DHKT

Sinh viên khoa Kiến trúc vinh dự đạt giải Nhì cuộc thi Kiến trúc Quốc tế “Busan Architecture and Urban Media Competion 2019”

20/10/2019 20:28

1. Thông tin về cuộc thi:

Ngày 17/10/2019, Phạm Ngọc Hoài Dương, sinh viên  lớp 16KTCLC2 của khoa Kiến Trúc, Trường Đại học Bách khoa – ĐH Đà Nẵng đã xuất sắc giành giải Nhì hạng mục Video trong cuộc thi BUSAN ARCHITECTURE AND URBAN MEDIA COMPETION 2019 với chủ đề Memory & Oblivion (Ký ức & Sự lãng quên). Cuộc thi do Viện Kiến trúc Quốc gia Busan tổ chức, là cuộc Thi quốc tế, được đăng tải trên trang web Kiến trúc nổi tiếng thế giới https://www.archdaily.com/.


Kết quả được công bố trên website của cuộc thi.

Rõ hơn về chủ đề của cuộc thi, KTS Aldo Rossi đã nói rằng: "Ký ức là ý thức của thành phố. Bản thân thành phố là ký ức chung của người dân, và giống như ký ức, nó gắn liền với đối tượng và địa điểm. Thành phố là địa điểm của ký ức tập thể."

Open call : Busan Architecture & Urban Media Competition,Open call : Busan Architecture & Urban Media Competition

Điều đó chỉ ra rằng kiến ​​trúc có thể là một phương tiện hình thành bản sắc của một thành phố. Bản sắc đó được tạo thành bằng các địa điểm, nơi mà nó gắn liền với ký ức của nhiều người.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, các thành phố lớn đều thay đổi một cách chóng mặt. Một mặt khác, nó mất đi những không gian đã gắn với ký ức của nhiều người phải nhường chỗ cho việc xây dựng các công trình khác. Khi những không gian đó mất đi, những kỷ niệm của người dân, những người đã lớn lên cùng với thành phố đã mất đi một phần những thứ gợi cho họ về quá khứ của họ. Cuộc thi này nhằm mục đích trình bày thời gian/ không gian của ký ức và lãng quên, mà con người hiện đại phải chấp nhận như là định mệnh của họ.

Khác với những cuộc thi thông thường, cuộc thi này yêu cầu người tham gia làm rõ chủ đề qua hai hạng mục dự thi:
Webstie: http://www.kiabb.org/.
Link Youtube Video đạt giải:
https://youtu.be/o0TCq0TCKbs

2. Tác giả

Phạm Ngọc Hoài Dương là một sinh viên có thành tích học tập và nghiên cứu khoa học tốt (giải nhì năm 2018-2019), giải nhất  Workshop Lan Tỏa Không Gian 2018, … Những cảm xúc từ những chuyến đi nước ngoài dài ngày cùng Khoa Kiến trúc (Nhật Bảo, Lào, Thái Lan...) đã mang đến cho Dương những trải nghiệm và cảm xúc quý giá.

Thế mạnh của Dương là thể hiện ý tưởng bằng vẽ tay cũng như có kỹ năng ký họa khá tốt. Ngoài ra, làm video cũng là một sở thích của em. Những hoạt động sôi động của khoa Kiến Trúc như quá trình thể hiện đồ án tại họa thất, lễ đón Tân Sinh Viên, Ngày Hội Vẽ, … đều có những video do Dương quay và dựng, được đăng tải trên Facebook Khoa Kiến trúc - Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.

Với sở thích về Vẽ và Làm phim, cuộc thi này là một cuộc thi hiếm hoi mà Dương có thể phối hợp 2 kỹ năng để làm một Video về chủ đề mà Ban tổ chức đưa ra. Và nội dung video như thế nào?

3. Video “ BUSAN’S MEMORIES SKETCH“

Câu hỏi đặt ra là “Làm sao có thể gợi lại cho người xem những cảm xúc về những không gian gắn liền với ký ức của họ với thành phố Busan?”.

Câu trả lời là thể hiện cho người xem những đặc điểm thân thuộc của một ngôi nhà hay góc phố của Busan. Những hình ảnh đã ăn sâu trong tiềm thức của mọi người, và thể hiện sự thay đổi của kiến trúc qua thời gian. Làm cho người xem cảm nhận được quá trình đô thị hóa đã ảnh hưởng như thế nào đến kiến trúc và những không gian gắn liền với kỷ niệm của họ.

Vì cũng chưa có điều kiện để đến Busan, nên Dương đã chọn hướng phát triển video về việc tái hiện lại những không gian nhỏ, thân thuộc với người dân Busan bằng nét vẽ của mình. Và video sẽ là một video quay lại quá trình hoàn thành các bức tranh về Busan.


Hình ảnh trong video dự thi.

Những không gian Dương lựa chọn bằng cách giành thời gian dạo quanh Busan bằng công cụ Google Street View. Ghi chú lại những chi tiết như mặt đứng các ngôi nhà, những góc phố, … và sau đó diễn họa lại bằng những nét vẽ để kể câu chuyện của “Quá Khứ và hiện tại “.

Câu chuyện được kể trong video được tái thiện theo phương thức “Quá Khứ và những thay đổi của Kiến Trúc trong quá trình đô thị hóa”.


Hình ảnh trong video dự thi.

Phần đầu video là quá trình ký họa lại một Ngôi nhà vừa được xây dựng trong QUÁ KHỨ, với những chi tiết phổ biến của những ngôi nhà Hàn Quốc như tường, cửa sổ, mái ngói vẫn còn tinh tươm gọn gang. Cạnh đó là một không gian trống, bọn trẻ trong khu phố có thể tụ tập vui chơi. Đó là một không gian công cộng nơi tạo ra một sợi dây liên kết giữa những con người trong khu phố… Một không gian tuy trống không nhưng chúng ta vẫn có thể tưởng tượng được cách bọn trẻ chơi đùa, những tiếng reo hò của chúng và sự sôi động của một góc phố nhỏ.


Hình ảnh trong video dự thi.

Phần tiếp theo nói về THỰC TẠI. Vẫn chính ngôi nhà đó, nhưng khi Busan bắt đầu phát triển nhanh hơn, hiện đại hơn. Phần đất vui chơi ấy nhường chỗ cho một bãi đỗ xe trong khu phố.

Tác giả dùng những nét vẽ để khắc họa sự thay đổi của ngôi nhà theo thời gian, một bảng hiệu đã bổ sung, những viên ngói bắt đầu xộc xệch, cửa sổ đã hoen ố, những đường dây điện chăng kín hơn, … Khu phố vẫn vậy, vẫn ngôi nhà ấy, song bọn trẻ không còn không gian để chúng tụ họp nữa. Không khí đã buồn hẳn, những đứa trẻ năm ấy giờ đây đã có thể 20-25 tuổi, và địa điểm nơi chúng thường vui chơi lúc còn nhỏ bây giờ “CHỈ CÒN TRONG KÝ ỨC”.

Và đó cũng chính là những gì cuộc thi muốn chuyển tải. Bọn nhỏ ở đây đại diện cho người dân của thành phố, chỉ còn cách Chấp Nhận.

Về chi tiết, Dương chuyển sang một con phố khác. Lần này, bố cục có phối cảnh và có nhiều thành phần hơn: nhà cửa, xe cộ, cây cối, những cây cột điện,… Điều muốn truyền tải trong phân đoạn này là những chi tiết nhỏ trong kiến trúc nhà ở Hàn Quốc có thể là những thứ tạo nên đặc trưng và bản sắc của kiến trúc nơi đây.


Hình ảnh trong video dự thi.

Chú trọng vào đặc tả những chi tiết nhỏ như dây phơi quần áo trước nhà, chiếc xe đạp gắn liền với cuộc sống mưu sinh của người dân khi dựng bên đường, nó cũng trở thành một phần của Kiến Trúc. Nó là Kiến Trúc bình dân, gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân Busan. Đây là một phân đoạn tác giả muốn thể hiện sự liên kết giữa con người với kiến trúc thông qua tái hiện không gian sống và sinh hoạt thường nhật. Khi con người cảm nhận được sự liên kết đó, họ cảm thấy bình yên và nhẹ nhàng.


Hình ảnh trong video dự thi.

Khi một thành phố phát triển, kéo theo đó là những công trình xây dựng hào nhoáng, đắt tiền. Những cao ốc chọc trời mọc lên, đôi khi chúng có tỷ lệ quá lớn so với con người, và người dân trở thành nhỏ bé trước chúng. Trên một phương diện nào đó, chúng ta như mất kết nối với kiến trúc, với những công trình được xây dựng vốn dĩ để phục vụ cho chính chúng ta.


Hình ảnh trong video dự thi.

Đó là lý do tại sao, Dương lại đưa hình ảnh quán café CỘNG vào trong video. Một quán café được nhiều du khách Hàn Quốc ưa thích khi đến với Đà Nẵng (thành phố mà tác giả đang học tập). Điều gì đã thu hút họ? Đó là không gian hoài cổ, cùng với không khí của một quán café, mọi người tán gẫu thoải mái, nơi họ có thể thư giãn và quên đi cuộc sống vội vã ngoài kia. Từ đó, thông điệp mà Dương muốn truyền tải đến với cuộc thi và mọi người là:

“Sự mong ước về những thành phố có thiết kế hài hòa, lồng ghép vào những không gian công cộng để mọi người có thể thư giãn, xả stress, tái tạo năng lượng. Đồng thời, phải chú ý đến một số không gian tuy nhỏ về quy mô nhưng lại gắn liền với kỷ niệm của nhiều người dân. Khi đó, kiến trúc không còn chỉ là kiến trúc nữa, nó trở thành một sợ dây liên kết “QÚA KHỨ - HIỆN TẠI - TƯƠNG LAI”.


Hình ảnh trong video dự thi.

“Video này nói về cách mà tôi đã ký họa một căn nhà cũ và một góc phố nhỏ của Busan. Tôi nghĩ đó là những gì thân thuộc với người dân nơi đây, cũng chính là những đặc trưng trong kiến trúc của Busan.”

Việc đạt một giải thưởng quốc tế lớn là một niềm vinh dự lớn của cá nhân Dương cũng như của Khoa Kiến Trúc, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. Sau khi biết mình được giải, Dương đã tâm sự: “Xin cám ơn những thầy cô của Khoa Kiến trúc đã giúp em mở rộng hiểu biết của mình và những trải nghiệm quý giá thông qua những chuyến đi kiến tập hay trao đổi của Khoa. Đó chính là xúc tác lớn nhất cho thành công của video dự thi lần này !”

Tin và bài: Khoa Kiến trúc