DHKT

BKDN-TECHSHOW 2018: Bất ngờ với những sản phẩm IoT hữu dụng từ giảng đường

31/05/2018 10:03

Theo Phó GS. TS. Nguyễn Đình Lâm - Trưởng Phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, thành công lớn nhất của BKDN-TECHSHOW 2018 là những sản phẩm rất hữu dụng trên nền tảng IoT của các em sinh viên.


GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng, trải nghiêm với một sản phẩm Chatbot giao tiếp. Đây là sản phẩm "hội tụ" giữa IoT, điện - điện tử, công nghệ thông tin và do Nhóm các em sinh viên khoa Cơ khí tạo nên.

Có thể đến các sản phẩm: Mô hình ứng dụng IOT  hỗ trợ hệ thống đóng gói sản phẩm, Hệ thống tưới nhỏ giọt cho vùng trồng rau sạch tại Thôn Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng; Thiết kế Cổng Lora IoT để quản lý không gian tự học của khuôn viên đại học thông minh - Design an IoT Lora gateway for self-study space management system at smart campus; Hệ thống nuôi trùn quế tự động...

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm là cả quá trình chia sẻ, phối hợp nhịp nhàng để có được sự hội tụ và tích hợp đa ngành (như Cơ khí - Điện - Điện tử -  Viễn thông – Công nghệ thông tin), nâng cao tính khả thi, sẵn sàng ứng dụng cho thực tiễn.

Đam mê và trách nhiệm phụng sự xã hội

Trong khuôn khổ “Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học và Triển lãm công nghệ BKDN-TECHSHOW 2018” (hoạt động liên tục trong 2 ngày 25 và 26/5 tại khuôn viên Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng), sáng nay (26/5) đã diễn ra phiên báo cáo toàn thể các đề tài, ý tưởng tiêu biểu và tổng kết khen thưởng.

5 đề tài xuất sắc về tính khoa học và ứng dụng đã được tuyển chọn báo cáo gồm: Hệ thống nuôi trùn quế tự động; Mô hình vật liệu 3D trong môi trường CAD; Bê tông tự đầm mác cao; Thiết bị làm lạnh không khí kiểu bay hơi nước gián tiếp ứng dụng chu trình Maisotsenko và Hệ thống tìm kiếm âm nhạc theo nội dung.

Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học và Triển lãm công nghệ BKDN-TECHSHOW 2018 đã đón nhận 71 sản phẩm công nghệ và 139 Posters giới thiệu sản phẩm của các đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học, đăng ký tham gia triển lãm.

“Kết quả thu được từ hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học của Nhà trường đã thể hiện rõ nét, sinh động, trước hết là niềm đam mê của chính các em. Cứ qua mỗi năm, số lượng các em sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học thiên về hướng trẻ hơn, nghĩa là năm nhất, năm hai đã sẵn sàng vào cuộc. Chứ không đợi đến năm thứ ba hoặc năm cuối.

Tiếp đó là yếu tố thông minh, sáng tạo, đồng thời cũng cho thấy các em đã ý thức được trách nhiệm xã hội của mình: Đem khả năng và kiến thức phụng sự cộng đồng, phụng sự phát triển. Điều đó được cụ thể ở sản phẩm các em làm ra hay ý tưởng các em đang nghiên cứu, khám phá. Đồng hành cùng các em là sự tận tụy, tâm huyết hết mình của các Thầy Cô giáo hướng dẫn. Bởi chính hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên đã hỗ trợ rất đắc lực để hoàn thiện kiến thức và kỹ năng của sinh viên sau khi tốt nghiệp.” – Phó GS.TS Lê Thị Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng nhấn mạnh.

Hệ thống nuôi trùn quế tự động... - một sản phẩm khởi nghiệp và hỗ trợ khwori nghiệp cho hộ gia đình nông thôn được đánh giá cao, cũng là sản phẩm tiêu biểu cho ứng dụng IoT.

Qua các sản phẩm và đề tài tham dự Hội nghị Sinh viên nghiên cứu khoa học và Triển lãm công nghệ BKDN-TECHSHOW 2018, sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã  chia sẻ quan tâm của mình đên các vấn đề được đặt ra trong sản xuất, làm kinh tế hộ gia đình (Hệ thống nuôi trùn quế tự động; Máy in Gốm 3D; Bê tông tự đầm mác cao; Hệ thống chưng cất tinh dầu; Máy cắt vải định hình,...).

Các trí thức trẻ bạn cũng quan tâm nhiều đến mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố Môi trường”, phát triển bền vững, đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm, hệ thống cảnh báo ô nhiễm, bảo vệ môi trường, ứng dụng năng lượng mới,với nhiều đề tài nghiên cứu, sản phẩm phong phú (trong đó có cả bản đồ phân vùng đánh giá rủi ro thiên tai do hạn hán đối với Đà Nẵng).

Điều khiển cánh tay Robot bằng găng tay của các bạn sinh viên Khoa Khoa học công nghệ tiên tiến.

Phó GS. TS. Nguyễn Đình Lâm chia sẻ: Chúng tôi rất ngạc nhiên khi các em đưa ra các sản phẩm hay hướng nghiên cứu công nghệ cao, các sản phẩm kỹ thuật thông minh, các hệ thống thông minh áp dụng cho Nhà trường (như Mô hình vật liệu 3D trong môi trường CAD; Điều khiển cánh tay Robot bằng găng tay,...) hay nhóm đề tài có tính nhân văn cao: Máy đọc sách dành cho người khiếm thị.

Đáp ứng các tiêu chí về hàm lượng khoa học, tính độc đáo và tính mới, mức độ hoàn thiện và khả năng ứng dụng, các thiết bị, sản phẩm tham gia triển lãm đã được trao các giải thưởng Công nghệ với 1 Giải Nhất, 2 Giải Nhì và 3 Giải Ba, đó là: Máy in gốm 3D; Máy cắt vải định hình; Tai nghe dẫn âm qua xương - Bone Conduction Headphone, Giải pháp kiến trúc công trình kho thu mua tạm trữ muối tại làng muối Sa Huỳnh; Thực phẩm chức năng: Cà-phê mật nhân đóng lon và kẹo cứng mật nhân; Thiết bị chưng cất tinh dầu thiên nhiên.


Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng tìm hiểu sản phẩm Bê tông tự đầm mác cao. Theo  lãnh đạo Phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Bê tông tự đầm mác cao vừa ra đời đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm, bởi đặc tính mới của loại bê-tông này có nhiều điểm khá ưu việt.

Ngoài ra, các sản phẩm mới có ý tưởng độc đáo, có tiềm năng phát triển và ứng dụng đã được trao các giải Ý tưởng với 1 Giải Nhất, 2 Giải Nhì và 4 Giải Ba, đó là: Robot lễ tân; Thiết bị xử lý tín hiệu đàn ghi ta điện theo thời gian thực;  Hệ thống giám sát chất lượng không khí tại khu công nghiệp và trong đô thị; Xe điện cá nhân; Mô hình ứng dụng IOưT  hỗ trợ hệ thống đóng gói sản phẩm, Hệ thống tưới nhỏ giọt cho vùng trồng rau sạch tại Thôn Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng; Thiết kế Cổng Lora IoT để quản lý không gian tự học của khuôn viên đại học thông minh - Design an IoT Lora gateway for self-study space management system at smart campus.

Mô hình Đại học Thông minh đầu tiên tại Đà Nẵng

Trong tháng 4/2018, được sự hỗ trợ của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và Viện Đại học Côte d"Azur (Pháp), Nhà trường đã phối hợp cùng với Viện Công nghệ Quốc tế Đà Nẵng (DNIIT) triển khai “Chiến dịch nghiên cứu về Smart Campus (khu Đại học Thông minh)” tại trường Đại học Bách khoa.

Có 13 ý tưởng đã hình thành và sau đó 9 sản phẩm sau quá trình hoàn chỉnh đã tham gia vòng chung khảo Smart Campus.


Sản phẩm "Robot lễ tân"  ra đời từ hợp tác của Nhà trường và FPT.

Hướng đến mục tiêu Đại học điịnh hướng nghiên cứu và Ươm mầm khởi nghiệp

Phó GS. TS Lê Thị Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng khẳng định: Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực và các dịch vụ khoa học - công nghệ chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển bền vững của khu vực miền Trung – Tây nguyên và đất nước; theo định hướng sẽ phát triển thành “Đại học định hướng nghiên cứu vào năm 2020”.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên là một trong những điểm sáng thể hiện rõ quyết tâm nâng cao chất lượng và giữ vai trò quyết định trong thành thành công của kiểm định chất lượng Nhà trường ở quy mô quốc gia và quốc tế.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của cán bộ và sinh viên trong thời gian gần đây đã có những chuyển biến mạnh mẽ với nhiều nghiên cứu có giá trị khoa học cao được công bố trên nhiều tạp chí có uy tín trong và ngoài nước.

Các sản phẩm từ đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng, thực tiễn cao, đáp ứng các yêu cầu triển khai sản xuất, chuyển giao và khởi nghiệp.

Được biết, trong năm học 2017 – 2018, nhà trường đã triển khai 264 đề tài Sinh viên nghiên cứu khoa học với sự tham gia của 658 sinh viên. Tất cả các Khoa đều tổ chức Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu khoa học tại đơn vị (tổng cộng có 180 báo cáo tại 14 Tiểu ban chuyên môn) tạo nên chuỗi các hoạt động sôi nổi và rộng khắp.

Thông qua kết quả của các Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học của các đơn vị và đề xuất từ các Tiểu Ban chuyên môn, Trường Đại học Bách khoa khen thưởng 14 Giải Nhất, 14 Giải Nhì, 15 Giải Ba, và 58 báo cáo đề tài xuất sắc đã được tuyển chọn để đăng vào kỷ yếu hội nghị.

“Chúng tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để sinh viên nhà trường trình diễn các sản phẩm nghiên cứu của mình, chia sẻ các ý tưởng, kỹ năng, kinh nghiệm nghiên cứu. Với nội dung, hàm lượng khoa học, hình thức thể hiện của các sản phẩm công nghệ của sinh viên nhà trường không ngừng được cải thiện, điểm hội tụ chung là các sản phẩm của đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học đều nâng cao ý nghĩa cũng như giá trị” - Phó GS. TS. Nguyễn Đình Lâm nhìn nhận.

Phó GS. TS Lê Thị Kim Oanh: Các sản phẩm từ đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng, thực tiễn cao, đáp ứng các yêu cầu triển khai sản xuất, chuyển giao và khởi nghiệp.


Sản phẩm "Hệ thống quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường nước" cũng khai thác mạnh mẽ nền tảng IoT.

Điều đáng nói, với uy tín và kết quả đã đạt được, hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và hỗ trợ của các tổ chức và doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin.

Nhiều đề tài xuất phát từ thực tế sản xuất đã được thực hiện tại Công ty điện tử Foster, JFE, Shinko Technos hoặc nhận được sự hỗ trợ về kinh phí, linh kiện, thiết bị, vật tư nghiên cứu từ FPT, Texas Instrument, Daikin, Doosan Vina, Shell, Thaco,INSEE... Các doanh nghiệp vừa nêu cũng sẵn lòng gửi tặng giải thưởng cho các công trình đề tài nghiên cứu xuất sắc, sản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn cao.

Theo T.Ngọc - http://ictdanang.vn