Điều khiển và Tự động hoá: Động lực chính của phát triển, xóa khoảng cách tụt hậu cho miền Trung Việt Nam

23/11/2013 12:59

Đó cũng là tiêu chí của Hội nghị toàn quốc về Điều khiển và Tự động hóa (VCCA) lần thứ II, diễn ra trong 2 ngày 22 và 23/11 tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng do Hội Tự động hóa Việt Nam, Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.03/11-15 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng (đơn vị đăng cai) đồng tổ chức.

alt

Hội nghị toàn quốc về Điều khiển và Tự động hóa - VCCA - được tổ chức lần thứ nhất tại Hà Nội vào ngày 25-26/11/2011 đã thành công tốt đẹp với 135 báo cáo khoa học chuyên ngành được trình bày tại Hội nghị.

Cũng như VCCA lần đầu tiên, những công trình được công bố tại Hội nghị VCCA lần II góp phần quan trọng vào sự phát triển của lĩnh vực Điều khiển và Tự động hóa Việt Nam.

Nhiều công trình sẽ nhanh chóng được ứng dụng vào cuộc sống, vào hoạt động sản xuất-kinh doanh thông qua các kênh hợp tác, tài trợ.

Được biết, VCCA–2013 đã lựa chọn 47 chủ đề tập trung vào 3 lĩnh vực chính là: Điều khiển học, Tự động hoá và Ứng dụng. Các chủ đề này phù hợp với các chủ đề của Hội nghị quốc tế về Điều khiển học và Tự động hoá (ICCA) và Hội nghị quốc tế về Điều khiển, Tự động hoá, Rô bốt và Thị giác máy (ICARCV).

Điều này cho thấy, lĩnh vực Điều khiển và Tự động hoá Việt Nam đang tiệm cận nhanh với tiến bộ khoa học chuyên ngành trên thế giới

alt
Không gian giới thiệu thành tựu Điều khiển và Tự động hoá Việt Nam thu hút đông đảo SV và CBGV, đại biểu dự VCCA 2013 tham quan (ảnh trên); Phó GS.TS Đoàn Quang Vinh Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, Thường trực BTC VCCA II tại Đà Nẵng, phát biểu khai mạc. - Ảnh: Phan Hữu Phát.
Một Hội nghị, Một Diễn đàn khoa học “Vì Miền Trung–Cho Miền Trung của Tổ quốc”

“TP Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đã xác định những trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế là tập trung phát triển Công nghệ Cao và Kinh tế dịch vụ. Trong đó, phát triển công nghệ cao mà Tự động hóa và Điều khiển tự động là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, tại khu vực miền Trung đang có hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điều khiển và tự động hóa và thành phố Đà Nẵng đang triển khai xây dựng Khu Công nghệ cao với qui mô 1.129,76 ha.

Chính vì vậy, hội nghị lần này với chủ đề “Điều khiển và Tự động hóa cho sự phát triển khu vực miền Trung” sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho lĩnh vực điều khiển và tự động hóa tại miền Trung nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng” – Phó GS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, Thường trực BTC VCCA tại Đà Nẵng, nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc.

alt
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng giới thiệu quy hoạch Khu Công nghệ Cao Đà Nẵng với Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. - Ảnh: T.Ngọc

Theo Phó GS.TS Đoàn Quang Vinh, đón đầu định hướng này, ĐH Bách khoa thuộc ĐH Đà Nẵng, đã triển khai đào tạo những chuyên ngành liên quan đến điều khiển và tự động hóa từ rất sớm. Và hội nghị lần này là một cơ hội lớn giúp cho cán bộ, giảng viên, sinh viên chúng tôi học hỏi thêm những kiến thức mới; giao lưu, quan hệ với nhiều nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp. ĐH Bách khoa cũng như ĐH Đà Nẵng đều mong muốn rằng , quan hệ hợp tác sẽ tiếp tục duy trì và phát triển kể cả khi Hội nghị lần II này khép lại.

Được biết, ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã và đang tiếp tục triển khai đào tạo các chuyên ngành như: Tự động hóa (Khoa Điện); Sản xuất tự động, Tin học Công nghiệp (Chương trình PFIEV); Điện tử (Khoa Điện tử Viễn Thông); Cơ khí, Cơ điện tử (Khoa Cơ); CNTT (Khoa CNTT và PFIEV). Số lượng sinh viên thuộc các chuyên ngành này là trên 5000 sinh viên (trung bình 1000 sinh viên mỗi năm).

Bên cạnh đó, ở vai trò và vị trí của một ĐH Vùng, ĐH Đà Nẵng cũng đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong lĩnh vực điều khiển và tự động hóa ; triển khai đào tạo bậc Cao học và Tiến sĩ với qui mô hàng trăm học viên và NCS mỗi năm. Đại học Đà Nẵng đã thực sự trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn về điều khiển và tự động hóa tại khu vực miền Trung cũng như của cả nước.

Công bố và Trao giải “Bài báo hay nhất” VCCA II-Đà Nẵng, 2013

Ban Tổ chức Hội nghị lần II VCCA tại ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho hay, đã nhận được 221 bài báo đăng ký tham gia.

Sau khi phản biện trên 218 báo cáo khoa học của 382 tác giả và đồng tác giả (trong đó có 13 tác giả là người nước ngoài) gửi đến Hội nghị, Tiểu ban Chương trình đã quyết định chọn 134 công trình đủ tiêu chuẩn báo cáo tại Hội nghị (chiếm 61% tổng số báo cáo đã nhận được). Tuy nhiên do một số tác giả bận công tác khác, nên tại Hội nghị chúng ta sẽ nghe trình bày 131 báo cáo ở phiên toàn thể và tại 23 tiểu ban. Với tỷ lệ số bài được lựa chọn là 59,27%, rõ ràng Hội nghị VCCA đã có sức thu hút giới khoa học chuyên ngành; đồng thời cũng khẳng định tính nghiêm túc, khoa học và chất lượng của bài báo đăng ký tham gia.

alt
Một góc trưng bày giới thiệu thành tựu của Ngành Điều khiển và Tự động hoá Việt Nam tại VCCA 2013.                                                                   - Ảnh: Phan Hữu Phát.

VCCA đã thực sự trở thành một Diễn đàn khoa học lớn, có uy tín, đã tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, các nhà giáo, các doanh nghiệp và các nhà quản lý gặp gỡ, trao đổi, báo cáo các kết quả nghiên cứu mới nhất, các ứng dụng Khoa học–Công nghệ vào Sản xuất–Kinh doanh, trao đôi về đào tạo và các phương hướng nghiên cứu mới cũng như hợp tác trong lĩnh vực Điều khiển và Tự động hoá trong và ngoài nước-TS. Đỗ Hữu Hào-Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức.

Làm việc liên tục trong 2 ngày 22 và 23/11, VCCA đã hoàn tất chương trình nghị sự khoa học với 1 phiên toàn thể và các phiên làm việc ở cấp tiểu ban gồm 13 tiểu ban về Điều khiển học, 10 tiểu ban về Tự động hoá và ứng dụng.

Các báo cáo đều có 20 phút để trình bày các kết quả nghiên cứu của mình ở 29 phiên họp tiểu ban. Các tiểu ban có nhiều báo cáo năm nay là các tiểu ban về : Mô hình hoá và điều khiển rô bốt; Điều khiển xe tự hành, rô bốt di động; Điều khiển điện tử công suất; Tự động hoá các quá trình sản xuất; Ứng dụng trong an ninh, quốc phòng. Mảng nghiên cứu cơ bản có các tiểu ban Lý thuyết điều khiển tự động, Lọc và ước lượng trạng thái, Điều khiển hệ phi tuyến.

alt
Một phiên sinh hoạt khoa học cấp Tiểu ban. - Ảnh: Phạm Hữu Phát.

Đặc biệt Hội nghị có một phiên chuyên đề của Chương trình KC-03/11-15 giới thiệu 6 báo cáo xuất sắc nhất trong 34 công trình của chương trình KC-03 được báo cáo tại Hội nghị. Khu vực Miền Trung đóng góp 18 công trình cho Hội nghị về các chủ đề Rô bốt, Điều khiển động cơ, Năng lượng, Tự động hoá quá trình sản xuất, Cảm biến và cơ cấu chấp hành.

Ban Tổ chức VCCA II cũng đã thực hiện Tuyển tập các báo cáo khoa học với hình thức ghi 134 công trình, bài báo khoa học chất lượng cao vào đĩa CD (nếu điều kiện tài chính cho phép, Ban Tổ chức sẽ tổ chức in ấn và xuất bản sau Hội nghị).

Tuyển tập các báo cáo khoa học của các Hội nghị VCCA trong đĩa CD luôn được đánh giá là xuất bản có giá trị khoa học cao nhất trong lĩnh vực Điều khiển và Tự động hoá, và là tài liệu tham khảo bổ ích cho các hoạt động nghiện cứu, đào tạo, sản xuất – kinh doanh và công tác quản lý Nhà nước - TS. Đỗ Hữu Hào khẳng định.
Và theo Phó GS.TS Đoàn Quang Vinh, để khuyến khích, động viên kịp thời các nhà nghiên cứu, là tác giả của các báo cáo được trình bày tại VCCA – 2013, Hội nghị sẽ xét chọn và trao giả “Bài báo hay nhất” như VCCA – 2011 đã làm.

Ban Thường trực Hội nghị sẽ xét chọn trong quá trình nghe trình bày các báo cáo tại Hội nghị và Lễ Công bố và trao giải “Bài báo hay nhất” được tiến hành tại nghi thức bế mạc Hội nghị (chiều 23/11).

Chương trình Khoa học Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước về Cơ khí và Tự động hoá KC.03/11-15

alt

Mục tiêu:

1) Làm chủ công nghệ, thiết kế, chế tạo và đưa ra thị trường sản phẩm cơ khí đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới.
2) Làm chủ công nghệ, thiết kế và chế tạo thiết bị, hệ thống tự động hóa thay thế nhập ngoại.
3) Tạo được các công nghệ có tính ứng dụng và hiệu quả cao, các nhóm nghiên cứu trẻ có năng lực nghiên cứu mạnh trên cơ sở kết quả của các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ tiềm năng.

Các nội dung triển khai cụ thể:

1) Nghiên cứu công nghệ và chế tạo một số sản phẩm cơ khí chủ yếu.
2) Nghiên cứu công nghệ và chế tạo một số sản phẩm cơ điện tử: Máy công cụ điều khiển số CNC và các dao cụ; một số loại rô bốt; ô tô điện; các chi tiết chính cho chế tạo rô bốt và máy CNC.
3) Nghiên cứu công nghệ, chế tạo thiết bị và hệ thống tự động hóa chủ yếu trong: Dầu khí; sản xuất và truyền tải điện, tiết kiệm năng lượng; thiết bị y tế kỹ thuật số có nhu cầu cấp bách cho tuyến huyện và tuyến tỉnh; phần mềm nền và chip chuyên dụng trong hệ thống tự động...

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ảnh trên : Ươm mầm sáng tạo từ học đường. Các bạn HS trường PTTH Phan Châu Trinh - Đà Nẵng đến với Cuộc thi sáng tạo Robot cấp TP (tổ chức lần đầu tiên 2013) có tên gọi RODNIC (và chủ đề cuộc thi là) "Rồng thiêng ra biển cả". -Ảnh: T.Ngọc.

Hội nghị Khoa học chuyên ngành cấp Quốc gia theo "tiêu chuẩn và sự quan tâm ở quy mô Quốc tế" !

GS. TKH Phạm Thượng Cát - Trưởng ban Chương trình chia sẻ thêm:

alt
VCCA lần II-2013, Đà Nẵng–Việt Nam tập hợp được các báo cáo mang tính thời sự khoa học, được giới chuyên ngành trên thế giới đang đặc biệt quan tâm nhưng lại rất phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.            -Ảnh: Phan Hữu Phát.

Ban Chương trình VCCA – 2013 tiếp tục áp dụng hình thức quản lý, tiếp nhận bài và tổ chức công tác phản biện on-line với sự hỗ trợ của hệ thống quản lý hội nghị khoa học quốc tế EasyChair, hết sức linh hoạt và tiện dụng. Việc sử dụng EasyChair cho tổ chức Hội nghị VCCA – 2013 đã giúp cho Ban chương trình thực hiện được khối lượng công việc đồ sộ của một Hội nghị quốc gia trong vòng 8 tháng.

Do các hoạt động chính của Ban chương trình đều được thực hiện on-line trên một nền cơ sở dữ liệu thống nhất nên Hội nghị VCCA – 2013 đã tạo ra được một môi trường rất thuận lợi, tiện dụng, nhanh chóng và chính xác cho các tác giả, uỷ viên phản biện và cho các công việc quản lý, biên tập các ấn phẩm của Hội nghị.

Và trong 218 bài và 1 báo cáo mời của 382 tác giả (trong đó có 13 chuyên gia nước ngoài gửi tới tham dự Hội nghị), các chủ đề được quan tâm nhiều nhất của các bài nộp theo thứ tự là: Mô hình hoá và mô phỏng; Điều khiển thông minh, hệ mờ, hệ chuyên gia, mạng nơ ron, thuật gien; Hệ phi tuyến; Ứng dụng trong an ninh, quốc phòng; Lý thuyết điều khiển tự động; Điều khiển xe tự hành, rô bốt di động; Điều khiển chuyển động; Điều khiển điện tử công suất; Mô hình hoá và điều khiển rô bốt công nghiệp.

Lấy chất lượng khoa học là ưu tiên số 1 và là định hướng trọng tâm nghiên cứu cho các tác giả gửi bài tham dự Hội nghị; Ban Chương trình đã nhất quán có chúng nhìn nhận: 47 chủ đề đã được lựa chọn kỹ và làm nên VCCA lần II, Đà Nẵng – Việt Nam đều mang tính thời sự khoa học, được giới chuyên ngành trên thế giới đang đặc biệt quan tâm nhưng lại rất phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam.