DHKT

Lớp học không bụi phấn tràn ngập tình thương của Đội công tác xã hội Trường ĐH Bách khoa

14/05/2018 07:53

Việc duy trì lớp học tình thương dành cho những người khiếm thị là những nỗ lực đáng khâm phục mà các sinh viên của Đội công tác xã hội (CTXH) – Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) đang thực hiện.

Hơn 15 năm hoạt động, Đội CTXH đã tổ chức nhiều chương trình thường niên trong và ngoài TP.Đà Nẵng với mong muốn cống hiến sức trẻ cho xã hội. Lớp học đặc biệt này là hoạt động mang nhiều ý nghĩa nhân văn dành tặng cho những mảnh đời kém may mắn.

Lớp học ra đời từ tháng 9.2013, dưới sự dẫn dắt của Đinh Thị Thanh Ngân – cựu sinh viên trường Đại học Bách khoa (thuộc Đại học Đà Nẵng). Đối tượng tham gia lớp học chiếm đa số là những học sinh khiếm thị và một vài trường hợp trẻ bị tự kỷ, chậm tiến.

Dù rất bận với lịch học trên giảng đường và làm thêm giúp đỡ gia đình, nhưng các bạn sinh viên của đội vẫn duy trì lịch học diễn ra từ 19h đến 21h30 vào các tối thứ Hai, thứ Ba và thứ Năm hằng tuần tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Để tiện cho việc dạy học, đội đã phân chia các khu vực lớp học như sau: Các em cấp 1 học tại tầng trệt, tầng trên là nơi để dạy các em cấp 2, cấp 3.

Nhung-nguoi-thay-dac-biet-o-da-Nang-lop-1-1526001807-width919height613
Các bạn sinh viên vừa là thầy, vừa là người thân của các em khuyết tật. (Ảnh: Hoa Nhi)

Thông thường, buổi học của các em cấp 1 sẽ kết thúc sớm hơn một tiếng rưỡi so với các anh chị. Và trong khoảng thời gian ấy, các thành viên của đội sẽ trò chuyện, giao lưu và tổ chức một số hoạt động vui chơi. Sử dụng phương pháp dạy “một kèm một”, mỗi bạn sinh viên sẽ được phân công dạy một học sinh. Việc làm này sẽ giúp kiến thức được truyền đạt một cách nhanh chóng và có hiệu quả.

Gắn bó với lớp học nhiều năm, bạn Phạm Trần Nhật Tiến, sinh viên năm 3, khoa Công nghệ thông tin, Đội trưởng Đội CTXH chia sẻ: “Mặc dù rất bận rộn với lịch trình của đội và còn phải đi học, nhưng mỗi lần đặt chân vào nơi đây không hiểu tại sao mình cảm thấy vô cùng thoải mái. Có lẽ tiếng gọi “thầy ơi, cô ơi!” là điều gì đó vô cũng thiêng liêng và cao quý đối với những người chưa từng một lần đứng trên bục giảng như bọn mình”.

Giai đoạn ôn thi đại học là thời điểm khó khăn cho cả thầy và trò. Các bạn sinh viên ngoài việc dạy học còn phải đọc và ghi âm lại một số tài liệu ôn thi thông thường để hỗ trợ thêm cho các em. Chưa qua một trường lớp đào tạo về trẻ khuyết tật, nhưng cái cách mà những “người thầy” mang lại còn nhiều hơn những gì mà các em mong đợi.

Nhung-nguoi-thay-dac-biet-o-da-Nang-lop-1526001900-width1000height750
Lớp học không bụi phấn nhưng tràn đầy yêu thương ở Đà Nẵng. (Ảnh: Hoa Nhi)

“Cách dạy ấy không phải là nét chữ của bụi phấn, của hình ảnh người thầy trên bục giảng mà là cái ân cần của sự yêu thương. Nhìn những đôi tay mò mẫm một cách chậm rãi trên bảng chữ nổi đủ tạo ra những xúc cảm cho cả người học và người dạy”, bạn Hảo Nhi, sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ.

Đến với lớp học đặc biệt trên, đằng sau mỗi tiết học trên lớp, các bạn sinh viên biết thêm nhiều câu chuyện về gia đình, bạn bè hay cả những lo âu cho chặng đường tương lai phía trước qua những giãi bày ngây ngô của các em học sinh. Tại đây, dường như khoảng cách giữa thầy và trò không còn tồn tại mà thay vào đó là vô vàn yêu thương, gắn bó và đùm bọc như trong một gia đình.

Ngoài việc dạy học, tổ chức các buổi giao lưu, Đội CTXH còn tổ chức các hoạt động khác như quét dọn lớp học, vệ sinh, trang trí khuôn viên trung tâm…

Nhung-nguoi-thay-dac-biet-o-da-Nang-lop-2-1526001960-width746height612
Nhiều em khuyết tật vươn lên mạnh mẽ từ lớp học đặc biệt do các bạn sinh viên Đà Nẵng lập ra. (Ảnh: Hoa Nhi)

Thầy Nguyễn Thanh Hải – Phó Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Bách Khoa tự hào chia sẻ: “Đây vừa là hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm, vừa hỗ trợ kiến thức cho những em kém may mắn. Hoạt động mang một ý nghĩa nhân văn và tôi mong những hoạt động tương tự sẽ được nhân rộng hơn nữa”.

Lớp học không chính quy, nhưng thành tích các học sinh đặc biệt mang lại cũng khiến cho những “người thầy sinh viên” đủ tự hào. Năm học 2015-2016, em Mai Văn Hiền trúng tuyển Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Năm học 2016-2017 vừa qua, em Trần Văn Hoàng được tuyển thẳng vào Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.

“Thành tích học tập của các em học sinh trong lớp là món quà vô giá của các bạn gửi tặng cho những thầy cô giáo không chuyên như bọn em, tạo cho bọn em động lực để tiếp tục con đường mình đã chọn”, Phạm Trần Nhật Tiến chia sẻ.

Theo Dân Việt