Đánh giá uy tín học hiệu qua lăng kính nghiên cứu khoa học-chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển và dân sinh
28/10/2016 07:51
GS.TS Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng: Từ năm học 2016-2017, hàng năm Trường sẽ xuất bản Annual Report (báo cáo thường niên) công bố rộng rãi cho xã hội biết, cùng đánh giá về chất lượng đào tạo và các mặt hoạt động.
Chiều qua 27/10, trường Đại học (ĐH) Bách khoa – ĐH Đà Nẵng đã tổ chức tổng kết hoạt động khoa học công nghệ năm học 2015-2016 và thảo luận, xây dựng chương trình công tác năm học 2016-2017.
Phát biểu của GS.TS Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng nhà trường đã tái khẳng định: Bên cạnh công tác đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ luôn là một trong những hoạt động quan trọng của một trường ĐH. Đặc biệt trong bối cảnh trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng đang nỗ lực thực hiện chiến lược hướng đến đạt chuẩn là trường ĐH định hướng nghiên cứu vào năm 2020, chủ đề này càng trở nên rất quan trọng.
Năm nay và từ nay trở đi, bên cạnh việc tổ chức Hội nghị thường niên về khoa học công nghệ, Nhà trường sẽ tổ chức thêm hội nghị chuyên đề về đào tạo ĐH-Sau ĐH, từ đó hàng năm, Trường sẽ xuất bản Annual Report * một cách bài bản, công bố cho xã hội, nâng cao uy tín nhà trường.
Ban Giám hiệu chính thức giao Phòng khoa học công nghệ làm đầu mối cho công việc này.
|
|
“Máy pha chế cocktail tự động điều khiển bằng ứng dụng phát triển trên hệ điều hành Android” do sinh viên trường ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng nghiên cứu phát triển.
-Ảnh: Hải Yến.
GS.TS Lê Kim Hùng-Hiệu trưởng Nhà trường chăm chú nghe các tác giả giới thiệu sản phẩm nghiên cứu tại Triển lãm Công nghệ “BKDN-Techshow 2016”.
-Ảnh: T.N.
|
Được biết, trong những năm qua, trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong hoạt động ại học: Số lượng các công bố quốc tế đạt được ngày càng tăng 93 bài/năm (trong đó 35 thuộc danh mục SCI, SCIE), số lượng đề tài khoa học công nghệ ngày càng nhiều, đội ngũ các nhà khoa học ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, trình độ ngoại ngữ của cán bộ nghiên cứu ngày được nâng cao.
Nhiều thành tựu nghiên cứu của giảng viên và đặc biệt là sinh viên Nhà trường đã được xã hội và cộng đồng ghi nhận. Bên cạnh đó, hoạt động chuyển giao công nghệ đã được thực hiện qua các Trung tâm cũng có thành tựu đáng kể đạt hàng chục tỷ/năm, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nhiều sản phẩm đã mang dấu ấn thương hiệu trường ĐH Bách khoa được xã hội biết đến và giới thiệu trên báo chí như các lò hơi công nghiệp, lò hơi tầng sôi, ống bê tông đục lỗ, gạch tự chèn mác cao, hệ thống các dây chuyền cơ khí và tự động hóa.v.v.. Bên cạnh đó, các hoạt động khởi nghiệp bước đầu cũng có nhiều kết quả hứa hẹn, góp phần khẳng định uy tín và thương hiệu Bách khoa.
GS.TS Lê Kim Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh các thành tựu nổi bật về khoa học công nghệ, Nhà trường cũng nhận thức được các mặt tồn tại, hạn chế và đang tập trung dần dần khắc phục. Đó là, chưa tạo được nhiều sản phẩm đặc trưng; đề tài địa phương còn hạn chế, chưa có nhiều sản phẩm ứng dụng phục vụ cộng đồng; chưa chú trọng sở hữu trí tuệ.
Hoạt động các nhóm nghiên cứu TRT chưa thực sự năng động, mặc dầu có ưu tiên xét duyệt kinh phí. Việc công bố công trình còn nhiều dạng, chưa thống nhất làm khó công tác thống kê, ảnh hưởng việc đạt tiêu chí nâng bậc xếp hạng Trường kể cả ĐH Đà Nẵng.
|
GS.TS Trần Văn Nam trao Giấy khen, khen thưởng thành tích đạt giải A - Giải thưởng "Hoạt động khoa học-công nghệ điển hình" năm học 2015-2016 đến đại diện Khoa Xây dựng Dân dụng-Công nghiệp và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
|
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, GS.TS Trần Văn Nam đã đặc biệt lưu ý: Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là một nội dung quan trọng hàng đầu trong đánh giá xếp loại học hiệu và năng lực của một Nhà trường. 2 nội dung nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ luôn được xem xét cao hơn các yếu tố số lượng và kể cả chất lượng đào tạo.
Trường ĐH Bách khoa là Nhà trường “lĩnh ấn tiên phong” trong toàn ĐH Đà Nẵng trên lộ trình xây dựng ĐH Đà Nẵng trở thành một định hướng nghiên cứu vào năm 2020; do vậy trong nhiệm vụ, định hướng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phải hết sức chú ý đến việc cân đối giữa nghiên cứu và giảng dạy. Phải củng cố và thành lập mới thêm các Nhóm TRT (Teaching & Research Team: Nhóm Nghiên cứu và Giảng dạy)
Đây cũng là một khái niệm cấu trúc mới được sử dụng đầu tiên tại trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng,. Và ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng cũng ĐH đầu tiên trên cả nước triển khai mô hình này. Chúng ta cũng đã đăng ký với Ngần hàng thế giới (WB) và hợp tác cùng WB để triển khai. Gần đây, từ mô hình TRT của trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng, Bộ Khoa học-Công nghệ cũng đã chia sẻ sự quan tâm và muốn nhân rộng.
TRT có ưu thế là nơi tập hợp, quy tụ các giảng viên, chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau để cùng thực hiện các đề tài khoa học lớn, đa lĩnh vực kết hợp với công việc giảng dạy. Như vậy trong Nhóm sẽ phân việc một cách hài hòa trên cơ sở lợi thế, sở trường về chuyên môn giữa Nghiên cứu và Giảng dạy, bổ sung cho nhau về lý luận lẫn thực nghiệm.
Bên cạnh đó, phải nghĩ đến yếu tố mới là Nhóm TRT sắp đến phải mời sự tham gia của doanh nghiệp phù hợp. Như vậy sẽ nâng cao sự đồng đều: lý luận-thực nghiệm-thực tiễn sản xuất, chế tạo, quản lý...
|
GS.TS Lê Kim Hùng trao Giấy khen, khen thưởng thành tích (đồng đạt giải B) Giải thưởng "Hoạt động khoa học-công nghệ điển hình" năm học 2015-2016 đến đại diện Khoa Điện và Khoa Xây dựng Cầu đường. |
PGS.TS. Trương Hoài Chính - Phó Hiệu trưởng; GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng và GS.TS Lê Kim Hùng - Hiệu trưởng ĐH bách khoa chụp ảnh lưu niệm với các Thầy đại diện các Khoa nhận Giải thưởng "Hoạt động khoa học-công nghệ điển hình" năm học 2015-2016.
|
Với một nội lực như thế, trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng càng hội đủ khả năng đảm nhận các đề tài quy mô lớn từ đề tài cấp TP, cấp khu vực đến các cấp quốc gia.
Đặc biệt, khi đã có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp sẽ tác động tích cực đến vấn đề nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ như đã nói từ đầu. Thời gian qua, chúng ta có nhiều đề tài, công trình hay, nhưng thực tế việc chuyển giao chưa như mong đợi.
|
Các Phó Hiệu trưởng: PGS.TS Lê Thị Kim Oanh, PGS.TS Trương Hoài Chính, PGS.TS Lê Cung và Hiệu trưởng: GS.TS Lê Kim Hùng trao Giấy khen, tặng hoa và chụp ảnh lưu niệm với các Thầy Cô giành Giải thưởng "Hoạt động Khoa học công nghệ xuất sắc năm 2015-2016".
|
Nhiều năm qua, trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện hội thảo, hội nghị khoa học quốc gia và quốc tế, tạo được tiếng vang, đưa Nhà trường thành tâm điểm hội tụ giới khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế. Sắp đến, vẫn tiếp tục tổ chức, tận dụng lợi thế Đà Nẵng đã là điểm đến sự kiện, mở các hội nghị chuyên sâu, bàn và giải quyết các vấn đề rất thực tiễn, rất thời sự. Như vậy, nếu phối kết hợp tốt sẽ làm được nhiều việc trong một hội thảo.
Nghiên cứu khoa học – Chuyển giao công nghệ cũng là chất xúc tác mạnh mẽ cho mô hình đào tạo CDIO: Conceive – Design – Implement – Operate: Hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành.
Trong bối cảnh hôm nay, đây chính là một giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội. Ở nước ta, ĐH quốc gia Hà Nội đã đi tiên phong trong vận dụng mô hình, ĐH Đà Nẵng chúng ta cũng đã triển khai, trong đó trường ĐH Bách khoa còn mở rộng hợp tác quốc tế để triển khai CDIO.
|
Đại diện các nhóm tác giả giới thiệu đề tài của mình tại phiên làm việc chung (Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học 2016, sáng 28/5/2016).
-Ảnh: Hải Yến.
|
Cuối cùng, phải khơi dậy thực sự phong trào SV nghiên cứu khoa học, không lấy đề tài tốt nghiệp làm đề tài nghiên cứu mà tách biệt để em nào đam mê, yêu thích thì có cơ hội làm quen với quy trình nghiên cứu khoa học. Kinh phí đầu tư cho SV nghiên cứu khoa học đã có, chúng ta cứ mạnh dạn đầu tư. Kết hợp cả CDIO và nghiên cứu khoa học một cách nhuần nhuyễn vào quy trình đào tạo thì nhất định chất lượng nguồn lực từ Trường chúng ta sẽ bước thay đổi đột biến.
Và điều quan trọng nữa là quan tâm nhiều hơn đến truyền thông, làm sao để hoạt động này tác động đến cộng đồng mạnh mẽ hơn, mở đường cho hợp tác, hợp tác quốc tế và đặc biệt là chuyển giao công nghệ, chuyển giao ứng dụng phục vụ sản xuất, quản lý và phục vụ đời sống.
* Báo cáo thường niên (Annual Report) là tài liệu quan trọng được một tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp xây dựng và công bố hàng năm để truyền tải thông tin về quản trị, hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính cũng như các khía cạnh khác của tổ chức mình trong một năm qua và định hướng, chiến lược trong thời gian tới.
Theo ictdanang.vn