DHKT

Sinh viên Khoa Kiến trúc đạt giải tại Triển lãm BKĐN Techshow 2019

04/06/2019 15:17

Sáng ngày 31/05/2019, Triển lãm sản phẩm Công nghệ BKĐN Techshow 2019 đã chính thức diễn ra tại Sân khu F với sự tham gia triển lãm của 74 sản phẩm và 102 Poster. 

Trong năm học 2018-2019, có tổng số 269 đề tài SVNCKH với sự tham gia của 657 sinh viên thuộc 14 Khoa và tất cả các Khoa đã tổ chức Hội nghị SVNCKH cấp Khoa với tổng cộng 188 đề tài được báo cáo tại 14 tiểu ban chuyên môn. Thông qua kết quả của Hội nghị SVNCKH của các đơn vị và đề xuất từ 14 tiểu ban chuyên môn, Nhà
trường khen thưởng 14 giải nhất, 15 giải nhì, 18 giải ba và 52 đề tài báo cáo xuất sắc đã được tuyển chọn để đăng vào kỷ yếu của hội nghị. Trong đó, Khoa Kiến trúc được vinh dự góp mặt 1 giải thưởng: Giải Nhì – giải ý tưởng thuộc về đề tài ‘’Truyền hơi ấm cho những người ở lại’’ của bạn Trần Nhật Tiến và Trần Phước Bảo Thư – lớp 14KT, GVHD là Ts.Kts Nguyễn Anh Tuấn. Trước đó, đề tài này cũng đã đạt giải Ba –Bronze Award của cuộc thi AYDA – Nhà thiết kế trẻ Châu Á2018. Khoa Kiến trúc xin chúc mừng hai bạn về thành tích này và cảm ơn các bạn trong khoa đã nhiệt tình tham gia Triển lãm sản phẩm Công nghệ BKĐN Techshow 2019.


Với đề tài "Truyền hơi ấm cho những người ở lại". Đề tài đã đề xuất một hình thức mai táng xanh hoàn toàn quay về với tự nhiên, giúp giảm bớt đất nghĩa trang đang ngày càng ô nhiễm hiện nay, hạn chế tác động đến môi trường thông qua các hình thức mai táng khác, đề xuất việc cung cấp thêm mảng xanh cho đô thị. Đề tài phát triển theo phương pháp “chôn tự nhiên”, thi thể người đã mất sẽ được chuyển hóa thành đất và phần đất đó dùng trồng cây, người mất trở thành một hình hài mới mà người thân có thể đến nhìn ngắm và tưởng nhớ.

Trong quá trình phân hủy, một lượng lớn năng lượng nhiệt sản sinh, hãy tái sử dụng nó, sưởi ấm cho người vô gia cư trong những ngày đông giá lạnh. Thật tuyệt vời, khi ai đó mất đi, họ vẫn có thể làm những điều có ích cho Trái Đất này, đó là:

- Truyền hơi ấm cho những người ở lại.

- Tiềm năng tái sử dụng các công trình đang dần bị bỏ đi từ ý tưởng ‘’Trung tâm tái tạo’’ này là rất lớn, các kho xưởng, nhà máy cũ, đều thích hợp. Lò gạch Sa Đéc ở An Hiệp, Châu Thành, Đồng Tháp, là những Lò gạch có từ thời mở đất, từng viên gạch, là nền móng cho hầu hết các công trình kiến trúc, sẽ là điều tuyệt vời khi chính những
lò gạch này lại là nơi bắt đầu cho một cuộc tái sinh mới, không phải của gạch, mà là của con người.
- Đề tài định hướng module hóa quy trình phân hủy và quy trình hậu cần để những kho xưởng cũ và những địa phương khác đều có thể áp dụng. 
- Những rào cản về phong tục, tâm lý và truyền thống của người Á Đông là thách thức lớn nhất gặp phải, vì vậy, các hình thức kiến trúc được khai thác tối đa trong bài để giải quyết bài toán về vấn đề tâm lý, cách tiếp cận một hình thức mai táng thân thiện môi trường. Đề tài này cũng cho thấy kiến trúc có thể là một công cụ tốt để góp phần thay đổi quan niệm của con người.
- Đề tài nghiên cứu rất kỹ nhiều chi tiết, giải pháp để hình thành nên hệ thống phân hủy, sao cho đạt kết quả thuận lợi nhất và an toàn nhất như: Làm sao để cơ thể phân hủy nhanh hơn trong các lớp đất tại các khoang khác nhau, làm sao để kích thích vi sinh vật làm việc, làm sao để hạn chế mùi hôi, các con chip mô phỏng truyền về máy tính, các hệ thống lưu trữ nhiệt, hệ thống truyền nhiệt, hệ thống sưởi… cũng được phân tích kỹ.
- Các yếu tố phụ trợ nhưng không kém phần quan trọng trong bài như: Yếu tố cây trồng: Cải tạo đất trồng trong khuôn viên, các loại cây có khả năng hấp thụ các chất hữu cơ phân hủy nhanh, quá trình hô hấp của lá cây phải có tác dụng khử khí độc, kết hợp với các loại cây địa phương. Yếu tố màu sắc được khai thác triệt để, ảnh hưởng đến tâm lý của những người ở lại, khi mà họ tiễn đưa người thân của mình trên một đoạn đường cuối cùng một cách bình yên và đầy lòng biết ơn.

- Tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, nơi ăn chỗ ở cho những người vô gia cư, hay những người không may mắn có hoàn cảnh sống khó khăn.- Dự án - công trình này giúp tiết kiệm quỹ đất và thay vì những nghĩa trang đang ngày càng ô nhiễm, không gian đô thị lại có thêm những mảng xanh mà ai cũng có thể đến để chiêm nghiệm về những
quy luật của cuộc đời.
- Đến đây để cảm nhận sự ấm áp, sự an ủi khi nhìn thấy người thân của mình trong một hình hài mới, và cảm nhận được niềm vui từ những hơi ấm đó dành cho những người có cuộc đời không may mắn.

Một lần nữa xin chúc mừng 2 bạn Sinh viên và các thầy cô Khoa Kiến trúc.