“Áo khoác công nghệ sCoat” của sinh viên DUT thắng lớn tại cuộc thi Maker To Entrepreneur (MEP)

24/06/2020 15:42

Chiếc áo khoác gọn nhẹ nhưng khi đi biển gặp sự cố liền trở thành một chiếc áo phao cứu hộ giúp ngư dân vượt qua nguy hiểm, đồng thời tích hợp GPS có chức năng phục vụ tìm kiếm người bị nạn khi cần thiết và có chỗ chứa các dụng cụ sử dụng để sinh tồn nếu chẳng may bị lạc sau tai nạn.

Sản phẩm sáng tạo từ tình người và tấm lòng phục vụ cộng đồng

Sau nhiều ngày đi khảo sát thực tế tại cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng), nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng nhận thấy có đến 95% ngư dân lựa chọn không sử dụng áo phao khi đi biển vì sự cồng kềnh, khó thao tác công việc trên biển, mặc dù họ biết khả năng gặp tai nạn rất cao do những cơn sóng bão lớn đánh bất ngờ.


TS. Nguyễn Thị Anh Thư - Giảng viên trường ĐH Bách khoa – ĐH ĐN và Đội Next –In đạt giải Nhất Maker To Entrepreneur 2020

Xuất phát từ những lo lắng, những trăn trở cho ngư dân đi biển, Nhóm Next-In gồm 5 thành viên (Lê Thị Nhã – Khoa Hóa, Lê Bá Thăng và Lê Thị Dạ Thảo- Khoa Điện, Trần Lê Vĩ Nhân Tâm – Khoa Quản lý dự án, Đàm Quang Tiến – Khoa Công nghệ thông tin) đã nhen nhóm ý tưởng và bắt tay chế tạo cho ra sản phẩm về loại áo phao gọn nhẹ mà không làm ảnh hưởng đến công việc của các ngư dân với tên gọi “Áo khoác công nghệ sCoat”.

Video giới thiệu sản phẩm:

 

“Mong muốn ban đầu của nhóm rất đơn giản chính là để giúp đỡ ngư dân và sau đó là dần dần thay đổi nhận thức của họ về bảo hộ lao động trong công việc mưu sinh”, bạn Lê Nhã chia sẻ.

 “Áo khoác công nghệ sCoat”- đa dạng các chức năng cứu hộ

Với tiêu chí gọn, nhẹ, dễ dàng trong việc di chuyển và thao tác, áo khoác công nghệ sCoat nhìn bề ngoài trông giống như những chiếc áo khoác thông thường nhưng bên trong được trang bị phao nổi ở vùng cổ và hai cánh tay, tích hợp một hệ thống chứa khí nén CO2 vừa phải nằm gọn trong áo, khi cần thiết có thể ấn nút mở van cho khí làm phồng phao, đưa người nổi lên trên mặt nước. Ngoài ra, nhóm sinh viên trang bị thêm các bảng phản quang ở tay và lưng, và thiết kế một cách khoa học nơi đựng dụng cụ như còi, đèn, dao và thiết bị định vị… giúp nạn nhân có thể sinh tồn trong những tình huống thất lạc và hỗ trợ công tác tìm kiếm nạn nhân sau tai nạn. Bên cạnh các tính năng kỹ thuật, nhóm còn hướng tới thay đổi nhận thức của ngư dân đi biển, giúp họ biết chú trọng bảo vệ bản thân mình trong công việc mưu sinh thường ngày và giúp người thân trong gia đình ngư dân yên tâm hơn khi họ đi biển.


Áo khoác công nghệ sCoat do nhóm Next –In sáng tạo được trang bị nhiều chức năng hữu ích khi đi trên biển

Bạn Trần Lê Vĩ Nhân Tâm, đại diện nhóm Next –In cho biết, mỗi chiếc áo có trị giá khoảng 450.000 đồng, là mức giá có thể chấp nhận được với thu nhập của ngư dân đi biển. Dự kiến bước đầu, nhóm sẽ bán ít nhất một áo cho 25 tàu biển, với mỗi tàu có từ 10 đến 15 ngư dân, tập khách hàng tiềm năng rất lớn và sẽ bán được hàng trong giai đoạn tiếp theo. Nhóm cho biết 6 tháng đầu sẽ tập trung thị trường Đà Nẵng, trong 1 năm tới sẽ mở rộng khắp miền Trung và 2 năm nữa là trên phạm vi cả nước.

Vỡ òa niềm vui chiến thắng tại sân chơi lớn - Maker to Entrepreneur  (MEP)

Tại sân chơi lớn Maker to Entrepreneur 2020 (MEP), sản phẩm Áo khoác công nghệ sCoat của nhóm Next-In, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) sáng chế đã giành giải Nhất tại cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS), vòng mô phỏng kinh doanh. Chương trình được tổ chức sáng 22-6 tại American Center, thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM.

“Chúng em đã ôm nhau vỡ oà trong hạnh phúc khi cả đội bằng tất cả kiến thức, kỹ năng và lòng đam mê đã hoàn toàn thuyết phục được Ban giám khảo cuộc thi”, nhóm Next-In,  trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng chia sẻ về cảm xúc ngọt ngào, đầy niềm tin và sự hãnh diện lúc được trao giải Nhất trị giá $1,000 tại Ngày Mô phỏng kinh doanh của Chương trình Maker to Entrepreneur - MEP (“Từ Sáng tạo đến Khởi nghiệp”).


Các thành viên của nhóm dự án sCoat

Sản phẩm này cũng đã giành giải Nhất tại cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS) năm 2019.

“Sản phẩm đi qua nhiều giai đoạn khác nhau từ hình thành ý tưởng đến thiết kế chi tiết trong khoảng thời gian gần 1 năm từ cuộc thi EPICS đến MEP. Các thành viên của nhóm đến từ nhiều Khoa khác nhau của trường Đại học Bách khoa - ĐHĐN, với "độ tuổi sinh viên" khác nhau, do đó mỗi bạn có một năng lực khác nhau và hầu hết đều xác định rằng dự án có thể sẽ không hề liên quan đến lĩnh vực đang theo học tại trường. Tuy vậy khi các bạn kết hợp với nhau, cùng với tinh thần, lòng nhiệt huyết, sự đam mê tìm tòi, học hỏi cách đi ra cọ xát với thực tế, thiết kế sản phẩm, học hỏi thêm cả phần các mô hình kinh doanh và nghệ thuật thuyết trình. Cùng với đó là sự phối hợp làm việc nhóm hết sức hiệu quả và nhịp nhàng để đi đến sản phẩm như mong đợi và sự thành công trong cuộc thi hôm nay”. Bạn Đàm Quang Tiến hào hứng chia sẻ.


Các đội dự thi MEP đến từ Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng

MEP là chương trình ươm mầm doanh nhân từ những nhà sáng tạo trẻ, giúp các bạn sinh viên dẫn dắt những sáng tạo của mình đến với thị trường và phục vụ xã hội. Những nhóm sinh viên kỹ thuật đã xây dựng sản phẩm từ quá trình nghiên cứu khoa học, mong muốn thực hiện ước mơ đưa sản phẩm của mình đến với xã hội và thương mại hoá sản phẩm sẽ được đào tạo và tư vấn những kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp. Các bạn được đào tạo các kỹ năng thu thập ý kiến khách hàng, xây dựng mô hình kinh doanh, kỹ năng gọi vốn, … Chương trình đào tạo trong 3 tháng được thiết kế trong chuỗi các chương trình (URI, EPICS, MEP) thúc đẩy phát triển bền vững hoạt động đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp tại trường đại học, thông qua dự án BUILD-IT của Đại học Bang Arizona Hoa Kỳ tổ chức, dưới sự tài trợ của USAID và công ty Dow Chemical, với sự tham gia của trường Đại học Bách khoa-ĐHĐN và các Trường đại học trên cả nước, ...

Qua 2 năm tham gia chương trình MEP, các nhóm sinh viên đến từ Trường Đại học Bách Khoa – ĐHĐN đã thể hiện sự nổi trội trong năng lực nghiên cứu, thiết kế sản phẩm, đam mê khởi nghiệp, đã giành giải Nhì tại cuộc thi MEP năm 2019, và giải Nhất MEP năm nay. Các đề tài mang nhiều ý nghĩa nhân văn như “Gậy dò đường dành cho người khiếm thị”, “Robot Delta”, “Dép hỗ trợ người mù”, “Thực phẩm dành cho người bị tiểu đường”, “Áo ấm phao đa năng cho ngư dân nghèo”

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã nhận xét rằng các sản phẩm và mô hình kinh doanh của các đội dự thi mang đầy tinh thần khởi nghiệp và rất tiềm năng để phát triển đến với cộng động.

Chia sẻ từ cán bộ dẫn dắt Chương trình - TS. Nguyễn Thị Anh Thư và ThS. Nguyễn Hồng Nguyên “Chuỗi chương trình URI-EPICS-MEP đào tạo sinh viên một cách bài bản, từ kỹ năng nghiên cứu, sáng tạo, thực hiện các dự án phục vụ cộng đồng và các kỹ năng khởi nghiệp, qua đó giúp sinh viên hình thành tinh thần đổi mới sáng tạo khoa học, thực hiện ước mơ phục vụ cộng đồng và khởi nghiệp ngay từ khi còn là sinh viên. Qua chương trình MEP, các bạn sinh viên được học tập và trải nghiệm các bước xây dựng mô hình kinh doanh và tiếp cận khách hàng, từ đó quay lại hoàn thiện sản phẩm khoa học kỹ thuật của mình hướng đến thị trường một cách khả thi nhất, có thể khởi nghiệp từ ý tưởng của mình trên nền tảng ý nghĩa nhân văn và thương mại. 

Xem thêm tại link:

1. Tạp chí khám phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/sinh-vien-lam-ao-phao-cuu-ho-gon-nhe-giup-ngu-dan-yen-tam-di-bien-c7a767520.html?fbclid=IwAR0BNCyHvQBOySQI5GefP109LZuoYbZ-GyFcYqPNxXgEuGwRdj1kzJhVF-w

2. Báo Tuổi trẻ:https://tuoitre.vn/ao-khoac-phao-da-nang-cua-sinh-vien-thang-giai-cuoc-thi-khoi-nghiep-20200622141815907.htm?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=31&fbclid=IwAR0BNCyHvQBOySQI5GefP109LZuoYbZ-GyFcYqPNxXgEuGwRdj1kzJhVF-w

Tin, bài: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN