Ngoài các phiên báo cáo, thảo luận và phản biện khoa học tại 2 hội trường Biển Đông và phòng Non Nước (Trung tâm học liệu, Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng), còn có các gian triển lãm của Công ty cổ phần Thủy Điện A Vương, Công ty Solar BK TP Hồ Chí Minh ; các hoạt động quảng bá và giới thiệu nguồn Năng lượng sạch - Năng lượng mới , cũng như giới thiệu các nội dung hoạch định, phát triển và kiểm soát năng lượng của Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Công ty Thủy điện Buôn Kuộp, Công ty Nata JSC Hà Nội...
Phát biểu tại diễn đàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương, ông Nguyễn Đình Hiệp nhấn mạnh:
Trong 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng.
Tốc đố tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% bình quân mỗi năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, nền kinh tế hội nhập với mức độ cao với kinh tế thế giới, vị thế chính trị và kinh tế của đất nước trên trường quốc tế được nâng cao.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, các cân đối kinh tế vĩ mô chưa ổn định.
Yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng phát triển, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường và đạt hiệu quả toàn diện cao là nhiệm vụ hàng đầu của thời kỳ phát triển sắp tới.
Vụ trưởng Nguyễn Đình Hiệp cũng chia sẻ cùng các giáo sư, chuyên gia trong và ngoài nước:
Trước yêu cầu đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế theo hướng bền vững hay còn gọi là Tăng trưởng Xanh, như một bộ phận cấu thành của Chương trình nghị sự 21 về Phát triển bền vững của Việt Nam (được ban hành năm 2004).
Trong những nội dung cơ bản của chiến lược Tăng trưởng Xanh của Việt Nam, nội dung về giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo là một trong 3 nội dung trọng tâm.
Mặc dù mức phát thải khí nhà kính tính trên đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển, nhưng theo thống kê, mức phải thải này đã và đang tăng lên nhanh chóng (từ 0,3 tấn năm 1990 lên tới 1,2 tấn năm 2007).
Đây chính là hệ quả của sự phát triển nhanh chóng các ngành kinh tế, đặc biệt từ các hoạt động năng lượng. Do vậy, mục tiêu đề ra của Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2020 là giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10% đến 20% so với phương án phát triển bình thường.
Để thực hiện mục tiêu này, các hướng chính sách của Việt Nam trong giai đoạn này đã được liệt kê, bao gồm:
- Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, thương mại.
- Thay đổi cơ cấu sử dụng nhiên liệu trong các ngành công nghiệp.
- Khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
- Giảm phát thải khí nhà kinh thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp.
Bám sát chủ trương trên, nội dung thúc đẩy phát triển và sử dụng năng lượng sạch trong cơ cấu nguồn năng lượng của Việt Nam cũng đã được đề cập đến trong dự thảo Chiến lược và quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn đến 2020, tầm nhìn đến 2030.
Ngoài những chính sách tổng thể trên, Bộ Công thương cũng đã và đang có nhiều chương trình, dự án, đề án liên quan đến thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch như việc sử dụng năng lượng sạch thay thế cho năng lượng hóa thạch trong các ngành công nghiệp trọng điểm, chương trình hỗ trợ sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời, đề án phát triển nhiên liệu sinh học,…
Song song với hội nghị quốc tế Việt Nam – Vương quốc Anh và Triển lãm về năng lượng sạch, Hội thảo về Hệ thống giám sát tiên tiến 2012 cũng diễn ra hôm nay (10/9) tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Đây là hội thảo chuyên sâu về học thuật và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hệ thống giám sát tiên tiến, sử dụng những thành tựu công nghệ hiện đại dựa trên các kỹ thuật phân tích âm thanh, hình ảnh, video và công nghệ truyền dẫn thế hệ mới.