DHKT

Sớm đưa khởi nghiệp vào giảng dạy chính khóa – đưa hệ sinh thái khởi nghiệp vào nhà trường

21/06/2019 16:43

Đó là một trong những đề xuất của sinh viên Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng tại buổi phát động cuộc thi “Viettel Advanced Solution Track 2019”, do Tổng công ty Viễn thông Viettel tổ chức diễn ra sáng ngày 20/6 tại Hội trường F, Trường Đại học Bách khoa.

Vượt ra ngoài nghi thức, khuôn khổ thường thấy, chương trình phát động cuộc thi Viettel Advanced Solution Track 2019 tại Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trở thành buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giúp bước chân trên hành trình khởi nghiệp của các bạn trẻ vững vàng hơn, thẳng tiến đến mục tiêu lớn: thiết thực phục vụ cộng đồng hơn.

Trả lời đề xuất và là câu hỏi từ hàng ghế sinh viên: Khởi nghiệp có thể là bộ môn được đưa vào giảng dạy chính khóa trong Nhà trường ? Mô hình hỗ trợ với đầy đủ hệ sinh thái khởi nghiệp mà Tập đoàn Viettel đã và đang triển khai, có thể đủ điều kiện để áp dụng vào nhà trường?; GS.TS Trần Văn Nam – Nguyên Chủ tịch hội đồng Đại học vùng, Nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng khẳng định rằng, Nhà trường hiện nay hoàn toàn được phép đưa vào giảng dạy bộ môn khởi nghiệp. Điều kiện cần là đầu tư thiết kế, xây dựng hoàn chỉnh nội dung, phương pháp đào tạo như một môn (bộ môn) đào tạo.


GS.TS Trần Văn Nam – Nguyên Chủ tịch hội đồng Đại học vùng, Nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ ý kiến tại Lễ phát động cuộc thi

GS.TS Trần Văn Nam cũng bày tỏ sự ủng hộ cao việc áp dụng mô hình hỗ trợ với hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh mà Tập đoàn Viettel đã, đang sẵn sàng triển khai. Ngoài ra, ông cũng mong cơ quan quản lý nhà nước sớm có những chính sách phù hợp, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp.

Theo ông Hoàng Long – Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom – ưu thế vượt trội của Viettel đó là 11 thị trường trên toàn cầu với 100 triệu khách hàng. Nền tảng này cho phép Viettel vừa triển khai những hỗ trợ sinh thái trong quá trình khởi nghiệp vừa hỗ trợ hệ sinh thái để phát triển sản phẩm.

“Nói cách khác, Viettel sẽ sử dụng những sản phẩm mang giá trị của một giải pháp đột phá, kết hợp với ưu thế của viễn thông, tạo ra sản phẩm/ dịch vụ tầm cỡ quốc tế để ứng dụng/áp dụng cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Sản phẩm/dịch vụ ấy được ra đời từ chính cuộc thi Viettel Advanced Solution Track 2019. Sản phẩm, dịch vụ ấy được phát triển ở những thị trường trong nước và toàn cầu mà Viettel đã đầu tư” – bà Phạm Thanh Phương, Giám đốc VAS Viettel nhấn mạnh.

Được biết, theo quy chế, các đội thi có sản phẩm, giải pháp giành giải thưởng cao, sẽ được hưởng những lợi ích độc quyền: ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Viettel và hưởng phần chia lợi nhuận lên tới 75%.


Đông đảo sinh viên tham dự lễ phát động và hào hứng với tham gia cuộc thi

Phó GS.TS Nguyễn Tấn Khôi – Phó Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng khẳng định: Sinh viên nhà trường có nhiều ưu thế khi đến với sân chơi lớn lần này. Đó là những đổi mới linh họat, sát thực tế, phù hợp với đòi hỏi của thị trường lao động, nhất là bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang có nhiều tác động cụ thể đến nhiều lĩnh vực, từ đời sống đến quy trình sản xuất, hoạt động kinh doanh.

Sinh viên của trường cũng được chuẩn bị tinh thần tự học, tự nghiên cứu và hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên hằng năm được tổ chức nghiêm túc, không chạy theo phong trào chung chung đã mang lại những kết quả khả quan.

Chúng tôi vừa tổng kết hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học cũng như tổ chức triển lãm Techshow 2019. Nhiều đề tài và sản phẩm giành giải thưởng cao cũng là đề tài, sản phẩm được doanh nghiệp hay tổ chức, cơ quan có sự quan tâm và chính thức đặt hàng. Bên cạnh đó, Trường cũng đã chọn và sắp đến sẽ ký hợp đồng tài trợ kinh phí cho một số đề tài, sản phẩm. Đây cũng sẽ là đề tài, sản phẩm khởi nghiệp mang dấu ấn học hiệu. Nếu nói đến một giải pháp đột phá, có sự kết hợp của ưu thế của viễn thông, thì “Bãi đỗ xe thông minh dành cho Đà Nẵng” – một trong những đề tài xuất sắc – có thể là lựa chọn để tham dự cuộc thi này.

“Em rất quan tâm nên đã đến tham dự buổi phát động này. Với em, Viettel Advanced Solution Track 2019 có ý nghĩa thôi thúc động cơ tự học, tự nghiên cứu tìm hiểu thêm ở mỗi sinh viên” – bạn Nguyễn Thị Chung, quê ở xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Sinh viên năm thứ 4 Khoa Quản lý dự án chia sẻ.

Viettel Advanced Solution Track 2019 đã chính thức khởi động. Cuộc thi lần lượt được phát động ở các vùng, miền của cả nước.

“Từ sân chơi này, các Startup Việt Nam, ở trong nước và trên khắp thế giới lại có cơ hội gặp nhau tại Mỹ. Để rồi VietChallenge là nơi thu hút những ý tưởng và giải pháp sáng tạo của người Việt trên toàn cầu. Ban tổ chức muốn nhắn gửi đến các Startup Việt rằng “Hãy tự tin, bạn sẽ làm được” và hãy mạnh dạn đến với cuộc thi” – bà Phạm Thanh Phương chia sẻ thêm.

“Các bạn cần chú ý đến tính hoàn thiện ngay từ khâu ý tưởng, chứ không phải đến lúc có sản phẩm rồi mới hoàn thiện. Nhiều dự án khởi nghiệp ngay từ khâu ý tưởng đã có thể chia sẻ cho các nhà đầu tư. Kinh doanh ý tưởng không là điều chưa xảy ra. Và lợi nhuận có được từ kinh doanh ý tưởng có thể đầu tư cho quá trình ra đời sản phẩm”- ông Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng tiếp lời.                                                                 

Viettel Advanced Solution Track 2019 là cuộc thi do Viettel phối hợp cùng Vietchallenge tổ chức. Với thông điệp “Khởi tạo thực tại mới”, cuộc thi là sân chơi rộng mở và bình đẳng cho các StartUp trong nước và quốc tế.

Cuộc thi dành cho tất cả những đối tượng là cá nhân/ nhóm/tổ chức hay doanh nghiệp, không phân biệt quốc gia vùng miền, ngôn ngữ. Chỉ cần có ý tưởng sáng tạo hay sản phẩm/ giải pháp đã hoàn thiện là có thể tham gia tranh tài.

Cá nhân, tổ chức có thể tham gia cuộc thi bằng cách tải hồ sơ mẫu và đơn đăng ký tại đây: http://vas.viettel.vn. Thời gian đăng ký chính thức từ nay đến 15/7/2019.
“Chúng tôi khuyến khích rằng, các bạn nên chuẩn bị tốt về năng lực tiếng Anh để thuyết trình, giới thiệu ý tưởng, đề tài sản phẩm dự thi của mình. Khả năng trình bày lưu loát tiếng Anh giúp ích các bạn trong tiếp cận với các kênh đầu tư quốc tế hay tìn nhà đầu tư cho sản phẩm.

Tiếng Anh cũng giúp các đội nếu lọt vào vòng chung kết tại Mỹ, dễ dàng làm việc với các giáo sư của các Đại học như Havard, MIT, ĐH Boston; các chuyên gia đầu ngành tại “Thung lũng Silicon”. Đây là những cố vấn viên (Mentor) đồng hành của chương trình cố vấn 1-1. Biết tiếng Anh, còn giúp các bạn tự tin tham gia tuần tập huấn kỹ năng thuyết trình; thăm quan hệ sinh thái khởi nghiệp Boston” – bà Phạm Thanh Phương lưu ý.

Trong khi đó ông Hoàng Long nhấn đến yếu tố “đừng chạy theo những ý tưởng, giải pháp chỉ mang tính phong trào, mà hãy chú ý nhiều đến “cái riêng”, cái độc đáo của ý tưởng, của sản phẩm dự thi”.

Được biết, sau khi vượt qua vòng sơ loại, các đội thi được tham gia vòng chung kết tại Phnompenh (Campuchia), Viettel sẽ đài thọ toàn bộ chi phí cho các đội tham dự.

Ngoài giải thưởng chung cuộc bằng tiền mặt, 3 đội xuất sắc nhất còn giành được vé tham dự thẳng vòng chung kết VietChallenge, cuộc thi Startup cho người Việt toàn cầu, diễn ra tại Mỹ với giải thưởng lên tới hơn 1 tỷ đồng. Viettel Advanced Solution Track 2019 là cuộc thi mà đội chiến thắng sẽ giành giải thưởng kép.

Trần Ngọc – Xuân Tươi