DHKT

Thực tập nhận thức nước ngoài: Mùa lễ hội của các sinh viên, nhà kiến trúc Bách khoa Đà Nẵng

20/10/2019 19:43

 Trong quãng đời của người sinh viên có lẽ điều khó quên nhất chính là kì quân sự_nơi mà chúng ta cùng ăn, cùng ngủ, cùng học tập, nơi mà không cá nhân nào được ưu tiên hay đặc cách. Thế nhưng đối với một sinh viên kiến trúc tại trường Đại học Bách khoa như tôi thì chuyến đi kiến tập Lào – Thái mới thật sự là một điều vô cùng đáng nhớ, một bước ngoặt đổi mới tuyệt vời cho khóa đào tạo kiến trúc chất lượng cao như chúng tôi.

 Đã gần 10 ngày trôi qua kể từ ngày chúng tôi bắt đầu chuyến đi ấy_một chuyến đi đong đầy những cảm xúc, những trãi nghiệm không thể nào quên. Tôi vẫn nhớ như in buổi sáng hôm ấy, trời vẫn còn âm u và se lạnh, mọi thứ xung quanh vẫn chưa bắt đầu làm việc thế nhưng chúng tôi_những chú kiến năm 2 đã vô cùng sẵn sàn cho chuyến đi xa. Đúng 6h00 chiếc xe bắt đầu lăn bánh, niềm háo hức xen lẫn với sự hồi hộp hiện rõ trên gương mặt của từng người và thế là hành trình thứ nhất để chinh phục 480km đã bắt đầu.

Tuy quãng đường khá dài nhưng tôi cảm thấy như nó được rút ngắn rất nhiều bởi những câu chuyện hóm hĩnh của anh hướng dẫn viên, những lời ca tiếng hát, điệu nhảy mà chỉ có sinh viên kiến trúc mới nghĩ ra. Đặc biệt nhất là sự góp giọng của hai bạn du học sinh Lào, nhờ vậy mà lúc ấy chúng tôi đã quên hết đi tất cả sự mệt mỏi.

Càng suy nghĩ, tôi lại cảm nhận những chuyến đồng hành đôi khi cũng chính là dịp để mỗi người được thể hiện, để sống với chính mình, để hoàn thiện hơn. Chẳng mấy chốc cả đoàn chúng đã đến cửa khẩu Lao Bảo, dùng cơm trưa cùng nhau, sau đó chúng tôi lại tiếp tục chuyến hành trình.

Đúng 3h00 chiều chúng tôi đã đặt chân đến “ Xứ sở triệu voi ”, sau khi nhập cảnh, cả đoàn tiếp tục đi đến Savanakhet_thành phố lớn thứ 2 của lào và cũng chính là quê hương của cố chủ tịch Cayxon Phonevihan. Tuy là một thành phố lớn những cơ sở hạ tầng ở đây vẫn còn khá đơn sơ và đậm chất thôn quê, đời sống của người dân vẫn còn kém hơn so với Việt Nam.

Hoàng hôn bắt đầu hiện rõ cũng chính là lúc mà đoàn xe lăn bánh đến khách sạn, chúng tôi nhận phòng nghỉ ngơi và có một bữa tối vui vẻ đầu tiên tại nơi xa xứ. 

Sáng hôm sau, theo đúng lịch trình chúng tôi trả phòng, ăn sáng và tiếp tục di chuyển đến Viêng Chăn. Vừa bước lên xe bao nhiêu tiết mục văn nghệ lần lược được trình diễn, quãng đường gần như được rút ngắn chẳng mấy chốc thì chúng tôi đã đến. Dùng cơm trưa, cả đoàn lại di chuyển đến That Luang để tham quan và tác nghiệp kiến trúc tại đây.

 

Hình ảnh That Luang

Theo như tôi được biết thì đây công trình kiến trúc độc đáo của quốc gia Lào, tọa lạc tại phía Đông của thủ đô Viêng Chăn. That Luang được đánh giá là một trong những công trình mang màu sắc đặc trưng nhất mang tính tôn giáo sâu sắc, biểu tượng cho trí tuệ, óc sáng tạo và tinh thần đoàn kết của người dân Lào.                  

Mặt trời bắt đầu lặn chúng tôi trở về khách sạn nhận phòng, ăn uống và nghỉ ngơi. Ngày thứ 3 bắt đầu, hôm nay chúng tôi sẽ di chuyển đến tham quan Khải Hoàn Môn Patuxay nơi mà người Lào gọi là “ đường bay thẳng đứng ”, công trình để đời này cũng chính là ý tưởng thiết kế của một sinh viên người Lào khi du học kiến trúc ở nước Pháp vào năm 1954.

Tiếp đến, chúng tôi vào viếng Mẹ Xí Mường và chùa Sisaket cổ kính được xây dựng vào năm 1818 với hơn 6840 tượng phật khác nhau. Chùa Sisaket được xây dựng theo phong cách kiến ​​trúc Phật giáo kiểu Thái Lan, có sân thượng và mái nhà 5 tầng, chứ không phải theo phong cách Lào, điều này có thể là yếu tố quan trọng nhất, đã giữ cho chùa Sisaket được an toàn, nguyên vẹn sau thất bại của Xiêm vào năm 1828, vì quân đội của Thái Lan đã sử dụng nơi này làm trụ sở chính và nơi để ở. Đây có thể là ngôi chùa cổ nhất vẫn còn đứng vững ở Viêng Chăn. Chính phủ thực dân Pháp đã khôi phục chùa vào năm 1924 và một lần nữa vào năm 1930.

Tại đây chúng tôi tiếp tục tác nghiệp, đến trưa mọi người trở về xe và đi đến nhà hàng để thưởng thức những món đặc sản của Lào. Và thế là chúng tôi phải chào tạm biệt “Người anh em láng giềng” để đi đến “ xứ chùa vàng ”.

   

                                                                 Khải hoàn môn Patuxay

  

                                                                                                        Chùa Sisaket

Vậy là đã đến cuối ngày, chúng tôi trở về lại khách sạn nghỉ ngơi, ăn uống và tiếp tục cho chuyến đi vào ngày mai. Đúng 6h30 mọi người có mặt đầy đủ và chiếc xe lại tiếp tục lăn bánh. Về đến Nakhomphanom cả đoàn được tham quan tại làng Hữu nghị Việt-Thái hay còn gọi là Nachooc nơi Bác Hồ đã hoạt động cách mạng trong những năm 1928-1929.

Đến chiều chúng tôi lại tiếp tục tác nghiệp tại thánh địa Phật giáo Đông Bắc Thái Lan That Phanom. Tháp Phra That Phanom được xây dựng từ thế kỷ thứ 7. Tháp cao 53 mét, đỉnh tháp có khối vàng trang trí nặng 110kg và được xây dựng theo kiến trúc Khmer. Tháp hình quả bầu, tượng trưng cho truyền thuyết sinh ra từ quả bầu của các tộc người cổ, cũng là tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, sự đoàn kết. Ngoài tháp chính, quần thể Phra That Phanom còn nhiều công trình kiến trúc khác mang nét đặc trưng riêng của đất nước Thái Lan, rất nhiều tượng Phật lớn nhỏ được tôn trí trang nghiêm khắp các lối đi, những hoa văn tinh xảo được chạm trổ công phu, bắt mắt. Không gian toàn bộ ngôi chùa tạo nên cho du khách một không khí linh thiêng, cảm giác như trở về với đất Phật. Tất cả vua Thái Lan đều có tục lệ đến đây để làm lễ trước khi lên ngôi, đây cũng là điểm đến tâm linh của đông đảo người Thái, người Lào và bà con Hoa kiều, Việt kiều ở vùng Đông Bắc Thái Lan.

Hình ảnh Phra That Phanom

   
                                                                     Làng hữu nghị Việt - Lào  

 Điều gì đến cũng phải đến, cuộc vui nào cũng có lúc tàn và thế là chuyến kiến tập của chúng tôi gần như kết thúc, chuyến xe lại tiếp tục lăn bánh trên quãng đường dài trở về Việt Nam. Ở chuyến đi đó tôi không chỉ được học, trải nghiệm tiếp nhận những kiến thức về kiến trúc, văn hóa, con người mà còn được thưởng thức rất nhiều món ăn đặc sản ở đây, tham quan mua sắm rất nhiều và đặc biệt là làm quen với những con người ở đây_những con người lương thiện, hiếu khách và vô cùng điềm đạm.

Chuyến kiến tập đã khép lại thế nhưng trong tâm trí một sinh viên kiến trúc như tôi thì dư âm của chuyến hành trình vẫn còn đọng mãi. Thay mặt cho khóa 18KT chúng em xin cảm ơn Khoa kiến trúc đã tạo điều kiện cho chúng em có được một chuyến đi vô cùng ý nghĩa.

Cơ hôi được tham gia vào chuyến thực tập tham quan đã giúp tôi cũng như toàn thể khóa 18KT trở nên gắn kết hơn, hiều biết nhiều hơn về nơi đất khách. Chúng tôi vô cũng tự hào khi khoác lên mình chiếc áo của Khoa kiến trúc và là một trong những sinh viên tại trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng_ngôi trường hàng đầu của miền Trung. Hi vọng sau này, dù có như thế nào thì tất cả mọi người vẫn luôn nhớ đến mùa hè này_mùa hè mà “mình cùng nhau khoác vai đi từ sáng đến đêm…”. Và quan trọng nhất đây là hành trang kiến thức thực tế giúp chúng tôi vững tinh trong chặng đường học tập và hành nghề sắp đến đây.

Khóa 18KTCLC – Đại Học Bách Khoa Đà nẵng

Tin và bài: Thu Hà – Tiến Khánh (18KTCLC1)