DHKT

Kết quả Vòng bán kết cuộc thi WEPICS 2017 - Phụ nữ với các Dự án Kỹ thuật Phục vụ Cộng đồng

11/03/2017 15:58

WEPICS là một trong những dự án theo đuổi xu hướng WiSTEM - “Phụ nữ trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật và Toán học” (Women in STEM/ Science - Technology - Engineering - Mathematics), thuộc Chương trình Dự án BUILD-IT. Phát triển cân bằng về mặt giới tính trong lĩnh vực STEM hiện đang là một trong những xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, từ trước đến nay, vai trò của phụ nữ thường bị coi nhẹ trong các lĩnh vực kể trên, đặc biệt là ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, WEPICS được tổ chức với mục tiêu nuôi dưỡng tinh thần đổi mới và làm chủ doanh nghiệp để hỗ trợ sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương dành cho các nữ sinh viên, kỹ sư, nhà khởi nghiệp, cũng như nhà nghiên cứu nữ làm việc trong lĩnh vực STEM.

Cuộc thi WEPICS 2017 được tổ chức với vai trò tiếp nối hội thảo “Women in STEM” vào tháng 8 năm 2016 vừa rồi tại thành phố Đà Nẵng. Women in STEM là một trong những hội thảo đầu tiên trên toàn nước Việt Nam thúc đẩy và khuyến khích vai trò của phụ nữ trong STEM. Hội thảo đã thu hút hơn 300 người đến tham dự bao gồm đại diện từ vô số các phòng ban chính phủ, các doanh nghiệp và cá nhân quan tâm. Với sứ mệnh tạo cơ hội cho phụ nữ giúp đỡ cộng đồng, thực hiện đam mê nghiên cứu, xây dựng mạng lưới và các mối quan hệ, sáng tạo và triển khai dự án, WEPICS 2017 đóng vai trò là động lực phát triển cho phái đẹp trong lĩnh vực STEM thông qua các dự án và hướng đến khởi nghiệp.

Ông Ezra Simon, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ - USAID, nhà tài trợ chính của cuộc thi, cho rằng “mục tiêu cuối cùng của WEPICS là thúc đẩy mỗi người khám phá, tìm ra cách cùng nhau làm việc và kết nối. Việc này sẽ giúp giảm bớt tình trạng cô lập ý tưởng để trong tương sau này bạn sẽ biết cách phối hợp tốt hơn để vượt ra khỏi môi trường lớp học truyền thống và đến với nơi mà sự thay đổi có thể xảy ra”. TS. Nguyễn Bá Hội, Phó trưởng Khoa Đào tạo quốc tế - ĐHĐN, Sáng lập Fablab Danang, chia sẻ cùng các thí sinh dự thi.


TS. Nguyễn Bá Hội, Phó Trưởng khoa Đào tạo quốc tế - ĐHĐN, sáng lập FABLAB DANANG, chia sẻ cùng các thí sinh dự thi

Tại hội thảo khoa học STEMCON diễn ra ngày 01/03 vừa qua tại khách sạn InterContinental, Hà Nội, đại diện Đại học Đà Nẵng và trường Đại học Bách khoa - một trong những đơn vị tiên phong trong phong trào "Thúc đẩy Phụ nữ trong Khoa học" của cả nước - đã được mời giới thiệu chia sẻ về mô hình và các hoạt động liên quan đến các trường bạn”. USAID và ASU đã trình bày trong hội thảo STEMCON, qua các hoạt động này, ĐHĐN và trường ĐHBK là những đơn vị tiên phong trong phong trào "Thúc đẩy Phụ nữ trong Khoa học" của cả nước và các trường khác có thể tham khảo mô hình của mình.

Để tham gia WEPICS, một đội dự thi phải bao gồm tối đa 04 thành viên với trưởng nhóm bắt buộc là nữ giới, các thành viên của nhóm có tư cách nhận giải phải là người Việt Nam và các ý tưởng và sản phẩm được đề xuất phải là nguyên bản – chưa từng nộp thi hay tham gia cuộc thi hay chương trình nào khác.

Khởi động từ ngày 01/01/2017, sau 2 tháng, cuộc thi WEPICS - Phụ nữ với các Dự án Kỹ thuật Phục vụ Cộng đồng – đã thu hút được 26 đội đến từ nhiều tỉnh thành tham gia tranh tài trong vòng Bán kết – Vòng Ý tưởng. Trước đó, vào ngày 21/01/2017, BTC cuộc thi đã tổ chức chuyến đi thực tế cho 28 thí sinh đến từ 18 đội chơi đến các địa điểm gồm Âu thuyền Thọ Quang, trung tâm y tế huyện Hòa Vang, làng Quang Châu, chùa Quang Châu và vườn rau hữu cơ Túy Loan nhằm tạo cảm hứng để các đội phát triển ý tưởng giải pháp cho các vấn đề đáng quan tâm trong cộng đồng.

Vòng thi bán kết được tổ chức vào ngày 05 tháng 03 năm 2017 thành 2 phiên sáng và chiều . Các thí sinh sẽ có cơ hội thể hiện sự tự tin khi thuyết trình về ý tưởng của mình cũng như bản lĩnh và sự thông minh thông qua phần hỏi đáp với Ban giám khảo trong vòng tổng cộng 10 phút. Kết quả sẽ được tổng hợp từ cả kết quả bầu chọn trực tuyến cộng đồng và đánh giá của ban giám khảo dựa trên các tiêu chí về tính thực tiễn áp dụng tại cộng đồng, tính đổi mới và tính khả thi về mặt kinh tế.

08-10 ý tưởng xuất sắc sẽ được chọn tiếp tục vào Chung kết để phát triển thành các dự án khả thi. Các đội được chọn sẽ được nhận hỗ trợ về chi phí nguyên vật liệu, được cung cấp cơ sở vật chất cũng như sự cố vấn kỹ thuật từ các chuyên gia để phát triển dự án của mình. Bên cạnh đó, 02 ý tưởng xuất sắc nhất sẽ được nhận Giải thưởng tiền mặt trị giá $250 cho mỗi đội. Giải thưởng chung cuộc của cuộc thi dành cho đội xuất sắc nhất lên đến $1000 tiền mặt và gói khởi nghiệp trị giá $500 của Evergreen Labs.


Các thí sinh đã làm cho Ban Giám khảo bất ngờ vì chất lượng cao, tính mới mẻ và thực tiễn của các ý tưởng của mình.

Nhóm Cyber với ý tưởng Thùng rác công cộng thông minh được thiết kế thành 3 ngăn để người dùng phân loại rác. Người dùng được tích điểm khi sử dụng móc khóa RFID đặt trước máy quét của thùng rác. Với công nghệ IoT, số điểm tích được trong móc khóa sẽ tải lên server và được quy đổi thành những món quà nhỏ tại các cửa hàng liên kết như vé xe bus, xu mua đồ uống tại máy bán nước tự động.

Để giải quyết những vấn đề hạn chế trong việc cấp, phát thuốc cho bệnh nhân ở bệnh viện, nhóm LOG đã đưa ra ý tưởng về Hệ thống cấp phát thuốc tự động. Hệ thống bao gồm một cơ sở dữ liệu, lưu trữ tên và đơn thuốc của bệnh nhân, một tủ đựng thuốc hoạt động tự động dựa trên cơ sở dữ liệu sẵn có. Các bệnh nhân khi quét thẻ của mình vào tủ thuốc, sẽ nhận được thuốc theo đúng đơn đã kê của bác sĩ phụ trách.

Để tái sử dụng khí biogas hiệu quả ở vùng nông thôn Việt Nam, nhóm BIOGAS đề xuất ý tưởng sử dụng các vật liệu hấp thụ phế thải và rẻ tiền từ hỗn hợp bentonite và zeolite thải ra từ các nhà máy lọc dầu có thể loại bỏ được trên 85% H2S trong biogas. Với các ưu điểm là nguồn nguyên liệu dồi dào, giá thành thấp, dễ chế tạo, hiệu quả hấp thụ cao, thời gian sử dụng lâu, có khả năng tái sinh, chấp hấp phụ BEN-ZEO sẽ oại bỏ nguy cơ ăn mòn thiết bị cũng như góp phần bỏa vệ sức khỏe trong quá trình sử dụng biogas đặc biệt với các hộ gia đình và trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ ở vùng nông thôn Việt Nam.

Ông Jonathan, một trong những giám khảo của cuộc thi nhận xét “Tôi cảm thấy cuộc thi này thật sự rất thú vị. Có rất nhiều ý tưởng hay trong suốt chương trình. Cá nhân tôi đã từng làm giám khảo của nhiều cuộc thi tương tự và tôi có thể nói rằng độ sáng tạo của những ý tưởng trong cuộc thi này hơn hẳn những gì tôi đã được nghe trong vòng 2-3 năm trở lại đây. Các bạn thật sự nên tự hào về bản thân mình. Và tôi có một lời khuyên chân thành đối với các bạn rằng đừng dừng lại tại đây! Cho dù các bạn đạt thứ hạng nào trong cuộc thi, đừng dừng lại! Hãy tiếp tục phát triển ý tưởng của mình vì tôi nghĩ rằng các bạn đều sẽ thành công sau này.”

KẾT QUẢ VÒNG BÁN KẾT:

Ban giám khảo cùng hội đồng chấm thi đã thảo luận, trao đổi và đánh giá dựa trên tiêu chí điểm = 60% điểm từ BGK + 40% điểm từ số lượng bình chọn cộng đồng. (Chi tiết: http://bit.ly/WEPICS-The-le-binh-chon , và http://bit.ly/WEPICS-The-le-cham-diem-BGK). Các nhóm đã thể hiện rất xuất sắc qua các phần trình bày và đối đáp thảo luận với ban giám khảo.

Chúc mừng 12 đội sau đây sẽ tiếp tục vào vòng chung kết của cuộc thi WEPICS 2017:

1. NHÓM RSL - "REUSE FOR SUSTAINABLE LIVING"
Tái sử dụng bông thải để trồng nấm và phân vi sinh
(Reusable cotton waste for mushroom cultivation and fertilizer)

2. NHÓM BIOGAS
Sử dụng khí Biogas hiệu quả ở vùng nông thôn
(Using biogas efficient in rural area)

3. NHÓM CYBER
Thùng rác công cộng thông minh
(Publics smart trash bin)

4. NHÓM QUICKSILVER
Băng sinh học phủ nano bạc
(Silver nano-coated bio-tape)

5. NHÓM STARLIGHT
Thiết bị hỗ trợ đọc và viết cho người khiếm thị
(Reading and writing technical equipment for the blind)

6. NHÓM IS-UTE
Ứng dụng công nghệ xử lý ảnh để xác định tốc độ xe tham gia giao thông
(Transportation monitoring by using image processing technology)

7. NHÓM LOG TEAM
Hệ thống cấp phát thuốc tự động
(Automated medication distribution system)

8. NHÓM A.T
Bộ dụng cụ học toán cho người khiếm thị
(Geometry maths learning kit for blind or visually impaired people)

9. NHÓM CACTUS
Robot Gia Sư thông minh cho trẻ em
(The Smart Tutor Robot for children from 5 to 15 years old)

10. NHÓM THANH NIÊN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Dự án Vườn rau nổi
(Floating vegetable garden)

11. NHÓM GREEN AGRICULTURE
Thu hoạch giá thể nấm linh chi đã qua sử dụng ở các trại nấm để trồng nấm rơm
(Harvesting used sawdust biocarrier of ganoderma lucidum culture for straw mushroom)

12. NHÓM DCT-SMART WRISTBAND
Thiết bị hỗ trợ chăm sóc trẻ tự kỷ
(Technical support equipment for children with autism)

Chúc mừng nhóm RSL - “Reuse for sustainable living” và nhóm BIOGAS đã dành được giải thưởng $250 USD (giải thưởng tiền mặt) dành cho 02 ý tưởng xuất sắc nhất.

Các đội thi lọt vào vòng chúng kết của cuộc thi WEPICS 2017 sẽ nhận được các hỗ trợ gồm có (1) Chi phí lên đến $70 USD cho nguyên vật liệu thực hiện dự án. (2) Sử dụng Không gian Sáng chế (Maker Innovation Space) sắp ra mắt của Đại học bang Arizona – Đại học Đà Nẵng (ASU-UD) và (3) Cố vấn kỹ thuật từ các chuyên gia.

WEPICS rất “trân trọng cam kết và công việc của bạn trong nhóm, những ý tưởng sáng tạo, khả năng tuyệt vời và khát vọng hỗ trợ giải quyết những vấn đề của xã hội”, phát biểu từ TS. Kathy Wigal - Giám đốc Dự án BUILD-IT, trường đại học bang Arizona.

THÀNH PHẦN BAN GIÁM KHẢO:

1. TS. Kasia Weina: Tiến sĩ ngành Sinh học phân tử chuyên về mảng nghiên cứu bệnh ung thư tại Đức. Bà đã làm việc tại rất nhiều phòng thí nghiệm ở nhiều nước khác nhau và là đồng sáng lập và giám đốc điều hành công ty Evergreen Labs, công ty chuyên về phát triển các dự án xã hội và môi trường. Bà cũng sẽ là giảng viên và cố vấn nghiên cứu cho chương trình Y Sinh Học tại viện nghiên cứu và đào tạo Việt Anh tại thành phố Đà Nẵng.

2. TS. Lê Phước Cường: Tiến sĩ khoa Môi trường tại Liên Bang Nga, hiện là Giảng viên khoa Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng. Ông đã thực hiện hàng chục công trình nghiên cứu về lĩnh vực hóa học phân tích và môi trường. Đặc biệt, công trình nghiên cứu của ông với đề tài “Công nghệ tối ưu hóa kỹ thuật tách chiết bằng chất lỏng siêu tới hạn” đã được Chính phủ Nga cấp Bằng Sáng chế. Ông cũng vinh dự được Chính phủ Nga trao tặng Giải thưởng Hóa học Lobachevsky.

3. ThS. Nguyễn Thị Hồng Phước: Bà hiện đang làm việc với tư cách Giám đốc Nhóm Thúc đẩy Kinh doanh tại SHIFT ASIA. Bà có 12 năm kinh nghiệm toàn cầu trong lĩnh vực thiết kế bộ nhớ vi mạch và vi mạch tương tự. Bà đạt được rất nhiều tựu, trong đó có Thiết kế và kiểm tra Bộ Chuyển đổi Năng lượng "Smart Low-Side Power Switch" đầu tiên cho Bộ điều khiển động cơ ô tô cũng như làm việc về thiết kế mạch với công nghệ 14nm đầu tiên trên thế giới.

4. TS. Lê Thị Như Ý: Tiến sĩ Hợp chất cao phân tử và tổ hợp tại Viện Khoa học Vật liệu - Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam. Bà hiện là giảng viên tại Bộ môn Kỹ thuật Dầu khí, khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. Bà là tác giả của rất nhiều các bài báo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực liên quan.

5. TS. Lê Quốc Huy: Tiến sĩ ngành Vật lý ứng dụng tại Pháp, hiện là giảng viên Bộ môn Tự động hóa, Khoa Điện, Trường ĐH Bách Khoa - ĐH Đà Nẵng. Ông là tác giả của hàng chục bài báo và báo cáo khoa học trong nước và quốc tế. Ngoài ra ông còn nhận được Giải thưởng "Sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC" về khoa học công nghệ được trao bởi Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC).

6. Th.S Jonathan Neale: Ông có rất nhiều kinh nghiệm giảng dạy quản lý chuyên môn trong rất nhiều năm ở nhiều nước khác nhau: Anh, Abu Dhabi và đến bây giờ đã sinh sống ở Hà Nội gần 4 năm. Trước khi bắt đầu sự nghiệm giảng dạy, ông là cố vấn quản lý cải tổ doanh nghiệp và đã cải tổ thành công hơn 23 doanh nghiệp.