Kỷ niệm 40 năm thành lập Đại học Bách khoa Đà Nẵng

20/09/2015 03:48

Sáng nay 19/9, Đại học bách khoa- Đại học Đà Nẵng đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập. Cùng dự và chung vui với Nhà trường có GS.TSKH Bùi Văn Ga- Thứ trưởng, thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Võ Công Trí – Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Đà Nẵng, các Phó Chủ tịch Võ Duy Khương (Phó CT thường trực), Phùng Tấn Viết, Đặng Việt Dũng; đại diện lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế ; đại diện Tổng lãnh sự Lào tại Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo các Trường Đại học khu vực miền Trung, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.

 alt

Thay mặt lãnh đạo TP, đồng chí Võ Công Trí đã tặng Trường bức trướng mang dòng chữ “ Đoàn kết-Trí tuệ-Đổi mới-Hội nhập và Phát triển”.

-Ảnh: T.N.

Nhớ lại ngày đầu thành lập trường (1975), Phó GS.TS Lý Ngọc Sáng – Hiệu trưởng đầu tiên của Nhà trường – cho biết: Ngay sau ngày quê hương giải phóng, khi tiếp quản Viện Đại học Quảng Đà, lãnh đạo Khu uỷ V đã nghĩ đến việc thành lập một trường đại học. Và sau nhiều lần bàn bạc, quyết định thành lập Đại học Bách khoa Đà Nẵng để “tạo thế cân bằng trong đào tạo nguồn lực kỹ thuật, khi Hà Nội đã có một Đại học Bách khoa và miền Nam đã có Trường Kỹ thuật Phú Thọ (tên đầy đủ là Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật, trước đó trường này còn có tên là Trung tâm kỹ thuật Phú Thọ, Học Viện Quốc gia Kỹ thuật rồi Trường Đại học Kỹ thuật, Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức).

Đồng chí Võ Chí Công – nguyên Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, phụ trách Bí thư Khu ủy Khu V, Chính ủy Quân khu V; năm 1975, sau ngày quê hương giải phóng, là Phó ban Đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam – từng nhấn mạnh: Dải đất miền Trung bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, đồng bào miền Trung rất nghèo khó, chiến tranh và nghèo khó còn làm đồng bào thất học, thành lập nơi đây một ngôi trường Đại học là tâm nguyện là món quà ân tình mà Khu uỷ V dành tặng đồng bào miền Trung sau ngày quê hương giải phóng.

 alt

GS.TS Lê Kim Hùng - Hiệu trưởng (đương nhiệm Nhà trường) tặng hoa tri ân và chụp ảnh lưu niệm cùng các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm. Phó GS.TS Lý Ngọc Sáng đứng vị trí đầu tiên, từ  bên phải ảnh sang.

-Ảnh: T.N

Theo lời tâm nguyện này, những năm sau đó, Đại học Bách khoa Đà Nẵng thường xuyên nhận được sự quan tâm của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Đại học và THCN ; các đồng chí Lê Duẩn, Tố Hữu, Võ Chí Công, Trần Hồng Quân … mỗi khi đi công tác Quảng-Đà Nẵng đều dành thời gian đến thăm trường và tạo mọi điều kiện để Trường tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô đào tạo.

“Ngày đầu thành lập, Đại học Bách khoa Đà Nẵng tiếp quản một cơ sở tôn giáo được xây dựng trên một bãi cát trắng, giao thông cách trở, rất xa trung tâm TP. Ngày ấy có thể nói là chưa có gì cả, chỉ có xương rồng và gió Lào quét qua đây nóng rực vào mùa hè là nhiều” - Phó GS.TS Lý Ngọc Sáng nhớ lại và kể -.

Không có trong tay đồ dùng dạy học, các thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Nhà trường lại nhờ đến sự giúp đỡ của đồng chí Chu Huy Mân (lúc đó là Thượng tướng, Chính uỷ, kiêm Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Quân khu 5). Các Giảng viên của Trường những năm 1975-1979 đã lặn lội vào từng kho bãi lưu giữ các thiết bị, khí tài (đã hư hỏng) trong chiến tranh để săn tìm các linh kiện, bản mạch điện tử ; có lúc đưa từ căn cứ Chu Lai về đến tận Trường một đầu máy … bay trực thăng. Sau đó là giai đoạn tháo tung các cơ phận, tận dụng những gì có thể lắp ráp thành đồ dùng dạy học, thí nghiệm, thực hành …

Trong hồi tưởng của mình, Phó GS.TS Lý Ngọc Sáng cũng không quên lúc đó phải ăn “bo bo, mì cục”. Một đồng chí lãnh đạo về thăm Trường rất cám cảnh và gợi ý: Trường phải tăng gia để bảo đảm lương thực, thực phẩm. Ăn thế này làm sao dạy nổi, học nổi ? Vậy là Thầy và trò bắt tay vào việc trồng lúa, trồng rau, khoai ; làm chuồng nuôi heo. “Trang trại Bách khoa” ngày ấy là mấy sào đất ở Hoà Trung.

 alt

Phó CT thường trực Võ Duy Khương tặng Cờ truyền thống của UBNDTP và chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Giám hiệu.

-Ảnh: T.N

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Võ Công Trí khẳng định: Đại học Bách khoa Đà Nẵng là chiếc nôi đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cho cả miền Trung, Nhà trường đã đóng góp nguồn nhân lực có ý nghĩa hết sức quan trọng trong những năm tái thiết đất nước sau chiến tranh. Trong 40 năm qua, Trường cũng phối hợp chặt chẽ và chủ động cùng với các ngành chức năng của TP như Viện nghiên cứu kinh tế-xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không ngừng đóng góp cho sự nghiệp phát triển quê hương Đà Nẵng; Trường đã chuyển giao nhiều giải pháp công nghệ, giới thiệu và thúc đẩy ứng dụng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, cũng như đóng góp nhiều ý tưởng, hiến kế cho định hướng phát triển của TP.

Trong những năm đến, cùng với các Trường thành viên Đại học Đà Nẵng, và hơn thế nữa, Đại học Bách khoa phải là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng thành công mô hình Đại học nghiên cứu. Trường phải chủ động gợi ý cơ chế hợp tác hiệu quả, đề xuất và tham mưu cho lãnh đạo TP trong phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học-công nghệ hàng năm phục vụ nghiên cứu. Về phía các ngành của TP cũng cần có sự chủ động để có cơ chế đặt hàng phù hợp với Nhà trường nhằm phát huy tâm huyết và trí tuệ của lực lượng giảng viên, cán bộ nghiên cứu của Nhà trường.

Trong định hướng phát triển Nhà trường, đồng chí Phó Bí thư thường trực Thành uỷ đã gửi gắm mục tiêu mong đợi “tiếp tục khẳng định học hiệu, khẳng định vai trò-vị trí của một địa chỉ đào tạo tầm cỡ khu vực, phấn đấu xếp hạng cao trong bảng xếp hạng các trường Đại học có uy tín”.

 alt

GS.TSKH Bùi Văn Ga-Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo tặng Bằng khen đển các tập thể: Phòng Đào tạo, Khoa Điện, Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Khoa Cơ khí và Khoa Cơ khí giao thông.

-Ảnh: T.N.

Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng, thay mặt lãnh đạo TP, đồng chí Võ Công Trí đã tặng Trường bức trướng mang dòng chữ “ Đoàn kết-Trí tuệ-Đổi mới-Hội nhập và Phát triển” . Ghi nhận quá trình xây dựng, phát triển và những đóng góp của Trường suốt 40 năm qua, Chủ tịch UBNDTP cũng quyết định tặng Nhà trường cờ truyền thống “Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng 40 năm xây dựng và phát triển”. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen đển các tập thể: Phòng Đào tạo, Khoa Điện, Khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp, Khoa Cơ khí và Khoa Cơ khí giao thông.