DHKT

Mô hình thông minh BIM: Người học - người làm đều được công nghệ thông tin truyền cảm hứng

08/01/2018 15:09

Tăng tính minh bạch và bền vững công trình giao thông Việt Nam: Hãy sử dụng BIM vào thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý.

BIM đã được nhiều quốc gia áp dụng và được đánh giá sẽ là xu hướng công nghệ chủ đạo của ngành giao thông vận tải, xây dựng trong tương lai. Công nghệ thông tin và truyền thông là nền tảng cơ sở dữ liệu và kiến trúc của BIM. Với BIM, chúng ta chủ động hoàn toàn trong lên kế hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý các dự án tòa nhà, hạ tầng, thiết bị hay tài nguyên thiên nhiên. Ở đây có 2 yếu tố mà công trình, dự án cũng như dư luận xã hội đều quan tâm: Tính minh bạch và độ bền vững.


Công nghệ thông tin và Truyền thông là nền tảng quan trọng của quy trình BIM. Ảnh trên giới thiệu (một phần), công cụ phần mềm phục vụ kế hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý các các dự án. Hình ảnh trích từ slide báo cáo tại hội thảo.

Ngày 6/1/2018, lần đầu tiên, Khoa Xây Dựng Cầu Đường, Trường Đại học Bách Khoa- Đại học Đà Nẵng đã phối hợp cùng Cộng đồng BIM Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề “Ứng dụng công nghệ BIM trong quy hoạch, thiết kế hạ tầng kỹ thuật giao thông”.

Tham dự hội thảo, có Phó Chủ tịch Cộng đồng BIM Việt Nam, ông Từ Ngọc Hải; Chủ tịch Hội Tin học Xây dựng Việt Nam, ông Võ Thanh Tùng; đại diện Ban Giám hiệu, lãnh đạo và đông đảo giảng viên, sinh viên các khoa Xây dựng Cầu đường, Xây dựng Dân dụng, Công nghiệp, Quản lý dự án, Kiến trúc; các kỹ sư, các nhà khoa học và doanh nghiệp chuyên ngành.


Dù còn nhiều cản ngại, trong đó các vấn đề như phải hiểu biết và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin-truyền thông, lo ngại về lợi ích đầu tư,...quy trình BIM vẫn là xu hướng công nghệ chủ đạo của tương lai.


Hình ảnh trích từ slide báo cáo tại hội thảo của Chuyên gia BIM Từ Ngọc Hải.

Công nghệ thông tin và Truyền thông là nền tảng quan trọng của quy trình BIM

Theo chuyên gia BIM Từ Ngọc Hải, BIM (viết tắt của chữ Building Information Modeling), được định nghĩa là một quy trình dựa vào mô hình thông minh. Việc chuyển sang BIM có thể cải thiện cách chúng ta lên kế hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý các các dự án tòa nhà, hạ tầng, thiết bị hay tài nguyên thiên nhiên. Mô hình BIM liên quan đến toàn bộ các bên liên quan, chủ đầu tư, thiết kế, thi công, quản lý dự án, sản xuất (đồng nghĩa với làm rõ phần việc và trách nhiệm của mỗi bên từ đầu đến cuối).

Mô hình BIM có thể được xây dựng từ bất kỳ giai đoạn nào, tối ưu là từ giai đoạn đầu của dự án, sau đó chuyển qua thiết kế sơ bộ, thiết kế chi tiết, phân tích tính toán, xuất hồ sơ bản vẽ; tiếp theo chuyển giao đến các bên thi công, gia công vật liệu, vận hành bảo dưỡng, sữa chữa cải tạo hay phá hủy công trình (như vậy, bằng công nghệ thông tin, hoàn toàn có thể theo dõi, quản lý và kiểm soát công trình đến suốt đời).

Từ nhận định trên, Chủ tịch Hội Tin học Xây dựng Việt Nam, ông Võ Thanh Tùng phân tích thêm: Ứng dụng BIM trong xây dựng, thiết kế quy hoạch hạ tầng kỹ thuật có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Hội Tin học Xây dựng Việt Nam mong muốn sẽ có nhiều buổi hội thảo hơn về BIM được tổ chức tại Đà Nẵng.


Phó GS.TS.Lê Thị Kim Oanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa- Đại học Đà Nẵng: Việc ứng dụng công nghệ BIM vào công tác quản lý dự án công trình, sẽ như là "lập một hồ sơ theo dõi từ lúc sinh ra đến khi lớn lên, các trạng thái sức khỏe và bệnh án khi ốm đau" trong suốt vòng đời của công trình ấy.

Mô hình hóa thông tin thông minh là xu hướng công nghệ chủ đạo của tương lai

“Mô hình hóa thông tin công trình BIM là quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các khâu thiết kế, xây dựng và vận hành của công trình. BIM đã được nhiều quốc gia áp dụng và được đánh giá sẽ là xu hướng công nghệ chủ đạo của ngành giao thông vận tải, xây dựng trong tương lai.

Tại Việt Nam, với yêu cầu đến năm 2020, cả nước phải có hơn 2.000 km đường cao tốc đáp ứng cho phát triển kinh tế-xã hội, thì việc ứng dụng công nghệ BIM vào công tác quản lý dự án công trình, sẽ như là "lập một hồ sơ theo dõi từ lúc sinh ra đến khi lớn lên, các trạng thái sức khỏe và bệnh án khi ốm đau" trong suốt vòng đời của công trình ấy. Hồ sơ theo dõi xuyên suốt này giúp nâng cao quản lý chất lượng cũng như hiệu quả chi phí và rút ngắn thi công công trình.

Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đặc biệt quan tâm đến việc đưa hệ thống luận và bài học thực tiễn từ những công nghệ tiên tiến đến với sinh viên, giảng viên Nhà trường. Điều này vô cùng cần thiết bởi đáp ứng mục tiêu hướng đến một Đại học nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Ứng dụng công nghệ BIM trong quy hoạch, thiết kế hạ tầng kỹ thuật giao thông sẽ đi vào nội dung đào tạo, nghiên cứu của Đại học Bách Khoa-Đại học Đà Nẵng” – Phó GS.TS.Lê Thị Kim Oanh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh.


Nhiều chuyên gia có chung nhìn nhận: TP Đà Nẵng hãy là địa phương tiên phong trong ứng dụng Mô hình thông minh BIM. Bởi Đà Nẵng là địa phương có tốc độ phát triển hạ tầng kỹ thuật nhanh và đang hướng đến sự đồng bộ, cũng như quản lý - vận hành hạ tầng kỹ thuật này theo xu thế ngày một thông minh hơn. Điều này Đà Nẵng hoàn toàn có thể làm được và làm sớm vì Đà Nẵng còn có nền tảng sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin - truyền thông. Đến nay, Đà Nẵng đã có 9 năm liên tiếp giành ngôi vị đầu bảng trong xếp hạng ICT Index.

Với BIM và Công nghệ thông tin-Truyền thông, người học, người làm đều được truyền cảm hứng

TS Nguyễn Hồng Hải – Trưởng Khoa Xây dựng cầu đường – phân tích thêm: Việc đưa BIM vào giảng dạy tại trường đại học là hết sức cần thiết trong thời gian tới để giúp các bạn SV sau khi tốt nghiệp tiếp cận được với xu hướng thế giới. Các bạn sinh viên hiện đang học tập tại Khoa, Trường cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tìm hiểu công nghệ mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào các học phần. Điều này vừa tạo hứng khởi ngay khi còn học tập, còn khi ra trường thì đáp ứng được ngay nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình làm việc, các bạn cũng sẽ luôn tìm được những cảm hứng mới.

Ngay tại hội thảo, Trường Đại học Bách Khoa-Đại học Đà Nẵng, Khoa Xây Dựng Cầu Đường cùng Cty TNHH Cộng đồng BIM Vietnam đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác trong tổ chức các khóa học bồi dưỡng về ứng dụng BIM (ngành Giao thông); cũng như tổ chức các hội thảo chuyên sâu về ứng dụng công nghệ BIM (trong các chuyên ngành Xây dựng) trong thời gian tới. Đây chính là cơ hội để Nhà trường nói chung, các Khoa chuyên ngành mang công nghệ BIM đến với sinh viên và kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tại TP Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.

“Hoạt động đầu tiên sau lễ ký kết này là hai bên cùng xúc tiến tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nội dung theo chuyên đề về BIM theo khung chương trình đào tạo được phê duyệt theo quyết định số 1056/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng. Chúng tôi cho rằng những hoạt động này có ý nghĩa thiết thực trong đẩy mạnh việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo, trong tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo và học tập, đặc biệt là chuyển giao công nghệ lẫn nhau (doanh nghiệp – nhà trường – nhà trường – thực tiễn” - TS Nguyễn Hồng Hải – Trưởng Khoa Xây dựng cầu đường.


Chủ tịch Hội Tin học Xây dựng Việt Nam, ông Võ Thanh Tùng: Hội mong muốn sẽ có nhiều buổi hội thảo hơn về BIM được tổ chức tại Đà Nẵng.

Thanh Liêm – Hồng Nguyễn – ICT Đà Nẵng