DHKT

100 năm Kiến trúc hiện đại và những dấu ấn không thể phai mờ

23/02/2019 10:23

Không mấy ai để ý rằng: Trào lưu Kiến trúc hiện đại vừa tròn 100 tuổi vào năm 2018 này. Để cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về 100 năm qua, tác giả thực hiện một bài tổng hợp để đánh dấu cột mốc đặc biệt này của giới kiến trúc.

100 năm nhìn lại

Tại sao mốc năm 1918 được coi là điểm khởi phát của Kiến trúc hiện đại? Nếu truy cập trang wikipedia về Kiến trúc hiện đại (tiếng Anh), ta sẽ thấy các học giả quốc tế đều chọn mốc 1918 là điểm bùng phát chính thức và mạnh mẽ của Kiến trúc – Khởi nguyên từ những chuyển mình của kiến trúc theo hướng công nghiệp xuất hiện cuối thế kỷ 19 với sự ra đời của thép, kính và bê tông, tiêu biểu là công trình Cung thủy tinh (Cristal Palace) ở Luân Đôn năm 1851. Những mầm mống đầu tiên của Kiến trúc hiện đại xuất hiện ở cả Châu Âu và Mỹ giai đoạn 1900-1914 (sau đó là 4 năm gián đoạn do chiến tranh). Trong giai đoạn này, các KTS đã thể nghiệm các loại vật liệu mới (kính, bê tông, thép…) và các kỹ thuật xây dựng mới. Năm 1910, Adolf Loos, một KTS người Áo và Séc – nhà lý thuyết có ảnh hưởng lớn ở châu Âu, đã thiết kế xây dựng nhà Steiner theo đúng triết lý công năng. Ông công bố tác phẩm “Ornament and Crime” (trang trí và tội ác), xuất bản lần đầu tiên vào năm 1913, cổ súy các bề mặt trần trụi và rõ ràng, trái ngược với các trang trí xa hoa và cầu kỳ của kiến trúc thời kỳ trước đó. Loos đã trở thành người tiên phong trong Kiến trúc hiện đại, ông đóng góp một phần lý thuyết và phê bình quan trọng cho Chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc.

Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc vào cuối năm 1918, các KTS theo phong cách hiện đại gồm Le Corbusier và Robert Mallet-Stevens ở Pháp, Walter Gropius và Ludwig Mies van der Rohe ở Đức, và Konstantin Melnikov ở Liên Xô, chính thức “tuyên chiến” với những phong cách truyền thống như tân cổ điển (neo-classicism) hay trường phái kiến trúc Beaux-Arts. Họ chủ trương những hình khối cơ bản và loại trừ tất cả chi tiết trang trí. Năm 1918 là cột mốc đánh dấu sự bùng nổ mạnh mẽ không chỉ của trào lưu Kiến trúc hiện đại ở Châu Âu và Liên Xô (sau cách mạng tháng 10 Nga) mà cũng là thời điểm những trào lưu, quan niệm mới gần gũi với Chủ nghĩa hiện đại khởi sinh: Phong cách quốc tế (International Style), trường phái Bauhaus và hiệp hội Deutcher Werkbund, Chủ nghĩa biểu hiện (expressionism), Kết cấu Nga (constructivism), Phong cách Art deco… Năm 1919, Walter Gropius thành lập trường Bauhaus theo định hướng hiện đại và liên hệ chặt chẽ với công nghiệp với những ảnh hưởng vẫn còn đến ngày nay.Năm 1920, Le Corbusier đồng sáng lập Tạp chí “Tư tưởng mới” (L’Espirit Nouveau) và cổ súy mạnh mẽ kiến trúc theo hướng công năng, thuần khiết, từ giã quá khứ và các chi tiết trang trí. Ở Bắc Mỹ, những thể nghiệm đầu tiên về kiến trúc mới, không theo đuổi những phong cách đã có được F. L. Wright bắt đầu diễn ra trong giai đoạn 1916-1922.

H1: Biệt thự của Paul Poiret – KTS Robert Mallet-Stevens 1921-1925
(nguồn: https://www.themodernhouse.com) – một vài chi tiết (cửa sổ tròn…) có thể không giống như bản thiết kế ban đầu.

Trước khi Le Corbusier bắt tay thiết kế các công trình Kiến trúc hiện đại kinh điển đầu tiên thì Robert Mallet-Stevens đã có những công trình mang đậm triết lý kiến trúc hiện đại. Robert chịu ảnh hưởng của phong trào ly khai Vienna (Vienna Secession), nhanh chóng định hình và bảo vệ phong cách hiện đại khi còn học trong trường Đại học Kiến trúc chuyên biệt. Năm 1921, Robert hoàn tất bản thiết kế biệt thự của Paul Poiret (hình 1) – Một trong những công trình kiến trúc hiện đại hoàn chỉnh đầu tiên. Nhưng trào lưu hiện đại trong kiến trúc chỉ thực sự bùng nổ với các tác phẩm của Le Corbusier, Gropius, trường Bauhaus, Rietveld và Aalto sau đó.

Các tên tuổi lớn của nền kiến trúc hiện đại

Cách đây gần 20 năm, nhà phê bình kiến trúc Charles Alexander Jencks đã có một nghiên cứu rất thú vị công bố trên Tạp chí Architectural về kiến trúc thế kỷ 20 dưới góc nhìn tiến hóa [1]. Ông cho rằng có 4 cây đại thụ (the big four) của kiến trúc thế kỷ 20 gồm: Le Corbusier, Alvar Aalto, Ludwig Mies van der Rohe, và Frank Lloyd Wright. Hai trong số đó (Le Corbusier, Mies) là những nhà tư tưởng và thực hành lỗi lạc của kiến trúc hiện đại. Ngoài ra, Jencks còn đề xuất 4 KTS “nhỏ hơn” (the little four) là: James Sterling, Peter Eisenman, Frank O. Gehry, và Louis Kahn, vốn là những người khởi xướng đổi mới kiến trúc hiện đại, hình thành trào lưu kiến trúc hậu hiện đại.

Nếu nói về người gây ấn tượng mạnh nhất đối với kiến trúc trong thời gian 100 năm qua, chắc chắn mỗi cá nhân sẽ có một lựa chọn cho riêng mình, từ KTS Gaudi ở những năm đầu thế kỷ 20 hay muộn hơn một chút là Wright hay Aalto những năm giữa thế kỷ 20. Cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, chúng ta chứng kiến sự nở rộ của nhiều tài năng đặc biệt như Gehry, Foster, Koolhaas hay Zaha Hadid… và nhiều tên tuổi khác. Thật khó để chọn ra một ai trong số họ làm người nổi bật nhất. Nhưng có lẽ, phần đông trong chúng ta đồng ý rằng cái tên có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với kiến trúc trong 100 năm qua chính là Le Corbusier, người khởi xướng chủ nghĩa công năng, đưa ra triết lý “ngôi nhà là cái máy để ở”, hay 5 quan điểm về kiến trúc hiện đại, các nghiên cứu và thực hành về đô thị học hay kiến trúc, sáng lập viên nhóm CIAM…Ông là nhà lý thuyết và là người thực hành triệt để nhất các tư tưởng của Chủ nghĩa hiện đại. Năm 2016, UNESCO đã công nhận 17 công trình di sản của ông là những đóng góp xuất sắc cho trào lưu hiện đại [2].

Các trào lưu lớn

Trong suốt quá trình ảnh hưởng và phát triển, Chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc đã để lại những dấu ấn sâu sắc qua các trào lưu lớn: Chủ nghĩa công năng (với Loos, Le Corbusier…), phong cách quốc tế 1950 (với Mies, Philip Johnson, Tange, Niemeyer, nhóm CIAM…) , chủ nghĩa thô mộc 1945 (với Le Corbusier, Kahn…), chủ nghĩa tối giản 1990 (với Zumthor, Siza, Herzog & de Meuron, Perrault, Pei…), hiện đại muộn 1960 (với Ando, Grimshaw, Piano…). Vào đầu những năm 1980, trào lưu hậu hiện đại đã dần dần chi phối đời sống tư tưởng trong kiến trúc với những trường phái mới, phù hợp với điều kiện vật liệu và công nghệ của thế kỷ mới. Các tên tuổi lớn thành danh có thể kể đến là Sterling, Rossi, Bofill, Botta, nhóm SITE, Hopkins, Pelli, SOM, Gehry… Ngoài ra, thế giới đã chứng kiến thêm các trào lưu high-tech (1970 về sau) của Piano, Foster, Calatrava; sinh thái của Yeang (1995); chủ nghĩa hoài cổ – hay Tân cổ điển với Venturi và Graves (1980); siêu hiện đại với Foster, Yeang; chuyển hóa luận (1960) với Kurokawa; hiện đại mới với Hopkins, Nouvel, Maki, Hasegawa, Kurokawa, Tange, Ito, Meier, Andreu, Viñoly; chủ nghĩa đô thị mới với Alexander, Duany… Có thể nói tất cả những tên tuổi nói trên đã hòa vào dòng chảy (mainstream) của Kiến trúc hiện đại, cho đến nay nó vẫn đang tiếp diễn.

H2: Các trào lưu kiến trúc nổi bật trong 100 năm qua

Sẽ thật sự là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc nhiều đến những người như Gaudi, Saarinen, Wright, Aalto, Niemeyer, Eisenman, Gehry, Koolhaas, Hadid, Moss, Tchumi hay Libeskind. Họ đã làm cho bức tranh kiến trúc thế giới 100 năm qua trở nên đầy màu sắc, quyến rũ và đầy tính nghệ thuật. Họ song hành với trào lưu kiến trúc hiện đại, nhưng kiên trì con đường riêng của mình dưới những tên gọi như Trường phái biểu hiện những năm 1920 – 1930 (Expressionism – với Mendelsohn, Aalto,…), kết cấu Nga 1920 – 1930 (với Leonidov, Melnikov…), kiến trúc hữu cơ 1920-1950 (với Häring, Wright), tân biểu hiện ở giai đoạn 1960 (Le Corbusier – Nhà thờ Ronchamp, Niemeyer, nhóm Archigram), giải tỏa kết cấu từ 1980 (với Koolhaas, Hadid), phỏng tự nhiên – sinh học từ 1985 (Eisenman, Gehry, Tchumi, Libeskind, Yeang) và còn nữa. Tất cả đã làm cho thế giới kiến trúc 100 năm qua sôi động không ngừng, tương phản, đối lập, đa dạng và đầy màu sắc.

Trong những thập niên đầu của thế kỷ 21, những tên tuổi và trào lưu lớn tiếp tục phát triển, với đặc trưng nổi bật là các công ty thiết kế đa quốc gia khổng lồ như SOM, với 30 KTS gạo cội và đội ngũ kỹ sư và nhà thiết kế lớn, hay Gensler với 5.000 nhân viên tại 16 quốc gia. Thêm vào đó là công nghệ thiết kế với máy tính cho ra nhiều siêu cấu trúc với quy mô lớn. Kiến trúc nhìn chung hướng đến chủ đề bền vững và môi trường với các phong trào công trình xanh ở khắp các quốc gia.(Hình 2)

Các tác phẩm lớn

Để phù hợp với khuôn khổ một bài báo, tác giả muốn nhắc đến chỉ 3 tác phẩm mang tính đại diện của Kiến trúc hiện đại. Đầu tiên là Biệt thự Savoye của Le Corbusier, công trình gần như là định nghĩa của kiến trúc hiện đại thời kỳ đầu. Thứ hai là Biệt thự Farnsworth của Mies, tiêu biểu cho phong cách quốc tế với thép và kính, đại diện cho thời kỳ nở rộ của kiến trúc hiện đại. Công trình thứ ba là nhà quốc hội Bangladesh của Kahn đặc trưng cho phong cách thô mộc và hiện đại muộn, báo hiệu cho sự chuyển tiếp và ra đời của các trào lưu hậu hiện đại. Có thể khẳng định rằng thời gian 100 năm chưa đủ để chúng trở nên “già nua” và lỗi mốt. (Hình 3a, 3b, 3c)

H3a: Biệt thự Savoye, KTS Le Corbusier, 1928-1931 (Ảnh: 1928 Paul Kozlowski)

H3b: Biệt thự Farnsworth, KTS Mies van der Rohe, 1945 – 1951, (nguồn: https://en.wikipedia.org)

H3c: Nhà quốc hội Bangladesh, KTS Louis Kahn và Muzharul Islam, 1961-1982 (nguồn: https://en.wikipedia.org)

 Kiến trúc hiện đại đã chết?

Trong phần đầu của cuốn “Ngôn ngữ của kiến trúc Hậu hiện đại” xuất bản năm 1977 [3], nhà lý luận phê bình kiến trúc Charles Jencks đã viết rằng: “Kiến trúc hiện đại đã chết ở Saint Louis, Missouri ngày 15 tháng 7 năm 1972 vào hồi 15h32” (nguyên văn: Modern architecture died in St Louis, Missouri on July 15, 1972, at 3.32pm). Bên cạnh là bức ảnh chụp 1 ngôi nhà chung cư nhiều tầng trong quần thể lớn nhà ở Pruitt-Igoe do KTS Minoru Yamasaki thiết kế đang bị phá sập bởi thuốc nổ. Jencks và nhiều người khác coi đó như dấu chấm hết cho kiến trúc hiện đại (Hình 4).

H4: “Cái chết” của Kiến trúc hiện đại – theo Charles Jencks (nguồn: U.S. Department of Housing and Urban Development)

Pruitt-Igoe đã từng được Tạp chí Architectural Forum vinh danh thiết kế chung cư tốt nhất của năm 1951. Các cư dân ở đây lúc ban đầu thậm chí còn gọi những căn hộ này là “ốc đảo trong sa mạc”, hay “căn hộ penthouses của người nghèo”. Vậy điều gì khiến nó xuống cấp trầm trọng, bị bỏ rơi và rồi người ta phải phá hủy nó chỉ sau 18 năm sử dụng. Có một thực tế mà Jencks, vào thời điểm đó, không biết là khu nhà Pruitt-Igoe đã bị quân đội Mỹ sử dụng để thử nghiệm vũ khí hóa học và phóng xạ vào đầu những năm 1950 (Pruitt-Igoe được khai thác để ở từ năm 1954). KTS Robin Monotti Graziadei đã viết “Pruitt-Igoe: Kiến trúc hiện đại bị đầu độc từ khi mới chào đời” và tiết lộ những bí mật động trời nói trên vào năm 2016 [4]. Ngày nay, 46 năm sau khi bị phá hủy, Prutt-Igoe vẫn là một khu rừng cây bỏ hoang và được quây kín bởi hàng rào B40.

Có thể thấy sự kiện này của Jencks mang tính cường ngôn hơn là sự thật về kiến trúc hiện đại. Thực tế, kiến trúc hiện đại vẫn tồn tại, không phải thoái trào mà chỉ là một sự co hẹp phạm vi ảnh hưởng, nhường chỗ cho sự nở rộ các trào lưu kiến trúc mới. Tại sao sau “cái chết” của kiến trúc hiện đại vào năm 1972 (Jencks, 1977), chúng ta vẫn dễ dàng tìm thấy các công trình kiến trúc mới mang đậm phong cách hiện đại tiếp tục được kiến tạo? Có thể kể ra đây là Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia (1978) và Le Grande Louvre (1989) của I.M. Pei, tòa nhà OUB Singapore của Tange (1988), hay mới hơn là nhà thờ của thánh Nicholas ở Springdale của Marlon Blackwell năm 2010, trung tâm công nghệ nano Krishna P. Singh của Weiss/Manfredi năm 2013… (Hình 5a, 5b, 5c, 5d, 5e)

H5a: Bảo tàng nghệ thuật quốc gia / KTS I.M. Pei, Washington D.C., hoàn thành: 1978 (nguồn: Archdaily)

H5b: Le Grande Louvre / KTS I.M. Pei,hoàn thành: 1989, ảnh: Greg Kristo,

H5c: Tòa nhà OUB, Singapore, hoàn thành: 1988, KTS: Tange Associates – Kenzo Tange (nguồn: http://www.meinhardt.com.sg)

H5d: Nhà thờ của thánh Nicholas ở Springdale, Arkansas. Hoàn thành:
2010, KTS Marlon Blackwell, ảnh: Timothy Hursley

Nhà báo David Hay của trang Curbed thậm chí còn quả quyết rằng Kiến trúc hiện đại đã quay trở lại [5]. Ông viết: “Không phải tất cả các triết lý ban đầu của Chủ nghĩa hiện đại đều bị bác bỏ, Chủ nghĩa hiện đại vẫn giữ được một “thị phần” lớn trong thế giới thiết kế. Đối với câu chuyện này tôi đã hỏi 10 KTS trên cả nước (Mỹ) việc cân nhắc về di sản của nó. Một số người cảm thấy bị đe dọa khi thấy Kiến trúc hiện đại tiếp tục có những ảnh hưởng dù triết lý đã lỗi thời. Một số người khác chỉ đơn giản từ chối nó. Vẫn còn những người khác quyết định rằng bằng cách nắm lấy nó (kiến trúc hiện đại), công việc của họ có tính kỷ luật và suy nghĩ tiến bộ hơn”.
Ở San Diego, KTS Lloyd Russell đã dành được rất nhiều giải thưởng danh giá của AIA cho khu căn hộ ở Centre street trong khu dân cư Hillcrest hay nhà của Austin ở Rimrock Ranch. Đó là một công trình với những khối hộp đơn đúng theo kiểu hiện đại và mái rộng để che nắng vùng sa mạc nóng bỏng ở Nam Cali. Russell tin rằng do những thay đổi trong thị trường vật liệu và công nghệ, hầu như không thể thiết kế một cách chính xác theo triết lý của Chủ nghĩa hiện đại. Thay vào đó, ông chọn những loại vật liệu công nghiệp rẻ tiền hơn. Ngày nay, các KTS đang thiết kế trong một thời đại của công nghệ xây dựng quy mô lớn. Vật liệu như khung thép, cũng như các kỹ thuật xây dựng được ưa chuộng bởi KTS theo Chủ nghĩa hiện đại đã lỗi thời, và để lặp lại cách làm đó rất tốn kém. Do đó, để đạt được sự thanh lịch của Chủ nghĩa hiện đại thuần túy luôn đi kèm một cái giá đắt đỏ. (Hình 6)

H6: Khu căn hộ Centre Street ở San Diego, hoàn thành: 2010, KTS Lloyd Russell, ảnh: David Hay

Kiến trúc hiện đại không chết, bởi đơn giản nó là một triết lý, một tư tưởng hướng tới sự đơn giản, hợp lý và dễ dàng nhân rộng. Nó phủ bóng qua nhiều thế hệ KTS, như một chặng đường mà kiến trúc phải đi qua, giúp tỉnh ngộ những con người lạc lối, đưa kiến trúc từ sự rối rắm và thừa mứa trở về với nguyên bản. Và nếu ngần ngại khi cho là kiến trúc hiện đại đơn điệu, hãy ngẫm nghĩ phát biểu của Russell: “Kiểu cách theo lối hiện đại hiện nay tự thân nó đã là trang trí” (modernist styling itself is now the ornament).

Tài liệu tham khảo

[1] Charles Jencks, Jencks’ Theory of Evolution, an Overview of 20th Century Architecture, Architectural review, tháng 7 – 2000, 76-79.
[2] UNESCO, The Architectural Work of Le Corbusier, an Outstanding Contribution to the Modern Movement, 21 September 2016, online at: http://whc.unesco.org/en/list/1321
[3] Charles Jencks, The language of post-modern architecture, Rizzoli, New York, 1977
[4] Robin Monotti Graziadei, Pruitt-Igoe: modernist architecture poisoned at birth, April 25, 2016, online at: https://nulluslocussinegenio.com/2016/04/25/pruitt-igoe-modernist-architecture-poisoned-at-birth/
[5] David Hay, Why Modern Architecture Came Back, and What It Looks Like Now, Dec 16, 2015, online at: https://www.curbed.com/2015/12/16/10620698/modern-architecture-legacy-today-architects-contemporary-resurgence

TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn
Khoa Kiến trúc – trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2018)