Để phát triển giao thông hiện đại và bền vững, Đà Nẵng cần giải quyết từ vỉa hè cho người bộ hành
27/01/2016 02:17
Đó là ý kiến của ông James Tinnion Morgan-Thạc sỹ chuyên ngành Quy hoạch giao thông và công trình, người đã có 25 năm kinh nghiệm lập quy hoạch giao thông tổng thể và phát triển cảnh quan đô thị tại các quốc gia châu Âu, châu Á, được Ngân hàng thế giới mời tham vấn các dự án tại Việt Nam với tư cách chuyên gia quy hoạch.
PGS.TS Trương Hoài Chính- Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa (ĐH vùng Đà Nẵng) phát biểu khai mạc.
|
Lối đi dành cho khách bộ hành rất hẹp, thậm chí có cũng như không có! - Ảnh Quang Hiển |
|
Trong phần trình bày báo cáo của mình tại hội thảo “Phát triển Giao thông công cộng: Kinh nghiệm của thế giới hướng đến phát triển giao thông đô thị bền vững” do ĐH Bách khoa (ĐH vùng Đà Nẵng) phối hợp cùng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tổ chức (diễn ra hôm nay 26/1/2016), chuyên gia James Tinnion Morgan nhấn mạnh: Để phát triển giao thông hiện đại và bền vững, trong nhiều việc cần làm, các ngành chức năng TP Đà Nẵng cần giải quyết ngay, bắt đầu từ… vỉa hè cho người bộ hành. Cách bố trí, chừa làn cho người đi bộ như hiện nay (phổ biến) là không hợp lý.
“Tôi cho rằng phải chuyển toàn bộ xe 2 bánh ra phía ngoài, nằm xen kẽ vào khoảng trống của dãy cây xanh. Bên trong là lối đi cho khách bộ hành, sau đó là phạm vi vỉa hè còn lại trước mặt tiền mỗi ngôi nhà, cơ quan, cửa hiệu. Cách bố trí như hiện nay, thực sự không có tác dụng gì cả. Không ai muốn trước mặt tiền nhà của mình, cửa hiệu của mình là xe cộ. Và hàng xe này đang chiếm dụng hết khoảng trống của vỉa hè. Phía ngoài cùng là các khoảng trống nhưng nó vướng dãy cây xanh. Đi vài bước lại phải xuống dưới lòng đường tránh cây xanh trước mặt. Thôi thì đi bộ dưới lòng là thông thoáng nhất !” - ông nói.
|
Chuyên gia James Tinnion Morgan đã giới thiệu bức ảnh mà ông chụp trên đường Trần Phú và chia sẻ: Lối đi cho khách bộ hành không thông thoáng, xu hướng chung, mọi người đi bộ phải xuống lòng đường.
|
|
Được biết, tại Đà Nẵng, đến nay, việc phân bổ làn cây xanh, làn để xe và khoảng trống còn lại dành cho khách bộ hành như ý của chuyên gia James Tinnion Morgan, đang được thử nghiệm ở một phần vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh (trong khuôn khổ một dự án của JICA). Các tuyến đường còn lại lối đi cho người đi bộ đều chật hẹp, nhiều tuyến đường thậm chí không còn lối đi nào cho khách bộ hành.
“Để phát triển giao thông hiện đại và bền vững, Đà Nẵng cần giải quyết từ… vỉa hè cho người bộ hành - chuyên gia James chia sẻ - bởi lối đi bộ thường được hiểu là dành cho những đối tượng rất dễ bị tổn thương. Các cụ già, em nhỏ, người khuyết tật, phụ nữ”.
|
Đà Nẵng chúng ta chưa lối đi bộ dành cho những đối tượng dễ bị tổn thương do tai nạn.
-Ảnh: Quang Hiển.
|
Giao thông Đà Nẵng chưa góp phần xây dựng đô thị hiện đại, thông minh!
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trương Hoài Chính- Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa- nhiều năm qua hệ thống hạ tầng giao thông của Đà Nẵng tuy đã được chú trọng phát triển, nhưng thật sự chưa đáp ứng được nhu cầu trước mắt và tương lai gần.
Theo ông, có thể dễ dàng nhận thấy những tồn tại và hạn chế sau:
- Chưa cân đối hệ thống đường giao thông vành đai, chưa tạo được hài hoà trong giao thông. Cơ cấu quy hoạch giao thông đô thị hiện đang còn nhiều bất cập, mạng lưới đường phân bổ không đồng đều, phân loại đường không rõ ràng; chưa có sự kết nối, tương tác hỗ trợ nhau;
- Thiếu các tuyến đường liên kết trong hệ thống đường phố như: đường vành đai và đường hướng tâm, các đường khu vực với các đường chính.
- Các nút giao thông hầu hết là giao thông cùng mức, bố trí giao cắt không đúng quy chuẩn, điều này dễ dẫn đến ùn tắc và mất ATGT; Ngoại trừ 2 nút giao thông Ngã 3 Huế, cầu vượt Hoà Cầm,
- Tỷ lệ cơ cấu phương tiện giao thông chưa hợp lý, giao thông công cộng chỉ chiểm 1%. Hiện nay vẫn chưa có tuyến đường riêng, đèn tín hiệu ưu tiên tại nút giao thông cho giao thông công cộng;...
Phó GS.TS Trương Hoài Chính cũng chỉ ra rằng: Đô thị hoá là xu hướng tất yếu khách quan, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên quá trình đô thị hoá với tốc độ cao thường dễ làm nảy sinh những thách thức lớn đối với đô thị, trong đó có vấn đề về giao thông đô thị. Một đô thị (hay thành phố) muốn phát triển bền vững thì giao thông của đô thị (hay thành phố) đó phải phát triển bền vững. Nội dung này đã được đề cập trong các quy hoạch phát triển giao thông đô thị tại các thành phố lớn, trong đó có thành phố Đà Nẵng.
Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có các hướng dẫn, qui định, mục tiêu và giải pháp cụ thể. Và khi nhu cầu giao thông đi lại tăng nhanh như hiện nay thì nhiều thành phố lớn đã phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và số vụ tại nạn giao thông nghiêm trọng ngày càng gia tăng là điều tất yếu.
Với mục tiêu hướng đến một thành phố môi trường, phát triển xanh và bền vững, một đô thị văn minh, hiện đại, đòi hỏi thành phố Đà Nẵng trong tương lai cần qui hoạch một hệ thống giao thông đô thị bền vững, trong đó có vận tải công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
|
Tiến sỹ Nguyễn Hồng Hải-Trưởng khoa Xây dựng Cầu đường (ĐH Bách khoa) đã điều hành phiên khai mạc và trình bày các tham luận khoa học trong phiên làm việc sáng nay.
-Ảnh: T.N.
|
Trong phiên làm việc sáng nay, hội thảo “Phát triển Giao thông công cộng: Kinh nghiệm của thế giới hướng đến phát triển giao thông đô thị bền vững” do ĐH Bách khoa (ĐH vùng Đà Nẵng) phối hợp cùng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tổ chức, còn nghe một báo cáo khác do ông Sam Zimmerman - Quốc tịch Mỹ (cũng là Chuyên gia vận tải công cộng cao cấp của WB) nghiên cứu và trình bày: “Lựa chọn các phương án vận tải công cộng khối lượng lớn".
Được biết, ông Sam Zimmerman cũng là tác giả của một báo cáo rất quan trọng: Phát triển vận tải đô thị: Các vấn đề và Quy hoạch chiến lược (Báo cáo này không trình bày tại hội thảo nhưng được gửi đến các chuyên gia, giới chức quản lý giao thông và quy hoạch của Đà Nẵng tham khảo).
Đà Nẵng rất cần nguồn lực từ ngân hàng kinh nghiệm, ngân hàng tri thức
|
Chuyên gia cao cấp của WB tại Việt Nam, ông Đặng Đức Cường (ảnh trên) cùng các chuyên gia quốc tế cao cấp khác (do WB mời) đã có mặt tại Hội thảo (ảnh tiếp theo).
-Ảnh: T.N
|
|
“Tôi đánh giá cao Hội thảo này và cũng công bố rằng, phiên thứ 2 của chuỗi hội thảo do ĐH Bách khoa (ĐH vùng Đà Nẵng) phối hợp cùng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tổ chức, sẽ diễn ra vào tháng 3/2016 đến. Việc ĐH Bách khoa chủ động phối hợp và đăng cai tổ chức sự kiện hội thảo như thế này có ý nghĩa rất lớn để phát triển giao thông đô thị Đà Nẵng theo hướng bền vững thực sự. Điều này phù hợp với mục tiêu phấn đấu của Đà Nẵng là xây dựng thành phố môi trường, xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, một thành phố đáng sống…
Bởi hợp tác với Ngân hàng thế giới, không chỉ là hợp tác với một cơ quan có khả năng hỗ trợ về tài chính, mà còn tranh thủ được ngân hàng kinh nghiệm, ngân hàng tri thức. Các bạn đã và đang huy động thành công nguồn lực chất xám vô cùng đáng quý đến với Đà Nẵng và vì Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm của mình” – ông Đặng Đức Cường, chuyên gia cao cấp của WB tại Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ictdanang.vn