Phân tầng chất lượng GD, xây dựng & phát triển các chương trình, mô hình cơ sở GD tiên tiến, chất lượng cao: Không thể chần chừ thêm nữa!
21/01/2013 02:18
Như chúng tôi đã thông tin cùng độc giả, liên tiếp trong các ngày 22 và 23/1/2013, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tổ chức 3 phiên Hội nghị trực tuyến với 6 điểm cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Nghệ An theo 3 chuyên đề riêng :
1/ Giáo dục Đại học (ĐH) năm 2013 ; 2/ Tuyển sinh 2013 và 3/ Triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
|
Các ý kiến thảo luận làm nóng không khí tại 6 điểm cầu hội nghị. -ảnh: T.Ngọc |
Cả 3 phiên Hội nghị trực tuyến đều được toàn xã hội quan tâm theo dõi bởi thời gian nhiều vấn đề của ngành đã gây bức xúc trong dư luận.
Ngành Giáo dục phải tập trung giải quyết cơ bản 3 vấn đề còn tồn tại là: chấn chỉnh các khoản thu ngoài quy định trong trường học ; khắc phục dạy thêm, học thêm tràn lan; kiên trì khắc phục tiêu cực trong thi cử - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận .
Ngoài ra vấn đề đào tạo liên thông ; việc tuyển sinh, mở ngành (nghề) trái quy định, nổi cộm lên là một số cơ sở giáo dục & đào tạo nước ngoài vào hoạt động tại việt Nam ; đặc biệt là chất lượng đào tạo nguồn lực luôn được nhà tuyển dụng và xã hội theo dõi sát sao. Ngoài kêu ca chung là lực lượng lao động trẻ Việt Nam quá yếu về kỹ năng, còn cộm lên việc đào tạo hệ tại chức không được một số địa phương thừa nhận trong tuyển dụng và tình trạng tốt nghiệp không tìm được việc làm (do dôi thừa) hoặc doanh nghiệp phải đào tạo lại mới sử dụng được
Trong bài tổng thuật lần nầy, ictdanang đề cập đến Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và các ý kiến tham gia vào Chiến lược từ góc nhìn nhà trường – lò đào tạo.
Những điểm mới trong quan điểm và mục tiêu phát triển giáo dục
Chiến lược đã xác định rõ mục tiêu, giải pháp và lộ trình thực hiện giáo dục Việt Nam nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục với 6 nội dung chính: 1) Tình hình giáo dục Việt Nam giai đoạn 2001-2010; 2) Bối cảnh và thời cơ, thách thức đối với giáo dục nước ta giai đoạn 2011-2020; 3) Các quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục; 4) Mục tiêu phát triển giáo dục đến 2020; 5) Các giải pháp phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020; 6) Tổ chức thực hiện Chiến lược.
- Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó để đạt được mặt bằng chung, đồng thời tạo điều kiện để các địa phương và các cơ sở giáo dục có điều kiện bứt phá nhanh, đi trước một bước, đạt trình độ ngang bằng với các nước có nền giáo dục phát triển;
- Xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội bình đẳng để ai cũng được học, học suốt đời;
- Ưu tiên nâng cao chất lượng giáo dục trong mối quan hệ với tăng quy mô, đáp ứng nhu cầu xã hội, thỏa mãn nhu cầu học tập và phát triển của mỗi người học;
- Nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn về giáo dục toàn diện, đó là đào tạo những lớp người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đồng thời những người có năng khiếu đều phát triển được tài năng.
|
Các phiên hội nghị đều sôi nổi nhất phần thảo luận tại các điểm cầu ! |
Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục là khâu then chốt để đổi mới giáo dục.
Nghị quyết Đại hội Đảng XI xác định đổi mới cơ chế quản lý giáo dục là khâu then chốt để đổi mới giáo dục.
Chiến lược xác định: Thực hiện thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục; hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giáo dục; thực hiện đồng bộ việc phân cấp quản lý giáo dục; hoàn thiện và triển khai cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong quản lý giáo dục theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền gắn với trách nhiệm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật; tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, nhất là các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.
Trên cơ sở đó, những điểm mới trong giải pháp phát triển giáo dục gồm:
- Hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, xây dựng khung trình độ quốc gia tương thích với các nước trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo phân luồng trong hệ thống và liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo; đa dạng hóa phương thức học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.
- Thực hiện quản lý theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; vận dụng hiệu quả các quy luật và yếu tố của thị trường để phát triển giáo dục. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các loại hình và cơ sở giáo dục, trong đó có các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
- Lấy chất lượng làm trọng tâm, tập trung vào quản lý chất lượng giáo dục. Chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng; công khai về chất lượng giáo dục và các điều kiện đảm bảo chất lượng; thực hiện giám sát xã hội đối với chất lượng và hiệu quả giáo dục. Triển khai hệ thống kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục nghề nghiệp, đại học. Chất lượng giáo dục ở cấp học phổ thông sẽ được đánh giá quốc gia và công bố kết quả trước xã hội. Trước mắt, thực hiện đánh giá quốc gia định kỳ và từng bước tham gia các chương trình đánh giá quốc tế.
- Phân tầng chất lượng giáo dục, xây dựng và phát triển các chương trình, mô hình cơ sở giáo dục tiên tiến, chất lượng cao; phát triển hệ thống các trường phổ thông chuyên; thực hiện phân tầng các cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu, định hướng thực hành và định hướng ứng dụng; thực hiện xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học.
|
Mô hình đào tạo thiên về kỹ năng ứng dụng, thành thạo nghề do Tổ chức Passerelle Numerique (Cộng hòa Pháp) phối hợp với Trung tâm Phần mềm ĐH Đà Nẵng triển khai đã thu được những kết quả rất bát ngờ. Tỷ lệ các em học viên tốt nghiệp và tìm được việc làm rất cao, nhiều em có thu nhập ổn định ; có thể nuôi sống mình. -ảnh:T.Ngọc. |
- Đổi mới căn bản và toàn diện hệ thống đào tạo sư phạm về mô hình, chương trình, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng, đặc biệt về năng lực sư phạm, sử dụng được tin học và ngoại ngữ trong công việc. Tập trung phát triển các trường đại học sư phạm và đại học sư phạm kỹ thuật trọng điểm. Từng bước đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên thực hiện giáo dục toàn diện theo chương trình giáo dục mầm non và phổ thông mới, dạy học 2 buổi/ngày, dạy ngoại ngữ, giáo viên tư vấn học đường và hướng nghiệp, giáo viên giáo dục đặc biệt và giáo viên giáo dục thường xuyên. Triển khai đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo các chương trình tiên tiến quốc tế.
- Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015 và duy trì, phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi theo nhu cầu và khả năng của từng địa phương.
- Chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ được xây dựng theo định hướng chú trọng phát triển năng lực học sinh, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù mỗi địa phương; chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, pháp luật, thể chất, quốc phòng - an ninh và các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lao động và hướng nghiệp học sinh phổ thông; tăng cường áp dụng các chương trình giáo dục tiên tiến trên thế giới đối với giáo dục nghề nghiệp và đại học; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên.
- Tập trung vào việc tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và quản lý giáo dục bằng cách thay đổi chính sách tuyển dụng, đánh giá, chế độ đãi ngộ, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh; thu hút các nhà khoa học, các giảng viên giỏi trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu khoa học và giảng dạy ở các trường đại học. Có chính sách đặc biệt để thu hút học sinh giỏi theo học ngành sư phạm.
- Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học giáo dục, tập trung đầu tư nâng cao năng lực của cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục Quốc gia; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia giáo dục cao cấp nhằm triển khai nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai, cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục, quản lý cơ sở giáo dục và quá trình dạy học.
|
SV ĐH Kiến trúc Đà Nẵng thực hành kỹ năng vẽ phối cảnh công trình. Những giờ học nầy mang lại cho các em nhiều trải nghiệm thú vị. -ảnh: T.Ngọc. |
- Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đầu tư tập trung, không bình quân dàn trải, đầu tư đến đâu đạt chuẩn đến đó. Có chính sách đảm bảo nguồn lực tài chính cho một số cơ sở giáo dục Việt Nam đủ sức cạnh tranh bình đẳng với các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài; quy định trách nhiệm, đồng thời có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc đầu tư phát triển đào tạo nhân lực.
- Tăng cường gắn kết đào tạo với sử dụng, với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhà nước quy định trách nhiệm và cơ chế phù hợp để khuyến khích mở rộng các hình thức, nội dung hợp tác giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo, sử dụng nhân lực và nghiên cứu chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo.
Chiến lược cũng đề cập đến các giải pháp tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người dân: hỗ trợ giáo dục đối với các vùng miền và người học được ưu tiên, thông qua việc thực hiện cơ chế học bổng, học phí, tín dụng và mở rộng hệ thống đào tạo dự bị đại học cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số và thuộc diện chính sách xã hội; hỗ trợ giáo dục đặc biệt cho người khuyết tật, trẻ em các dân tộc rất ít người, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV và trẻ em lang thang đường phố; chú trọng đến công tác phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng tài năng và có chế độ học bổng khuyến khích cho các học sinh, sinh viên xuất sắc.
Tóm lại, tư tưởng xuyên suốt từ quan điểm đến mục tiêu và các giải pháp Chiến lược là ưu tiên nâng cao chất lượng giáo dục; người học là tâm điểm của chiến lược, hướng tới phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của mỗi người học; đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập; phát triển giáo dục đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ghi nhận tại điểm cầu Đại học Đà Nẵng
Các trường ĐH không thể dàn đều để tiến về phía trước
|
Phó Giáo sư–Tiến sỹ Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Đà Nẵng đóng góp ý kiến tại điểm cầu ĐH Đà Nẵng. -ảnh : T.Ngọc. |
Phó Giáo sư–Tiến sỹ Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Đà Nẵng, đồng tình với chủ trương kiểm định chất lượng là điều hết sức cấp thiết cần sớm được triển khai để từng bước xếp hạng các trường ĐH, phân tầng tính chất đào tạo và thực hiện đầu tư tập trung cho các trường trọng điểm, qua kiểm định được xếp thứ hạng cao.
Hiện nay, các trường ĐH Việt Nam đang dàn hàng ngang để tiến, thiếu trường trọng điểm, chưa có trường dào tạo ngành nghề mũi nhọn.
Đồng tình với Phó Giáo sư – Tiến sỹ Lê Kim Hùng, Giáo sư.Tiến sỹ khoa học Lê Văn Hoàng – Hiệu trưởng Đại học Đông Á – phát biểu : Vì sao bằng cấp tốt nghiệp ĐH tại Việt Nam chúng ta lại chưa nhận được sự thừa nhận của quốc tế ?. Rõ ràng giáo dục ĐH nước ta đang dàn hàng ngang mà tiến, thiếu trọng điểm, thiếu trọng tâm ; dạy qua loa. Ai cũng kêu sinh viên Việt Nam yếu về kỹ năng. Và các trường đối phó bằng cách dạy cho có thông qua 1 vài tín chỉ. Trong khi đó, ở các trường nước ngoài, các bộ môn kỹ năng chiếm thời lượng rất lớn trong quá trình SV theo học.
ĐH trọng điểm quốc gia cần bắt đầu từ Khoa/Ngành trọng điểm, mũi nhọn …
PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Huế ủng hộ kiểm định chất lượng giáo dục để thực hiện phân tầng ĐH, xây dựng các ĐH trọng điểm quốc gia. Tuy nhiên đây là một lộ trình không đơn giản; trước mắt, một số ĐH có tiềm lực, hãy bắt đầu bằng việc xây dựng ngành, khoa trọng điểm của mình.
… và trên cơ sở dữ liệu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực
Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Phó Giáo sư–Tiến sỹ Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cho rằng có một vấn đề hết sức quan trọng là phải sớm xây dựng hoàn chỉnh và thống nhất hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về nhu cầu nguồn nhân lực, cơ sở dữ liệu này cũng có tính dự báo cao để các trường, các Học viện, cơ sở đào tạo trên cả nước tham khảo xây dựng khung phát triển quy mô đào tạo, ngành nghề, bậc học. Từ đó xác định trong giai doạn nào, ngành,nghề nào là trọng điểm ; cần ưu tiên đào tạo để đáp ứng đủ nguồn lực cho xã hội.
|
PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Huếphát biểu. Người ngồi bên cạnh là Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đoàn Quang Vinh, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng. |
Doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc, chờ đào tạo xong là tuyển dụng
Trong khi nhiều doanh nghiệp thường than vãn rằng: Đào tạo từ nhà trường còn xa rời thực tế ; hạn chế về kỹ năng ; để sử dụng được nguồn lực do các trường đào tạo; chúng tôi phải bỏ tiền đào tạo lại. Thậm chí có doanh nghiệp trả lời báo chí rằng, suốt một chiến dịch tuyển dụng lao động từ Bắc chí Nam, doanh nghiệp chúng tôi không thể tuyển được ứng viên nào.
Về phía nhà trường, tại phiên hội nghị trực tuyến sáng 23/1/2013, rất nhiều ý kiến đã đề nghị doanh nghiệp cần vào cuộc sớm cùng nhà trường.
Giáo sư.Tiến sỹ khoa học Lê Văn Hoàng nhắc lại : Doanh nghiệp phải có trách nhiệm với quá trình đào tạo của nhà trường, bởi chính doanh nghiệp là người thụ hưởng cả một quá trình Dạy & Học. Còn Phó Giáo sư–Tiến sỹ Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Đà Nẵng, thì đè nghị các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng góp thông tin về dự báo nguồn nhân lực theo ngành nghề để các cơ sở đào tạo chủ động điều tiết ngành, nghề ; quy mô đào tạo.
Đâu rồi những dòng nói về Xã hội hóa giáo dục ?
Tiến sỹ Lê Công Toàn – Phó Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho rằng Chiến lược Giáo dục đã bỏ sót một mảng hết sức quan trọng đó là Xã hội hóa giáo dục.
Trong khi đó, xã hội hóa giáo dục trong nhiều năm qua được nhìn nhận như một giải pháp tham gia tích cực và có kết quả nhất định vào việc làm nên bộ khung tri thức quốc gia ; góp phần kiến tạo một môi trường phục vụ, thỏa mãn nhu cầu học tập suốt đời của mọi người dân.
|
TS Lê Công Toàn – Phó Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. - ảnh:T.Ngọc |
Phải cải thiện căn bản về chính sách cơ chế - Triển khai thực hiện Chiến lược có trọng tâm, trọng điểm !
PGS.TS. Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Huế góp ý:
Việc sử dụng nguồn lực bậc cao của chúng ta vừa lãng phí vừa gây sức ì. Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 phải chấn chỉnh một thực trạng bất hợp lý tồn tại dai dẳng, đó là có chính sách thỏa đáng và tương xứng đối với người đã trải qua quá trình thực học và có thực tài ; có tâm huyết đóng góp cho xã hội.
Một SV tốt nghiệp đạt điểm ưu thậm chí là thủ khoa, được nhà trường giữ lại làm nhiệm vụ, SV đó cũng hưởng hệ số lương như những SV tốt nghiệp các loại khác vào làm ở các cơ quan, tổ chức khác ngoài xã hội. Nghĩa là về chế độ, không có gì khác đối với một SV học giỏi, đạt kết quả tốt nghiệp xuất sắc so với một SV "bình bình" đủ điểm ra trường.
Như vậy, việc phấn đấu đào sâu tư duy, học tập miệt mài, có đề tài nghiên cứu mà chúng ta vẫn hay kêu gọi SV tham gia sẽ trở nên thiếu tính tuyết phục, bởi những điều ấy chẳng mang lại cho chính các em điều gì để tạo nên một tác động vào đến quá trình học tập và phấn đấu của các em.
Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 phải có sự tham gia của Bộ Nội vụ, cải cách lại thang bậc hệ số lương sao cho kích thích được sự đam mê đeo đuổi học vấn. Học để phụng sự, cống hiến nhưng chính người học tốt hơn cũng phải được một cái gì đó !.
|
GS.Tiến sỹ khoa học Lê Văn Hoàng – Hiệu trưởng ĐH Đông Á.ảnh:T.Ng |
Cũng theo Tiến sỹ Lê Công Toàn, Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 cần quan tâm đến chính sách, quy chế tài chính đối với người học (Tín dụng ưu đãi cho SV) lẫn nhà trường.
Nhà nước phải có chính sách miễn giảm thuế ; hoàn thuế thu nhập cho các trường tư thục, dân lập để nhà trường tăng dần khả năng tích lũy, có điều kiện tái đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao quy mô, cải thiện dần chất lượng đào tạo.
Bên cạnh tình trạng đầu tư mất cân đối, thiếu chính sách và cơ chế cho những nơi thật sự cần nguồn lực tài chính ; lại có những đầu tư lãng phí.
Phó Giáo sư–Tiến sỹ Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Đà Nẵng đề nghị :
Việc đào tạo tại nước ngoài theo các đề án đã đến lúc cần định hướng lại thật cụ thể. Ngành gì nên đào tạo ở nước ngoài , có dự báo khả năng sẽ khai thác sử dụng đúng nguồn lực đã qua đào tạo ở nước ngoài để tránh lãng phí đi học xong nước lại không biết bố trí làm gì ? ở cơ quan nào ?.
Cũng theo Phó Giáo sư–Tiến sỹ Lê Kim Hùng, cần rà soát lại hệ thống văn bản có liên quan, bởi hiện nay có quá nhiều Chỉ thị, quyết định, hướng dẫn liên quan đến triển khai Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI . Nên có định hướng trọng tâm cụ thể, trong từng giai đoạn sẽ triển khai nội dung gì ? bước chuẩn bị cho giai đoạn đến, cần làm gì ?
Trần Ngọc tổng thuật