Sinh viên khoa Kiến trúc tham gia Summer Camp 2019 tại Nhật Bản

09/08/2019 23:32

Cùng với các bạn sinh viên kiến trúc đến từ đại học quốc lập Cao Hùng (Đài Loan); Chúng tôi, những sinh viên ngành Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã học hỏi thêm rất nhiều điều mới trong lĩnh vực chuyên môn mà bản thân theo đuổi cũng như được trải nghiệm thêm về những nét độc đáo văn hóa, hiểu thêm về con người Nhật Bản. Chuyến đi này thực sự là cơ hội vàng cho những sinh viên Kiến Trúc có cơ hội tiếp xúc với thực tiễn.

Chúng tôi có một chuyến bay 5 tiếng từ Sân Bay Quốc Tế Đà Nẵng (Việt Nam) đến Sân bay Quốc tế Narita (Nhật Bản). Đất nước Nhật Bản xinh đẹp chào đón chúng tôi với thời tiết mát mẻ, không khí trong lành. Tôi rất ấn tượng về sự rộng lớn của sân bay Narita, mọi thứ được thiết kế rất chỉnh chu. Đường sá vô cùng sạch sẽ. Trong lúc chờ đợi tàu điện, tôi đã kí họa lại phòng chờ để làm tư liệu học tập cho bản thân.

Rời sân bay, chúng tôi tham dự “buổi lễ đón tiếp” diễn ra lại đại học Kogakuin. Bữa tiệc diễn ra rất vui vẻ và cởi mở. Ở đây, chúng tôi gặp gỡ các bạn sinh viên Nhật Bản và các bạn sinh viến đến từ Đại học Quốc Lập Cao Hùng (Đài Loan).

Ngày thứ hai, chúng tôi có cơ hội tham quan khuôn viên và các phòng lab của trường. Cảnh quan của trường Kogakuin có mật độ xây dựng vừa phải, cây xanh và thảm cỏ hài hòa. Các tòa nhà nằm ở các độ cao khác nhau, màu sắc và vật liệu sử dụng hài hòa tạo nên tổng quan ngôi trường thật đẹp ở mọi góc nhìn.

Chúng tôi ghé thăm “Boxing and Archery Hall”, là hai công trình sử dụng kết cấu gỗ. Tôi đã có cơ hội chụp hình cùng Kiến Trúc Sư, người đã thiết kế những kết cấu tuyệt vời đó.

Ngày tiếp theo, cả đoàn đi tàu từ ga Hachioji đến ga Shinjuku, tôi có dịp nhìn ngắm cảnh quan hai bên đường. Các chung cư ở Nhật Bản được thiết kế với mặt đứng đơn giản. Hình khối theo dạng tầng bậc. Vật liệu sử dụng chủ yếu là đá ốp, các màu sơn trung tính. Được bố trí với mật độ và chiều cao vừa phải, không tác động quá nhiều đến cảnh quan xung quanh. 

SHINJUKU CAMPUS

Chúng tôi thăm Kogakuin University Shinjuku Campus và dự buổi hội thảo về Universal Design và bàn về thiết kế chung cư của cô Prof. Kinoshita Yoko. ThS.KTS. Nguyễn Xuân Trung cũng có một buổi giới thiệu về thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. Sau đó ra cả đoàn cũng di chuyển đến New National Stadium (Tokyo). Trên đường đi, chúng tôi có dịp ghé thăm thiết kế của Tadao Ando. Hai bên đường là những hàng cây lớn, sát công trình là một đường nước chảy, nó là biểu tượng của sự sạch sẽ đến khó tin của đất nước Nhật Bản.

Cả đoàn đi bộ một quãng đường khá xa, nhưng đó thực sự xứng đáng với những gì tôi được chứng kiến và cảm nhận. Một con đường đi bộ dài, rộng, bao phủ bởi hai hàng cây cao lớn (theo như giới thiệu chúng có nguồn gốc từ Trung Quốc từ hàng trăm năm trước). 

Sân vận động vẫn đang trong quá trình xây dựng, nó là một thiết kế đơn giản, được tạo nên bởi Gỗ, Thép, Bê Tông. Tuy nhiên đó là một thiết kế hài hòa với cảnh quan xung quanh.

Ngày 25 tháng 7, chúng tôi có một buổi tham quan rất bổ ích về các lĩnh vực thiết kế, quy hoạch đô thị.

1. VỀ THIẾT KẾ CỦA NHÀ GA TOKYO

Hôm đó chính là ngày tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được tham gia chuyến đi và học được nhiều kiến thức về thiết kế cảnh quan. Cả nhóm được hai thầy hướng dẫn người Nhật giới thiệu những phương án mà họ làm để giữ lại được phần kiến trúc cũ do người Anh thiết kế và cải tạo phần mới của nhà Ga để làm khách sạn, phần dưới lòng đất là nhà ga. Những kiến trúc sư và kỹ sư đã làm cho quần thể công trình này được sử dụng mà không lãng phí một tấc đất nào.

2. THIẾT KẾ CẢNH QUAN XUNG QUANH NHÀ GA.

Bởi những giá trị về lịch sử và kiến trúc của mình, Nhà ga Tokyo được xem như là trung tâm để phát triển quy hoạch cảnh quan xung quanh. 

Phía trước nhà ga là một quảng trường rộng lớn với hai thảm cỏ xanh. Nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao lại không trồng cây mà lại sử dụng thảm cỏ? Prof.Fujiga Masato bảo rằng thảm cỏ được dùng để tận dụng không gian cho nhiều chức năng khác nhau như lễ hội, diễu hành , v.v… 

     

Những công trình cao tầng xung quanh nhà ga đều sử dụng các vật liệu có màu sắc trung tính. Các kết cấu thép sử dụng để đảm bảo thời gian thi công, giảm thiểu bụi bặm ảnh hưởng đến các tòa nhà xung quanh. 

Điều đặc biệt, các tầng đế của các khu nhà cao tầng có chiều cao thiết kế sao cho thấp hơn hoặc bằng với chiều cao của Tokyo Station. 

Về cảnh quan, các tòa nhà đều có khoảng lùi lớn. Điều này khiến đường phố trở nên rộng rãi, con người có thêm nhiều lựa chọn khi di chuyển. Các tuyến đường xung quanh có những khung giờ hay thời gian đóng cửa làm phố đi bộ để tổ chức các sự kiện hay lễ hội. 

Không gian bên các con đường được trau chuốt rất kỹ càng, bạn có thể dễ dàng bắt gặp các tác phẩm điêu khắc, tượng thể hiện Olympic Tokyo 2020 đang đến gần. Những bàn ăn trưa công cộng có thể gấp gọn và có quy định khung giờ sử dụng. Để làm không gian bớt nhàm chán, các chậu cây nhỏ được xen kẽ vào kết hợp với ghế nghỉ ngơi. Các hình thức bảo vệ cây ven đường cũng được sử dụng, và chỉ với vật liệu “Tre” thân thiện môi trường, dễ thay thế sửa chữa.

Các không gian bên đường cùng được tận dụng để làm các trạm xe đạp công cộng, một phương tiện di chuyển rất tiện lợi trong khoảng cách ngắn và thân thiện với môi trường.

Có thể thấy đóng góp một phần lớn vào thành công trong việc giữ gìn đô thị đó chính là ý thức của người dân và sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan có thẩm quyền.

3. CẢNH QUAN TẠI SHINONOME AREA 

Chiều cùng ngày, chúng tôi đến thăm khu chung cư, nơi có các tòa nhà do công ty của Prof.Kinoshita Yoko thiết kế.

Để đến với khu chung cư, chúng tôi đi bộ qua cây cầu đi bộ. Có thể nói thời tiết là một yếu tố quan trong trong việc thiết kế kiến trúc. Cây cối ở đây xanh tươi, thời tiết nắng ấm dễ chịu. 

Về tổng thể, đây là tổ hợp chung cư gồm sự kết hợp giữa các chung cư thấp tầng tập trung ở lõi và chung cư cao tầng ở xung quanh. Nhiều khu chung cư được các công ty khác nhau phụ trách thiết kế, song có thể thấy vẫn có sự thống nhất ở mặt đứng và vật liệu, màu sắc cũng như hình thức kiến trúc.

4. ODAIBA

Ngoài ra điều gây hứng thú nhất chính là trải nghiệm tham quan bảo tàng Miraikan nơi có những mô hình tỉ mỉ, những sản phẩm là minh chứng cho sự sáng tạo vô hạn của con người. Nơi này đem lại nguồn cảm hứng vô tận cho những ý tưởng kiến trúc của tôi

     

     

5. THAM QUAN SHIMIZU COOPERATION RESEARCH CENTER.

Ở đây cả đoàn được tham quan khu nghiên cứu gồm các phòng nghiên cứu khí động học, nghiên cứu động đất, các phòng mô phỏng thông gió, chiếu sáng và các phương pháp chống động đất đang được sử dụng trong tòa nhà.

Ngày cuối cùng, chúng tôi có buổi tiệc chia tay tại Hachioji Campus với sự tham dự của các bạn sinh viên, giảng viên đến từ Đại học Quốc Lập Cao Hùng (Đài Loan) và Đại học Kogakuin (Nhật Bản).

Các bạn được mang trang phục truyền thống của Nhật Bản và trao nhau những món quà cuối cùng trước khi chia tay. 

Khoa Kiến Trúc, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cũng có một bức tranh ký họa giành tặng cho trường Kogakuin. Đây là một món quà ý nghĩa để cám ơn sự tận tình và hiếu khách của các giảng viên, sinh viên trường Kogakuin.

Ngày 28 tháng 7 ,chúng tôi di chuyển đến Narita International Airport và lên chuyến bay lúc 09:30 AM trở về Việt Nam.

Qua khung cửa máy bay, tôi ngắm nhìn lại Nhật Bản lần cuối. Chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp, những trải nghiệm đáng nhớ và những tình bạn tuyệt vời. Tôi rất cảm kích trước sự nhiệt tình của các bạn, và nếu có cơ hội tôi mong mình có thể quay lại Nhật Bản. Có thể với một vai trò mới, như là một nghiên cứu sinh chẳng hạn!

Cuối cùng, xin gửi lời cám ơn chân thành đến Ban giám hiệu trường Kogakuin và “ Chương trình trao đổi sinh viên Nhật Bản – Châu Á về Khoa học” (Japan-Asia Youth Exchange Program in Science) đã cho chúng tôi cơ hội để tham gia Trại hè 2019. Đồng thời,tôi cũng muốn gửi lời cám ơn đến các giảng viên, sinh viên của trường Kogakuin đã hỗ trợ chúng tôi trong suốt thời gian diễn ra chương trình.

Phạm Ngọc Hoài Dương
Lớp 16KTCLC2, khoa Kiến trúc, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng