Cộng đồng Khoa học CLB các trường Đại học Kỹ thuật cả nước “hiến kế” cho mục tiêu phát triển Đà Nẵng bền vững
26/04/2014 13:53
Hội thảo khoa học Câu lạc bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các trường Đại học Kỹ thuật (ĐHKT) toàn quốc, lần thứ 44, với chủ đề “Các trường ĐHKT với sự phát triển bền vững của TP Đà Nẵng” đã chính thức khai mạc hôm nay 26/4 tại Đà Nẵng. Đây cũng là lần thứ II trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng đăng cai tổ chức Hội thảo chuyên đề của CLB.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Trần Quang Quý, Phó Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã cùng tham dự Hội thảo.
Nhiều hơn hết vẫn là các báo cáo khuyến nghị Đà Nẵng phát triển theo xu hướng Xanh, gìn giữ tốt môi trường tự nhiên, nhất là môi trường Biển; thay đổi cách sử dụng năng lượng và khai thác các thế mạnh của đô thị bên bờ biển Đông.
* Một góc Đà Nẵng (từ hướng biển Đông nhìn về phía Tây TP) -Ảnh: T.Ngọc
“CLB KH&CN các trường ĐHKT ra đời từ năm 1992, với 5 thành biên ban đầu, và đến nay, CLB đã có 22 thành viên chính thức. Để góp phần giải quyết một cách thiết thực nhiều vấn đề bức xúc của TP, sau hơn 4 tháng chuẩn bị, Hội thảo lần này đã quy tụ đến 46 tham luận, báo cáo chuyên sâu của các tác giả đến từ các trường ĐH thành viên CLB cùng nhiều đơn vị trên địa bàn Đà Nẵng” – Phó GS.TS Lê Kim Hùng-Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng cho biết.
|
Phó GS.TS Lê Kim Hùng-Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng. |
Trong tổng số 46 báo cáo, có 40 báo cáo tập trung vào 7 lĩnh vực gồm Quản lý-Môi trường-Năng lượng-Nông nghiệp-Phòng chống thiên tai-Thủy lợi-Xây dựng và Kiến trúc-. Đặc biệt, đồng hành cùng chủ trương và quyết tâm của Chính quyền-Nhân dân Đà Nẵng trong nỗ lực xây dựng Đà Nẵng trở thành một Thành phố Môi trường; có đến 14 báo cáo, tham luận tập trung cho lĩnh vực này.
6 báo cáo khác còn lại chia sẻ cho lĩnh vực Y học, Công nghệ thông tin, Công nghệ Nano, Tự động hóa …
Ngoài các báo cáo tập trung nghiên cứu, phân tích và đưa ra các đề nghị, khuyến cáo dựa vào số liệu và các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội-KH&CN-phòng chống thiên tai…của chính TP Đà Nẵng; Hội thảo lần này còn có nhiều báo cáo, tham luận giới thiệu các mô hình phát triển đã được tổng kết thành tựu, có bài học kinh nghiệm cụ thể để Chính quyền và Ngành chức năng TP Đà Nẵng tham khảo quyết định:
“Phân tích các ảnh hưởng đến thu nhập của cộng đồng dân cư do việc thu hồi đất để xây dựng KCN tại TP Cần Thơ mà TP Đà Nẵng có thể tham khảo” (của các tác giả Bùi Văn Trịnh, Huỳnh Văn Tùng) ; “Các công trình xả nước thải ra biển phù hợp với hệ thống thoát nước TP Đà Nẵng” (của các tác giả Trần Đức Hạ, Trần Việt Dũng); “Công nghiệp chế biến Biomass từ rong biển và vi tảo – một hướng mới trong sự phát triển bền vững của TP Đà Nẵng” (của các tác giả Huỳnh Quyền, Hoàng Minh Nam); “Đánh giá nhanh tác động của biến đổi khí hậu đến hiệu quả khai thác hồ chứa ở miền Trung Việt Nam – áp dụng cho hồ Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa” (của các tác giả Hoàng Thanh Tùng, Lê Kim Truyền, Dương Đức Tiến, Nguyễn Hoàng Sơn) …
|
Chúng tôi mang về đây những ý tưởng phát triển bền vững cho Đà Nẵng-động lực của cả miền Trung ruột thịt. -Ảnh: T.Ngọc |
Tác giả tham luận “Vài suy nghĩ về tiềm năng phát triển phong điện tại khu vực Đà Nẵng”, GS.TSKH Nguyễn Phùng Quang (ĐH Bách khoa Hà Nội) chia sẻ:
“Quan sát riêng khu vực Đà Nẵng (qua các số liệu thực nghiệm), tôi cho rằng sự chênh lệch về sức gió theo mùa không lớn như các nơi các, gió mạnh tập trung chủ yếu vào quý III trong năm. Bản thân tôi cũng đã tự mình lắp đặt một thiết bị tạo phong điện có công suất 20kW tại ven biển huyện Núi Thành-tỉnh Quảng Nam (cách Đà Nẵng hơn 80km về phía Nam) để đi đến xây dựng báo cáo này, và đưa ra những gợi ý, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề hết sức cụ thể cho Đà Nẵng.
Đó là các câu hỏi mà Đà Nẵng phải trả lời, phải thỏa mãn trước khi quyết định đầu tư cho phong điện là gì ?. Đâu là các vấn đề kỹ thuật mà Đà Nẵng phải làm chủ ?, rồi yếu tố con người, từ anh cán bộ quy hoạch đến cán bộ kỹ thuật của nhà thầu lẫn người kỹ sư vận hành sau này… Tham vọng của tôi là cung cấp cho người nghe, người đọc, người quan tâm đến đề tài, một cái nhìn tổng thể về tiềm năng khai thác phong điện tại khu vực Đà Nẵng ; còn hy vọng của tôi là phong điện sẽ trở thành một đóng góp quan trọng cho Đà Nẵng nói riêng và cho cả khu vực miền Trung của đất nước nói chung”.
|
Các nhà nghiên cứu và giới chuyên môn chọn Đà Nẵng làm đối tượng nghiên cứu.
-Ảnh: T.Ngọc
|
Phát biểu cùng hội thảo, Phó Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết nhìn nhận: Đây là hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng KH&CN, của các chuyên gia đầu ngành, các nhà nghiên cứu và giới chuyên môn khi chọn Đà Nẵng làm đối tượng nghiên cứu và hướng các nghiên cứu đến nhiều phạm vi đề xuất chuyên sâu, đưa ra khá nhiều gợi ý, kiến nghị và cách làm phục vụ mục tiêu chung, bao trùm nhất, đó là Vì sự phát triển bền vững của TP Đà Nẵng.
|
Tiến sỹ Phùng tấn Viết - Phó CT.UBNDTP Đà Nẵng.-Ảnh: T.Ngọc |
Để xứng đáng là TP động lực cho cả vùng, Đảng bộ-Chính quyền và Nhân dân Đà Nẵng đang hướng đến nhiều chỉ tiêu phấn đấu và tất cả đều được cụ thể hóa qua nhiều chương trình hành động, qua các nội dung được khẳng định là mang tính đột phá chiến lược.
Ngoài việc tập trung thực hiện các phân kỳ đầu tư, tạo nên một hạ tầng kỹ thuật đồng bộ-hiện đại; Chính quyền TP đã-đang tiếp tục hướng đến xu thế chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, vừa đặc biệt nâng cao vị trí của các ngành dịch vụ, vừa quan tâm đến các ngành sản xuất công nghiệp tạo thặng dư trong giá trị xuất khẩu.
Trong vài năm đến, Đà Nẵng phấn đấu sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới tham gia vào chuỗi cung ứng và phân phối giá trị hàng hóa- giá trị dịch vụ trên toàn cầu.
“Muốn làm được việc đó, TP Đà Nẵng luôn quan tâm đến hàm lượng chất xám tham gia vào quy trình điều hành, quản lý. Hằng năm. TP đều dành một khoản ngân sách đáng kể cho hoạt động KH&CN nói chung, thực hiện các đề tài nghiên cứu theo từng lĩnh vực chuyên ngành và nhu cầu bức xúc nói riêng.
Và hội thảo hôm nay, chính là một kênh đóng góp rất nhiều nội dung quý báu vào các lĩnh vực mà Đảng bộ-Chính quyền và Nhân dân Đà Nẵng hết sức quan tâm” – Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết nhấn mạnh.