DHKT

Dự án TFI đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng

29/09/2017 16:42

Hè 2017 là một mùa hè vô cùng ý nghĩa và đáng nhớ với 23 sinh viên đại diện Đại học Bách khoa Đà Nẵng (DUT) tham gia TFI-SCALE 2017. Sau 3 tuần tập huấn ở Singapore trong tháng 6, dự án đã tiếp tục với 2 tuần (03/09/2017 – 16/09/2017) tại Đà Nẵng, Việt Nam.

Hai tháng hè trôi qua cũng là khoảng thời gian màcác bạn sinh viên DUT và SP cùng nhau đếm từng ngày một cho đến “ngày ấy” – ngày mà một lần nữa, các bạn được gặp lại nhau, cùng tạo nên những kí ức đẹp trong câu chuyện của mỗi người.

“Kẻ chờ, người trông”

Chuyến bay của các bạn sinh viên Singapore Polytechnic (SP) theo dự kiến đã đáp cánh tại sân bay Quốc tế Đà Nẵng vào lúc 11h00 sáng. Hình ảnh các bạn sinh viên mang trên mình chiếc áo DUT đứng xếp hàng chờ đoàn SP đã thực sự thu hút và tạo sự tò mò cho những vị khách khác cùng có mặt tại sân bay. Để rồi, khi chỉ một bóng sinh viên SP đi ngang qua, khu vực đón khách của sân bay gần như náo nhiệt hẳn với những cái vẫy tay chào nhau và niềm vui của mỗi bạn khi nhìn thấy “buddy” của mình. Sự háo hức, chờ đợi trong vòng 2 tháng qua đã được đền đáp khi các bạn SP đã đáp cánh an toàn và gần như ai cũng đều rất mong chờ cho thời gian 2 tuần sắp đến.


Đón Đoàn Singapore Polytechnic tại sân bay Đà nẵng

Lễ khai mạc - “Đơn giản và ấm cúng”

Lễ khai mạc TFI Scale 2017 tại Việt Nam diễn ra tại Tầng 3, Trung tâm học liệu và Truyền thông, Đại học Bách khoa Đà Nẵng chỉtrong 30 phút, mang tính chất đơn giản, nhưng vẫn giữ được sự trang trọng, thể hiện tinh thần chào đón nồng nhiệt, ấm cúng từ phía Trường Đại học Bách khoa. Mở màn cho chương trình là tiết mục văn nghệ đến từ đoàn sinh viên DUT và sau đó là những bài chia sẻ từ đại diện 2 bên trường, cùng nhau hướng đến sự thành công của dự án cũng như quan hệ hợp tác bền vững và lâu dài.


Đoàn sinh viên và giảng viên hai Trường ĐHBK và Singapore Polytechnic

“Giải pháp sáng tạo hướng đến giải quyết vấn đề cộng đồng”

Trong dự án lần này, Chợ Hòa Khánh và Làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô là hai địa điểm được chọn để các bạn sinh viên khám phá những vấn đề mà cộng đồng người dân ở đây đang gặp phải và đưa ra những giải pháp dựa trên mô hình Tư duy Thiết kế - Design Thinking.

Với mô hình học tập trên, để đi đến những giải pháp sáng tạo, các bạn sinh viên phải trải qua một quá trình gồm nhiều bước liên kết chặt chẽ với nhau như tìm hiểu online về địa phương; tìm hiểu thực tế tại địa phương bằng việc ở lại với người dân trong 3 ngày 2 đêm; phỏng vấn để lấy dữ liệu; phân tích dữ liệu và thảo luận giải pháp. Nghe qua có vẻ đơn giản nhưng để tìm ra được nhu cầu thực sự của người dân và hướng đến giải pháp cộng đồng là điểu không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau, các bạn đã đưa ra những thông tin cực kì thú vị và giải pháp cũng độc đáo không kém.

Trong các sản phẩm demo các bạn đưa ra, một số nhận được các phản hồi tích cực của người dùng, một số thì chưa được may mắn lắm khi ít nhận được sự ưu ái của người dân. Tuy nhiên, người dân địa phương đều thực sự thấy vui và cảm kích khi có đoàn sinh viên về học tập và trải nghiệm cùng với người dân, cố gắng tìm ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của họ.

“Trải nghiệm lần đầu thú vị”

Ngay từ khi ở Singapore, các bạn SP đã được giới thiệu rất nhiều về những món ngon, những đồ uống đặc trưng của Việt Nam.

CaféMón đồ uống dẫn đầu danh sách. Ngay ngày đầu tiên đến Việt Nam, các bạn đã muốn trải nghiệm sự đặc biệt của hương vị café nổi tiếng thế giới. “Strong – mạnh” là từ mà đa số các bạn SP bình luận về café Việt Nam và một số bạn đã phải xin thêm sữa để đảm bảo là vẫn ngủ được vào buổi tối ở khách sạn. Để rồi, vài ngày sau, có bạn một ngày uống 5 ly café sữa vì quá … “thèm”.

Trứng vịt lộnVới các bạn SP, ăn một quả trứng vịt lộn là một quá trình bắt đầu từ thích thú, tò mò, đến việc dám thách thức bản thân, chầm chậm học cách ăn rồi từ từ thưởng thức và đánh giá. Điều thú vị hơn nữa, mỗi lần một bạn sinh viên SP “khám phá” một quả trứng vịt lộn thì bao nhiêu camera ở đó đều sẵn sàng để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ!

Vượt chướng ngại vật - Ở Việt Nam, việc đi qua bên kia đường với dòng xe hối hả là một trải nghiệm cực kỳ thú vị với các bạn SP. Vẫn như thông thường, camera các bạn luôn sẵn sàng để quay lại những thước phim thú vị về trải nghiệm của bản thân. Chắc chắn rằng,sau 2 tuần, các bạn sinh viên SP đã thực sự tự tin hơn về khả năng băng qua đường theo phong cách Việt Nam.

“Trao đổi văn hóa”

Trong 14 ngày ở Đà Nẵng, các bạn sinh viên Singapore được tạo điều kiện 3 ngày để có thể tìm hiểu hơn về Việt Nam, về Đà Nẵng. Có lẽ đây không chỉ là lần đầu tiên đối với các bạn sinh viên SP mà còn cả đối với các bạn sinh viên DUT khi được đến thăm quan Không gian Sáng chế thứ hai của Việt Nam đặt tại 41 Lê Duẩn vừa mới được khánh thành cách đây không lâu. Sự nhiệt tình của trình bày viên đã cung cấp cho các bạn sinh viên những hiểu biết chung về sự thành lập của Maker Space và những hoạt động nghiên cứu khoa học liên quan. Dễ dàng nhận ra định hướng cho nền giáo dục địa phương của Đà Nẵng, hướng đến việc ươm mầm và phát triển đam mê sáng tạo khoa học kĩ thuật của giới trẻ.

Ngoài ra, các bạn đã được đến thăm Bảo tàng Chăm. Với sự hướng dẫn của cô dẫn đoàn, các bạn đã có cái nhìn toàn cảnh và sâu sắc hơn về lịch sử, nguồn gốc của các hiện vật đang được trưng bày ở Bảo tàng Chăm. Tuy nhiên, một phần lớn khu vực của Bảo tàng Chăm đang trong quá trình tu sửa, không được phép đi vào nên các bạn không thể tìm hiểu nhiều hơn được.

Ngũ Hành Sơn &Phố cổ Hội An là 2 địa điểm giữ được nét tự nhiên,cổ kính, văn hóa độc đáo nhất ở khu vực Đà Nẵng. Đến với Ngũ Hành Sơn, với rất nhiều bậc thang cao ngất và ghồ ghề, các bạn sinh viên rất hứng thú với việc chinh phục từng nấc thang, đặt chân lên 2 đỉnh cao nhất, tận hưởng bầu không khí trong lành mát mẻ và không quên những bức hình kỉ niệm tại nơi đây.

Hành trình để đi được Phố cổ Hội An có lẽ là điều đáng được nhắc đến nhất vì vào trước ngày dự kiến diễn ra chuyến đi, khu vực Bắc Trung Bộ đón nhận một cơn bão cực lớn và Đà Nẵng nằm trong khu vực ảnh hưởng. Phải đến 12h giờ trưa hôm đó, quyết định đi Hội An mặc dù bão chưa vào mới được đưa ra và rất may rằng Hội An có thời tiết đẹp nên các bạn SP đã lưu lại rất nhiều kỷ niệm đẹp tại Phố cổ.

Day 14 (16/09/2017)

Lại một “ngày ấy”, ngày mà các bạn SP phải về nước. Sẽ không còn nữa những sáng sớm uống café cùng nhau, những ngày ở làng mở mắt ra là nhìn thấy nhau, là những câu nói đùa không đầu không đuôi nhưng khiến cả lũ cười nghiêng ngả. Mọi người đều phải trở lại với nhịp sống bình thường và có lẽ sẽ rất lâu sau đó mới có thể nhìn thấy những gương mặt thân quen ấy. Ở sân bay trong ngày ấy, vẫn hình ảnh vẫy tay, vẫn những nụ cười như ngày đầu tiên nhưng đó là những cái vẫy tay chào tạm biệt, những nụ cười với hi vọng sẽ gặp lại nhau trong tương lai. Lần này, hình ảnh có lẽ để lại nhiều ấn tượng nhất chính là từ 2 phía hải quan, cả 2 nhóm cùng nhau vẫy tay theo nhịp mặc dù không một tiếng hô, không một lời nói và cuộc gọi. Sau khi tất cả các bạn SP đi qua khỏi khu vực hải quan thì những cái vẫy tay mới dừng lại…. Chỉ cần đứng quan sát thôi, ắt hẳn mọi người đều có thể cảm nhận được tình cảm 2 bên dành cho nhau nhiều đến thế nào.

“We expected nothing much, we got everything” - Chúng tôi, 23 sinh viên Việt Nam và 23 sinh viên Singapore Polytechnic trước khi tham gia dự án đã từng không sự mong chờ nhiều ở dự án này ngoài những kiến thức sẽ học được nhưng thực sự, sau 5 tuần sinh hoạt và vui chơi với nhau, chúng tôi có được rất nhiều, có bạn bè, có những kỉ niệm không thể nào quên và một mùa hè vô cùng ý nghĩa.

Cuối cùng, tôi muốn gửi lời chào đến các bạn SP. Tạm biệt các bạn, chúng tôi đã cố gắng hết mình để hoàn thành lời hứa giúp các bạn có những trải nghiệm đặc biệt nhất tại một phần của miền Trung Việt Nam. Mặc dù mọi người đều đã về lại với cuộc sống quen thuộc đầy hối hả, nhưng những kỷ niệm về 5 tuần bên nhau sẽ luôn còn mãi. Chúng tôi luôn hi vọng rằng, chúng ta sẽ gặp lại nhau trong một ngày không xa và chúng ta sẽ có những trải nghiệm thật khác dành cho tuổi trẻ của mình. See you again!

Tin bài: Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng