Nghiên cứu để… chuyển giao

02/11/2016 06:26

GD&TĐ - Đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các trường Đại học. Trong đó, tăng nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ là một trong những dấu hiệu thể hiện sự phát triển của khoa học và công nghệ.

alt

Trưng bày sản phẩm mô hình bay điều khiên từ xa của SV trường ĐH Bách khoa tại BKDN Techshow 2016

Tăng nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đang hoàn tất thủ tục sáp nhập các trung tâm chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) của trường để thành lập Viện KCN trường ĐH Bách khoa.

Từ năm 2012 đến nay, nguồn thu từ các Trung tâm chuyển giao KHCN của nhà trường tăng đều qua các năm, từ 12,2 tỷ đồng năm 2012 lên đến 23,1 tỷ đồng năm 2015.

PGS.TS Nguyễn Đình Lâm – Trưởng phòng KHCN&Hợp tác quốc tế - cho biết: “Sản phẩm KHCN của nhà trường rất đa dạng và gắn liền với các lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là trong các lĩnh vực điện, xây dựng, cơ khí và nhiệt điện lạnh”.

Nhiều sản phẩm công nghệ được chuyển giao mang dấn ấn thương hiệu trường ĐH Bách khoa như lò hơi công nghiệp, lò hơi tầng sôi, gạch tự chèn mác cao, hệ thống dây chuyền cơ khí và tự động hóa, ống bê tông đục lỗ…

Chỉ tính riêng trong năm học 2015 – 2016 trường ĐH Bách khoa đã phối hợp với các đơn vị và các đối tác tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị khoa học quốc tế.

Việc tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Đình Lâm, đã góp phần đắc lực cho việc ký kết và triển khai hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục và nghiên cứu trong và ngoài nước.

Như chỉ với Hội thảo Các tiến bộ trong kỹ thuật vì sự phát triển bền vững, nhà trường đã ký kết 7 văn bản hợp tác với doanh nghiệp và trường ĐH trong và ngoài nước.

Theo GS.TS Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thì “phát triển KHCN là động lực then chốt để phát triển trường ĐH Bách khoa thành ĐH định hướng nghiên cứu vào năm 2020, hướng đến việc đáp ứng các tiêu chí xếp loại trường ĐH và được các tổ chức kiểm định quốc gia, quốc tế công nhận”.

Từ năm 2016 trở đi, ngoài việc tổ chức Hội nghị thường nien về KHCN, trường ĐH Bách khoa sẽ tổ chức thêm hội nghị chuyên đề về đào tạo ĐH, sau ĐH và sẽ xuất bản Annual Report một cách bài bản.

Đẩy mạnh hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học

alt

Xe xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời – Sản phẩm NCKH của SV được UBND TP Đà Nẵng chọn để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và triển khai thực tế

Hội nghị SV NCKH và triển lãm sản phẩm công nghệ của SV do trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức thu hút được sự quan tâm và hỗ trợ của nhiều doanh ngiệp.

Đoàn Thanh niên Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng và Đoàn trường ĐH Bách khoa đã phối hợp triển khai 14 đề tài NCKH dành cho SV, trong đó đề tài Thiết kế xe xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời đã được UBND TP Đà Nẵng chọn để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và triển khai thực tế.

Nhiều đề tài NCKH của SV xuất phát từ thực tế sản xuất như được thực hiện tại công ty Foster của các SV PFIEV hoặc nhận được sự hỗ trợ về linh kiện, thiết bị, vật tư nghiên cứu từ Texas Instruments của Khoa Điện tử Viễn thông, Chương trình tiên tiến, CNTT, Điện hoặc đến từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất của khoa Hóa, từ Doosan Vina của khoa Cơ khí, Từ Thaco của khoa Cơ khí giao thông, từ Daikin của khoa Nhiệt – Điện lạnh.

Nếu triển lãm sản phẩm Công nghệ của SV – BKDN Techshow 2015 chỉ có 71 sản phẩm và nhóm sản phẩm tham gia triển lãm thì con số này của BKDN Techshow 2016 đã lên đến 92.

Các sản phẩm công nghệ của SV ngày càng hoàn thiện về kỹ thuật và kiểu dáng giúp cho BKDN Techshow thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.

Các đề tài NCKH của SV đã tiếp cận được các khuynh hướng công nghệ tiên tiến hiện hành cũng như nhu cầu thực tế của đời sống. SV trường ĐH Bách khoa cũng nhận được nhiều giải thưởng lớn có uy tín ở các cuộc thi như giải Loa Thành, Giải thưởng Honda Yes, Giải thưởng SV NCKH của Bộ GD&ĐT, Go Green in the City, Holcim Prize…

GS.TS Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng - nói: Trường ĐH Bách khoa cần phải củng cố và thành lập mới thêm các nhóm TRT (Teaching & Research Team: Nhóm nghiên cứu và giảng dạy). Đây là khái niệm cấu trúc mới được sử dụng đầu tiên tại trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Đây cũng là cơ sở giáo dục đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình này.Gần đây, mô hình TRT của ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cũng được Bộ KHCN cũng đã chia sẻ sự quan tâm và muốn nhân rộng.

TRT có ưu thế là nơi tập hợp, quy tụ các giảng viên, chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau để cùng thực hiện các đề tài khoa học lớn, đa lĩnh vực kết hợp với công việc giảng dạy.

Như vậy, trong nhóm TRT sẽ phân việc một cách hài hòa trên cơ sở lợi thế, sở trường về chuyên môn giữa nghiên cứu và giảng dạy, bổ sung cho nhau về lý luận lẫn thực nghiệm.

Sắp tới, mô hình TRT cần tính đến mời doanh nghiệp tham gia. Như vậy sẽ cân bằng giữa lý luận – thực nghiệm – thực tiễn sản xuất, chế tạo, quản lý.

Hà Nguyên