DHKT

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo không gì hơn là đổi mới thực sự chất lượng đào tạo nguồn nhân lực (kỳ cuối)

05/03/2017 18:52

(ICTDanang) - Mới đây, dẫn đầu Đoàn công tác Chính phủ, trong chuyến công tác chuyên đề Giáo dục-Đào tạo và Khoa học-Công nghệ tại miền Trung, ngày 24/02/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm và làm việc với trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng (xem các tin, bài trên ICTDanang ngày 24/02/2017).

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xem mô hình xe hybrid nhiệt - điện, là kết quả đề tài nghiên cứu khoa học của thầy và trò khoa Cơ khí giao thông - Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng (24/2/2017) - Ảnh: T.N.


Phát biểu với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt của Trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh:

- Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo mà hệ thống chúng ta đang triển khai không gì hơn là đổi mới thực sự về chất lượng đào tạo nhân lực. Nhà trường chúng ta phải chịu trách nhiệm cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng, và phải phấn đấu đạt đến chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, cho thị trường lao động.

- Chính phủ đánh giá cao những nỗ lực của trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, xứng đáng là một Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho miền Trung - Tây Nguyên và cho cả nước.

- Đại học Bách khoa - ĐH Đà Nẵng là Trường có bề dày truyền thống, nhiều thế hệ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của Trường nay đã giữ các chức vụ quan trọng ở cơ quan cấp Bộ, là lãnh đạo các tỉnh, thành phố và trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học, điển hình như Thầy Bùi Văn Ga, nay là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, và nhiều Thầy Cô giáo, cán bộ quản lý khác,.. 

- Phát huy truyền thống đó, Nhà trường phải vươn đến tầm một Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực bậc cao, có tên trong danh sách các trường đại học có uy tín của cả nước, của khu vực và châu lục.


GS.TS. Lê Kim Hùng - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng (bìa trái ảnh), GS.TS Trần Văn Nam - Chủ tịch Hội đồng ĐH vùng, Giám đốc ĐH Đà Nẵng (thứ 2, từ bên trái ảnh sang, hàng trước) xem sản phẩm của các em SV theo học các chương trình Kỹ sư chất lượng cao.
 -Ảnh: T.T.Nhã.

Phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, đi đôi với kiểm định chất lượng bên ngoài

Trao đổi với ICTDanang, chiều ngày 3/3/2017, xoay quanh nội dung “Đổi mới thực sự về chất lượng đào tạo, quy trình bắt đầu từ đâu?” theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, GS.TS. Lê Kim Hùng chia sẻ ngay thông tin mới: 

Ngay sau khi đón nhận “Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng của Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á, đối với 2 chương trình đào tạo tiên tiến; từ ngày 27/2 đến hôm nay (3/3), cùng với các trường: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh và ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã tiếp tục đón Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) đến làm việc và tiến hành kiểm định chất lượng đào tạo.

Công tác kiểm định 4 trường đại học lớn của Việt Nam thực hiện “Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp" (PFIEV) từ năm 1999 là nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Giáo dục & Đào tạo Việt Nam với HCERES.

Bốn trường ĐH lớn được HCERES - một thành viên chính thức của Hiệp hội đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Châu Âu - đánh giá chất lượng, sẽ tạo cơ sở để mỗi trường thực hiện mục tiêu chiến lược trở thành các ĐH hàng đầu của Việt Nam theo các lĩnh vực có ưu thế cạnh tranh, bảo đảm lan tỏa uy tín học hiệu ngang bằng các trường ĐH danh tiếng trong khu vực vào năm 2030.

Dự kiến, sau khi thực hiện khảo sát, đánh giá theo quy trình kiểm định độc lập rất nghiêm ngặt, vào khoảng tháng 7/2017, HCERES sẽ chính thức công bố kết quả.


Giờ học của sinh viên Chương trình tiên tiến ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng tại phòng học Distance Learning - Ảnh do Nhà trường cung cấp.
 

GS.TS Lê Kim Hùng khẳng định thêm:

Chất lượng đào tạo - như lưu ý của Thủ tướng (một lưu ý không bao giờ là cũ, là thừa – mà luôn mới) là một mục tiêu ưu tiên hàng đầu của bất kỳ trường ĐH hay cơ sở đào tạo nào.

Đối với trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, từ năm 2007, nghĩa là cách nay đúng 10 năm, chúng tôi đã sớm thành lập Hội đồng đảm bảo chất lượng giáo dục từ cấp Khoa/Chương trình, đến cấp Trường và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; tập trung xây dựng bộ quy trình và biểu mẫu khảo sát tất cả các bên liên quan để đảm bảo chất lượng.

ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cũng sớm áp dụng ISO-9001-2000; đồng thời mạnh dạn và tự tin tham gia và đạt kiểm định về chất lượng đào tạo trong những đợt đầu tiên giai đoạn 2009-2014.

Từ 1/2015 đến 5/2016, chúng tôi tiếp tục triển khai “Tự đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo” gồm 10 Tiêu chuẩn và 61 Tiêu chí. Sau đó, Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) chính thức vào khảo sát tháng 5/2016, và Nhà trường đã được công nhận đạt “Chất lượng Giáo dục Quốc gia giai đoạn 2016 - 2021”. 

Tôi cũng muốn chia sẻ thêm: Để nâng cao chất lượng đào tạo, từ cán bộ quản lý đến cán bộ giảng dạy đều phải được tạo điều kiện tham gia nhiều khóa đào tạo trong nước và quốc tế về “Cải tiến phương pháp giảng dạy”, “Thiết kế chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, đảm bảo chất lượng cấp chương trình đào tạo, cấp Trường theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế”. Nhà trường phải biết tranh thủ nhiều chương trình, dự án lớn ở cấp quốc gia, quốc tế.

Bên cạnh đó, Trường còn phải cử cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy tham gia bồi dưỡng ở nước ngoài về công tác đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng.

Được biết, từ năm 2013 đến 2016, ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã cử 4 cán bộ quản lý và giảng viên (sắp đến, sẽ cử thêm 5 cán bộ khác) tham dự lớp bồi dưỡng tập huấn "Bộ chuẩn kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA" tại Bangkok - Thái Lan; từ năm 2015 đến 2017 Trường đã cử 15 
cán bộ quản lý và giảng viên tham dự lớp bồi dưỡng về kiểm định chất lượng giáo dục do các Trung tâm KĐCLGD trong nước tổ chức.

[Theo T.Ngọc & T.T.Nhã - ICTDanang 05/03/2017]