3D DL đã công bố trước đó giúp cho việc triển khai trong thực tế của DAENN khả thi hơn.
Các thành viên Hội đồng nhận xét, góp ý và đưa ra phản biện đề tài của NCS
Đề tài nghiên cứu của NCS Phạm Quốc Cường đã nhận được nhiều nhận xét đánh giá và ý kiến phản biện đến từ Hội đồng. Nội dung của luận án phù hợp với chuyên ngành, có hàm lượng khoa học và tính ứng dụng cao, phương pháp nghiên cứu đưa ra phù hợp, kết quả nghiên cứu đảm bảo độ tin cậy và đáp ứng yêu cầu của một luận án Tiến sĩ. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đưa ra những góp ý để giúp cho NCS có thể tiếp tục hoàn thiện đề tài một cách tốt hơn.
NCS Phạm Quốc Cường đã trả lời tất cả các ý kiến phản biện của Hội đồng chấm luận án một cách logic, thuyết phục và nhận được 07/07 phiếu đồng ý từ Hội đồng chấm luận án.
Giảng viên hướng dẫn chia sẻ cảm nghĩ về quá trình hướng dẫn nghiên cứu sinh
Trong niềm xúc động, NCS đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Hội đồng chấm luận án về những ý kiến đánh giá giúp NCS tiếp tục hoàn thiện đề tài nghiên cứu của mình. Đồng thời, NCS đã gửi lời cảm ơn đến đến giảng viên hướng dẫn, các giảng viên Khoa Điện tử - Viễn thông của Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN và các đồng nghiệp, đặc biệt là gia đình đã luôn động viên, khích lệ để NCS có thể bảo vệ thành công luận án trong ngày hôm nay.
NCS chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng và giảng viên hướng dẫn
Tin, ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN