DHKT

Hai bạn trẻ với thiết bị chưng cất tinh dầu thiên nhiên

02/04/2019 09:27

Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị chưng cất tinh dầu thiên nhiên” (gọi tắt là đề tài A) của nhóm sinh viên năm cuối đến từ khoa Công nghệ Nhiệt – Điện lạnh, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đoạt giải nhì trong cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2018, do Sở Khoa học  - Công nghệ phối hợp Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức. Lễ trao giải vừa diễn ra cuối tháng 3 vừa qua.


Hai thành viên của nhóm cùng thiết bị chưng cất tinh dầu trầm hương sau khi đã được nâng cấp, phát triển dựa trên thiết bị chưng cất tinh dầu thiên nhiên trước đó

Điều thú vị là vừa được trao giải, nhóm đã có hướng phát triển thành đề tài thiết bị chưng cất tinh dầu thiên nhiên nói chung sang thiết bị mới, chuyên sâu hơn là “Thiết bị chưng cất tinh dầu trầm hương” (gọi tắt là đề tài B). Với đề tài B này, nhóm nghiên cứu chuyên sâu hơn về quy trình chưng cất tinh dầu trầm hương, đang có giá trị thương phẩm rất lớn trên thị trường.

Nguyễn Hữu Ngọc, thành viên của nhóm cho biết, ý tưởng nghiên cứu, thiết kế thiết bị chưng cất tinh dầu trên xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường tinh dầu trong và ngoài nước. Đây là mặt hàng rất giá trị, nhu cầu lớn nhưng thực tế sản xuất trong nước chủ yếu theo phương thức thủ công, hiệu quả thấp.

Vì vậy, dưới sự hướng dẫn của ThS Ngô Phi Mạnh, ThS Mã Phước Hoàng (là những giảng viên của Trường Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng), nhóm bắt tay vào việc nghiên cứu, thiết kế từ đầu năm 2018 nhằm từng bước hoàn thiện công nghệ chưng cất và nâng cao giá trị kinh tế của tinh dầu tại Việt Nam.

Theo Ngọc, cả hai thiết bị của hai đề tài đều hoạt động dựa trên nguyên lý hóa hơi-ngưng tụ, cấu tạo gồm: 1 nồi chưng cất (thể tích 70 lít, tương đương 1 mẻ chưng cất được khoảng 15kg nguyên liệu), 1 bộ đốt (gas), 1 thiết bị ngưng tụ, 1 thiết bị tách dầu và 1 tháp giải nhiệt.

Tuy nhiên, với thiết bị của đề tài B, tinh dầu được chưng cất theo phương pháp Hydro - distillation - nguyên liệu sẽ được bỏ trực tiếp vào nước. Còn với thiết bị của đề tài A, tinh dầu được chưng cất theo phương pháp Steam-distillation, tạm hiểu là phương pháp lôi cuốn hơi nước trực tiếp, nguyên liệu được đặt trong một giỏ chưng cất, không bỏ trực tiếp vào nước như thiết bị ở đề tài B.

Nếu như thiết bị của đề tài A còn mang hơi hướng thủ công, thì thiết bị của đề tài B đã được chuyển sang hướng bán tự động, có những cải tiến nhằm nâng cao hiệu suất về mặt nhiệt lượng, cắt giảm chi phí vận hành cho nhà đầu tư.

Ngọc cho hay, với thiết bị của đề tài A, nhóm đã tiến hành chưng cất với 3 nguyên liệu: sả, quế và khuynh diệp và bước đầu tiến hành nghiên cứu chưng cất trầm hương. Bước đầu nhóm đã thu được những kết quả khá khả quan: sả thu được 25ml tinh dầu/mẻ/120 phút, khuynh diệp thu được 30ml tinh dầu/mẻ/ 130 phút và với quế thì thu được 75ml/mẻ/180 phút. Thời gian chưng cất rút ngắn khoảng 1 đến 1,5 giờ so với phương pháp thủ công và hiệu suất chưng cất đạt đến khoảng 80%.

Với thiết bị của đề tài B, hiện nhóm đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, nhằm nghiên cứu tìm ra phương pháp chưng cất tối ưu nhất cho nguyên liệu là trầm hương dựa trên mô hình mới liên quan đến các thông số ảnh hưởng tới quá trình chưng cất như: chế độ nhiệt, thời gian ngâm nguyên liệu, thời gian nấu, dung môi ngâm, chất lượng nguyên liệu. Báo cáo cụ thể sẽ được nhóm công bố trong thời gian tới.

Nói thêm về nhóm đề tài thú vị này, ThS Mạnh hồ hởi chia sẻ: “Khi thầy trò chúng tôi vừa phát triển đề tài A sang đề tài B - Thiết bị chưng cất tinh dầu trầm hương, có một công ty chuyên sản xuất trầm hương lớn trên địa bàn đã nhận liên kết, tài trợ. Họ cam kết, khi mô hình hoàn thiện, hoạt động tốt, công ty sẽ mua công nghệ để phục vụ việc sản xuất tinh dầu trầm hương. Việc tìm được đầu ra ngay trong quá trình nghiên cứu thiết bị khiến chúng tôi rất vui. Hy vọng rằng, đây chính là một trong những động lực để nhiều đề tài khoa học của người trẻ tiếp tục được nghiên cứu, sáng tạo, đi vào thực tiễn đời sống”.

KHÁNH QUYÊN
https://www.baodanang.vn