Đón tiếp và làm việc với đoàn đánh giá Dự án HEEAP, USA

04/04/2012 12:59

Sáng ngày 03/04/2012, đoàn đánh giá chương trình HEEAP gồm Bà Katie Caufield, Điều phối viên toàn cầu HEEAP tại Đại học bang Arizona (ASU); Bà Shelly Potts, Giám đốc điều hành HEEAP tại ASU; Ông Jay Kryk, Phụ trách phát triển giáo dục khu vực thuộc USAID; Ông Eric Johnson, Phụ trách phát triển giáo dục HEEAP thuộc USAID; Ông Nguyễn Giao Hòa, Phụ trách chương trình HEEAP Việt Nam đã đến thăm và làm việc tại Trường ĐHBK. Đón tiếp đoàn có PGS. TS. Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cùng đại diện của các Phòng, Khoa, Trung tâm và toàn thể cán bộ giảng viên tham gia dự án. 


PGS. TS. Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng nhà Trường cùng với lãnh đạo Phòng KHSĐH&HTQT, Phòng Đào tạo và Trung tâm Xuất sắc làm việc với đoàn đánh giá HEEAP

Chương trình Đào tạo kỹ thuật Tiên tiến HEEAP (Higher Engineering Education Alliance Program) tập trung vào việc phát triển và chuyên sâu của các ngành học, chương trình đào tạo kỹ sư mang tính ứng dụng qua việc đổi mới đào tạo và sẽ chuẩn bị cho cán bộ giảng dạy khả năng đào tạo sinh viên thành thạo kỹ thuật, tiếng Anh, những kỹ năng mềm và khả năng thành công trong đào tạo kỹ sư quốc tế thỏa mãn yêu cầu trong lĩnh vực sản xuất và công nghệ cao ở Việt Nam và khu vực. Chương trình được thực hiện với sự tham gia của Arizona State University (ASU); Portland State University; USAID; các doanh nghiệp quốc tế như Intel Corporation, Danaher - Tektronix, Siemens, Cadence, Honeywell và các trường Đại học ở Việt Nam bao gồm Trường Đại học Bách khoa – ĐH Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa  Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa  TP HCM, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và Đại học Cần Thơ.


Đoàn đánh giá Dự án HEEAP đến từ USAID và Arizona State University, USA

Mục đích của chương trình HEEAP là giúp phát triển chương trình đại học kỹ thuật dựa trên chuẩn ABET. Trường Đại học Bách Khoa đã cử các cán bộ chủ chốt tham dự các buổi hội thảo phát triển đội ngũ lãnh đạo, quản lý đại học và cử đi 12 lượt giảng viên tham gia dự án HEEAP tại ASU, Mỹ từ năm 2010 đến nay.

Đoàn đánh giá đã ghi nhận các thay đổi tích cực khi thực hiện phương pháp giảng dạy hiện đại theo chuẩn ABET thông qua chương trình HEEAP. Các giảng viên HEEAP đã thực hiện phương pháp giảng dạy đổi mới với sự hỗ trợ của đội ngũ trợ giảng giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy. Các Khoa tham gia dự án như Khoa Điện, Điện tử Viễn thông, Cơ khí đã tổ chức các buổi seminar để truyền đạt và thảo luận các phương pháp giảng dạy mới đến các đồng nghiệp. Bên cạnh Intel Cooperation Việt Nam, với sự tham gia của các tập đoàn khác như Danaher (Fluke, Tektronics, Keithley), Cadence và Honeywell vào HEEAP trong 1 năm qua, Trường Đại học Bách khoa – ĐH Đà Nẵng đã nhận được đáng kể tài trợ các trang thiết bị và phần mềm chuyên dụng phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Với sự thành công ban đầu và được sự ủng hộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự án HEEAP pha 2 sẽ được tiếp tục thực hiện từ năm 2013 đến năm 2018 với tổng kinh phí dự kiến khoảng 38 triệu USD; sẽ tăng cường số đợt bồi dưỡng cán bộ quản lý và giảng dạy lên 4 khóa mỗi năm và tổ chức bồi dưỡng trong nước. Bên cạnh các hoạt động đã triển khai trong pha 1, giai đoạn 2 sẽ triển khai thêm các hoạt động như nâng cao kỹ năng tiếng Anh cho giảng viên; khai thác các hệ thống online phục vụ giảng dạy và tăng cường năng lực đánh giá chương trình cho các Trường Đại học kỹ thuật tại Việt Nam.

 

Các giảng viên tham gia dự án HEEAP đã tạo sự thay đổi tích cực nhờ ứng dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại theo chuẩn ABET trong chương trình HEEAP