DHKT

Kiến trúc thuộc địa Pháp tại Đà Nẵng: Giá trị nghệ thuật và những thách thức với thời gian

26/02/2019 20:54

Sau hơn một nửa thế kỷ thuộc địa, sự hiện diện của một vài công trình cũ còn lại trên mảnh đất Đà Nẵng như muốn nhắc nhở rằng: Kiến trúc địa phương nơi đây đã từng được ghi dấu ấn bởi người Pháp. Những công trình thuộc địa từng được ví như là biểu tượng của một sự thống trị, tuy nhiên ở khía cạnh khác chúng cũng cho thấy thành phố đã trải qua một thời kỳ phát triển hào hùng trong lịch sử. Quá trình tiếp biến của thời gian đã giúp cho Đà Nẵng có được một hình thái đô thị đặc trưng, trong đó kiến trúc thuộc địa Pháp là một bộ phận quan trọng góp phần tạo nên hình ảnh đặc trưng đó.

Bảo tàng Chăm (1915-1919): Số 2 đường 2/9
Phong cách kiến trúc: Tân Cổ Điển và Kiến trúc Chăm

Quá trình đô thị hóa đã khiến Đà Nẵng phải đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là vấn đề đất đai. Ngoài việc mở rộng TP ra những vùng đất mới thì khu trung tâm cũ luôn ở trong tình trạng khan hiếm quỹ đất. Có lẽ mật độ xây dựng được xem như là một phương thuốc hữu hiệu để giải quyết vấn đề này. Việc gia tăng mật độ xây dựng tại khu vực trung tâm cho phép TP đạt được lợi nhuận về kinh tế, giảm khoảng cách vật lý, tăng hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng đồng thời thúc đẩy tiếp cận dịch vụ cho cộng đồng. Lý do này khiến người ta phải cân nhắc đến việc xây dựng TP trên một TP – Chính xác đó là sự khai thác các tiềm năng nội tại của TP, bao gồm cả những sự xây dựng “tiêu cực” và sự xây dựng ở những “không gian trống” thuộc quyền sở hữu công.

Marie-Claude Roche đã nhận định về vấn đề này: “Trong bối cảnh đô thị đương đại, di sản thường được xem như là một trở ngại cho sự phát triển, trách nhiệm thuộc về duy nhất một cộng đồng khá giả, chỉ họ mới đủ khả năng được giữ chúng. Hiện nay, kinh nghiệm cho thấy rằng, trái ngược với những điều mà mọi người hay nghĩ, di sản chính là công cụ cho sự tiến bộ, nó được xem là tác nhân của những tác động tăng trưởng đa dạng. Bởi vì di sản có mặt khắp mọi nơi”.

Để phát triển TP mới trên TP cũ, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và quy mô dân số ngày càng gia tăng, liệu TP Đà Nẵng đã tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để hợp nhất giữa thiết kế đô thị hiện đại và các giải pháp bảo tồn các di sản kiến trúc trong những khu trung tâm cũ?

Những công trình kiến trúc thuộc địa trong lòng khu phố cũ

Có một điểm khá đặc biệt: Nơi đầu tiên đánh dấu quá trình chinh phục Việt Nam của người Pháp chính là Đà Nẵng – Khu nhượng địa đầu tiên với diện tích 10.000 ha nằm ở cửa biển, dọc tả ngạn sông Hàn. Ngày 24/5/1889, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập TP Đà Nẵng. Tuy ra đời muộn hơn các TP ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ nhưng Đà Nẵng là TP hiện đại ra đời sớm nhất ở Trung Kỳ. Đầu thế kỷ 20, khu nhượng địa đã không còn đáp ứng được với sự phát triển nhanh chóng của thành phố, ngày 15/1/1901 vua Thành Thái quyết định mở rộng diện tích khu đất ra gấp 4 lần ban đầu.

Cơ quan đại diện Bộ Thông tin truyền Thông TP Đà Nẵng (1899-1905): Số 42 đường Trần Quốc Toản. Phong cách kiến trúc: Tân Cổ Điển và Kiến trúc Châu Á

Quá trình hình thành cấu trúc đô thị Đà Nẵng dưới thời Pháp thuộc cũng giống như một số TP thuộc địa khác ở Việt Nam: Xây dựng các công trình hành chính để đánh dấu các vị trí quan trọng trong khu nhượng địa, quy hoạch hệ thống giao thông có dự tính cho việc mở rộng khu nhượng địa về sau. Các công trình kiến trúc công cộng, dân dụng, tôn giáo cũng được xây dựng vào khoảng thời gian từ năm 1888 đến 1920 theo các khuôn mẫu kiến trúc Tân cổ điển Pháp và kiểu kiến trúc Chiết trung.

Phần lớn những công trình kiến trúc Pháp tại Đà Nẵng được xây trong khoảng 20 năm, đây là một khoảng thời gian tương đối ngắn so với việc triển khai xây dựng các công trình phục vụ chính quyền thực dân ở các thành phố khác tại Việt Nam. Về giá trị tuổi thọ thì các công trình này đều có giá trị đặc biệt, bởi chúng đã tồn tại hơn 100 năm. Về mặt hình thức kiến trúc, người Pháp đã tạo nên một bức tranh khá đầy đủ về các thể loại phong cách kiến trúc thuộc địa tại Đà Nẵng. Mỗi công trình xây dựng đều mang trên mình một nét đặc sắc riêng về thẩm mỹ và lịch sử.

Những công trình kiến trúc thuộc địa còn lại của TP đang đứng trước nguy cơ dễ bị phá bỏ. Đâu là lý do?

Phân loại và xếp hạng: Luật di sản UNESCO đã có những văn bản quy chuẩn. Khi một công trình hết niên hạn sử dụng cần phải có sự nỗ lực rất lớn từ phía chính quyền TP và những cơ quan liên quan. Đầu tiên, TP phải tiến hành khảo sát hiện trạng của các công trình, sau đó nhờ vào một hội đồng đánh giá độc lập (bao gồm các chuyên gia nước ngoài), đánh giá và xếp hạng. Sau đó bắt đầu đưa ra một kế hoạch quản lý tốt, cụ thể là phải phát huy được các giá trị nghệ thuật đặc sắc và bảo tồn các yếu tố đã được xếp hạng. Thực sự đã đến lúc chính quyền TP Đà Nẵng phải có một kế hoạch cấp bách và cụ thể cho việc xếp loại – bảo tồn và quản lý những công trình này.

Ý thức về tinh thần dân sự: Ở khía cạnh khác, một vài quan điểm cho rằng TP đang phải đối mặt với nhiều dự án cấp bách, cần phải có quỹ đất tại khu trung tâm để tái sử dụng, điều này vô tình đẩy những công trình kiến trúc thuộc địa còn lại luôn nằm trong danh sách bị đe dọa. Để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho TP, các giới chức, các nhà hoạch định chính sách cần ý thức được tầm quan trọng của vấn đề xã hội dân sự. Cho đến thời điểm này, chưa thực sự có một cá nhân hay cơ quan nào trực tiếp đứng ra để góp tiếng nói bảo vệ cho thể loại di sản này.

Công ty Cổ phần Cung ứng tàu biển (1896-1906): Số 34 đường Bạch Đằng Phong cách kiến trúc: Tân Cổ Điển

Các công trình kiến trúc thuộc địa cũ có vai trò như thế nào trong quá trình phát triển bền vững của TP?

Vai trò phục vụ du lịch: Điều gì đã thu hút được các khách du lịch đến với TP Đà Nẵng? Đà Nẵng không chỉ có “pháo hoa – biển và mặt trời”, vùng đất này còn lưu giữ được những dấu vết lịch sử đặc trưng thông qua những tòa nhà thuộc địa cũ. Một khi TP đã nỗ lực để xếp hạng di sản văn hóa cho những công trình này thì đương nhiên lượng khách du lịch sẽ tăng lên. Đà Nẵng cần có một lộ trình phát triển bền vững với nội hàm văn hóa phong phú, cụ thể là TP cần phải có những di tích văn hóa để phục vụ nhu cầu du lịch.

Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng (1915): Số 01 đường Pasteur Phong cách kiến trúc: Art-Déco

Vai trò về giáo dục văn hóa: Phần lớn mọi người đều có chung nhìn nhận là Đà Nẵng đang thay đổi bộ mặt một cách quá nhanh trong quá trình hiện đại hóa. Có phải Đà Nẵng đang muốn phát triển giống như những TP nổi tiếng khác trên thế giới ? Ở các TP đó, họ cần có những trung tâm thương mại bọc kính và bê tông cao chọc trời để phục vụ cho mục đích kinh tế. Đà Nẵng cũng không phải là ngoại lệ, sẽ phải xây dựng những tòa nhà vươn cao vì không còn đủ quỹ đất ở khu vực trung tâm. Tuy nhiên, ở các TP lớn trên thế giới đều dành ra những không gian dành riêng cho việc học tập và tìm hiểu lịch sử đất nước. Với Đà Nẵng, cần một nỗ lực để bảo vệ cho một phần ký ức cũ của TP – Đó là những công trình kiến trúc thuộc địa còn may mắn tồn tại ở những con đường quan trọng trong khu vực trung tâm. Đây chính là những nơi tốt nhất để cho các học sinh, sinh viên đến tham quan và tổ chức các hoạt động sinh hoạt học tập liên quan đến lịch sử.

Hội Nông dân TP Đà Nẵng (1907) Số 01 đường Pasteur Phong cách kiến trúc: Tân Cổ Điển và Châu Á

Nhà hàng Đông Dương (không rõ) Số 18 đường Trần PhúPhong cách kiến trúc: Tân Cổ Điển

Trung tâm văn hóa TP Đà Nẵng (không rõ năm xây dựng) Số 32 đường Bạch ĐằngPhong cách kiến trúc: Tân Cổ Điển & Châu Á

Lời kết

Nếu như những công trình kiến trúc thuộc địa từng được xem là biểu tượng của sự thống trị, thì chúng tôi, những người viết chủ đề này không có ý cổ xúy cho Chủ nghĩa thực dân, chúng tôi cảm nhận rằng đó là một phần trong tiến trình lịch sử phát triển của TP Đà Nẵng. Ở khía cạnh khác, nó cũng là biểu tượng của một sự độc lập, ví dụ như Tòa Nhà Đốc Lý (Tòa thị chính) trước đây là cơ quan cao nhất của chế độ thực dân tại Đà Nẵng, và bây giờ nó là nơi làm việc chính thức của UBND TP.

Ủy ban mặt trận tổ quốc Thành phố Đà Nẵng (1891) Số 70 đường Bạch ĐằngPhong cách kiến trúc: Tân Cổ Điển

Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng (khu nhà C) (1900) Số 42 đường Bạch Đằng Phong cách kiến trúc: Tân Cổ Điển

Người Pháp đã đem đến cho đất nước chúng ta những thể loại công trình mới, phong cách kiến trúc mới và điều này góp phần làm giàu lượng quỹ kiến trúc đặc sắc cho dân tộc Việt Nam. Nếu vì lợi ích trước mắt mà phá bỏ thì một điều chắc chắn rằng, Đà Nẵng sẽ không bao giờ có lại được chúng – Nếu có chăng nữa thì theo chúng tôi đó cũng chỉ là những bản sao mang trên mình một tinh thần hoài cổ.

Ngoài hai vấn đề lớn là phân loại xếp hạng các công trình kiến trúc và nâng cao ý thức về tinh thần dân sự, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng: Đà Nẵng không cần phải là bất cứ một TP nào khác, Đà Nẵng phải là một TP chứa đựng trong nó một bề dày lịch sử đặc sắc và có được một linh hồn nhân danh của tính hiện đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Marie-Claude Roche, “ Le patrimoine religieux du Québec: entre le cultuel et le culturel”, Les presses de l’Universite LAVAL, 2005.
[2]. Philippe Papin, “lịch sử Hà Nội”, NXB Mỹ Thuật, 2010, tr.196
[3]. Ngô Văn Minh (chủ biên), “Lịch sử Đà Nẵng”, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2007, tr.104 .
[4]. Lê Minh Sơn, “Kiến trúc Đông Dương”, NXB Xây Dựng, 2012.
[5]. Lê Minh Sơn, “Kiến trúc thuộc địa Pháp tại Đà Nẵng “, bài tham luận, Đà Nẵng, 3/2017.

TS. LÊ MINH SƠN
Khoa Kiến trúc, Trường ĐHBK Đà Nẵng

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 02-2018)