Lễ trao bằng tốt nghiệp Đại học năm học 2014 - 2015

27/07/2015 04:34

* Mở rộng hơn nữa nội dung hợp tác giữa Nhà trường với các Ngành và Chính quyền TP Đà Nẵng

“Thay mặt lãnh đạo thành phố (TP), tôi ghi nhận và hoan nghênh những nỗ lực của Nhà trường trong đào tạo và chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn. Trong đó, đáng ghi nhận hơn hết là tính nghiêm khắc, nghiêm túc của quy trình đào tạo để Nhà trường thực sự là nơi cung ứng nguồn lực bậc cao cho sự nghiệp phát triển.

alt

TS Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng; GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng ; GS.TS Lê Kim Hùng - Hiệu trưởng và Phó GS.TS Lê Cung - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa lần lượt trao biểu tượng vinh danh, vòng nguyệt quế, giấy khen, tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm cùng 48 sinh viên được vinh danh "Xuất sắc của các ngành", "Thủ khoa các ngành" .

-Ảnh: T.N. 

alt

Tỷ lệ SV tốt nghiệp đúng tiến độ của khóa 2010 là 70,4% (2.001 em) đã phản ảnh đúng thực chất quá trình học tập, rèn luyện và sự chặt chẽ trong quy trình đào tạo.

 Các em tân kỹ sư, kiến trúc sư hôm nay nhận bằng tốt nghiệp sẽ là nguồn lực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của TP Đà Nẵng nói riêng, của miền Trung và cả nước nói chung.

 Nhân đây, tôi đề nghị Nhà trường chủ động đề xuất, mở rộng nội dung hợp tác giữa Nhà trường với các Ngành và Chính quyền TP Đà Nẵng. Vừa qua, nhiều công trình, đề tài nghiên cứu của Nhà trường, trong đó có cả công trình của chính các em SV, đã được ứng dụng, sử dụng vào hoạt động kinh tế-xã hội của TP. Sắp đến, vấn đề hợp tác cần có thêm nhiều nội dung mới, đi vào chiều sâu, khoa học kỹ thuật công nghệ phải là đòn bẫy cho phát triển.

alt
Tiến sỹ Đặng Việt Dũng, Phó CT.UBNDTP phát biểu tại buổi Lễ. -Ảnh: T.N.

Trong xu thế, Đại học Đà Nẵng là Đại học phát triển theo định hướng nghiên cứu, Đại học Bách khoa – đơn vị thành viên - cần có sự đầu tư mạnh mẽ, hướng phát triển Nhà trường là nghiên cứu ứng dụng. Làm sao để Nhà trường chuyển giao nhiều hơn các công trình, đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn, ứng dụng cao, đáp ứng những đòi hỏi của TP Đà Nẵng cũng như sự nghiệp công nghiệp hoá-hiện đại hoá” – Tiến sỹ Đặng Việt Dũng, Phó CT.UBNDTP nhấn mạnh như trên tại Lễ phát bằng tốt nghiệp diễn ra sáng nay (25/7) tại Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng).

Trong đợt này, có 2.062 sinh viên chính quy và chính quy liên thông; 1 SV chương trình 2; 3 SV bằng 2 chính quy; 324 SV hệ VLVH được công nhận tốt nghiệp và cấp bằng. Trong số SV chính quy và liên thông, đa số là sinh viên tốt nghiệp đúng tiến độ thuộc khóa 2010 chính quy và 2013 chính quy liên thông. Sinh viên tốt nghiệp thuộc khóa 2010 của Chương trình tiên tiến là 23, của PFIEV là 28 SV.

Xếp hạng tốt nghiệp trong số sinh viên tốt nghiệp đúng hạn, của khóa 2010 chính quy: Xuất sắc 1,3%, Giỏi 13,1%, Khá 67,1% và Trung bình 18,5% - Từ Khá trở lên chiếm 81,5%.

Tỷ lệ nhận Đồ án tốt nghiệp đúng tiến độ của khóa 2010 là 78,0% (2.215 trong tổng số 2.841 SV). Tỷ lệ tốt nghiệp đúng tiến độ của khóa 2010 là 70,4% (2.001 trong tổng số 2.841 SV). Các em sinh viên đã làm Đồ án tốt nghiệp nhưng chưa được công nhận tốt nghiệp do thiếu ít nhất 1 trong số các chứng chỉ GDTC, GDQP-AN hoặc ngoại ngữ đầu ra là 69 SV khóa 2010 và 01 SV khóa 2013LT.

alt
GS.TS Lê Kim Hùng - Hiệu trưởng Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). -Ảnh: T.N.

Nhắn gửi cùng các Tân Kỹ sư, Kiến trúc sư, GS.TS Lê Kim Hùng - Hiệu trưởng Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) bày tỏ:

Khoá đào tạo của các em chính quy là khoá đào tạo thứ 5 kể từ khi nhà trường chuyển sang đào tạo học chế tín chỉ, giai đoạn nhà trường tiếp tục đổi mới quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Về chất lượng đào tạo, các thế hệ sinh viên tốt nghiệp tại Trường Đại học Bách khoa luôn luôn được xã hội thừa nhận, các cơ sở sản xuất đánh giá rất cao.

Trong bối cảnh đất nước hiện nay, các em có vai trò hết sức lớn lao trong việc xây dựng đất nước cường thịnh về sinh tế và quốc phòng, khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, những kiến thức nhà trường đã trang bị cho các em mới chỉ là những kiến thức quan trọng và cơ bản nhất, những hành trang ban đầu trên con đường chuyên môn của mình. Tôi luôn mong muốn và tin tưởng rằng các em - những người đã và đang chuẩn bị đến với các cơ sở nghiên cứu và sản xuất trong cả nước, những chiến sỹ trên mặt trận khoa học kỹ thuật, sẽ không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm, rèn luyện đạo đức, không ngừng học tập nâng cao trình độ để xứng đáng với sự tin tưởng của gia đình và xã hội, với truyền thống của nhà trường.

alt

GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng: Các Tân kỹ sư, Kiến trúc sư phải tiếp tục trau dồi và nâng cao năng lực ngoại ngữ, hoàn thiện kỹ năng mềm.

-Ảnh: T.N.

Thay mặt Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, GS.TS Trần Văn Nam đã chúc mừng các Tân kỹ sư, Kiến trúc sư đón nhận bằng tốt nghiệp sáng hôm nay, vì đây là đợt tốt nghiệp vô cùng có ý nghĩa, đợt tốt nghiệp đúng vào dịp Nhà trường sắp kỷ niệm 40 năm thành lập và đang không ngừng nỗ lực, tiếp tục khẳng định uy tín học hiệu của một ngôi trường đảm đương sứ mệnh đào tạo cán bộ kỹ thuật lớn nhất khu vực miền Trung.

GS.TS Trần Văn Nam cũng lưu ý các Tân kỹ sư, Kiến trúc sư phải tiếp tục trau dồi và nâng cao năng lực ngoại ngữ, bởi trong bối cảnh hội nhập, thị trường lao động đang có những đòi hỏi ngày một khắt khe hơn, việc thạo một ngoại ngữ bên cạnh sự vững vàng về kiến thức và tay nghề chuyên môn là một lợi thế. Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm cũng có vai trò hết sức quan trọng. Lao động trẻ Việt Nam bên cạnh vấn đề còn yếu về ngoại ngữ, là hạn chế về kỹ năng mềm như giao tiếp, ứng xử, làm việc nhóm …Đây là những hành trang không thể thiếu khi các em hội nhập vào thị trường lao động cạnh tranh.

"Ngôi trường này đã chắp cánh cho mơ ước của em, một sinh viên nghèo, xa quê …"

alt

Đó là tâm sự chân thành của bạn Nguyễn Đăng Minh Nhân (SV lớp 10H5, ngành Công nghệ hoá học, dầu và khí, khoa Hoá; trong ảnh trên, bạn Minh Nhân đứng ở bìa phải ảnh).

Là con út trong một gia đình “chỉ đủ ăn, không dư dả gì”, ba đã nghỉ hưu, mẹ trước đây là thợ may, nhưng do sức khoẻ chỉ còn "may vá lặt vặt", anh trai đầu chưa có công việc ổn định, chị kế đã có gia đình và là một công chức, Nhân đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thành xuất sắc chương trình học qua các năm từ 2010 đến 2015 và là 1 trong số 24 SV được vinh danh khen thưởng “Xuất sắc ngành học”.

“Em rất biết ơn Nhà trường. Suốt 5 năm qua, Nhà trường cấp học bổng cho em và giới thiệu thành tích học tập của em để một doanh nghiệp cấp học bổng. Vậy là các suất học bổng này đã giúp em trang trải chi phí học tập. Với gia cảnh như em, không có những suất học bổng này, em rất khó đi hết chặng đường học vấn” – Nhân chia sẻ.

Ngoài giờ học, Nhân tranh thủ đi làm thêm theo ca. Chịu khó, trung thực, tận tụy, Nhân được chủ cơ sở nơi làm thêm ưu tiên cho chọn thời gian có thể đến làm thêm mà không ảnh hưởng gì đến việc học.

Nhân cho hay, đời SV có thêm thu nhập để tự lập được chừng nào hay chừng ấy, bớt gánh nặng cho mẹ cha, thì điều đó đáng quý vô cùng. Nhưng quan trọng hơn, khi đi làm thêm, Nhân đã nhận thức thêm về giá trị của sức lao động, biết được đồng tiền mình kiếm được phải vất vả như thế nào; và, môi trường làm thêm cũng rèm thêm cho mình những đức tính như kiên nhẫn, chịu khó, nếu biết gạn lọc môi trường của cuộc sống, bản thân sẽ học hỏi được những điều có ích.

alt

Chia sẻ thêm về “bí quyết trong học tập”, Nhân cười và nói rằng “Với em, ngày từ năm một, em đã xác định: Bài ngày nào, xào ngày ấy, nghĩa là không bao giờ để đến lúc thi mới lao vào học. Việc củng cố kiến thức, rút ra những nội dung quan trọng mà Thầy Cô vừa giảng, phải được tích luỹ ngay sau đó. Có vậy sau này, mới hệ thống được kiến thức, làm bài tập, làm đồ án. Đối với việc học ngoại ngữ, Nhân dành một khoảng thời gian nhất định để học trên mạng, tham khảo các dạng đề, bài tập và tự làm như đang học và thi thực sự.

Em vẫn mong ước được học tiếp, nhưng có lẽ, với điều kiện, hoàn cảnh hiện nay, em phải chuyển hướng sang tìm kiếm việc làm. Em sẽ theo ngành đã học chứ không làm trái nghề, do vậy, em sẵn sàng làm việc ở bất kỳ nơi đâu tuyển dụng kỹ sư hoá dầu. Xu hướng của em thiên về tìm việc ở các tỉnh, thành phía Nam. Em muốn làm một việc gì đó giúp đỡ mẹ cha trong lúc này. Còn việc học, sau này em sẽ tính tiếp.