IBM và Đại học Đà Nẵng chính thức khởi động lộ trình hợp tác

24/05/2012 00:46

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động tại Đà Nẵng, ngày 23/5, ông John Gallagher, Phó Chủ tịch phụ trách Marketing và Truyền thông, khu vực thị trường đang phát triển, Tập đoàn IBM; các chuyên viên lĩnh vực IBM Việt Nam và Nhóm công tác hỗ trợ học đường IBM đã lần lượt có buổi làm việc với Lãnh Đại học Đà Nẵng, Lãnh đạo Ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường, Ban Quản trị thiết bị; đại diện Tổ Quản trị Mạng ĐHĐN, các trường thành viên…

Tại buổi làm việc, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Ngô Văn Dưỡng – Phó Giám đốc, thay mặt Đại học Đà Nẵng và ông John Gallagher, Phó Chủ tịch phụ trách Marketing - Truyền thông, khu vực thị trường đang phát triển, Tập đoàn IBM đã đi đến thống nhất nhiều nội dung quan trọng, khởi động lộ trình hợp tác song phương giữa Tập đoàn IBM và Đại học Đà Nẵng. Kể từ thời điểm này, IBM sẽ là đối tác quan trọng với ĐHĐN - ông John Gallagher nhấn mạnh.

 

Viên gạch đầu tiên trong lộ trình hợp tác giữa IBM & Đại học Đà Nẵng : ngày 24/8/2011, tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng,  Lãnh đạo IBM Việt Nam và Lãnh đạo Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã cắt băng khai trương “Trung tâm Công nghệ Xuất sắc”.

Được biết, đây là lần đầu tiên, Tập đoàn IBM và Đại học Đà Nẵng thiết lập quan hệ song phương. Trước đó ( vào dịp 24/8/2011), Lãnh đạo IBM Việt Nam và Lãnh đạo Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã ký kết biên bản ghi nhớ thành lập “Trung tâm Công nghệ Xuất sắc” (gọi tắt là CoE IBM-BKĐN) đầu tiên tại khu vực miền Trung. Đây là Trung tâm hỗ trợ áp dụng CNTT và cải cách phương pháp giảng dạy trong các trường học trên địa bàn thành phố.

 

Tiến sỹ Võ Tấn Long - Tổng Giám đốc IBM Việt Nam (ngoài cùng, bên trái ảnh) và Phó GS.TS Lê Kim Hùng - Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Đà Nẵng (thứ hai, từ phải sang), trao học bổng cho các SV đạt kêt quả xuất sắc trong kỳ thi cấp chứng chỉ của IBM. (ảnh:T.Ngọc)

Thay mặt Đại học Đà Nẵng, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Ngô Văn Dưỡng bày tỏ mong muốn IBM tiếp tục tổ chức các khóa học, kỳ thi cấp chứng chỉ của IBM (tại CoE IBM-BKĐN) cho SV và giảng viên của ĐHĐN . Hỗ trợ tiếp nhận các hồ sơ đăng ký làm Nghiên cứu sinh với IBM và có các chính sách cụ thể để giảng viên Đại học Đà Nẵng tham gia nghiên cứu và thực hiện các dự án của IBM.

Hiện nay, IBM đang cùng chính quyền TP Đà Nẵng hợp tác chiến lược xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị thông minh. Chúng tôi muốn kết hợp cùng với IBM tham gia các dự án của TP Đà Nẵng - Phó Giáo sư.Tiến sỹ Ngô Văn Dưỡng nói.

Trong 140 nước được coi là đang phát triển trên thế giới, IBM đã chọn được 20 nước để đầu tư và mở rộng tầm ảnh hưởng thương hiệu của mình. Việt Nam là một trong 20 nước mà IBM đã chọn.

Chúng tôi đã hoạt động tại VN được 16 năm. Và chúng tôi đang cố gắng hợp tác, hỗ trợ cùng ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Nam để đưa Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.

 

Hôm nay, chúng tôi có mặt ở đây và chứng kiến sư ra đời của Văn phòng IBM tại Đà Nẵng. Một sự kiện khởi đầu cho chuỗi sự kiện : đến cuối năm 2012 này, sẽ có khoảng 43 chi nhánh IBM được mở tại 6 nước Asean.

(Phát biểu của ông Tim Wong, Phó chủ tịch IBM ASEAN, Khối thị trường Doanh nghiệp tại lễ khai trương VPĐD IBM tại Đà Nẵng, 22/5/2012). - ảnh: T.Ngọc

Hợp tác cùng IBM xây dựng đề án “Hạ tầng và ứng dụng CNTT”

Cũng trong sáng nay, các chuyên gia IBM Việt Nam đã có buổi nhằm thu thập hiện trạng, đánh giá thực trạng hạ tầng CNTT và ứng dụng của Đại học Đà Nẵng ; qua đó, đưa ra các ý kiến tư vấn, giúp Đại học Đà Nẵng, các trường thành viên đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực : Đào tạo – Quản lý và Quản trị cơ sở dữ liệu.

Ý kiến được đại diện các Tổ Quản trị Mạng ở các trường thành viên quan tâm đề xuất nhiều nhất đó là : nâng cao tính khả dụng của hệ thống (máy chủ), của mạng truyền dẫn, nhằm hạn chế và tiến đến chấm dứt tình trạng nghẽn mạng khi số lượt truy cập cùng lúc vào hệ thống tăng đột biến. 

 

Trưởng Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Đại học Đà Nẵng Phó GS.TS Võ Trung Hùng trao đổi với nhóm công tác IBM.(ảnh:T.Ngọc) 

Được biết, tình trạng trên đã xảy ra tại hầu hết các trường thành viên vào dịp SV đăng ký học tín chỉ hoặc thi qua mạng. Ghi nhận qua hệ thống, cùng thời điểm lượt truy cập thấp nhất là 1.450 nhưng có trường trong một thời gian rất ngắn, số lượt truy cập luân phiên vào hệ thống lên đến 8.000.

Điều này đã gây nhiều phiền phức, tốn kém cho người đăng ký ; làm giảm tuổi thọ của hệ thống và một số cơ quan truyền thông cũng đã có bài viết phê phán tình trạng SV phải thức đêm, dậy từ mờ sáng hoặc ăn uống tại chỗ để hoàn tất việc đăng ký hoặc chờ kết nối với hệ thống, làm bài kiểm tra.

Trao đổi với Nhóm công tác hỗ trợ học đường IBM Việt Nam, Phó Chánh VP Đại học Đà Nẵng Hồ Phan Hiếu, Trưởng Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Đại học Đà Nẵng Phó GS.TS Võ Trung Hùng đã đề nghị IBM nghiên cứu chia sẻ các kinh nghiệm và tư vấn hỗ trợ vấn đề đáng quan ngại nhất hiện nay là bảo mật và bảo toàn cơ sở dữ liệu ; hợp nhất hệ thống máy chủ ; phát triển mạnh mẽ các ứng dụng dùng chung. 


 

Nhóm công tác IBM tìm hiểu thêm các thông tin liên quan. (ảnh:T.Ngọc) 

Đặc biệt hiện nay, Đại học Đà Nẵng đã triển khai thành công mô hình đào tạo học chế tín chỉ, mỗi trường thành viên đều đã có quy trình riêng trong đào tạo theo phương thức này; vậy vấn đề đặt ra là tính liên thông của từng hệ thống con (trong nội bộ một trường) đến liên thông rộng (trao đổi giữa các trường thành viên, các trường thành viên trao đổi với Đại học Đà Nẵng). Việc trao đổi dữ liệu trong đào tạo học chế tín chỉ là hết sức quan trọng – đại diện Đại học Ngoại ngữ nói.

Đại diện các Tổ Quản trị Mạng cũng đề xuất IBM có nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống máy chủ của từng trường cũng như ở bậc cao (toàn Đại học Đà Nẵng) nhằm hướng đến một hệ thống có tính tương thích cao, chấp nhận giao tiếp với nhiều chủng loại thiết bị kết nối cũng như các giao thức làm việc có chuẩn riêng . 

 

          Ông Phạm Lê Minh, thay mặt Nhóm công tác IBM Vietnam phát biểu.             (ảnh:T.Ngọc)

Đặc biệt vấn đề ảo hóa máy chủ (sử dụng một máy chủ vật lý để chạy nhiều máy chủ ảo hóa) được các trường đề xuất như một giải pháp giảm bớt đầu tư chi phí ban đầu, và chi phí tiếp theo cho việc bảo dưỡng và sửa chữa những hệ thống cồng kềnh , đồng thời đơn giản hóa công tác quản trị. Vấn đề ảo hóa máy chủ này rất cần sự tư vấn từ phía chuyên gia IBM. 

Giao lưu giữa đoàn chuyên gia IBM toàn cầu, đối tác Shell cùng Sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng. 

 

 

Ngoài ra, còn có nhiều ý kiến tập trung vào chủ đề Hỗ trợ xây dựng hoàn chỉnh hệ cơ sở dữ liệu của từng đơn vị thành viên (bao gồm từ khâu quản lý sinh viên – quản lý quy trình đào tạo và quản lý cơ sở vật chất phục vụ đào tạo). Riêng đại diện Đại học Sư phạm Đà Nẵng, đề nghị hỗ trợ thêm cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học và cả khâu tài chính .

Phó Chánh VP Đại học Đà Nẵng ông Hồ Phan Hiếu cũng cho ictdanang biết, sau phiên làm việc sáng nay hai bên sẽ bắt tay vào việc xây dựng nội dung hợp tác, sau đó sẽ có phiên ký kết chính thức.