DHKT

ETE AutoRace 2018: Sinh viên được học hỏi và ứng dụng công nghệ mới từ trường Đại học Dong A (Hàn Quốc)

22/09/2018 20:24

Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng Lễ hội kỷ niệm 30 năm thành lập Ngành Điện tử - Viễn thông; Sáng ngày 21/09/2018, Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng kết hợp cùng Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Dong-A (Hàn Quốc) tổ chức Vòng chung kết cuộc thi ETE AutoRace 2018.


Toàn cảnh cuộc thi

Cuộc thi có sự tham dự của Giáo sư Kim Jong Wook và 4 sinh viên thuộc Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Dong-A (Hàn Quốc); Về phía trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng có sự hiện diện của PGS.TS Nguyễn Đình Lâm – Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế; PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn – Trưởng khoa Điện tử - Viễn thông cùng các Thầy, Cô là cán bộ giảng viên và hơn 100 sinh viên đến từ Khoa Điện tử - Viễn thông.


Giáo sư Kim Jong Wook - Trường Đại học Dong-A (Hàn Quốc) (bên trái) và PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn – Trưởng khoa Điện tử - Viễn thông (bên phải) đang trao đổi những nội dung liên quan đến cuộc thi

Phát biểu tại cuộc thi, PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn – Trưởng khoa Điện tử - Viễn thông nhấn mạnh: “Cuộc thi nhằm tạo ra sân chơi hấp dẫn, bổ ích, thúc đẩy đam mê học hỏi và  cập nhật, thực hành các công nghệ mới cho sinh viên của Khoa Điện tử - Viễn thông”. Thầy bày tỏ hy vọng rằng cuộc thi này sẽ ngày càng lan tỏa trong các trường Đại học ở thành phố Đà Nẵng và trở thành một hoạt động thường niên, thu hút sự tham gia nhiều hơn nữa của các bạn sinh viên đam mê công nghệ.


PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn – Trưởng khoa Điện tử - Viễn thông phát biểu

Để tham gia cuộc thi, ngoài kiến thức sẵn có liên quan đến hệ thống nhúng, xử lý ảnh, thị giác máy tính, học máy, SLAM, sử dụng ngôn ngữ lập trình C/C++, Python thì các bạn sinh viên còn được giảng viên 2 Trường tập huấn các kiến thức về Robot TurtleBot3, Nền tảng ROS, Cảm biến, Motor và camera, Kỹ thuật SLAM (Simultaneous Localization and Mapping), Kỹ thuật định hướng (Navigation), Xử lý ảnh (Digital Image Processing), Thị giác máy tính (Computer Vision) và Học máy (Machine Learning). Mỗi đội thi lọt vào Vòng chung kết được Trường Đại học Dong-A (Hàn Quốc) tài trợ 01 robot TurtleBot3 với trị giá khoảng 700$/robot.


PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn – Trưởng khoa Điện tử - Viễn thông trao quà lưu niệm cho sinh viên trường Đai học Dong –A (Hàn Quốc)


PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn – Trưởng khoa Điện tử - Viễn thông trao quà lưu niệm cho đại diện lãnh đạo Tập đoàn Scavi – Nhà tài trợ chính của cuộc thi

Anh Trần Trung Tín – Thành viên Ban tổ chức, hiện là nghiên cứu sinh trường Đại học Dong A (Hàn Quốc) cho biết, tham gia cuộc thi sẽ giúp các bạn sinh viên nắm được các công nghệ mới mà Hàn Quốc và thế giới đang sử dụng như: Xử lý ảnh vớ hệ thống điều khiển nhúng cho phép nhận dạng “line”, màu sắc của “line” và các vật thể, biển báo, đèn giao thông; Sử dụng ngôn ngữ lập trình python trên hệ điều hành Linux để lập trình điều khiển động cơ; công nghệ LIDAR giúp Robot đi trong hầm tối mà vẫn đi ra được khi không có camera….Anh cũng cho biết thêm, điểm hạn chế trong quá trình diễn ra cuộc thi là Công nghệ được sử dụng trong cuộc thi này rất mới nên sinh viên Việt Nam phải dành thời gian để làm quen và học hỏi công nghệ thông qua các buổi tập huấn. Tuy nhiên, do thời gian tập huấn hạn hẹp và qua hình thức online nên Ban tổ chức chỉ truyền đạt được những kiến thức cơ bản nhất, phần còn lại đòi hỏi sinh viên phải tự học và tự nghiên cứu.


Sinh viên đang điều khiển Robot chạy theo sa hình thi đấu

Trải qua các vòng sơ loại, vòng chung kết cuộc thi ETE AutoRace 2018 gồm có 4 đội thi (S2S, TTS, ETE Fighting, Frog) thuộc Khoa Điện tử - Viễn thông (DUT) và 1 đội thi trình diễn đến từ trường Đại học Dong-A (Hàn Quốc).

Ở vòng thi chung kết, Robot được đặt ở vị trí xuất phát và chạy theo làn đường được quy định trước, tại mỗi khu vực robot phải hoàn thành các nhiệm vụ được quy định trước. Thời gian thực hiện vòng đua được tính khi có tín hiệu bắt đầu. Tại mỗi khu vực, robot có 5 phút để hoàn thành nhiệm vụ. Nếu không, phần thi đấu kết thúc. Nếu robot không thể hoàn thành nhiệm vụ tại khu vực hoặc chạy ra khỏi làn đường thì đội thi có thể ra tín hiệu “Dừng” để chuẩn bị lại robot. Thời gian “Dừng” được tính vào thời gian thi đấu và quyết định hoàn thành nhiệm vụ tại từng khu vực được quyết định bởi trọng tài.

Description: C:\Users\Lenovo\Desktop\New Microsoft PowerPoint Presentation (3).jpg
Sa hình thi đấu

Kết quả chung cuộc, đội S2S giảnh giải Nhất, đội Frog đạt giải Nhì và đội TTS đạt giải ba. Đội trường Đại học Dong –A (hàn Quốc) được trao giải danh dự.

Một số hình ảnh trao giải Nhất, Nhì, Ba và hình ảnh lưu niệm:

Tin, bài: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN