DHKT

"Chương trình giao lưu Khoa học trẻ Sakura – Nhật Bản 2018”, hội nhập và cảm nhận

06/11/2018 13:54

Sakura Exchange Program in Science là chương trình giao lưu khoa học và văn hóa thuộc dự án Japan-Asia Youth Exchange Program in Science của Quỹ Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (Japan Science and Technology Agency-JST). Chương trình nhằm thúc đẩy hoạt động trao đổi cán bộ, sinh viên giữa các cơ quan giáo dục, các công ty Nhật bản và các trường THCS, Cao đẳng, Đại học tại Việt Nam.

Sakura Exchange Program in Science 2018 diễn ra trong 10 ngày từ ngày 18/10 đến ngày 28/10 tại Trường Cao đẳng Công nghệ quốc gia Kagoshima, Nhật Bản. Đoàn sinh viên của Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng đã có cơ hội được tìm hiểu về những tiến bộ khoa học kỹ thuật của một trong những cường quốc về khoa học công nghệ của Thế giới cũng như trải nghiệm văn hóa đặc trưng của “Đất nước mặt trời mọc”. Trong đoàn sinh viên giao lưu lần này, khoa Điện vinh dự được cử 2 thành viên tham gia (Ngô Thị Thanh Xuân lớp 15TĐHCLC và Phan Thị Tuyết lớp 15TĐH1). Qua chuyến đi này, chúng em không những được mở rộng hiểu biết về sự phát triển của đất nước Nhật Bản mà còn tăng thêm hiểu biết về lĩnh vực Điện, Điều khiển và Tự động hóa, chuyên ngành mà chúng em đang theo học.


Đoàn sinh viên Sakura 2018 chụp ảnh lưu niệm cùng Thầy hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Quốc gia Kagoshima.

Được tham quan Kitakyushu Smart Community là một trong những trải nghiệm đáng nhớ như thế. Tại đây chúng em được tham quan Kitakyushu Innovation Gallery & Studio để tìm hiểu về lịch sử phát triển cũng như tầm nhìn của thành phố trong tương lai. Dự án cộng đồng thông minh Kitakyushu được phát triển ở quận Higashida từ năm 2010 đến năm 2014 (5 năm), bao gồm 26 dự án và ngân sách 12 tỷ yên, với mục tiêu phát triển một xã hội bền vững và ít carbon hơn. Những tiến bộ về khoa học và công nghệ mới ở đây đã được ứng dụng để đạt được những mục tiêu như: tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng sạch như năng lượng gió, mặt trời, đặc biệt là fuel cells hay còn gọi là năng lượng hydrogen; thành phố thông minh; thay đổi hệ thống quản lý năng lượng và hành vi tiêu dùng năng lượng của cư dân để tăng hiệu suất và tiết kiệm năng lượng. Tuy đây mới chỉ là mô hình được thử nghiệm trong một khu vực nhỏ nhưng đã cho chúng tôi thấy được tầm nhìn và sự quan tâm của người Nhật đối với phát triển bền vững và môi trường. Chỉ trong vòng 2 tiếng rưỡi tham quan mà các thành viên trong đoàn đã được chứng kiến sự thay đổi to lớn như thế nào đối với đời sống người dân khi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đây thật sự là động lực để chúng em học tập và nghiên cứu thêm những kiến thức mới để có thể thay đổi những vẫn đề nhức nhối của xã hội trong tình hình hiện tại.


Đoàn sinh viên Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng tham quan Kitakyushu Innovation Gallery & Studio và Kitakyushu Smart Community cùng với đại diện của trường NIT

Qua các buổi tham quan các bảo tàng ở vùng Kyushu: Kytakyushu Museum of Natural History and Human History và Fukuoka City Science Museum, các thành viên đoàn Sakura 2018 đã có những ấn tượng thú vị không kém về lịch sử phát triển của tự nhiên, văn hóa con người và nền tảng khoa học hiện đại của Kyushu.

Đặc biệt hơn, chúng em có cơ hội tham gia theo dõi cuộc thi Robocon lớn nhất vùng Kyushu. Cuộc thi đã mang lại cho các thành viên nhiều sự bất ngờ và thú vị không chỉ từ những con robot với chiến thuật sáng tạo và độ chính xác cao mà còn từ bầu không khí cổ vũ sôi nổi từ khán giả. Có thể thấy sự quan tâm của người dân đối với cuộc thi và sinh viên từ các trường đại học khi ta có thể bắt gặp mọi độ tuổi từ trẻ em đến những người già đang chăm chú theo dõi từng diễn biến và cổ vũ rất nhiệt tình cho những cuộc thi đấu dưới sân.


Robot của các đội thi trong cuộc thi ROBOCON – Bottle Café Flip của vùng Kyushu


Đoàn sinh viên chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo vùng Kyushu tại cuộc thi ROBOCON

Tại trường Cao đẳng Công nghệ quốc gia Kagoshima, các thành viên trong đoàn được tham dự các lớp học thú vị theo phương pháp Học theo dự án PBL (Project based learning). Với phương pháp này, sinh viên trực tiếp nghiên cứu, trao đổi, thảo luận với nhau tìm cách giải quyết bài toán và làm ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu đề bài bằng các cách khác nhau. Qua những tiết học bổ ích này, sinh viên càng hiểu sâu hơn vấn đề, tăng cường kỹ năng làm việc nhóm cũng như áp dụng tối ưu kiến thức khoa học vào thực tế. Đây cũng là một phương pháp giảng dạy mới đang được trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng triển khai áp dụng cho chương trình đào tạo Chất lượng cao từ khóa tuyển sinh năm học 2018-2019. Bên cạnh đó, đoàn còn được tham quan các phòng thí nghiệm của trường. Các đề tài nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của sinh viên trường Cao đẳng Công nghệ quốc gia Kagoshima thật sự thú vị và mang tính ứng dụng thực tế rất cao. Ngoài những tiết học chuyên ngành trên lớp, đoàn còn được tham gia vào câu lạc bộ tiếng Anh của trường. Với các hoạt động và các trò chơi thú vị, sinh viên 2 nước đã có cơ hội trao đổi, giao lưu với nhau nhiều hơn, tăng cường tình cảm gắn bó giữa sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc gia Kagoshima.


Tham gia lớp học PBL tại trường Cao đẳng Công nghệ Quốc gia Kagoshima.


Sinh viên Khoa Điện giao lưu với các sinh viên Nhật Bản trong Câu lạc bộ Tiếng Anh

Trong chương trình trao đổi SAKURA 2018, đoàn sinh viên Trường Đại học Bách khoa có cơ hội được tham quan công ty, xưởng sản xuất, tập đoàn lớn trong vùng như: Sony Semiconductor Manufacturing Corporation, Sumitomo Rubber Industries, TOYOTA Auto Body R&D. Tại đây, các thành viên trong đoàn không những được giới thiệu về sự hình thành và phát triển của các tập đoàn công nghiệp lớn, mà còn được tận mắt chứng kiến các dây chuyền vận hành của nhà máy, quan sát cấu tạo của sản phẩm và được lắng nghe nguyện vọng, nhu cầu của các nhà tuyển dụng đối với các sinh viên sắp ra trường. Những câu hỏi thắc mắc của sinh viên đã nhận được sự giải đáp tận tình từ lãnh đạo công ty.


Chuyến tham quan tại công ty Sumitomo Rubber Industries – Tập đoàn lốp xe cao su đứng hàng đầu Nhật Bản.


Một bức ảnh kỉ niệm từ SONY Semiconductor Manufacturing Corporation.

Đặc biệt, các thành viên trong đoàn được tham quan một trong những trung tâm vũ trụ thuộc Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) – Trung tâm Không gian Uchinoura. Được thành lập vào tháng 2 năm 1962, Trung tâm được xây dựng trên bờ biển Thái Bình Dương của tỉnh Kagoshima tại Uchinoura với mục đích phóng thử nghiệm các tên lửa vừa và lớn và là một trong hai bãi phóng tên lửa chính của Nhật Bản. Kể từ khi thành lập, hơn 300 tên lửa (bao gồm cả phương tiện giao hàng cho vệ tinh) đã được phóng ra từ nơi đây. Trung tâm Không gian Uchinoura đóng vai trò không thể thiếu được trong công tác thử nghiệm và phóng tên lửa và đưa vệ tinh vào quỹ đạo của Nhật Bản. Đây cũng là một dấu mốc lớn đối với con đường chinh phục khoảng không vũ trụ, trở thành một cường quốc công nghệ vũ trụ của Nhật Bản.


Đoàn sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng chụp ảnh kỷ niệm tại Trung tâm Không gian Uchinoura

Ngoài các buổi học trên lớp, các buổi tham quan tại các công ty và tập đoàn lớn trong vùng, hoạt động giao lưu văn hóa cũng để lại nhiều kỉ niệm đáng nhớ cho các thành viên trong đoàn. Xứ sở hoa anh đào luôn nổi tiếng với nền văn hoá lâu đời, độc đáo và vô cùng tinh tế và nghệ thuật thưởng thức trà là một trong những nét văn hóa đặc sắc như thế. Trà đạo đối với người Nhật không chỉ là cách uống trà đơn thuần mà qua đó người thưởng trà còn mong muốn được hòa mình vào thiên nhiên, làm sạch tâm hồn, tu tâm dưỡng tính theo đúng tinh thần Phật Giáo. Được tham gia vào Câu lạc bộ Trà đạo tại trường Miyakonojo, các thành viên vô cùng thích thú với nét văn hóa này. Được các bạn sinh viên trường Miyakonojo hướng dẫn tận tình về cách pha trà, cách thưởng trà và những nghi thức uống trà cơ bản, các sinh viên thực sự đã có một kỉ niệm vô cùng đáng nhớ đối với nét văn hóa đẹp này của Nhật Bản.


Buổi lễ Trà đạo được tổ chức bởi Câu lạc bộ Trà đạo của các bạn sinh viên trường Miyakonojo

Điểm đến tiếp theo trong hành trình trải nghiệm văn hóa đó là ngôi đền Kagoshima Jingu cổ kính được cho thành lập vào thời Thiên hoàng Jimmu – Hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản cách đây hơn 2500 năm, là nhân chứng lịch sử phát triển của Kagoshima. Địa điểm tiếp theo và cũng là địa điểm cuối cùng trong lịch trình 10 ngày trải nghiệm của Sakura Science Program đó là núi lửa Sakurajima – một trong những biểu tượng đặc trưng cho vùng Kagoshima. Sakurajima là ngọn núi lửa bắc ngang qua vịnh từ Thành phố Kagoshima. Điều đặc biệt ở đây là Sakurajima được hình thành từ ba ngọn núi lửa khác nhau và là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất của Nhật Bản. Chúng tôi có thể thấy khói bốc ra từ miệng núi lửa từ xa.


Tham quan đền Kagoshima.


Chụp ảnh lưu niệm tại núi lửa Sakurajima.

Kết thúc trải nghiệm 10 ngày học tập và tham quan tại Nhật Bản là buổi lễ Closing Ceremony được tổ chức tại Trường Cao đẳng Công nghệ Kagoshima với sự có mặt của tất cả bạn sinh viên trong đoàn và các giảng viên đã giúp đỡ đoàn trong suốt chuyến đi.


Sinh viên khoa Điện trong buổi lễ bế mạc tại Trường Kagoshima

Chuyến đi đã đem lại những cung bậc cảm xúc khác nhau trong mỗi người. Đó là sự bất ngờ với việc ứng dụng sự tiên tiến của khoa học công nghệ trong đời sống nhằm giải quyết các vấn đề của xã hội, là sự ngưỡng mộ với thái độ làm việc và phong cách giáo dục của người Nhật, và cả sự tự hào khi được là một trong 10 sinh viên trong số rất nhiều sinh viên giỏi khác, đại diện của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và đại diện cho Khoa Điện được tham dự chương trình này. Chỉ trong 10 ngày ngắn ngủi, Nhật Bản đã để lại những trải nghiệm thú vị, những khoảnh khắc và kỷ niệm tuyệt vời mà chúng em sẽ khó có thể quên. Chúng em xin chân thành cảm ơn Sakura Exchange Program in Science, cảm ơn những người bạn Nhật Bản đáng mến- những người hướng dẫn, những người bạn đồng hành tuyệt vời trong suốt chuyến đi đã giúp cho đoàn sinh viên chúng em có được những trải nghiệm, những kí ức đẹp này. Chúng em cũng xin gửi lời cám ơn chân thành đến Thầy Cô lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã tạo ra môi trường học tập chất lượng, hợp tác quốc tế, tạo điều kiện cho chúng em được tham quan học hỏi, trải nghiệm trong môi trường quốc tế.

Ngô Thị Thanh Xuân - Lớp 15TĐHCLC
Phan Thị Tuyết - Lớp 15TDDH1