DHKT

Từ giảng đường ra thị trường

10/01/2019 05:39

Trong một hội nghị về khởi nghiệp, lãnh đạo một doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố nhận xét: “Khó khăn chung của khởi nghiệp trong giảng đường (trường học) hiện nay là có năng lực ý tưởng, nhưng yếu năng lực thực thi”. 

Điều dễ nhận thấy, đa phần các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên bắt nguồn từ chính công trình nghiên cứu khoa học trên giảng đường, đặc biệt là đối với các sinh viên khối ngành kỹ thuật. Các ý tưởng thường xoay quanh  việc phát triển một sản phẩm công nghệ - vốn nằm trong nội dung học và nghiên cứu của sinh viên các trường Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng)...

Năm học 2017-2018, các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường và cấp thành phố bắt đầu chú ý đến tiêu chí: sản phẩm nghiên cứu phải có tính khả thi, tính ứng dụng hoặc thậm chí có thể thương mại hóa. Từ đó, nhiều công trình nghiên cứu của sinh viên đã được định hướng để có thể trở thành một dự án khởi nghiệp trong tương lai.

Tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học 2018 do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức, nhiều sản phẩm công nghệ mang đậm dấu ấn sinh viên đã được “trình làng”, với mức độ ứng dụng cao.

Điển hình như hệ thống cảnh báo ô nhiễm không khí chạy bằng năng lượng mặt trời của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã được lắp đặt thử nghiệm trên nóc xe buýt tuyến Đà Nẵng - Phú Đa (Duy Xuyên, Quảng Nam) và cho kết quả kiểm định nồng độ bụi và các chất khí ô nhiễm trong bầu không khí trên toàn thành phố.

Ngoài ra, còn có thiết bị kiểm soát và chủ động ngắt điện ở hộ gia đình do nhóm sinh viên điện, điện tử (Trường Đại học Bách khoa) sáng chế. Thiết bị này có giá sản xuất chỉ 500.000 đồng, nhỏ gọn bằng một bàn tay người lớn nhưng có thể đo các thông số dòng điện, điện áp, công suất năng lượng tiêu thụ. Khi sử dụng sản phẩm, người dùng được cung cấp một tài khoản để truy cập vào trang web và giám sát các thông số này, đồng thời có thể đóng cắt thiết bị điện ngay trên trang web.

Có được một sản phẩm có tính ứng dụng cao, nhưng thương mại hóa sản phẩm đó không hề đơn giản. Không chỉ sinh viên kỹ thuật, mà ngay cả sinh viên kinh tế hay thậm chí là những người đã đi làm vẫn sẽ gặp nhiều thách thức khi bắt đầu khởi nghiệp. Song, chính quá trình nghiên cứu khoa học lại là nền tảng trui rèn nhiều kiến thức, kỹ năng, hiểu biết để sinh viên thuận lợi hơn khi khởi nghiệp sau này.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Vũ Thị Bích Hậu nhận định, khi nghiêm túc nghiên cứu khoa học, sinh viên đã học được tác phong nhanh nhẹn, cẩn thận, tỉ mỉ. Sinh viên cũng có thêm được tính nhạy trong tiếp cận vấn đề, nắm chắc trình tự giải quyết vấn đề và xây dựng lòng kiên trì trong quá trình nghiên cứu.

Không chỉ vậy, sinh viên cũng làm quen với những thất bại nhỏ vốn thường xuyên gặp phải khi nghiên cứu, hiểu rằng thất bại là không tránh khỏi, và cần thất bại như thế nào để ít tốn kém nhất nhưng lại học được nhiều nhất. “Việc tiếp cận và vận dụng phương pháp nghiên cứu khoa học chính là khung tư duy cần thiết cho sinh viên khi ra trường và bắt đầu hành trình khởi nghiệp,” bà Hậu nói.

Hiện nay, nhiều trường đại học đang tìm cách đẩy mạnh khởi nghiệp từ những công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên. Trong các cuộc thi nghiên cứu, ý tưởng khởi nghiệp, trong ban giám khảo hoặc ban cố vấn đã có sự xuất hiện của đại diện các doanh nghiệp. Họ vừa là người hướng dẫn, vừa là nhà tài trợ, và có thể là nhà đầu tư cho các dự án tiềm năng.

PGS.TS Phan Quý Trà, Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Đại học Sư phạm kỹ thuật cho biết, từ năm 2019, hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của trường sẽ dần phát triển theo hướng chọn lọc, có hỗ trợ kinh phí cho quá trình nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện những sản phẩm có tính ứng dụng cao.

Trong khi đó, Trường Đại học Bách khoa sẽ tiếp tục chú trọng nghiên cứu khoa học và đặc biệt là chuyển giao công nghệ, xem đây là nội dung quan trọng hàng đầu trong xếp loại học hiệu và năng lực của nhà trường; đồng thời mở rộng và khai thác hiệu quả mạng lưới kết nối doanh nghiệp để thúc đẩy các ý tưởng, sản phẩm nghiên cứu của sinh viên được đưa từ giảng đường ra thị trường.

Bài và ảnh: PHONG LAN
https://baodanang.vn