Hội nghị thường niên về Giáo dục ngành Kỹ thuật tại Việt Nam –VEEC
17/03/2015 02:23
Lần đầu tiên Hội nghị thường niên lần III về Giáo dục ngành Kỹ thuật tại Việt Nam (VEEC) chính thức diễn ra trong 2 ngày 16 và 17 tháng 3 năm 2015 tại Đà Nẵng. Chủ đề của VEEC-2015 là: “Giáo dục ngành kỹ thuật là Xúc tác cho Đổi mới và Tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam”. Năm nay, công tác tổ chức hội nghị do Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) – một đối tác của HEEAP và Đại học bang Arizona (ASU) phối hợp chuẩn bị và chủ trì. Các đối tác tham dự hội nghị gồm có USAID, National Instruments, SHTP, Siemens, Cadence, Pearson, Intel, Danaher, Mekong Technologies, và Mediasite.
Sau phần khai mạc chung, hội nghị đã đi vào phiên làm việc thứ nhất với sự dẫn dắt (điều hành) của ông Hawking Pham (Trưởng Bộ phận Tư vấn, Indochina Capital) với các diễn giả: Dr. Mitzi Montoya (Đại học bang Arizona) ; ông Tony Ngô (Chủ tịch và đồng sáng lập của Tổ chức Giáo dục Everest); ông Chandran Nair (Giám đốc điều hành, Instruments Region Quốc gia ASEAN); Bà Phan Hoàng Anh (đồng sáng lập, Fablab Sài Gòn).
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
* Fablab được viết tắt từ Fabrication Laboratory, một mô hình khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đã rất phát triển trên thế giới, trải rộng qua 30 quốc gia. Fablab là phòng thí nghiệm chế tạo; cũng có thể là một xưởng sản xuất mini gói gọn trong một căn phòng nhỏ).
Được biết, Chương trình Liên minh Giáo dục Đại học Ngành Kỹ thuật (HEEAP) là hoạt động hợp tác giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Đại học Bang Arizona và Tập đoàn Intel. HEEAP được khởi động vào tháng 6/2010 nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí và điện tử.
Trong đó, đến nay, VEEC đã là một sự kiện thường niên quan trọng mang lại cơ hội gặp gỡ giữa ngành công nghiệp toàn cầu, Chính phủ và các Chuyên gia giáo dục để thảo luận các ý tưởng và giải pháp đổi mới chương trình đào tạo ngành kỹ thuật tại Việt Nam.
Hội nghị thường niên VEEC bao gồm các phiên họp toàn thể, phiên thảo luận mở, các phiên và buổi chuyên đề thảo luận kỹ thuật nhấn mạnh vào hợp tác giữa đào tạo, ngành công nghiệp và chính phủ để xây dựng và nâng cao năng lực đổi mới kỹ thuật và công nghệ sử dụng trong giảng dạy, nghiên cứu và khám phá.
|
Phát biểu khai mạc của Phó GS.TS Đoàn Quang Vinh-Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng.
-Ảnh: T.N.
|
Các diễn giả và đại biểu danh dự tham dự VEEC gồm: Bà Rena Bitter - Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo (được Giáo sư Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ủy nhiệm); Tiến sĩ Sonia Ortega - Giám đốc chương trình, Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF),; ông Joakim Parker - Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Tiến sĩ Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; Ông Kenny Sng - Giám đốc Kiến trúc Giải Pháp của Intel Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản; Giáo sư Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng và Giáo sư Lê Kim Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng.
|
Giáo sư Lê Kim Hùng-Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) và nhiều lãnh đạo, CBGV của trường đã có mặt tại VEEC 2015.
Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng là một trong hai đơn vị chủ công trong công tác tổ chức VEEC 2015, lần đầu tiên diễn ra tại Đà Nẵng.
-ảnh: T.N
|
Những bài trình bày chính tại hội nghị đã tập trung nhấn mạnh vấn đề “Làm thế nào để phong trào sáng chế có thể thay đổi hoạt động Khoa học-Công nghệ-Kỹ thuật-Toán học và Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật”; song song với đó là các phiên thảo luận mở có tính tương tác cao giữa các đối tác công nghiệp/đối tác giáo dục về khuyến khích tư duy đổi mới và khởi nghiệp ở các kỹ sư bậc cử nhân: những ý tưởng và mô hình cho Việt Nam. Những bài trình bày chủ đạo khác sẽ tập trung vào ”Xây dựng quan hệ đối tác song phương về phát triển Kinh tế và Kỹ thuật, về phát triển Việt Nam trong tầm nhìn đến 2030: Làm thế nào để Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật có thể là nhân tố thúc đẩy phát triển”.
|
“Hợp tác giáo dục là nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta và chương trình Chương trình Liên minh Giáo dục Đại học Ngành Kỹ thuật-HEEAP là một ví dụ tiên phong cho những kết quả lớn lao mà chúng ta có thể đạt được thông qua mối quan hệ đối tác công-tư đầy năng động”.
* Bà Rena Bitter, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam.
-Ảnh: T.N.
|
Những phiên thảo luận kỹ thuật tại hội nghị cũng đề cập đến các những chủ đề : Phát triển và đánh giá quan hệ đối tác giữa Chính phủ-Công nghiệp-Giáo dục; Công nhận đạt chất lượng và tiếp tục cải tiến; Sinh viên và hợp tác nghiên cứu sử dụng môi trường mô hình hoá xây dựng thông tin (BIM), Phát triển kỹ năng nghề nghiệp; Những định hướng tương lai cho giáo dục tại Việt Nam; cùng các chủ đề khác.
Những bài thuyết trình của khối công nghiệp và các Viện Đại học của Hoa Kỳ hay của các diễn giả đến từ hầu hết các trường đối tác của HEEAP trong các phiên thảo luận kỹ thuật đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho các trường ĐH, các Viện, Trung tâm Việt Nam bởi những chia sẻ về kết quả lẫn nỗ lực là từ chính quá trình mà đơn vị, tổ chức của chính diễn giả đã trải nghiệm.
Hội nghị đã dành không gian để triển lãm công nghệ từ các đối tác công nghệ của HEEAP cũng như các đơn vị tài trợ cho VEEC 2015.
|
Phó Giáo sư Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo:
“Các đối tác HEEAP đã có những hỗ trợ quan trọng trong đổi mới, cập nhật nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy, nghiên cứu ở các trường Đại học kỹ thuật Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hội nghị Giáo dục Kỹ thuật Việt Nam là cầu nối hữu hiệu thúc đẩy mối quan hệ đối tác công-tư, hợp tác giữa Chính phủ, khối Công nghiệp và khối Giáo dục-Đào tạo để tăng cường đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ”.
-Ảnh: T.N.
|
CHƯƠNG TRÌNH HEEAP
Các đơn vị đối tác của HEEAP gồm có Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh, Intel, Siemens, Danaher, Cadence, National Instruments, và Pearson. Các đối tác của Liên minh hướng tới đào tạo lực lượng sinh viên “đầy đủ kỹ năng làm việc” và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và đào tạo đội ngũ địa phương cho các ngành công nghiệp kỹ thuật cao tại Việt Nam.
Qua các khoá đào tạo và phát triển dành cho giảng viên, HEEAP đang hiện đại hoá các chương trình giảng dạy kỹ thuật dựa trên lý thuyết theo phương pháp truyền thống của Việt Nam bằng cách giới thiệu những phương pháp giáo dục thực tiễn và ứng dụng. Hơn 2000 giảng viên đã được tập huấn tại các khoá đào tạo trong nước của HEEAP. Bên cạnh đó, chương trình Hợp tác Giáo dục cho các trường Kỹ thuật (VULII) đã đào tạo hơn 1100 giảng viên đồng thời là lãnh đạo tại các trường, thông qua rất nhiều sự kiện từ năm 2012. HEEAP đã giúp 247 giảng viên từ các trường cao đẳng kỹ thuật của Việt Nam tham gia các khoá đào tạo giảng dạy tại ASU.
Các đối tác của HEEAP cũng đang xây dựng hệ thống đào tạo từ xa để sinh viên từ nhiều trường đại học tại Việt Nam có thể cùng tham gia đồng thời nhiều môn học. Họ cũng xây dựng một chương trình đào tạo lãnh đạo ngành giáo dục Việt Nam về các mô hình phát triển chính sách, tăng nguồn thu, quản trị hành chính hiện đại, cần thiết để xây dựng những trường đại học có khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Sau hai ngày làm việc hội nghị đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Một số hình ảnh tại hội nghị:
GS.TS. Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu bế mạc hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm